5 câu hỏi và trả lời về bệnh sỏi thận bạn cần biết


4,226
1
1
Xu
53
Sỏi thận là một khối rắn bao gồm một tập hợp các hạt tinh thể nhỏ. Có thể có một hay nhiều sỏi xuất hiện cùng lúc trong thận hay trong niệu quản. Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này, chúng ta cùng tham khảo 5 câu hỏi và trả lời về bệnh sỏi thận sau đây.

Bị sỏi thận, đã mổ 2 lần nhưng vẫn còn sỏi, thận ứ nước độ 3


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Ba cháu bị sỏi thận nặng, đã mổ hai lần nhưng giờ thận vẫn có rất nhiều sỏi. Hơn nữa thận bị ứ nước độ 3, giờ bác sĩ nói không mổ được nữa. Ba cháu phải chữa trị như thế nào để hết sỏi thận. Chế độ chăm sóc, ăn uống cho ba cháu có cần lưu ý gì không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Thận ứ nước là tổn thương làm cho thận bị giãn và sưng to. Ứ nước có thể chỉ ở một bên thận hoặc ở cả hai bên. Bệnh có thể gây suy giảm chức năng thận, gây tổn thương cấu trúc tế bào thận. Nguyên nhân gây thận ứ nước thường do sỏi tiết niệu, viêm gây hẹp niệu đạo, do u ở cơ quan lân cận chèn vào niệu quản, niệu đạo, bệnh đa xơ cứng,… tùy lí do mà chữa trị.

Ba cháu bị sỏi thận nặng, đây có thể là lí do dẫn đến tình trạng thận ứ nước. Thận ứ nước độ 3-4 bắt buộc phải can thiệp sớm theo lí do gây bệnh, tránh biến chứng suy thận. Bệnh nhân phải được siêu âm, đánh giá chức năng thận, tổng phân tích nước tiểu, xạ hình thận. Chụp UIV, UCR, CT để đánh giá tình trạng suy thận (nếu có).

Ba cháu bị sỏi thận tái đi tái lại như vậy có thể là do cơ địa. Cơ địa là yếu tố đặc trưng cho từng cá thể, có thể có người chữa trị hết sỏi không bị tái phát nhưng có người bị tái đi tái lại nhiều lần như tình huống của ba cháu.

Ngoài ra, chế độ ăn uống và sinh hoạt còn đóng một vai trò quan trọng đối với sự tái phát của bệnh sỏi thận. Những người bị sỏi thận cần có chế độ ăn giảm canxi hơn so với người bình thường: ăn ít các đồ giàu canxi như tôm, cua, cá….đồng thời cần phải uống nhiều nước mỗi ngày để tăng lượng nước tiểu làm đào thải các cặn thận hay làm bào mòn các sỏi nhỏ nếu có, không được nhịn tiểu và đi tiểu trước khi đi ngủ để cặn nước tiểu không bị lắng đọng và hình thành sỏi thận. Trong quá trình chăm sóc ba, cháu cần chú ý tránh những nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn da, sử dụng thuốc gì cần có chỉ định của bác sĩ để tránh hại cho thận. Không phải kiêng muối nếu không có suy thận hoặc viêm cầu thận.

Chúc ba cháu mạnh khỏe!

Mổ sỏi thận ở đâu?


Câu hỏi bởi: phuong ck

Kính thưa bác sĩ.

Mẹ tôi năm nay 58 tuổi, bị bệnh sỏi thận. Gần đây bệnh có chiều hướng nặng hơn, đi tiểu ra máu. Xin hỏi bác sĩ, những bệnh viện chuyên về mổ sỏi thận ở Hà Nội? Và trước khi đi mổ, người bệnh cần phải làm gì để có kết quả tốt hơn?

Cảm ơn bác sĩ rất nhiều!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Mẹ cháu bị sỏi thận, hiện tại đi tiểu ra máu. Cháu cần đưa mẹ đi khám lại bác sĩ chuyên khoa thận. Nếu như kích thước và vị trí viên sỏi cho phép tán được thì mẹ cháu không cần phải đi mổ. Bệnh viện là nơi cháu có thể tin cậy. Ở đây nếu như tán sỏi được các bác sĩ sẽ tán sỏi ngoài cơ thể hay tán sỏi laser cho mẹ cháu. Trường hợp viên sỏi quá to hay vị trí không cho phép tán sỏi, các bác sĩ sẽ hội chẩn ngoại để phẫu thuật nội soi hay phẫu thuật mổ mở cho mẹ cháu. Nếu phải mổ, trước khi đi mổ, cháu chỉ cần đưa mẹ đến đó khám, các bác sĩ sẽ giải đáp đầy đủ cho cháu, cháu không cần phải lo lắng gì cả.

Chúc mẹ cháu chóng khỏi bệnh!

Bị sỏi thận, uống nhiều nước nhưng không đi tiểu nhiều có sao không?


Câu hỏi bởi: hải

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 18 tuổi. Cháu đi khám thì biết mình bị sỏi thận phải 3 mm. Cháu đựợc bác sĩ cho uống Kim Tiền Thảo và khuyên uống nước nhiều. Cháu dùng thuốc được 2 ngày rồi. Uống khoảng 2 lít nước 2 ngày. Cháu đi bộ khoảng 1 – 1.5 km/ngày nhưng cháu tiểu ra không được nhiều lắm. Cháu không biết cháu có bị gì không? Xin bác sĩ giải đáp cho cháu.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Sỏi thận là sự lắng đọng của những tạp chất kết tinh lại tạo thành sỏi trong thận. Tùy vào thời gian hình thành, vị trí và độ lắng đọng mà kích thước của viên sỏi có độ lớn nhỏ khác nhau. Trường hợp của cháu với sỏi kích thước 3 mm là sỏi nhỏ, nếu không gây các biến chứng như đau nhiều, tiểu máu, viêm nhiễm hoặc tác động chức năng thận thì không cần can thiệp gì, chỉ cần uống nhiều nước hoặc kim tiền thảo để dễ tống sỏi ra ngoài. Cháu mới dùng thuốc được 2 ngày thì chưa có chuyển biến đáng kể. Cháu nên uống đều đặn theo đơn của bác sĩ đồng thời tiếp tục duy trì uống nhiều nước và đi bộ như hiện cháu đang làm. Cháu nên đi siêu âm kiểm tra lại sau 3 tháng xem sỏi hết chưa. Trường hợp sỏi đã được đào thải ra ngoài, cháu cũng cần duy trì việc uống nhiều nước (trên 2 lít nước mỗi ngày) để phòng ngừa sỏi tái phát trở lại.

Chúc cháu chóng khỏi bệnh!

Có nên dùng thuốc nam trị bệnh sỏi thận khi đang mang thai không?


Câu hỏi bởi:

Thưa bác sĩ.

Cháu mới mang thai được 5 tuần, nhưng lại bị sỏi thận kích thước khoảng 5,5 mm. Cháu thấy đau phần thắt lưng và vùng lưng sau thận rất nhiều. Cháu có thể chữa trị bằng thuốc nam trong thời kỳ này được không? Mong bác sĩ tư vấn cho cháu sớm để cháu an tâm.

Chân thành cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu.

Như vậy cháu chỉ nên uống nhiều nước chứ không nên dùng thuốc nam. Thuốc nam chữa trị sỏi có thể ảnh hưởng đến thai nhi, đặc biệt là cháu có thai chưa được 3 tháng thì càng không nên uống. Đó là không kể đến khi dùng thuốc nam ngay cả với người bình thường cũng có thể gây nên ngộ độc. Nếu cháu có hiện tượng đau nhiều kèm theo sốt, đi tiểu buốt rắt thì cháu nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Thận.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Ăn uống thế nào để không bị tái phát sỏi mật?


Câu hỏi bởi: Lê Hoàng Anh

Chào bác sĩ!

Trường hợp má tôi mổ nội soi cắt bỏ túi mật bị sỏi rất nhiều. Trước khi mổ biểu hiện bình thường không đau bụng, không nóng sốt, không viêm túi mật, đường mật chính không giãn, không viêm, không sỏi, còn gan không nhiễm mở, không viêm gan B, bờ gan đều và phẳng nhưng chỉ số máu mở bác sĩ ghi hơi cao chỉ số cho phép là 1.88 chỉ số khám là 3.88, không bị tiểu đường. Như vậy sau khi mổ xong má tôi cần ăn những thức ăn gì và tránh những thức ăn gì để không tái sỏi ở ống mật và trong gan? Xin bác sĩ cho biết để phòng tránh về sau?

Tôi xin chân thành cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Triglycerid là xét nghiệm thường quy trong theo dõi mỡ máu, đánh giá nguy cơ bệnh tim mạch, béo phì… Triglycerid trong giới hạn bình thường là 0.46 – 1.88 mmol/L. Chỉ số Triglycerid của mẹ bạn như vậy là cao có thể do sỏi mật. Sau mổ bạn nên đưa mẹ đi xét nghiệm lại chỉ số này. Phẫu thuật nội soi cắt túi mật có chuẩn bị thông thường là một phẫu thuật khá nhẹ nhàng đối với người bệnh, thường bệnh nhân ổn định sau 7-10 ngày; chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt hầu như không bị tác động nhiều. Nếu đường mật trong và ngoài gan cũng như chức năng gan không bị tổn thương như viêm nhiễm, sỏi… thì không phải kiêng cữ gì.

Tuy nhiên, sau phẫu thuật cắt bỏ túi mật có thể có những xáo trộn bất thường về số lượng và chất lượng của dịch mật lên hệ thống tiêu hóa, bởi chức năng của túi mật là nơi chứa mật và cô đặc mật từ gan đưa xuống. Do vậy người đã cắt túi mật nên ăn uống những thực phẩm dễ tiêu, hạn chế mỡ và những đồ ăn chiên rán; vừa ăn vừa thăm dò, nếu không có xuất hiện những khó chịu nào đáng kể thì có thể trở lại ăn uống bình thường. Chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao cũng vậy, có thể trở lại hoạt động bình thường khi sức khỏe sau phẫu thuật ổn định. Mẹ bạn cần lưu ý là người cắt bỏ túi mật không thấy nghĩa là sẽ không bị sỏi đường mật hoặc viêm nhiễm đường mật. Để dự phòng viêm nhiễm hoặc sỏi tái phát cần thực hiện ăn chín, uống sôi, dùng thuốc tẩy giun 6 tháng một lần (để dự phòng loại sỏi do giun) và ăn đủ chất xơ, ăn nhiều đậu đỗ, lạc, vừng, hạn chế uống cà phê và thực phẩm có nhiều đường, bỏ thuốc lá (để dự phòng loại sỏi cholesterol).

Chúc bác và bạn mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl