Tuyển chọn những thắc mắc về cách nhận biết dấu hiệu của bệnh ghẻ


4,226
1
1
Xu
53
Dấu hiệu thường thấy và đặc trưng nhất của bệnh ghẻ là đau ngứa rát. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những biểu hiện kèm theo mà chúng ta nên để ý để phát hiện và điều trị sớm nhất.

Mọc mụn nước khắp người có phải bị bệnh ghẻ nước ?


Câu hỏi bởi: Thanh Huyền

Chào bác sĩ.

Trước đây cháu bị ngứa khắp người, ra hiệu thuốc người ta nói là bị viêm da sau đó cho cháu dùng thuốc và cháu thấy đỡ hẳn. Nhưng sau khi uống hết thuốc được vài hôm cháu lại thấy ngứa, ở khắp người mọc mụn nước và cả ở kẽ chân kẽ tay cũng có. Cháu không biết đây có phải ghẻ nước không?

Mong bác sĩ giải đáp giúp cháu!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào em.

Theo thông tin em cung cấp, em bị ghẻ. Bệnh ghẻ là một bệnh nhiễm trùng, do ký sinh trùng có tên Sarcoptes Scabiei gây ra, dân gian hay gọi là ghẻ ngứa. Bệnh chỉ ở da và dễ lây truyền từ người này sang người khác nhất là ở nơi điều kiện vệ sinh kém, đường lây chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, một số ít lây do tiếp xúc với đồ vật (quần,áo, giường, chiếu, chăn, màn). Đặc điểm quan trọng là ngứa chủ yếu về ban đêm khi chúng ta nghỉ ngơi và khi bắt đầu lên giường ngủ.

Ngứa tập trung nhiều ở vùng da non và các nếp kẻ như: đùi, bụng, mông, bẹn, sinh dục, kẽ các ngón tay… Xung quanh có nhiều người bị ngứa. Vị trí mà ghẻ ưa thích nhất là kẽ ngón tay, cổ tay, rốn bụng dưới, bẹn sinh dục, mông đùi, nách, khoeo, khuỷu tay và nếp gấp khuỷu, nếp gấp ở lòng bàn tay, cùi tay, bờ trước nách, quanh rốn, mông, 2 chân, đặc biệt nam giới hầu như 100% có tổn thương ở qui đầu, thân dương vật.

Việc chữa trị tưởng chừng như đơn giản nhưng lại rất nan giải nếu như chỉ chữa một người trong khi có nhiều người bị trong một nhà. Nên phải bôi thuốc cho tất cả những người trong nhà có triệu chứng ngứa; là, luộc, tẩy uế quần áo, ga, gối, chăn màn, kể cả tất tay, tất chân. Bây giờ cháu và các người ở cùng phòng phải vệ sinh giặt dũ toàn bộ áo quần chăn màng và lúc 21h bôi mỡ DEP toàn thân 5 ngày liên tục bệnh sẽ giảm.

Chào cháu!

Nổi mụn ở tay, bụng khi mang thai có phải ghẻ nước không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Em năm nay 28 tuổi bị nổi mụn nước ở tay, bụng và ngứa. Em có bị ghẻ nước không ạ? Cách chữa như thế nào ạ? Do cháu đang có bầu ở tháng thứ 7 rồi.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào em!

Phụ nữ có bầu 7 tháng có một số bệnh mụn nước hay gặp trong giai đoạn này nên em phải tới bác sĩ Da liễu và Phụ sản khám cẩn thận để có hướng chữa trị đúng. Còn nếu em bị ngứa, ngứa nhiều về đêm, tổn thương có ở kẽ ngón, kẽ vú và có nhiều người chung sống cũng bị thì mới là bị mắc bệnh ghẻ thì em có thể dùng Ascasba (dùng được cho phụ nữ có thai) bôi cả nhà 1 lần lúc 21 giờ và kèm theo tổng vệ sinh giặt dũ toàn bộ áo quần chăn màn thì mới chữa trị được tận gốc.

Chúc em khỏe mạnh!

Bị ngứa nhưng không bị mụn nước có phải bị ghẻ?


Câu hỏi bởi: sondamhust57

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 20 tuổi. Khoảng hơn 1 tháng nay cháu bị ngứa, gãi 1 lúc sau là đỡ. Cháu gãi đỏ da lên, sau đó da lại trở lại bình thường không có hiện tượng gì. Cháu hay bị ngứa ban đêm, có khi ban ngày cũng ngứa nhưng ngứa ít hơn. Bạn cùng phòng trọ của cháu cũng vậy. Cháu sợ mình bị ghẻ nhưng xem kĩ thì cháu không bị mụn nước gì cả mà cũng không bị gì trên da cả. Có phải cháu bị dị ứng không bác sĩ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào cháu!

Bệnh ghẻ có biểu hiện ngứa về đêm. Nhưng ngứa về đêm chưa chắc bị bệnh ghẻ. Sau đây cung cấp cho cháu một số thông tin cho cháu đối chứng lại mình có bị ghẻ hay không.

Ngứa: Đặc điểm quan trọng là ngứa chủ yếu về ban đêm khi chúng ta nghỉ ngơi và khi bắt đầu lên giường ngủ. Ngứa tập trung nhiều ở vùng da non và các nếp kẻ như: đùi, bụng, mông, bẹn, sinh dục, kẽ các ngón tay… Xung quanh có nhiều người bị ngứa (anh em trong gia đình, người ngủ cùng giường, cùng phòng ở khu tập thể).

Mụn nước: Màu trắng đục, nằm rải rác hoặc tập trung ở vùng da non thì càng có giá trị chẩn đoán bệnh.

Sẩn ghẻ (sẩn mụn nước): Sẩn đỏ nhô cao hơn mặt da trên đầu sẩn có mụn nước nằm rải rác hay tập trung nhiều ở vùng da non. Ở trẻ em, các sẩn này hay tập trung ở da bìu, ở nách, nếp dưới mông có giá trị chẩn đoán cao. Ở phụ nữ các sẩn này hay gặp ở bụng, kẻ các ngón tay và nếp gấp mặt trước cổ tay.

Sần cục: là những cục cứng ở da, ngứa, vị trí ở nách hay bìu. Thường gặp ở trẻ em. Tổn thương da khác như nổi mề đay, vết trầy xước do gãi…

Vị trí: Vị trí mà ghẻ ưa thích nhất là kẽ ngón tay, cổ tay, rốn bụng dưới, bẹn sinh dục, mông đùi, nách, khoeo, khuỷu tay và nếp gấp khuỷu, nếp gấp ở lòng bàn tay, cùi tay, bờ trước nách, quanh rốn, mông, 2 chân. Đặc biệt nam giới hầu như 100% có tổn thương ở quy đầu, thân dương vật. Phụ nữ còn bị ở núm vú, trẻ em còn bị ở gót chân, lòng bàn chân. Trẻ em dưới 2 tuổi thường gặp ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Ngoài các vị trí đặc hiệu ở trên, thương tổn ghẻ xuất hiện bất cứ nơi nào trừ mặt.

Thương tổn là những mụn nước nhỏ như rôm nằm rải rác ở những vị trí nêu trên kèm theo có những rãnh ghẻ nhỏ ở dưới da, u cục ở nách, và bộ phận sinh dục. Bệnh ngứa nhiều về đêm lúc đắp chăn ấm, khi lao động nặng, trời nắng nóng.

Chẩn đoán xác định: Chủ yếu dựa vào các biểu hiện sau:

Ngứa nhiều về đêm.

Vị trí thương tổn đặc biệt: ở kẽ tay, sinh dục….

Trong gia đình hoặc xung quanh có nhiều người bị ngứa.

Tính chất của thương tổn là mụn nước và sẩn mụn nước, đường hang.

Trên da có nhiều dấu tích trợt da thành nhiều đường thẳng đan xen do gãi.

Nếu cháu bị như trên là bị bệnh ghẻ còn không có thì bị một bệnh nào đó gây ngứa về đêm nên đi bác sĩ Da liễu khám để được chữa trị đúng.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Da bị nổi mẩn ngứa có phải do tái phát bệnh ghẻ?


Câu hỏi bởi: Trai Hà Nội

Cháu chào bác sĩ.

Cháu năm nay 25 tuổi ở Hà Nội. Tình trạng da của cháu như sau: Vài năm về trước, cháu bị lây bệnh ghẻ của người thân. Cháu có điều trị và có thuyên giảm. Nhưng 2 năm gần đây, vùng da ở mông rất hay bị ngứa trở lại. Cháu lại rất hay gãi, gây lên mẩn đỏ. Một vài hôm gần đây, biểu hiện ngứa đã giảm tuy nhiên lại chuyển sang rát, như kiểu bị bỏng. Các nốt vẫn tiếp tục mẩn đỏ lên và ngứa mỗi khi cháu động vào. Vậy là cháu bị bệnh gì ạ? Rất mong nhận được lời giải đáp của bác sĩ.

Cháu xin cám ơn!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào em.

Em có tiền sử bị ghẻ gần 1 năm đã chữa trị khỏi như vậy độc tố của ghẻ còn tàn dư trong người cho nên thỉnh thoảng có cơn mẩn ngứa. Có nhiều người sau bị ghẻ bị chứng mề đay mãn kéo dài nhiều năm mới khỏi. Ở em theo mô tả không khéo em bị mề đay mãn. Còn về việc rát bỏng không thấy liên quan gì đền ghẻ cả, có thế em bị viêm da tiếp xúc hay bị dị cảm do yếu tố thần kinh. Em có thể chữa trị bằng thuốc chống dị ứng (Cetirizin, fexofen) và thuốc an thần nhẹ (Stugeron) vài ngày sẽ đỡ, nếu không đỡ tới bác sĩ Da liễu khám chữa trị.

Chúc em khỏe.

Ho nhiều, chân nổi ghẻ, thở không đều là dấu hiệu của bệnh gì?


Câu hỏi bởi: xuyến vray

Chào bác sĩ.

Bố cháu năm nay 43 tuổi và hút thuốc được 21 năm rồi ạ. Vài bữa nay cháu thấy bố cháu ho nhiều, chân nổi ghẻ, thở không đều. Cháu nên làm gì bây giờ để giúp bố ạ? Cháu đang ở Huế.

Cháu xin được cảm ơn các bác sĩ!

Dược sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Như bạn đã biết, hút thuốc lá có thể gây ra rất nhiều hậu quả nguy hiểm, tác động nghiệm trọng tới sức khỏe đặc biệt là các bệnh lí về đường hô hấp. Bố bạn đã hút thuốc lá được 25 năm, hiện tại có triệu chứng ho nhiều, thở không đều, ho có đờm không, có kèm theo khó thở không. Với các triệu chứng trên có thể là biểu hiện của bệnh viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thường gặp ở người hút thuốc lá nhiều.

Bạn nên đưa bố đến chuyên khoa Hô hấp để bác sĩ thăm khám trực tiếp, làm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cần thiết để chẩn đoán tính trạng bệnh hiện tại và chữa trị.

Chúc bạn và gia đình sức khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.