Bệnh thận mạn: ngừa là thượng sách


Songmaivoianh

Active Member
744
51
28
Xu
0
ẫn nhập


Bệnh thận mạn là gì?
Bệnh thận mạn là bệnh do hư hại cấu trúc thận hoặc chức năng thận (Hình 1) từ ba tháng trở lên dẫn đến thận giảm dần khả năng thải chất độc và nước thừa ra ngoài.
Việt Nam có khoảng 1% người trưởng thành mắc, riêng độ tuổi trên 40 chiếm 3,1%, tính ra năm 2012 có một triệu người bị bệnh thận mạn và mười ngàn người cần chạy thận và thay thận.
Mức nguy hiểm?

  • Người bị bệnh thận mạn dần dà phải chạy thận hoặc thay thận.
  • Người bị bệnh thận mạn dễ chết vì bệnh tim gấp 2-3 lần người bình thường.
Bệnh biểu hiện ra sao?
Lúc đầu, bệnh thận không có biểu hiện gì, có khi đến 30 năm sau mới lộ rõ các biểu hiện như:

  • Tiểu ít dần.
  • Sưng chân.
  • Mệt mỏi, buồn ngủ, buồn nôn, nôn, khó ngủ…
Làm sao khẳng định đó là bệnh thận mạn?
Giai đoạn đầu bệnh thận mạn không có triệu chứng; vì vậy, chỉ có xét nghiệm máu và nước tiểu mới biết có bệnh thận mạn hay không và đây chính là cách khẳng định bệnh thận mạn.

  • Thử máu để đo độ lọc cầu thận, cho biết khả năng lọc máu của thận mỗi phút.
  • Thử nước tiểu để tìm protein (đạm) hoặc albumin (một loại protein). Bình thường, albumin quá to không qua được thận nhưng khi thận bị hư hại thì có thể có albumin trong nước tiểu.
Khi nào xét nghiệm?
Phát hiện bệnh thận mạn càng sớm để chữa sớm, giữ thậm chậm suy.
Nếu cóNhịp độ xét nghiệm
Đái tháo đường típ 1Bắt đầu 5 năm sau khi chẩn đoán đái tháo đường típ 1 và lặp lại hàng năm.
Đái tháo đường típ 2Xét nghiệm hàng năm.
Các yếu tố nguy cơ khác (bệnh tim mạch, tiền sử gia đình bệnh thận mạn)Nhịp độ tùy vào bệnh trạng và bác sỹ chỉ định.
Ai dễ bị bệnh thận mạn?

  • Tuổi: càng cao tuổi thì chức năng thận và khối lượng thận càng giảm.
  • Giới: nam.
  • Tăng huyết áp.
  • Đái tháo đường.
  • Béo phì.
  • Loạn mỡ máu.
  • Nhiễm trùng đường tiểu tái phát.
  • Cá nhân thường xuyên dùng thuốc kháng viêm-giảm đau.
  • Tiền sử gia đình: có cha, mẹ, anh, chị, em ruột bị tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn, thận đa nang.
Nguyên nhân bệnh thận mạn?
Thường gặp: (1) đái tháo đường: chiếm 35% và (2) tăng huyết áp: chiếm 30%.
Nguyên nhân khác: viêm cầu thận (8%), viêm đài-bể thận, thận đa nang, bệnh mạch máu thận, dùng dài ngày thuốc hại thận như thuốc kháng sinh, kháng viêm-giảm đau.
Cách thức chữa trị?
Mục tiêu chữa bệnh thận mạn là ngăn cản hoặc làm chậm lại quá trình thận suy.
Bệnh thận mạn thường do bệnh khác gây ra; vì vậy, chữa trị bệnh thận mạn chính là chữa bệnh gốc và các rối loạn do suy thận mạn gây ra.
Khi nào thì đi khám?
Gọi cấp cứu ngay khi:

  • Mạch bất thường: nhỏ hơn 50 hoặc lớn hơn 120 nhịp/phút.
  • Khó thở; đau ngực trái.
  • Yếu cơ đột ngột.
Đến bác sỹ khám khi:

  • Mệt mỏi.
  • Chán ăn.
  • Khó ngủ.
  • Sưng chân.
  • Đau bụng hoặc có nhiễm trùng khi phải chạy thận.
Ngừa bệnh thận mạn như thế nào?
Lối sống lành mạnh

  • Bỏ hoặc không hút thuốc lá.
  • Ăn thanh tịnh: ăn lạt (tổng lượng muối ăn vào mỗi ngày ít hơn 6 g), ăn nhiều rau, trái cây, ăn nhiều cá, ăn ít mỡ động vật.
  • Uống cà phê vừa phải: dưới 5 tách mỗi ngày.
  • Uống rượu bia ít và điều độ đối với người có uống rượu (nam uống từ 14 cữ trở xuống mỗi tuần; nữ uống từ 9 cữ trở xuống mỗi tuần; một cữ tương đương 1 lon bia 333 hoặc 1/4 xị rượu gạo).
  • Giữ cân nặng chuẩn (chỉ số khối cơ thể nằm trong khoảng 18,5 đến 24,9, tính bằng cách lấy cân nặng tính bằng kilogam chia cho bình phương chiều cao tính bằng mét).
  • Rèn luyện thể lực mức độ trung bình: mỗi ngày 30-45 phút với các hình thức như đi bộ nhanh (7 km/giờ), đi xe đạp nhanh, chạy chậm, chơi bóng bàn, bơi.
Phát hiện sớm bệnh thận mạn và chữa tối ưu các bệnh vốn gây ra bệnh thận mạn cũng như biến chứng bệnh thận mạn.

  • Tăng huyết áp: giữ huyết áp dưới 130/80 mm Hg.
  • Đái tháo đường: giữ đường máu lúc đói (sau ăn 8 giờ) từ 90-130 mg/dL và đường máu sau ăn 2 giờ dưới 180 mg/dL.
  • Loạn mỡ máu: giữ các chỉ số mỡ máu mức tối ưu.
  • Đi khám ngay khi bị bệnh thận mạn mà có các bất thường như nhiễm trùng, tiểu đục, tiểu máu, tiểu khó.
Tuân thủ y lệnh, hợp tác thật tốt với bác sỹ để kiểm soát tốt bệnh thận mạn và các bệnh vốn có vì quá trình chữa trị là liên tục, lâu dài và chi tiết tùy mức độ bệnh trạng.


Chữa trị bệnh thận mạn
Phát hiện và chữa sớm bệnh thận mạn thì được gì?
Giảm tiến triển bệnh thận mạn và nguy cơ bệnh tim mạch 50% đồng thời cải thiện chất lượng sống.
Ăn uống trong bệnh thận mạn thế nào?
Mục tiêu điều chỉnh ăn uống là giữ dinh dưỡng tốt, giảm suy thận và chữa biến chứng. Khi đã suy thận mạn thì giảm uống nước, giảm ăn đồ có nhiều kali và phốt phát và giảm ăn đạm.
Chạy thận là gì?
Khi thận suy, không thải chất độc và nước thừa ra cơ thể được thì dùng máy để đảm trách nhiệm vụ này mà dân chúng gọi là “chạy thận”. Chạy thận có thể lâu dài hoặc tạm thời để chờ thay thận. Tuy nhiên, sau chạy thận 5 năm thì chỉ 34,5% người bệnh còn sống.
Người chạy thận có sống lâu được không?
Khi đã chạy thận thì tuổi thọ giảm rõ rệt. Người 60 tuổi mà khỏe mạnh thì hy vọng sống thêm 20 năm nữa còn người cũng tuổi này mà chạy thận thì chỉ sống thêm 4 năm nữa.Người từ 65 tuổi trở lên mà bị bệnh thận giai đoạn cuối thì sẽ dễ chết gấp 6 lần so với người khỏe mạnh cùng tuổi. Người chạy thận chết do bệnh tim mạch cao gấp 10-20 lần người bình thường.
Thay thận là gì?
“Thay thận”, y học gọi là ghép thận, là thay thận suy bằng thận lành nhằm bảo đảm chức năng thải chất độc và nước thừa ra cơ thể. Ưu điểm là người được thay thận sống lâu hơn chạy thận, 81% còn sống sau 5 năm nhưng nhược điểm là hiếm có thận thay, tốn kém và thuốc dùng sau thay thận phức tạp cũng như đắt đỏ.
Nơi chữa
Tôi đến đâu để khám mới biết mình có bị bệnh thận mạn hay không?
Chỉ cần đến bác sỹ đa khoa ở bất cứ cơ sở khám bệnh nào là đủ để biết tình trạng thận của mình. Khi ấy, ngoài khám bệnh và hỏi tiền sử cá nhân và gia đình, bác sỹ sẽ cho thử máu và nước tiểu nhằm tìm bằng chứng bệnh thận mạn đồng thời bác sỹ sẽ tư vấn lối sống và cách chữa, theo dõi phù hợp.
Khi bị bệnh thận mạn thì chữa ở đâu?
Tùy mức độ bệnh mà nơi chữa tương ứng.
  • Đối với bệnh thận mạn giai đoạn 3-4 thì bác sỹ nội khoa gần nhà chữa là được.
  • Đối với suy thận (bệnh thận mạn giai đoạn 5, giai đoạn cuối) cần chạy thận, thay thận thì chữa tại các bệnh viện có chuyên khoa lọc thận và thay thận. Tuy nhiên, ngoài đi khám định kỳ theo hẹn thì khi có trục trặc sức khỏe thì đến bác sỹ nội khoa gần nhà là được.

ThS Đào Duy An
Trưởng Phòng khám Sông Trà,
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl