Tăng cân: Tưởng không khó mà khó không tưởng!


4,226
1
1
Xu
53
Chưa từng gầy thì không bao giờ hiểu được nỗi khổ của người gầy khi nỗ lực tăng cân. Dưới đây là tổng hơp những bí kíp từ bác sĩ về dinh dưỡng tập luyên để người gầy tăng cân khoa học và hiệu quả nhất.

Làm thế nào để tăng cân?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Em năm nay 18 tuổi, là nam giới, cao 1m70 và nặng 47kg. Xin hỏi bác sĩ em muốn tăng cân thì cần làm gì?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào em.

Với số đo chiều cao là 1m70, cân nặng 47kg thì BMI (chỉ số khối cơ thể) của em = 16,26. Như vậy em bị thiếu cân. Để tăng cân và có được thể trạng như mong muốn, lối sống và chế độ ăn uống là những yếu tố đầu tiên cần lưu ý khi bắt đầu kế hoạch tăng cân. Dưới đây tôi sẽ giới thiệu 5 bước tăng cân giúp em cải thiện thể trạng của mình:

Tập thể thao sẽ kích thích ăn uống, tạo dựng sức khỏe trong suốt quá trình tăng cân. Tuy nhiên, không phải hình thức tập luyện nào cũng giúp em tăng cân, em hãy thử luyện tập các môn thể thao đòi hỏi vận động cơ bắp như cầu lông, bóng bàn, tennis, judo… đặc biệt là môn thể hình với tạ là cách để em tăng cường cơ bắp và tăng cân hiệu quả nhất.

Khẩu phần ăn nhiều dinh dưỡng và lành mạnh, đặc biệt là bữa ăn sáng và ăn trưa, sẽ giúp em tăng cân hiệu quả và nhanh chóng. Ngoài 3 bữa ăn chính, em nên ăn thêm 2- 3 bữa phụ để bổ sung thêm những khoáng chất và chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể giúp tăng cân khỏe mạnh.

Ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý.

Loại bỏ các thói quen xấu: bỏ hút thuốc lá, không thức khuya, không sử dụng nhiều các chất kích thích như cà phê, bia, rượu…

Kiên trì với kế hoạch của mình: Nếu em thật sự muốn tăng cân và muốn nâng cao sức khỏe, em phải có kỷ luật với chính bản thân mình.

Chúc em có được cơ thể như mong muốn!

Cơ địa khó tăng cân


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ, Em là nữ, năm nay 25 tuổi. Em cao 1m57, nhưng nặng chỉ có 40kg. Em có ăn nhiều tẩy giun định kỳ, nhưng không tăng cân được. Em thấy trên thị trường có một số loại thực phẩm chức năng hỗ trợ tăng cân. Bác sĩ tư vấn giúp em nên sử dụng loại nào là hợp lý ạ.

Bác sĩ Nguyễn Quang Anh


Chào bạn,

BMI của bạn = 16.1<18.5 . Bạn đang trong tình trạng thiếu cân. Theo tôi trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm tăng cân nào, bạn nên đi khám tổng thể, đặc biệt là các bệnh liên quan đến nội tiết như bệnh về đường máu, tuyến giáp. Tiếp theo bạn nên gặp bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn hợp lý, chế độ luyện tập phù hợp.

Chúc bạn sức khỏe.

Ăn đêm có tăng cân được không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Xin bác sĩ cho tôi hỏi ăn đêm có phải là liệu pháp để tăng cân không ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn.

Về câu hỏi của bạn, theo các nghiên cứu cho thấy ăn đêm hoàn toàn không làm tăng cân. Để tăng cân thì vấn đề quan trọng nhất là lượng calo mà bạn ăn, chứ không phải là thời gian ăn. Tốt nhất là nên ăn đúng bữa để đảm bảo sức khỏe. Hơn nữa ăn đêm cũng có thể gây ra một số tác hại như:

Làm bạn mất ngủ.

Gây trào ngược khiến cho axit trong dạ dày bị trào ngược. Axit trào ngược không đáng lo nhưng nếu điều này lặp đi lặp lại thì đó lại là nỗi nguy hại dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Vậy nếu muốn tăng cân bạn nên áp dụng phương pháp như sau:

Chế độ ăn uống: Bạn cần ăn đúng giờ và đủ ba bữa sáng, trưa, chiều. Trong bữa chính, bạn nhớ ăn đủ bốn nhóm chất: Bột đường (cơm, bún, phở, bánh mì, xôi…), chất đạm (thịt, cá, trứng, đậu hủ…), chất béo (dầu, mỡ, bơ…) và các loại rau quả.

Bạn nên ăn thêm 2 đến 3 bữa phụ một ngày sau bữa chính để tăng cường dinh dưỡng cho cơ thể. Nên chọn các món dễ tiêu: Bún, sữa chua, nước ép trái cây… Những món ăn này sẽ kích thích bạn ăn ngon miệng. Cần hạn chế bánh nếp, bánh rán vì năng lượng cao nhưng lại khó tiêu.

Ngủ đủ 7 – 8h/ngày, không thức khuya cũng rất cần thiết cho quá trình tăng cân của bạn.

Tập thể dục 15-30 phút/ngày sẽ giúp bạn khỏe hơn, ăn ngon miệng hơn và cơ thể dễ dàng hấp thu các chất dinh dưỡng.

Chúc bạn vui vẻ.

Cách tăng cân hiệu quả


Câu hỏi bởi: yen bai

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 18 tuổi, là nam giới. Từ năm 17 tuổi cháu cân được 48 cân giờ cháu 18 tuổi cháu cân lúc 46 lúc 49 cân ạ, cháu cao 1m67. Giờ cháu làm thế nào để tăng được cân ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào cháu.

Để đánh giá sự phát triển cơ thể người ta thường dựa vào chỉ số BMI [BMI = Cân nặng/(chiều cao)^2], trong đó, cân nặng tính theo kg, chiều cao tính theo m. Hiện tại cháu cao 1m67, nặng 46-49kg, như vậy BMI của cháu là 16,5-17,6, cháu có thể trạng gầy. Cơ thể cháu gầy, không tăng cân có thể do các lý do sau:

Khả năng hấp thu và tiêu hóa kém: thường hay bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân sống, phân lúc lỏng, lúc táo bón, đi nhiều lần trong một ngày.

Chuyển hóa cơ bản cao: sờ vào da bao giờ cũng thấy nóng hơn những người béo. Những người có chuyển hóa cơ bản cao sẽ tiêu hao năng lượng nhiều hơn, trung bình mỗi người cần 1.200 – 1.400 kcalo/ngày.

Chế độ ăn uống: như ăn ít, thức ăn không đủ chất dinh dưỡng, ăn ít chất béo và chất ngọt, ăn uống không cân đối, hợp lý, ăn uống không ổn định… Ngoài ra, khi cháu có thói quen ăn không hợp lý, chế độ ăn nghèo nàn, không ăn được chất béo… cũng khiến cho cơ thể cháu không thể tăng cân.

Cơ thể bị mắc một số bệnh lý:

Bệnh chuyển hóa và tiêu hóa như: lao, ung thư, rối loạn tiêu hóa, tắc mật, viêm loét dạ dày tá tràng, giun sán… khiến cho quá trình chuyển hóa của cơ thể hay việc hấp thu các chất dinh dưỡng kém.

Yếu tố về nội tiết: như bệnh tiểu đường, Basedow…

Yếu tố về tâm lý: như chán ăn do rối loạn tâm thần,…

Thói quen không lành mạnh:

Thiếu ngủ: Thường xuyên thức khuya hay ngủ quá ít, khó ngủ, ngủ không đủ giấc, giấc ngủ không sâu sẽ khiến cho cơ thể bị suy nhược, lý do vì khi cháu thức cơ thể sẽ tiêu hao năng lượng nhiều hơn khi ngủ.

Làm việc quá sức: Khi cháu làm việc nhiều, mức tiêu hao năng lượng nhiều hơn mức năng lượng nạp vào cơ thể, nên cháu sẽ nhanh chóng gầy và không tăng cân.

Stress: như việc học tập căng thẳng, nhiều áp lực khiến cho tinh thần cháu không được thoải mái, ăn uống không ngon miệng.

Do thói quen xấu: như nghiện thuốc lá, cà phê, rượu, bia…

Ngoài ra, còn có thể do lý do di truyền.

Những lời khuyên dưới đây có thể giúp cháu tăng cân:

Chế độ ăn uống khoa học

Tăng cân cũng cần có quá trình, nếu cơ thể cháu vẫn ăn uống bình thường thì cháu chỉ cần thay đổi một vài thói quen ăn uống, sinh hoạt, kết hợp với chế độ tập luyện là được.

Cháu nên ăn làm nhiều bữa nhỏ, trong đó có 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ (chuối, sữa, bánh, chè ngọt,..) vào một giờ cố định, trước khi đi ngủ khoảng 30 phút, cháu nên uống thêm 1 ly sữa.

Cháu cần ăn các thức ăn có chứa các nhóm chất dinh dưỡng như: bột đường (cơm, phở, bánh mì, xôi…), chất đạm (thịt, cá, trứng, tôm, cua…), chất béo (dầu, mỡ, bơ, lạc, vừng, đậu phộng), các loại rau và hoa quả.

Nên ăn đa dạng các loại thực phẩm để tránh bị ngán và ăn được nhiều hơn.

Cháu cần ưu tiên ăn các nhóm thức ăn giàu năng lượng và giàu chất béo, ngọt như sữa tươi, sữa bột nguyên kem các loại, bánh kem, chocolate, chè, thịt quay.

Chế biến món ăn theo cách chiên, xào, súp có nước béo.

Sau mỗi bữa ăn chính, cháu hãy uống thêm một1 ly sữa bột nguyên kem (khuấy nhiều sữa – hơi đặc). Tối thiểu mỗi ngày 2 ly và quan trọng nhất là 1 ly sữa vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Chế độ tập luyện:

Trường hợp của cháu, nên có kế hoạch tăng cân đồng thời với việc có vóc dáng đẹp, vì vậy, cháu nên chọn cách tập thể dục, nhưng không phải đá bóng hay bóng chuyền, mà tốt nhất là tập tạ vào các buổi sáng, chiều hàng ngày, mỗi lần tập khoảng 30 phút, cố gắng tập đều các ngày trong tuần.

Nếu có điều kiện, cháu nên tập thể hình là rất tốt, nó sẽ giúp cháu có cơ thể cường tráng, săn chắc.

Một điều lưu ý là cháu phải chịu khó tập luyện thường xuyên hàng ngày thì hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều.

Chế độ sinh hoạt:

Cháu nên tránh thức khuya, ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, tối đi ngủ trước 10h30. Ngủ sâu, đủ giấc cũng giúp cháu lên cân.

Cố gắng duy trì một tinh thần thoải mái, tránh các stress.

Cháu không được làm việc quá sức và nên từ bỏ những thói quen xấu (nếu có) như không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, bia…

Phát hiện sớm, chữa trị kịp thời, tích cực các bệnh lý liên quan (nếu có), đặc biệt là các bệnh đường tiêu hóa.

Một trong những điều hết sức quan trọng khi muốn cải thiện trọng lượng cơ thể đó là cháu cần phải đi tìm lý do của việc không tăng cân. Nếu lý do nằm ở vấn đề hấp thụ thì cháu có thể chữa trị bằng men tiêu hóa. Nếu lý do không nằm trong các lý do trên, thì cháu nên đến cơ sở y tế để được khám, xác định lý do và chữa trị thích hợp.

Chúc cháu sớm tăng cân!

Tăng cân ở Nam Giới


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thân chào bác sĩ. Em hiện nay 28 tuổi, cao 165cm, nặng 54kg. Em ăn tương đối nhiều nhưng không thể nào tăng cân lên được. em rất muốn tăng cân, vì bản thân gầy quá. Kính mong bác sĩ tư vẫn và chỉ cho em phương pháp, chế độ ăn uống để cải thiện vấn đề trên. Em chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào em.

Nguyên nhân gây thiếu cân là do quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra quá nhanh, mức độ căng thẳng cao, rắc rối với việc hấp thụ thức ăn, tập thể dục quá mức, rối loạn ăn uống, cường giáp, trầm cảm, ăn quá ít, ăn không đủ chất…

Có rất nhiều bệnh trong cơ thể có thể gây ảnh hưởng đến sự hấp thụ thức ăn. Ví dụ như bệnh nhân bị bệnh loét bao tử, xơ nang hoặc steatorrhoea (không thấy khả năng hấp thụ chất béo từ đường tiêu hóa) sẽ thường nhẹ cân và khó tăng cân do không hấp thụ được nhiều dinh dưỡng từ thức ăn. Vì vậy, nếu em thấy mình ăn nhiều mà không tăng cân thì trước tiên em nên đi kiểm tra sức khỏe để biết mình có đang mắc bệnh gì hay không và để chữa trị bệnh nếu cần.

– Khắc phục quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh chóng: Nếu ngay từ khi sinh ra hoặc về sau này, cơ thể đã có quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh chóng thì cần tăng lượng thức ăn hàng ngày để bù đắp cho tốc độ đốt cháy năng lượng của cơ thể. Hãy ăn thành 6 hoặc nhiều bữa nhỏ một ngày, tăng lượng tinh bột để cung cấp năng lượng. Mỗi bữa ăn cần đảm bảo chất tinh bột (bánh mì, mì ống, khoai tây, gạo, ngũ cốc…), nhiều trái cây và rau quả, hàng ngày khẩu phần đậu, các loại hạt và hạt giống, để cung cấp vitamin B12.

– Giảm mức độ căng thẳng: Thường xuyên bị stress cũng là một yếu tố khiến người ta chán ăn và ăn không ngon miệng. Để đối phó với stress có thể thử các cách như đi dạo, nghe nhạc, làm những việc mình thích…Một khi tâm lý thoải mái, chắc chắn sẽ ăn được nhiều hơn, việc hấp thụ thức ăn diễn ra tốt hơn và sẽ tăng cân nhanh chóng.

– Tránh tập thể dục quá nhiều: Tập thể dục là tốt, nhưng nếu tập thái quá có thể khiến cơ thể bị kiệt sức và mất nhiều năng lượng. Do đó cần cân bằng chế độ ăn uống với việc tập thể dục để có hiệu quả nhất.

– Chế độ ăn uống: Để tăng cân em cần ăn đúng giờ và đủ ba bữa sáng, trưa, chiều. Trong bữa chính cần ăn đủ bốn nhóm chất: bột đường (cơm, bún, phở, bánh mì, xôi…), chất đạm (thịt, cá, trứng, đậu hủ…), chất béo (dầu, mỡ, bơ…) và các loại rau quả. Nên ăn thêm 2 đến 3 bữa phụ một ngày sau bữa chính để tăng cường dinh dưỡng cho cơ thể. Với bữa phụ nên chọn các món dễ tiêu: bún, sữa chua, nước ép trái cây… Những món ăn này sẽ kích thích ăn ngon miệng, và không làm tác động đến bữa chính. Cần hạn chế bánh nếp, bánh rán vì năng lượng cao nhưng lại khó tiêu.

– Ngủ đủ 7 – 8h/ngày, không thức khuya. Tập thể dục 15-30 phút/ngày sẽ giúp cơ thể khỏe hơn, ăn ngon miệng hơn và dễ hấp thu các chất dinh dưỡng hơn.

Chúc em luôn khỏe và sớm đạt được cân nặng mong muốn


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl