5 giải đáp hữu ích nhất về mụn cơm


4,226
1
1
Xu
53
Mụn cơm hay còn gọi là mụn thịt thừa khá lành tính với da. Tuy nhiên, nó để lại những ảnh hưởng về thẩm mỹ và tâm lý rất lớn đối với người mắc bệnh.

Cách chữa mụn cơm


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ em trai tôi năm nay 25 tuổi bị xuất hiện mụn cứng như mụn cơm nhưng có ngòi đen và rất đau khi chạm vào. K cắt lớp da sần bên trên rút ngòi đen ra thì thấy đỡ đau nhưng mụn cơm càng ngày càng lan rộng. Bác sĩ cho tôi hỏi cách chữa trị. Tôi xin chân thành cảm ơn

Bác sĩ Hà Văn Chấn


Chào bạn.
Với triệu chứng mà bạn kể với hình ảnh mà bạn gửi. Có thể chân em trai bạn bị mụn cơm,cách chữa mụn cơm tôi giới thiệu để bạn tham khảo và ứng dụng:

Mụn cơm là một dày sừng khu trú gồm các tổn thương da và niêm mạc do một loại virut gây sùi ở người gọi là Human Papilloma Virut (HPV) gây ra. Virut khiến cho các tế bào ở lớp ngoài cùng của da tăng sinh nhanh. Mụn cơm xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể, tuy không gây ung thư nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ và khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày nên cần được điều trị triệt để.
Tại sao xuất hiện mụn cơm?
Mụn cơm xảy ra từ sau 2 – 6 tháng khi tiếp xúc trực tiếp với HPV. Có hơn 100 type HPV và chúng có thể phát triển ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Mụn cơm là những nốt sần nhỏ lành tính, mềm, có màu da, màu trắng, hồng hoặc nâu, sờ có cảm giác thô ráp, không đau. Mụn cơm có thể xuất hiện đơn độc hoặc thành đám, thường có một hoặc nhiều chấm nhỏ li ti màu đen đôi khi được gọi là hạt mụn cơm, nhưng thực ra là những mao mạch bị huyết khối.
Các tổn thương khi bị mụn cơm có thể lây nhiễm giữa các vùng khác nhau trên cơ thể hay sang người khác khi có sự tiếp xúc với các dịch tiết của tổn thương. Bệnh lây từ người sang người do chạm vào khăn hoặc các vật dụng khác mà người nhiễm virut đã dùng. Tuy nhiên, không phải ai tiếp xúc với HPV đều sẽ bị mụn cơm vì mỗi người có đáp ứng miễn dịch khác nhau. Một số loại mụn cơm như mụn cơm sinh dục khá dễ lây, song khả năng bị lây mụn cơm thông thường từ người khác là rất ít.

Mụn cơm có thể xuất hiện đơn độc hoặc từng đám.
Ai cũng có thể bị mụn cơm. Tỷ lệ mắc ở trẻ em cao hơn người lớn vì trẻ hiếu động, thường xuyên làm trầy xước chân tay, hay đi chân không, cắn móng tay, nghịch đất cát, lê la dưới đất… Phụ nữ làm móng, cắt khóe móng chân, tay cũng dễ bị mụn cơm.
Phương pháp điều trị và dùng thuốc
Mụn cơm thường không cần điều trị và có thể biến mất trong vòng 2 năm, song ở một số người, cần điều trị vì mục đích thẩm mỹ hoặc để ngăn ngừa bệnh lây lan.
Thuốc điều trị thông thường là acid salicylic. Một số biện pháp khác gồm:
Áp lạnh: còn gọi là liệu pháp phun nitơ lỏng vào vùng có mụn cơm. Hơi lạnh sẽ tạo thành nốt phỏng quanh mụn, sau đó mô chết sẽ bong ra trong vòng khoảng 1 tuần.
Cantharidin: là một chất được chiết xuất từ bọ ban miêu được phối hợp với một số hóa chất khác và bôi lên mụn cơm. Thuốc sẽ làm cho da phồng rộp và nhổ bật mụn cơm khỏi da.
Phẫu thuật laser: thường chỉ dành cho những trường hợp mụn cơm khó chữa vì khá tốn tiền và có thể gây ra sẹo.
Vi phẫu: mụn cơm được cắt hoặc đốt bằng dao điện. Vì phương pháp này có thể để lại sẹo nên thường chỉ dành cho những trường hợp không đáp ứng với các biện pháp điều trị khác.
Trong trường hợp xấu, mụn cơm không đáp ứng các phương pháp điều trị trên, bệnh nhân sẽ được áp dụng thêm liệu pháp khác như:
Miễn dịch liệu pháp: Thuốc điều trị miễn dịch có thể sẽ được quy định cho mụn cóc cứng đầu bao gồm dibutylester acid squaric và gel gọi là imiquimod. Đây là loại thuốc miễn dịch dạng kem bôi thường dùng điều trị mụn cơm sinh dục, nhưng cũng hiệu quả trong điều trị mụn cơm thông thường. Thuốc làm tăng đáp ứng miễn dịch của da với mụn cơm và làm cho mụn bị chết. Tuy nhiên, mụn cơm có thể trở lại khi các phương pháp điều trị ngừng lại.
Bleomycin (Blenoxane): tiêm vào mụn cơm loại thuốc bleomycin nhằm giết chết virut. Bleomycin được sử dụng cẩn thận cho các mụn cơm, nhưng ở liều cao hơn được sử dụng để điều trị một số loại ung thư. Rủi ro của liệu pháp này bao gồm mất móng tay, đồng thời thiệt hại cho da và thần kinh.
Retinoids: Có nguồn gốc từ vitamin A, các loại thuốc này làm gián đoạn tăng trưởng tế bào da mụn cóc. Bệnh nhân có thể dùng một loại kem hoặc một loại thuốc uống. Những thuốc này làm cho làn da thêm nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, vì vậy, hãy chắc chắn để bảo vệ làn da từ mặt trời trong khi dùng chúng.

Bạn có thể đến bác sỹ chuyên khoa da liễu khám và điều trị.
Chúc bạn và em trai bạn mạnh khỏe.

Cách trị mụn cơm


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Cháu là nam. Cháu năm nay 16 tuổi, có 1 cái mụn cơm ở eo. Vậy làm thế nào để hết ạ?

Cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào em!

Mụn cơm hay còn gọi là mụn cóc do virus HPV gây nên. Em nên chữa trị, nếu không nó sẽ lây lan sinh nhiều cái khác. Điều trị đơn giản có thể chấm thuốc, laser, plasma… Muốn chữa trị tốt em nên tới bác sĩ Da liễu.

Chúc em mạnh khỏe!

Cách chữa trị mụn cơm là gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Cách đây 5 tháng em có đi khám ở spa những nốt sần nhỏ li ti nhìn thì không rõ nhưng sờ vào thì ráp tay, họ nói em bị mụn cơm và phải đốt để lấy nhân mụn ra. Em đã làm và phải mất 2 tháng mới hết thâm mặt. Nhưng chỉ sau đó 2 tháng em lại thấy xuất hiện lại tuy không nhiều như lúc đầu. Cho em hỏi bác sĩ là có phải em bị mụn cơm không? Và đốt lazer có hết hẳn không? Ở viện Da liễu có chữa được và chi phí như thế nào ạ.

Em cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn.

Những nốt nhỏ li ti ở vùng mặt của bạn có thể là hạt cơm phẳng, có thể là u tuyến mồ hôi, hoặc bớt sùi nhỏ. Những bệnh trên đều phải chữa trị bằng tia laser. Ở bệnh viện Da liễu Trung ương có chữa trị được. Chi phí phụ thuộc vào diện tích của tổn thương.

Chúc bạn mạnh khỏe.

Bị mụn cơm sinh dục nên làm thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Bác sĩ ơi con năm nay 19 tuổi mới lấy chồng được 8 tháng, và chưa có con. Mấy ngày này con phát hiện có 1 mụn mọc ở phần sinh dục, trên cạnh môi phần thịt, ngày đầu tiên thì ngứa, ngày thứ 2 vừa ngứa vừa rát, con thấy có mủ ở đầu trên. Con dùng tay nặn hết phần mủ ra thì thấy đỡ rát và ngứa hơn. Bác sĩ cho con biết con bị làm sao vậy, và chữa như thế nào?

Con cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương


Chào cháu.

Mụn ở cơ quan sinh dục là một bệnh phụ khoa phổ biến và xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng phần lớn người mắc bệnh ở độ tuổi 18-30 tuổi vì đây là lứa tuổi có nhu cầu tình dục cao dễ đưa đến hành vi tình dục không an toàn. Nguyên nhân gây nên tình trạng mụn rộp sinh dục thường do ma sát, lông vùng kín mọc ngược hoặc tuyến mồ hôi bị tắc… đặc biệt là quan hệ tình dục không an toàn , mụn bình thường ở âm đạo (hay âm hộ), mụn phát triển trong sợi lông, mụn nước âm đạo, hoặc bệnh lây qua đường tình dục do vi rút như Herpes, HPV.

Nếu bị bệnh tình dục do vi rút như Herpes, HPV gây ra thì sẽ không xuất hiện ở dạng một mụn đơn độc mà mụn nước nhỏ mọc thành chùm, cảm giác nóng rát hoặc ngứa. Các mụn có thể vỡ ra, đóng vảy rồi tự lành sau 1- 2 tuần. Vết loét đau đớn nhiều hơn khi đi tiểu. Bệnh có thể kèm theo sốt, nhức đầu, nổi hạch ở bẹn…

Trường hợp của cháu nếu chỉ có 1 mụn thì có thể chỉ là mụn bình thường hoặc nang lông phát triển. Đôi khi nang lông phát triển quá mức cũng có thể trông giống như một mụn lớn và có thể ngứa. Tuy nhiên, cháu không nên nặn vì rất có nguy cơ bị nhiễm trùng. Trong thời gian này cháu không nên quan hệ tình dục.

Cần rửa sạch và giữ cho vết loét sạch sẽ, khô ráo, tránh đụng chạm, rửa tay kỹ sau khi tiếp xúc với vết loét. Giữ cho vùng âm đạo luôn sạch sẽ và khô là cách tốt nhất để phòng bệnh. Tốt nhất cháu nên đi khám tại các cơ sở Sản phụ khoa để được khám và chẩn đoán chính xác. Các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc hiệu quả nhất cho cháu.

Chúc cháu mạnh khỏe.

Mụn cơm ở chân sưng tấy


Câu hỏi bởi: Trương Tuấn Minh

Chào bác sĩ.

Em là nam, 24 tuổi, em bị mụn cơm dưới lòng ngón chân. Ban đầu bình thường sau dần dần nó khó chịu. Lần đầu em đi đốt, cứ tưởng sẽ khỏi hẳn, ai ngờ nó tiếp tục lên và có thêm 3-4 mụn con. Em tiếp tục đốt lần 2, có 4 nốt. Sau 1 thời gian tiếp tục lại dày hơn, đau và sưng tấy. Giờ nó có khoảng 7 nốt (3 nốt ngón cái, 2 nốt ngón bên cạnh và 2 nốt lòng bàn chân). Em đã sử dụng tất cả mẹo như: ngâm nước muối ấm thật lâu (khoảng hơn 1h), đắp lá tía tô ( hoặc sát nó vào vết mụn mẹ), đốt bằng sức nóng của thuốc lá (mụn con) … mà vẫn ko khỏi. Em ko dám đi giày nữa vì quá đau, giờ thì toàn như người thọt vậy. Bác sĩ có cách gì chữa trị ngoài đốt điện ko ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào em!

Em bị mụn cóc (mụn cơm). Mụn cơm là một bệnh da thông thường hay gặp. Hầu hết mụn cơm không gây tác động đến sức khỏe, nhưng đôi khi gây đau đớn khi sinh hoạt hàng ngày. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới nhưng thường gặp nhiều hơn cả ở người trẻ tuổi. Người già hiếm gặp hơn và ít gặp hơn nữa là trẻ sơ sinh. Mụn cơm là sự tăng sinh lành tính của da do virus gây khối u ở người (Human Papilloma Virus-HPV). Em nên điều trị loại bỏ đi kẻo lây lan nhiều. Trong dân gian có nhiều phương pháp chữa trị nhưng hiệu quả không cao mà còn có biến chứng. Sống ở thời hiện đại, tốt hơn hết em đi bác sĩ Da liễu dùng laser hoặc đốt điện là an toàn và hiệu quả cao..

Chúc em mau khỏi bệnh!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl