Một số câu hỏi về bệnh tiểu đường


4,226
1
1
Xu
53
Với cuộc sống hiện đại ngày nay, bệnh tiểu đường gần như đã xuất hiện ở mức độ phổ biến, được coi là một căn bệnh giết người thầm lặng, gây tỉ lệ tử vong cao, để hiểu thêm về căn bệnh này, chúng ta cùng tham khảo một số câu hỏi về bệnh tiểu đường thường gặp

Người bị tiểu đường nên làm gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Bác sĩ ơi cháu bị bệnh tiểu đường thì giờ cháu phải làm gì ạ? Mong bác sĩ tư vấn giúp cháu.

Cháu cảm ơn.

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Tiểu đường là một bệnh mãn tính gây ra bởi sự thiếu hụt tương đối hoặc tuyệt đối insulin, dẫn đến những rối loạn chuển hóa carbon hydrat. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết và các rối loạn chuyển hóa.

Các loại tiểu đường:

– Tiểu đường týp 1: Nguyên nhân là do sự phá hủy tế bào beta đảo tụy khiến nồng độ insulin giảm thấp hoặc mất hoàn toàn. Các kháng nguyên bạch cầu người (HLA) có mối liên quan chặt chẽ với bệnh tiểu đường týp 1. Tiểu đường týp 1 phụ thuộc nhiều vào yếu tố gen và thường phát hiện trước 40 tuổi. Yếu tố khởi phát là nhiễm virus, stress chuyển hóa quá mức.

– Tiểu đường týp 2: Đặc trưng của tiểu đường týp 2 là sự kháng insulin đi kèm với thiếu hụt tiết insulin tương đối. Tiểu đường týp 2 thường được chẩn đoán rất muộn vì giai đoạn đầu tăng glucose máu tiến triển âm thầm không thấy biểu hiện. Khi có triệu chứng lâm sàng thường kèm theo các rối loạn khác về chuyển hóa lipid, các triệu chứng bệnh lý về tim mạch, thần kinh, thận. Béo phì và ít hoạt động thể lực là yếu tố nguy cơ của tiểu đường typ 2. Bệnh cũng thường xảy ra với những người có tiền sử tiểu đường trong gia đình. – Tiểu đường thai nghén: Tiểu đường thai nghén do trong quá trình mang thai nhau thai sản sinh ra các hormon cần thiết cho sự lớn lên và phát triển của thai nhi, các hormon này làm phong bế hoạt động của insulin ở người mẹ, do đó nhu cầu về insulin khi mang thai cao gấp 2 – 3 lần so với bình thường, nếu cơ thể không tiết ra đủ insulin cho nhu cầu này thì sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường thai kỳ.

Ngoài ra còn có một số thể tiểu đường khác: gây ra do các bệnh lý tụy ngoại tiết, bệnh nội tiết, do uống thuốc và hóa chất, một số hội chứng rối loạn gen.

Bạn bị tiểu đường không rõ là ở thể nào. Nhưng việc chữa trị chung nhằm mục đích:

– Kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu và bền vững mà không gây hạ đường huyết.

– Điều trị và ngăn ngừa các biến chứng.

Các thuốc chữa trị bệnh tiểu đường gồm:

– Insulin: Chỉ định bắt buộc với tiểu đường týp 1; tiểu đường týp 2 đã được chữa trị phối hợp với các thuốc uống nhưng không thấy kết quả; tiểu đường ở phụ nữ mang thai. Lựa chọn dạng, phân chia liều tùy thuộc mức độ hoạt động và cách sống của bệnh nhân. Biến chứng của chữa trị Insulin: Hạ đường huyết, dị ứng, loạn dưỡng mỡ do insulin.

– Thuốc hạ đường huyết: Được chỉ định sau khi chế độ ăn và vận động thể lực bị thất bại trong kiểm soát đường huyết, sử dụng thuốc luôn kèm với chế độ ăn và vận động thể lực.

+ Các sulfonylurea: tolbutamid, clopropamid, glyburid, glipizid, gliclazid…

+ Các biguanid: metformin.

+ Các meglitinide: repaglinide, nateglinide.

+ Các thiazolidinedion: rosiglitazon, pioglitation, ciglitatio.

+ Các chất ức chế alpha- glucosidase: acarbose, miglitol.

+ Chất đồng vận GLP-1: Exenatide.

+ Nhóm gliptins ức chế men dipeptidyl peptidase IV (DPP-IV): sitagliptin, linagliptin, vildagliptin, saxaglipitin.

Việc sử dụng thuốc để chữa trị cần tuần thủ theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài việc uống thuốc, bạn cũng có thể áp dụng các phương pháp chữa trị không uống thuốc như:

– Chế độ ăn: Nhu cầu năng lượng cần được điều chỉnh để đạt và duy trì cân nặng lý tưởng, tùy thuộc giới, tuổi, hoạt động thể lực, lối sống bệnh nhân.

+ Tiểu đường týp 1: chế độ ăn phải tính đủ calo để duy trì cân nặng hợp lý và phù hợp với số lần, loại insulin đưa hàng ngày.

+ Tiểu đường týp 2 béo phì cần chế độ ăn giảm cân, ăn ít calo (Nữ giới 1000 – 1200 Kcal/ngày, nam giới 1200 – 1600 Kcal/ngày)

+ Chế độ ăn ít béo, nhiều chất xơ, đảm bảo đủ vitamin, khoáng, carbonhydrat chiếm khoảng 45 – 65% tổng số calo/ngày.

+ Giảm cân vừa phải đã được chứng minh là giảm nguy cơ tim mạch, cũng như hạn chế sự tiến triển xấu của tiểu đường. Phương pháp chính để giảm cân là thay đổi lối sống. Nên giảm từ từ, khoảng 0,45 – 0,91 kg/tuần.

– Vận động thể lực: Luyện tập rất cần thiết đối với bệnh nhân tiểu đường, đặc biệt là týp 2, vì luyện tập giúp giảm cân, giảm kháng insulin, cải thiện dung nạp glucose và cải thiện nồng độ lipid máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Luyện tập tùy lứa tuổi và tình trạng tim mạch bệnh nhân. Khởi đầu với người ít vận động nên bắt đầu với đi bộ, bơi lội, và đi xe đạp. Đồng thời, làm vườn và dọn dẹp nhà cửa cũng rất tốt. Nên hoạt động ngoài trời mỗi ngày 30 phút.

– Kiểm soát đường huyết: Định lượng đường huyết thường xuyên để điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp.

Chúc bạn khỏe mạnh!

Lượng đường trong máu cao, mắc bệnh cường giáp có nên chữa trị bằng thuốc tiểu đường không?


Câu hỏi bởi: Bệnh nhân

Thưa bác sĩ.

Tôi là nữ giới năm nay 54 tuổi. Lượng đường trong máu của tôi hơi cao, khi đi xét nghiệm máu chỉ số đường huyết là 7, và còn kèm theo chứng cường giáp. Vậy xin hỏi bác sĩ tôi có nên chữa trị bằng thuốc tiểu đường không?

Tôi cảm ơn.

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào chị.

Người có mức đường máu lúc đói từ 5,6-6,9 mmol/l được gọi là những người có “rối loạn dung nạp đường khi đói” hay tiền tiểu đường. Chỉ số đường huyết của chị là 7 mmol/L. Như vậy là chị có dấu hiệu bị tiểu đường. Nguyên nhân có thể chính do bệnh cường giáp mà chị mắc phải. Cường giáp có thể làm tăng đường huyết do tăng tiết hormon tăng trưởng, tăng ly giải glycogen và tân tạo glucose, giảm hoạt động của insulin, tăng GLUT-2 transporter ở gan qua đó giải phóng glucose từ gan tăng lên. Vì vậy, chị cần chữa trị cả cường giáp và chỉ số đường huyết cao. Chị nên khám bác sĩ chuyên khoa Nội tiết để được giải đáp cụ thể.

Chúc chị mạnh khỏe!

Người bị bệnh tiểu đường có nên chia nhỏ bữa ăn ra không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Mẹ cháu năm nay 66 tuổi, mắc bệnh đái tháo đường tuyp 2 khoảng 3 năm. Từ trước giờ khám ở bệnh viện huyện và các cơ sở y tế, bác sĩ khuyên mẹ cháu, chế độ ăn nên chia thành nhiều bữa nhỏ, 3 bữa ăn chính chỉ ăn 2/3 chén cơm, ăn nhiều rau. Gần đây mẹ cháu có lên thành phố Hồ Chí Minh và đi khám thì được bác sĩ khuyên là không nên ăn như thế, ngày chỉ nên ăn 3 bữa chính, mỗi lần ăn từ 1-1,5 chén cơm và ăn nhiều rau, không ăn thêm các bữa nhỏ nữa. Cháu hoang mang quá, không biết nên ăn chia thành nhiều bữa nhỏ hay là ăn 3 bữa chính nữa. Mong bác sĩ tư vấn giúp cháu.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu.

Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, đối với bệnh nhân tiểu đường nên duy trì đường huyết ở mức sau:

Trước ăn: 90-130 mg/dl (5,0- 7,2 mmol/l ).

sau ăn 1-2h: < 180 mg/dl (10mmol/l).

Để làm được điều này, người bệnh cần tuân thủ những nguyên tắc sau:

Phải ăn uống điều độ, đúng giờ, không để quá đói nhưng cũng không ăn quá no.

Nên chia nhỏ bữa ăn (ít nhất 4 bữa). Người bệnh cũng nên ăn bữa phụ buổi tối để tránh hạ đường huyết ban đêm.

Không nên thay đổi quá nhanh và nhiều cơ cấu cũng như là khối lượng của các bữa ăn.

Theo đó, mẹ cháu nên chia nhỏ bữa ăn và ăn nhiều rau nhé.

Chúc cháu và mẹ mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl