Kết quả nghiên cứu về sinh học cây Sâm Ngọc Linh


hacobi1102

Well-Known Member
1,217
26
48
Xu
120
Đặt vấn đề :
Cây Sâm Việt Nam (SVN) còn được gọi là Sâm đốt trúc , Cây thuốc giấu, Củ ngãi rợm con, Sâm khu 5, Sâm cung, Sâm ngọc linh là một cây thuốc thuộc chi Panax L. họ Nhân sâm ( Araliaceae ). Trên thế giới, chi Panax ( chi Sâm) hiện có khõang 11 lòai : 9 lòai ở châu Á và 2 lòai ở Bắc Mỹ.




Ở Việt Nam, ghi nhận có sự hiện diện của 4 lòai thuộc chi sâm: Panax pseudoginseng Wall., Panax bipinnatifidus Seem., Panax stipuleanatus H. T. Tsai et K. M. Feng và Panax vietnamensis Ha et Grushv. Đây là lòai thứ 11 được phát hiện trong vòng 30 năm gần đây- là lòai mới đối với khoa học và là lòai đặc hữu trong hệ thực vật Việt Nam.
Những nghiên cứu về các đặc điễm sinh học, thành phần hóa học, tác dụng dược lý , lâm sàng… (1978 – 2002) cho thấy đây là lòai Sâm quí hiếm cần được tiếp tục bảo vệ , nghiên cứu đồng thời với việc đẩy mạnh đầu tư phát triển trồng trọt trên mô lớn để tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc.


Quá trình điều tra phát hiện, nghiên cứu giám định tên khoa học cây Sâm Việt nam:


1970: Trong quyển Cây Cỏ Miền Nam, Phạm Hòang Hộ mô tả một lòai Panax mọc ở đỉnh Langbian sau đó được gọi là Sâm Nhật Panax schinseng Nees var. japonicum Mak., hiện nay mẫu lưu trữ này không còn.
1973: Đòan điều tra dược liệu miền trung trung bộ (Đào Kim Long, Nguyễn Châu Giang….) phát hiện một lòai Panax mọc thành quần thể tại vùng Ngọc Lây tỉnh Kon Tum được gọi là Sâm đốt trúc (Panax articulatus ?).
1977: Đòan điều tra phối hợp đơn vị nghiên cứu chuyên đề Sâm khu 5 và Bộ môn Thực vật Đại học tổng hợp TP. HCM khảo sát cây sâm và thực vật chúng vùng sâm tại xả Măng Xăng huyện Đắc Tô tỉnh Gialai-Kontum.
1978-1979: Đơn vị nghiên cứu chuyên đề Sâm Khu 5- Bộ Y-Tế nghiên cứu về thực vật học, sinh học -sinh thái cây Sâm K5. Tiến hành điều tra phát hiện, điều tra trữ lượng khoanh vùng bảo vệ cây Sâm tại 2 tỉnh Gia lai – KonTum và Quảng Nam-Đà Nẳng.
1979: Nguyễn Bá Họat, thông báo những dẫn liệu về cây Sâm K5 và khả năng đây là một lòai mới.
1985 : Hà Thị Dụng (Viện Sinh vật học HN), I. V. Grushvitzky (Viện Thực Vật Komarov) công bố tên lòai mới dựa trên mẫu chuẩn của Trung Tâm Sâm VN.


Những đặc điễm sinh học của cây Sâm Việt nam:


3.1. Mô tả tóm tắt hình thái:


Cây thảo sống nhiều năm có thể cao đến1m1, có thân rễ rất phát triển . Thân rễ nạc đường kính 2-3cm (3,5cm), không có rễ phụ dày dự trữ, đôi khi cuối thân rễ có rễ cũ to hình cầu, hình con quay đường kính đến 5cm. Trên thân rễ mang nhiều vết sẹo tròn, dấu vết thân khí sinh của các mùa sinh trưởng để lại. Thân khí sinh nhẳn cao 40-60 cm. Lá kép hình chân vịt mọc vòng , thường có 3-4 lá kép (ít khi 5, 6 ); mỗi lá chét thường có 5 lá chét. Lá chét có hình trứng ngược hay hình mủi mác, mép lá có răng cưa, có lông cứng ở cả 2 mặt (3mm). Cụm hoa : thường là tán đơn dài 15-25 cm ( dài gâp 1,5 – 2 lần chiều dài cuống lá kép). Tán hoa có đường kính 2,5 – 4 cm có thể mang từ 50- 120 hoa. Cuống hoa dài 1 – 1,5 cm. Hoa màu vàng lục nhạt, đường kính khi hoa nở 3 – 4mm, gồm 5 lá đài hợp thành hình chuông trên chia thành 5 răng nhỏ hình tam giác cao 1-1,5mm, 5 cánh hoa màu lục nhạt; chỉ nhị trắng, mãnh dài 1,5 – 2mm. Bao phấn xoan, đính lưng. Đế hoa hơi lồi. Bầu 1 ô, 1 vòi (85%) đôi khi 2 ô, 2 vòi ; vòi cao 1 – 1,5mm.
Quả mọng khi chín có màu đỏ tươi, thường có chấm đen không đều ở đỉnh quả, quả 1 hạt có hình thận (85%), quả 2 hạt có hình cầu dẹt dài 8 – 12mm, rộng 6- 8 mm. Hạt có màu trắng hay vàng nhạt dài 6-8mm rộng 5-6mm dày 2mm, bề mặt hạt ráp, có nhiều chổ lồi lõm.


Sự phân bố của cây Sâm Việt Nam :


Các lòai của chi Panax L. tìm thấy ở phía bắc bán cầu từ trung tâm dãy Himalaya đến Bắc Mỹ qua Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản . Việc phát hiện ra một lòai mới của chi này ở vùng cao nguyên Việt Nam có ý nghĩa lớn về mặt phân bố địa lý : lần đầu tiên biên giới của chi sâm được tìm thấy rất xa về phía nam ở 15o vỉ độ nam và 108o kinh độ đông thuộc về khí hậu nhiệt đới cây mọc tập trung thành quần thể.


Cây Sâm Việt nam hoang dại trước đây được phát hiện tại 2 tỉnh Gia Lai-Kon Tum và Quảng Nam- Đà Nẳng quanh vùng núi Ngọc Linhø nhưng cây mọc tập trung và có trữ lượng cao ở GLKT với những mẫu thân rễ dài đến 90cm cân nặng 700g và có 72 vết sẹo thân. Cây mọc ở độ cao từ 1500m trở lên tập trung ở độ cao 1700- 2000m dưới tán rừng hổn giao giữa cây lá rộng và cây lá kim. Cây thường mọc ven hai bên bờ suối hoặc các vùng có độ ẩm 70-80% và tỉ lệ mùn hữu cơ trong đất rất cao.


Chu kỳ sinh trưởng của cây Sâm hoang dại:
Chu kỳ sinh trưởng của cây Sâm không giống nhau trên tòan vùng có cây Sâm mọc do điều kiện thời tiết và địa hình khác nhau trong khu vực. Tuy nhiên, có thể xác định chu kỳ sinh trưởng hàng năm của cây Sâm như sau:
Từ tháng 10 đến tháng 12: thân khí sinh của năm trước bắt đầu tàn lụi, chồi mầm các bộ phận trên mặt đất hình thành.
Từ tháng 1 đến tháng 3: xuất hiện và phát triển thân khí sinh và tán hoa.
Từ tháng 4 đến tháng 6: cây ra hoa và kết quả.
Từ tháng 7 đến tháng 9 : thời kỳ quả chín rộ.


3.3.1. Sự sinh trưởng các bộ phận trên mặt đất của cây Sâm:
Thân khí sinh: thường vàng úa và lụi đi hàng năm để lại một vết sẹo trên thân rễ. Thân khí sinh có thể còn tồn tại nhưng thường không quá 3 thân và các thân này không còn khả năng hình thành tán hoa mới. Mỗi thân khí sinh mang tối đa 6- 7 lá kép.
Lá: cây sâm nảy mầm từ hạt trong năm đầu tiên chỉ có 1 lá kép mang 5 lá chét, sang năm thứ hai và thứ 3 số lá kép có thể tăng dần lên 2-3 và 4-5 lá kép trong các năm thứ 4 thứ 5. Thường cây chỉ có 3-4 lá kép ít khi 5 hay 6-7 lá kép.
Hoa tự: Hầu hết tán hoa chi xuất hiện trên những cây có tối thiểu 3 lá kép. Tán hoa hình thành trong chồi nghĩ và phát triển đồng thời với tha6h khí sinh và tán lá kép. Đặc tính này tương tự với cây sâm Triều tiên nhưng hòan tòan khác với khác với sinh lý ra hoa cây Tam thất là tán hoa chỉ hình thành sau khi tán lá đã phát triển.
Hoa thường nở vào buổi sáng từ 9- 11 giờ (nhiệt độ 18-20oC, dộ ẩm 85-90%), hoa nở từ ngòai vào trung tâm của tán. Mùa hoa thay đổi tùy theo vùng nhưng nhưng thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 6.
Quả: Phần lớn quả tập trung ở phần trung tâm của tán. Sau 2 tháng quả chuyễn từ màu xanh sang vàng lục rồi đỏ cam với chấm đen xuất hiện ở đỉnh quả. Phần lớn quả chứa 1 hạt, số quả có 2 hạt có tỉ lệ thấp .Quả có chứa 3 hạt hay hơn đến nay chưa tìm thấy. Số liệu ghi nhận trễn 4.910 quả cho thấy :
- Quả chứa 1 hạt: 85,3%
- Quả chứa 2 hạt 14,7%
- Quả có chấm đen 98,8%
- Quả không có chấm đen 1,2%
Trọng lượng trung bình 1 quả là 275mg (ghi nhận trên quả). Số quả chín tối đa trên 1 tán có thể đến 40 nhưng thường số hạt thu được đáp ứng yêu cầu gieo trồng chỉ từ 10- 15 hạt. Quả chín rải rác trong tháng 5- tháng 6, chín rộ và tháng 8 và giãm dần vào các tháng cuối năm.


3.3.2. Sự sinh trưởng các bộ phận dưới mặt đất của cây Sâm:
Các bộ phận dưới mặt đất của cây sâm hoang dại chủ yếu là thân rễ. Thân rễ phát triển theo chiều ngang dưới lớp mùn hoặc nằm lộ một phần trên mặt đất. Thân rễ mang nhiều vết sẹo – dấu vết các thân khí sinh đã tàn lụi để lại Thân rễ gồm nhiều đốt, mỗi đốt có thể nẩy mầm cho ra một cây sâm con với 1 lá kép. Đối với đọan thân rễ mang chồi có thể cho ngay một thân mang 3 lá kép và tán hoa và sau một năm gieo trồng người ta có thể thu hoạch hạt từ cây này. Khả năng tái sinh từ thân rễ của cây Sâm rất mạnh do đó nên tận dụng ưu thế này trong việc nhân giống để thu hoạch hạt.


3.4. Sơ bộ nghiên cứu thành phần thực vật vùng sâm thiên nhiên và ảnh hưởng của nó đối với cây sâm hoang dại:


Trong vùng Sâm mọc hoang (1700m – 1900m) và hiện nay được dùng để trồng sâm thành phần thực vật hầu như vẫn còn nguyên vẹn, với những cây gỗ lớn, trong khi đó ở độ cao thấp hơn rừng già chỉ còn giử lại thành các hành lang dọc theo suối. Thành phần thực vật vùng Sâm có thể tóm tắt như sau:


3.4.1. Sinh tầng đại mộc: gồm những cây thân gỗ cao 20-40m thuộc 22 họ trong đó các cây họ Sồi Dẻ chiếm ưu thế bởi số lòai và số cá thể. Phần lớn các lòai này là thành phần quan trọng tạo nên tán rừng. Có trên 16 lòai thuộc chi Lithocarpus, Castanopsis và Quercus. Rải rác trong số các lòai này một số cây hạt trần được tìm thấy như Pinus khasiana, Cephalotaxus drupaceus, Podocarpus neriifolius.
3.4.2. Sinh tầng trung mộc và cây bụi: Ghi nhận được 20 họ , đặc biệt trong sinh tầng này có khõang 20 lòai thuộc 8 chi của họ Araliaceae: Aralia, Schefflera, Macropanax, Dendropanax, Brassaiopsis, Trevesia, Pentapanax, Scheffleropsis.
Dương xỉ cũng là thành phần chiếm ưu thế của sinh tầng cây bụi gồm các lòai dương xỉ đại mộc Cibotium, Cyathea…Các lòai tre trúc cũng rất phong phú.
3.4.2. Sinh tầng cỏ: ghi nhận được các lòai thuộc 29 họ thực vật.Thành phần thực vật trên mặt đất rất phong phú: cây SâmVN là thành phần quan trọng trong sinh tầng này. Bên cạnh các lòai dương xỉ , nhiều họ có mật độ cao các cây là Acanthaceae, Apiaceae, Melastomaceae, Begoniaceae,Urticaceae, Rubiaceae, Polygonaceae, Lobeliaceae, Amaryllidaceae, Zingiberaceae, Poaceae, Salaginellaceae. Nhiều lòai trong các họ trên là những cây thuốc. Một số dây leo và thân bò cũng được tìm thấy. Do độ ẩm cao, thực vật phụ sinh, địa y, nấm rất phát triển.
Trong họ Acanthaceae lòai Chàm Ô rô Strobilanthes penstemoides có thể xem là một trong các cây chỉ thị của cây sâm.


3.5. Những nghiên cứu gần đây về chi Panax L. và cây Sâm VN.
3.5.1. Dựa trên sự biến đổi về hình thái và quan hệ di truyền Jun Wen đề nghị một sơ đồ phân lọai chi Panax L.
Subgenus Panax
Section Panax
Series Panax
Panax bipinnatifidus, P. ginseng, P. P. japonicus, Panax quinquefolius, P. vietnamensis,
Panax wangianus, P. zingiberensis
Series Notoginseng
Panax notoginseng
Series Pseudoginseng
Panax pseudoginseng & P. stipuleanatus
Subgenus Trifolius
Panax trifolius
3.4.2. Nghiên cứu phân tích yếu tố di truyền của Sâm VN và các lòai Sâm khác :
Katsuko, Komatsu, Shu Zhu…Shighetoshi Kadota đã tiến hành phân tích dựa trên chuổi gen 18S rRNA matK gen của P. vietnamesis so sánh với 5 lòai Panax liên quan ( P. japonicus var. major, P. pseudoginseng subsp. Himalaicus, P. ginseng, P. japonicus và P. quinmquefolius) đi đến kết luận:
- Chuỗi gen 18S rRNA của Panax vietnamensis có chiều dài 1809 bps và nó giống hệt với P. quinquefolius trong khi ở P. japonicus var. major và P. pseudoginseng subsp. himalaicus có 1 baz bị thay thế.
- Chuổi gen matK của tất cả 6 lòai khảo sát có chiều dài 1059 bps. Chuổi gen của P. vietnamensis khác với 5 lòai khảo sát ở những vị trí nucleotid 4,5,9,9 và 10 rất rõ rệt.
- Cây di truyền hình thái được thiết lập kết hợp gen 18S rRNA cho thấy P. vietnamensis có sự đối xứng với các lòai khác và có quan hệ gần gũi với P. japonicus var. major và P. pseudoginseng subsp. himalaicus.


4.Vấn đề trồng trọt cây Sâm VN.


Sâm Triều Tiên và Sâm Mỹ được trồng rất lâu ở Triều Tiên, Trung Quốc và Bắc Mỹ trên qui mô lớn và Sâm là một dược liệu quí mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các quốc gia này.
Cây Sâm Việt nam là một lòai mới phát hiện và chỉ được gieo trồng thữ nghiệm giữ giống từ năm 1978 (GiaLai-Kontum) và năm 1979 (Quảng Nam- Đà Nẳng) do Đơn vị Nghiên cứu chuyên đề Sâm K5 phối hợp với địa phương thực hiện.


4.1.Trồng Sâm tại Măng Xăng-Đắc Tô- Kon Tum.
4.1.1 Nghiên cứu gieo trồng tại chỗ gần vùng Sâm mọc tự nhiên (1700-1900m và đưa cây trồng xuống vùng di thực (1100m):
Kỹ thuật trồng mầm (thân rễ ) để thu hạt giống.
Gieo ươm từ hạt để thu cây giống.
Thử nghiệm các cách trồng: trồng trên luống có giàn che, trồng trên luống dưới tán rừng, trồng trong giỏ tre.
4.1.2. Trên cơ sở những số liệu ban đầu thu thập được Trung tâm Sâm đã xây dựng qui trình tạm thời gieo trồng cây Sâm VN từ năm 1983.


4.2.Trồng Sâm tại xả Trà Linh- Trà My- Quảng Nam.
Năm 1979, qua kết quả điều tra phát hiện và đánh giá trữ lượng cho thấy sâm VN mọc tập trung tại 2 xả Trà Linh và Trà Cang huyện Trà My có trữ lượng không đáng kể. Một số khu vực có Sâm mọc hoang và vườn trồng thuộc sở hữu của đồng bào dân tộc địa phương.
Trại Dược Liệu Trà Linh gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì tổ chức, bảo vệ, giữ giống và phát triển trồng cây Sâm này.
4.2.1. Kết quả trồng Sâm tại vùng có độ cao 1.900- 2000m dưới tán rừng tự nhiên có độ che phủ khá tốt. Số liệu thu được đến cuối năm 1999:
- Cây trồng 1 năm tuổi : 75.000 cây
- Cây trồng 2 năm tuổi 83.000 cây
- Cây trồng 3-4 năm tuổi 40.000 cây (20-30% cây có hoa)
- Cây trồng 5-6-7 năm tuổi 22.575 cây (60% cây có hoa)


4.2.1 Kết quả khảo sát sự tăng trưởng của Sâm trồng qua các năm tuổi:


Bảng 1: Sự tăng trưởng của các SVN trồng ( số liệu trung bình)
MẫuChiều cao thân (cm)Chiều dài cuống lá kép (cm)Đường kính tán lá (cm)Số lá képHoa (%)Trọng lượng rễ củ (g)
S14,693,876,631,01-0,52
S29,013,858,121,813,152,86
S310,194,438,562,6436,256,01
S424,36,326,54,56049,26
S520,37,627,14,110060,06
S619,65,318,848071,88


Nhận xét: Kết quả khảo sát cho thấy sự tăng trưởng sinh khối các bộ phận trên mặt đất và dưới mặt đất của cây trồng từ năm thứ 1 đến năm thứ 6, đặc biệt có sự tăng trưởng mạnh từ năm thứ 3 đến năm thứ 4. Tuy nhiên, sinh khối phần trên mặt đất giảm đáng kể vào năm thứ 6 nguyên nhân có thể do vùng trồng cây năm thứ 6 tán rừng già không còn nguyên vẹn nên độ chiếu sáng tăng mạnh làm cho cây có lá vàng và xoăn lại đồng thời phần thân rễ-rễ củ bị mưa làm xóay mòn đất thường nằm trồi trên mặt đất.


5.Kết luận:
- Cây Sâm Việt Nam với những nghiên cứu về sinh học - sinh thái cho thấy đây là một lòai độc lập, lòai mới đối với khoa học được phát hiện gần đây nhất của chi Panax L. và là lòai đặc hữu trong hệ thực vật Việt Nam.
- Sâm Việt Nam có khu phân bố hẹp, gián đọan tập trung ở vùng núi cao của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, lòai của chi Panax L. có phân bố địa lý ở xa nhất về phía nam.
- Trữ lượng cây mọc hoang giảm mạnh trong vòng 20 năm qua dẫn đến cây có nguy cơ bị tuyệt chủng do giá trị khoa học được thừa nhận và giá trị kinh tế tăng cao, việc bảo vệ và khai thác không có kế họach cùng với môi trường sống thích hợp cho cây sâm bị thu hẹp dần.
- Dự án bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc quí này do Viện Dược Liệu chủ trì thực hiện tại tỉnh Quảng Nam từ năm 1999 và phát triển trồng tạo nguồn nguyên liệu đang được phục hồi và đẩy mạnh tại Quảng nam và Kon Tum. Tuy nhiên, việc trồng Sâm tại địa phương từ trước đến nay chủ yếu chỉ dưới tán rừng tự nhiên có quản lý và chăm sóc nhưng chưa có tác động nhiều và xây dựng được qui trình kỹ thuật trồng nên kết quả còn chậm và không ổn định.




TÀI LIỆU THAM KHẢO


Đào Kim Long , 1973. Về một lòai cây thuốc quí ở núi T. Tài liệu đánh máy 6 tr.
Phạm Hải,Vũ văn Chuyên , 1979: Về một lòai Panax mọc ở Việt nam. Tập san Dược học 4: 9 – 11.
Phạm Hòang Hộ, 1972. Cây cỏ miền Nam Việt nam. Bộ Giáo Dục Sài gòn. Q. I, tr. 989, fig. 2492.
Phạm Hòang Hộ. 1979. Định tên lòai Sâm K5. Tài liệu đánh máy 2 tr.
De P. V., Grushv. I. V., Skvortsova N. T. 1988. Anatomomorphological leaf characters in the Panax vietnamensis (Araliaceae). Bot. Jour. 73( 5): 682 – 685.
De P. V., Grushv. I. V., Skvortsova N. T. 1987. Abnormal inflorescences of Panax
Dung H.T. and Grushvitzky I.V. 1985. A new species of the genus Panax L. , Araliaceae in
Vietnam : Panax vietnamensis Ha et Grushv. Bot. Jour. Vietnam 70 : 518 – 522.
Grushvitzky I. V., Skvortsova N. T., Hà Thi Dung, 1990. The genus Panax (Araliaceae) in the flora of Vietnam. Bot. Jour. 75(6): 884 – 888.
Grushvitzky I. V., Skvortsova N. T., Ha thi Dung, Arnautov N. N. 1985. Conspectus Familiae Araliaceae Juss. Florae Vietnami. Novitates Systematicae Plantarum Vascularium. 22: 153 – 191.
Komatsu K., Zhu S., Fushimi H., Qui T.K., Cai S., Kadota S. . Phylogenetic Analysis Based on 18S rRNA Gene and matK Gene Sesquences of Panax vietnamensis and Five Related species. Planta Medica 2001; 67: 461- 465.
Nham N.T. 1989. Study on Panax vietnamensis: Botany, tissue culture, chemistry, biological properties. Herba Polonica Tom XXXV (supplement II): 1- 229. (Thesis for Ph. D.).
vietnamensis (Araliaceae). Bot. Jour. 72(8 ): 1079 – 1082.
Nham N.T., De P.V., Luan T.C., Duc N.M., Shibata S., Tanaka O., Kasai R. 1995. Pharmacognostical and Chemical Studies on Vietnamese Ginseng, Panax vietnamensis Ha et Grushv. (Araliaceae). J. Jpn. Bot. 70:1 – 10.
Hara H. 1970. On the asiatic species of the genus Panax. J. Jpn. Bot. 45: 197 – 215.
Steven Foster. Vietnamese Ginseng- A Rare Species of Panax. HerbalGram 52, 2001: 50 - 54.
Wen J., 2000. Species diversity, Nomenclature, Phylogeny, Biography, And Classification of the Ginseng Genus (Panax L., Araliaceae) : 67- 88.
Zhou J. Huang W., Wu M., Yang C., Wu C., and Huang K. 1975. Triterpenoides from Panax Linn. And their relationship with taxonomy and geographical distribution. Acta Phytochemica Sinica 13: 29 – 48.


DS. Phan Văn Đệ
Trung Tâm Sâm và Dược Liệu TP. Hồ Chí Minh – Viện Dược Liệu
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.