Cần phải làm gì ngay sau khi bị trẹo chân?


4,226
1
1
Xu
53
Trẹo chân là một hiện tượng thường gặp trong quá trình hoạt động thể chất. Trẹo chân không nguy hiểm, nhưng nếu như không có sự xử lí kịp thời và đúng cách, trẹo chân có thể gây đau đớn và khó chịu kéo dài. 5 câu hỏi cùng giải đáp dưới đây về trẹo chân sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin quý giá khi gặp phải tình huống này.

Bị trẹo chân do đi giày cao gót thì cần làm gì?


Câu hỏi bởi: Hana Phượng

Chào Bác sĩ! Hôm qua em đi giày cao gót không may dẫm vào hố ga bị trẹo chân. Lúc đó chỉ hơi đau em vẫn đi lại được nhưng sau khi ngồi ăn tối đứng dậy thì chân đau hơn nhiều (vì lúc đứng lên trọng lực dồn xuống chân) không đi được. Chân em không bị bầm tím hay sưng gì cả, để bình thường thì không sao nhưng đứng lên rất đau. Em đã xoa dầu và dán lá cao nhưng vẫn không có đỡ hơn. Bác sĩ cho em hỏi liệu chân em có làm sao không và phương pháp điều trị như thế nào ạ. Em cảm ơn Bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào em.

Theo những gì em kể trong thư thì có lẽ em đã bị bong gân khớp cổ chân. Nếu chỉ là bong gân đơn thuần thì sau khoảng 10 – 15 ngày sẽ bình phục hoàn toàn. Tuy nhiên trong thời gian đó em không nên đi lại nhiều để phần gân, cơ bị thương được nghỉ ngơi, cũng không nên đi giày cao gót, không dùng dầu nóng xoa bóp (vì có thể càng gây đau và sưng). Em nên chườm chỗ đau bằng đá lạnh, kê cao chân khi nằm. Em cũng nên đi khám và chụp phim để đề phòng khả năng có tổn thương ở xương và sụn khớp.

Chúc em mau khỏe!

Di chứng trẹo chân chữa thế nào?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ!

Em bị đau nhức mắt cá chân phải do bị trẹo chân khi đi xuống cầu thang cách đây 2 tuần. Tuy nhiên không phải là đau nhiều lắm, chỉ khi đi giày cao và đi bộ lại thấy đau, liệu có tác động gì đến xương khớp không bác sĩ và cách điều trị thế nào? Mong bác sĩ giải đáp giúp em.

Em cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào em!

Khi bị trẹo chân, mức độ nhẹ có thể chỉ bị căng giãn dây chằng quanh khớp, nặng hơn có thể có tổn thương rách, đứt dây chằng, tụ máu quanh khớp hoặc có thể có trật khớp… Khi bị giãn dây chằng quanh khớp, bệnh nhân thường bị đau, sưng nề nhẹ vùng khớp, đi lại được nhưng hạn chế. Khi bị tổn thương dây chằng quanh khớp, trật khớp, bệnh nhân thường có sưng nề nhiều vùng khớp, đau nhiều, mất vận động của khớp làm cho bệnh nhân không đi lại được.

Trường hợp của em bị trẹo chân từ 2 tuần trước nhưng đau ít, vẫn đi lại được nên tình trạng đau nhức mắt cá chân của em là do tổn thương giãn dây chằng quanh khớp vùng cổ chân. Điều trị chủ yếu bằng cách hạn chế đi lại tối đa, khi ngủ để chân cao. Sau một vài tuần, tổn thương giãn dây chằng sẽ hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng gì, em sẽ hết đau và đi lại bình thường. Tuy nhiên, em vẫn nên đi khám để chụp X-quang cổ chân phải xem có rạn xương, mẻ xương không, còn khả năng bị gãy xương là thấp vì nếu có gãy xương thì em sẽ đau nhiều và không đi lại được.

Chúc em khỏe!

Đi khập khiễng sau trẹo chân chữa thế nào?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ!

Em là nữ, 20 tuổi. Khoảng 1 năm trước em bị trẹo chân, khi sơ cứu ở phòng y tế của trường, nhân viên y tế ở đấy nói em chỉ cần chườm lạnh 1 thời gian và hạn chế đi lại là được. Sau 3 tuần thì em đi lại bình thường. Nhưng dạo gần đây, bạn bè nói em bị đi khập khiễng, lúc ấy em đã để ý và dù có cố sửa dáng đi hoặc thay đổi lực của 2 chân thì em vẫn không thể sửa lại như bình thường được (những lúc đấy em thường đi giày/dép rất thoải mái) . Vậy với trường hợp của em, có cách nào để chữa không bác sĩ?

Mong bác sĩ giải đáp giúp em. Em xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Khi bị vấp nhẹ làm trẹo cổ chân hoặc bàn chân, bạn chớ nên xem thường vì chỉ một lực như vậy cũng đủ gây gãy xương mắt cá, toác khớp, phải phẫu thuật chỉnh sửa lại. Chấn thương cổ chân thường đau ít và không kéo dài, hay có cảm giác thốn. Ngay cả khi bị gãy xương, đau chỉ xuất hiện trong tuần lễ đầu. Đó cũng là lý do khiến người ta ít chú ý đến tổn thương.

Chấn thương cổ chân thường giới hạn cử động cổ chân như gấp lòng hay gấp lưng bàn chân, làm người bệnh có dáng đi khập khiễng. Nếu biến chứng này xảy ra sau chấn thương, nhiều khả năng có tổn thương xương khớp ở cổ chân. Hiện tại bạn bị đi khập khiễng sau khi bị trẹo chân, bạn nên kiên trì tập luyện và điều chỉnh tư thế. Bạn không còn bị đau nên bạn cũng không sợ bị chấn thương mắt cá hay dây chằng gì cả. Bạn có thể đến các trung tâm vật lý trị liệu để được hướng dẫn về cách tập.

Chúc bạn khỏe mạnh!

Bị trật chân, chân phải bị trẹo về bên trong


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cách đây 1 năm cháu đi cầu tháng bị trật chân, chân phải bị trẹo về bên trong. Vài ngày đầu vùng mắt cá bầm và sưng to lên, đi lại có hơi khó khăn, vài tuần sau đó thì không đau nữa đi lại chạy nhảy cũng bình thường. Tuy nhiên tới bây giờ ở bên dưới mắt cá chân cháu vẫn cảm thấy vướng vướng khó chịu và dây chằng bên dưới mắt cá trông cũng khác thường so với chân không bị. Khi ngồi duỗi 2 chân ra và để 2 bàn chân tự nhiên cháu thấy bàn chân bị trật quặp vào bên trong nhiều hơn. Cháu đoán mình bị giãn dây chằng. Nhưng cháu không biết phải làm thế nào để phục hồi lại như cũ. Lúc trước cháu có đi khám nhưng bác sĩ không kiểm tra mà chỉ nói còn đi được là không sao. Xin bác sĩ tư vấn giúp cháu ạ.

Cháu cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào cháu.

Cháu vẫn đi lại bình thường thì chân cháu không có vấn đề gì cả. Đối với bệnh giãn dây chằng thì thường bị ngay sau khi bị thương và người bệnh không đi lại được. Đối với tình huống của cháu, cháu đã bị 1 năm rồi và đi lại bình thường, cho nên cháu hoàn toàn yên tâm là chân cháu không bị làm sao cả.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Bị trẹo cổ chân 2 tháng vẫn sưng, đau phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Thanh Dung

Cháu chào bác sĩ.

Hai tháng trước cháu đi đá bóng và không may bị trẹo cổ chân. Lúc đó đang đá bóng, vẫn hăng và cháu vẫn đá tiếp. Nhưng đến khi về nhà thì nó mới bắt đầu đau và sưng, sưng rất to. Cháu liền lấy cao bạch hổ bôi và hạn chế đi lại. 1 tuần sau thấy cũng đỡ và đi lại được bình thường, cháu nghĩ đã khỏi nên lại đi đá bóng và trong quá trình chạy nhảy, lại bị đau chỗ đó lần nữa. Lần này cháu nghỉ luôn, không dám đá nữa. Từ đó đến nay vết sưng không còn to như lúc đầu nữa nhưng vẫn không hết hẳn, vẫn hơi sưng. Chân cháu thì đi lại bình thường. Chỉ khi duỗi và co, ngoáy chân hết cỡ thì sẽ cảm thấy hơi đau. Và khi ngồi xếp chân đè lên mặt giường (như ngồi thiền) một thời gian lâu thì nó cũng hơi đau. Cháu đi khám các bác sĩ ở bệnh viện thì họ bảo là đi lại được như thế là không liên quan gì đến xương đâu. Rồi họ bảo cái này để lâu cũng tự khỏi. Cháu rất băn khoăn, khi mà hơn 2 tháng rồi mà chân vẫn sưng, hơi đau. Liệu có khỏi tác động gì đến dây chằng, khớp không ạ? Và để lâu cháu sợ sẽ nguy hiểm. Mong các bác sĩ giải đáp cho cháu.

Cháu xin cảm ơn các bác rất nhiều!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Sau những chấn thương mà bị đau, lí do có thể do tổn thương của xương khớp hoặc do tổn thương phần mềm như: giãn dây chằng, đụng dập phần mềm,… Tổn thương xương có thể là gãy xương hay rạn xương. Trong trường hợp gãy các xương dài thì bệnh nhân thường không đi lại được, vị trí gãy sưng nề nhiều, biến dạng. Trong trường hợp rạn xương hoặc gãy các xương nhỏ thì nhiều trường hợp vẫn có thể đi lại được nhưng khó khăn và kèm theo đau nhiều. Đau trong trường hợp có tổn thương xương, thường đau nhiều và đau chói, buốt.

Như trường hợp của bạn, nghĩ nhiều tới tổn thương giãn dây chằng, đụng dập phần mềm hoặc có thể kèm theo rạn xương, không nghĩ tới khả năng gãy xương. Để chẩn đoán chính xác cần phải chụp phim X-quang để xác định xem có tổn thương xương không. Nếu có thì cần phải nẹp bột cố định. Chỉ tổn thương phần mềm đơn thuần thì chỉ cần hạn chế đi lại, uống thuốc giảm đau, chống phù nề, bệnh sẽ đỡ dần và khỏi.

Chúc bạn khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl