Tuyển chọn câu hỏi về ảnh hưởng của rối loạn kinh nguyệt


4,226
1
1
Xu
53
Rối loạn kinh nguyệt kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy nhưng trên thực tế ảnh hưởng của nó bao gồm những gì thì liệu bạn đã biết?

Rối loạn kinh nguyệt, lượng kinh ít có ảnh hưởng?


Câu hỏi bởi: Vân Trần

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 20 tuổi, có kinh nguyệt được 9-10 năm nay rồi. Từ đó đến giờ các chu kì kinh của cháu chưa bao giờ đều cả. Lúc thì 1 tháng rưỡi, lúc 2 tháng rưỡi, lúc 4 tháng. Nhưng lần này cháu bị mất kinh tới 7 tháng liền. Cỡ 1 tuần trở lại đây cháu bị ra những vết máu đen, rất rất ít nhưng kéo dài 3-4 ngày rồi nên cháu rất lo lắng. Bình thường vào kì kinh nguyệt cháu hay bị đau bụng nhiều, ra nhiều máu cục trong 2 ngày đầu và đến ngày thứ 3 là ít hẳn gần như không thấy rồi ạ. Mong bác sĩ có thể giải đáp thêm giúp cháu về tình trạng bệnh của cháu và phương pháp để điều hòa cho tốt ạ!

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương


Chào cháu.

Hai yếu tố tác động đến kinh nguyệt là cấu tạo bộ phận sinh dục nữ và các nội tiết tố nữ (estrogen và progesterone). Độ tuổi dậy thì kinh nguyệt thường không đều vì lượng nội tiết tố nữ trong cơ thể chưa ổn định. Khi đã trưởng thành kinh nguyệt sẽ trở nên tương đối đều đặn. Trường hợp cháu 20 tuổi mà kinh nguyệt vẫn không đều và kèm theo đau bụng kinh nhiều thì cháu nên đi khám phụ khoa để được các bác sĩ khám bệnh, tìm lí do cụ thể và điều trị hiệu quả. Nếu cháu chưa quan hệ tình dục, bác sĩ sẽ có cách khám riêng để bảo vệ màng trình của cháu.

Thân mến chào cháu.

Bị rối loạn kinh nguyệt có ảnh hưởng tới khả năng mang thai không?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ!

Em lấy chồng được 5 tháng. Giờ chu kỳ kinh nguyệt của em bị loạn, có tháng bị 2 lần, có tháng không bị. Em cứ nghĩ là mình có thai nhưng không phải. Hiện tại em bị rối loạn như vậy có tác động gì không ạ? Và dùng thuốc gì cho không bị rối loạn nữa? Mong bác sĩ tư vấn giúp em.

Em xin chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Đinh Anh Tuấn


Chào em!

Em mới lấy chồng 5 tháng, những thay đổi trong đời sống vợ chồng cũng có thể tác động tới tâm sinh lý và là lí do của tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Nhiều khi chỉ cần sắp xếp lại công việc, nếp sinh hoạt hàng ngày để thích nghi với hôn nhân, tạo cho cuộc sống vợ chồng nhiều niềm vui và hạnh phúc cũng sẽ giúp cân bằng được tâm sinh lý và ổn định kinh nguyệt. Trong hầu hết các kỳ kinh nguyệt ổn định đều có hiện tượng rụng trứng và đó là điều kiện tiên quyết để thụ thai.

Vì vậy, ngoài các giải pháp ổn định cuộc sống như đã nêu trên, em có thể dùng thêm một số thuốc đông y như viên điều kinh, cao ích mẫu trong vài ba tháng cũng có tác dụng điều hòa kinh nguyệt. Em cũng có thể dùng thêm vitamin E có tác dụng tốt đối với hoạt động nội tiết tố của buồng trứng. Nếu kinh nguyệt của em vẫn bị rối loạn kéo dài, em cần đến khám bác sĩ chuyên khoa Phụ sản để thăm khám và tư vẫn cụ thể hơn.

Chúc em mạnh khoẻ!

Có phải rối loạn kinh nguyệt gây khó có con không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Kinh nguyệt của cháu ra không đều tháng kia là ngày 15 tiếp là 12 và bây giờ là 10 cháu đang mong có baby lắm ạ. 5 tháng về trước cháu có uống 2 viên thuốc tránh thai khẩn cấp trong 2 tháng bây giờ cháu muốn có bé lắm mà chưa có cháu sợ nó tác động bác ạ. Mà cháu có kinh cháu đau bụng và đau lưng, 2 tháng trước có kinh không bị đau ạ. Nhờ bác giải đáp giúp cháu ạ.

Cháu cảm ơn bác.

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Việc lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp có thể dẫn đến những tác dụng phụ như rối loạn nội tiết, rối loạn kinh nguyệt, rong huyết, đau bụng, chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu… Theo khuyến cáo thì không nên dùng quá 2 lần trong một tháng vì nếu dùng nhiều thì hiệu quả tránh thai cũng giảm mà tác dụng phụ lại tăng lên. Các tác dụng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp thường kéo dài 2 tháng. Trường hợp của cháu từng uống 2 viên thuốc tránh thai khẩn cấp trong 1 tháng thì cũng không vượt quá khuyến cáo và cháu đã uống cách đây 5 tháng thì những tác dụng phụ nếu có cũng đã hết. Cháu không nên quá lo lắng, sốt ruột vì chuyện mang thai. Tâm lý thoải mái, thư giãn cũng là một yếu tố thuận lợi để mang thai. Cháu nên bình tĩnh chờ đợi. Nếu sau 6 tháng 2 vợ chồng cháu sinh hoạt đều đặn, không áp dụng bất cứ biện pháp tránh thai nào mà vẫn không thấy thai thì cháu cần đi khám.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Rối loạn kinh nguyệt có gây rụng tóc không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Con là nữ năm nay 21 tuổi, lúc trước tóc của con rất dày và chắc khỏe nhưng 1 năm trở lại đây tóc con rụng rất nhiều giờ chỉ còn lại 1/2 lúc trước, rụng đều hết cả đầu. Kèm theo là con bị kinh nguyệt không đều, có khi 3 hay 4 tháng mới có. Liệu con có phải bị rối loạn kinh nguyệt dẫn đến rụng tóc hay không ạ? Con được biết thuốc tránh thai có thể điều hòa kinh nhưng con sợ tóc sẽ bị rụng hơn nửa. Mong bác sĩ giúp con cách điều trị như thế nào và con nên đi khám ở khoa nào của bệnh viện ạ! Rất mong sự trả lời của bác sĩ.

Con cảm ơn!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào cháu!

Theo thông tin cháu cung cấp cháu bị rụng tóc, rụng tóc không sẹo có 2 dạng rụng tóc telogen và rụng tóc anagen. Sau đây cung cấp thông tin cho cháu tìm hiểu:

Rụng tóc Telogen. Định nghĩa: là loại rụng tóc hàng ngày tăng dần, tóc mỏng thưa đi. Tăng tỷ lệ phần trăm pha Telogen (tóc đầu tày) tóc bị chuyển nhanh từ pha Anagen sang Catagen và telogen. Căn nguyên:

– Có thai, sảy thai, sinh đẻ.

– Chấn thương lớn, phẫu thuật ngoại khoa lớn, mất máu.

– Sau đợt ốm có sốt cao.

– Sau ăn kiêng, sụt cân trong thời gian ngắn.

– Thuốc tránh thai, giảm năng tuyến giáp.

– Một số thuốc khác.

Lâm sàng: các nguyên nhân thường đi trước rụng tóc Telogen 6-16 tuần. Biểu hiện lâm sàng là tăng rụng tóc, tóc mỏng thưa đi, bệnh nhân lo lắng, sợ hãi họ sẽ bị hói. Thầy thuốc thường được chứng kiến các túi plastic chứa tóc rụng của họ. Rụng tóc lan toả vùng đầu, vuốt tóc thấy một vài sợi hay nhiều sợi bị rụng (tóc giai đoạn Telogen hoặc tóc đầu tày, hình dùi cui (Club Hairs) rụng lan toả ở cả mặt bên và sau đầu, các tóc mới mọc lại ngắn, mảnh hơn tóc cũ và đuôi thon nhọn hơn.

Móng có những đường hằn ngang (đường Beau) hoặc rãnh, khía ở bản móng các ngón tay, ngón chân. Xét nghiệm:

Trichogram (tóc đồ): tăng tỷ lệ phần trăm tóc Telogen(bình thường từ 10- 15%).

Tiến triển: về sau tóc mọc lại. Tuy nhiên nếu rụng nghiêm trọng và tái phát sau nhiều lần có thai kế tiếp nhau (chửa đẻ nhiều lần) có thể tóc mọc lại không hoàn toàn. Sau nguyên nhân tác động tóc có thể rụng kéo dài trong vòng 1 năm.

Điều trị: không cần điều trị gì đặc biệt, vitamin B liều cao, calcium, về sau tóc sẽ mọc lại, giải thích cho bệnh nhân là cần chờ đợi.
Rụng tóc Anagen

Định nghĩa: rụng tóc Anagen là kiểu rụng tóc lan toả (Diffuse hair loss), khởi đầu nhanh và khá rõ rệt, nó gây nên kìm hãm sự mọc tóc hoặc làm hư hại các sợi tóc Anagen chuyển nhanh sang Catagen và Telogen và rụng đi. Trong loại rụng tóc này tóc không bị rụng từng một vùng nhỏ hoặc vùng lớn mà tóc chỉ rụng lưa thưa, rải rác khắp da đầu, nhìn vào thấy da đầu ít tóc hơn bình thường. Khi dùng tay vuốt nhẹ thì sẽ thấy vài sợi tóc dễ dàng rụng theo. Đây là loại rụng tóc thường gặp nhất trong các loại rụng tóc.

Căn nguyên:

– Sau khi sinh đẻ, đến tuổi mãn kinh.

– Sau khi bị sốt cao kéo dài.

– Bị sốt ổ nhiễm trùng đâu đó trong cơ thể như sâu răng, bệnh giang mai v.v…

– Suy dinh dưỡng, thiếu ăn, thiếu máu.

– Giảm chức năng tuyến giáp trạng.

– Uống thuốc trị bệnh ung thư.

– Sau khi uốn tóc hoặc bị một số hóa chất tác động, hoặc do thiếu tia X quang ở da đầu.

– Bị stress nặng và kéo dài.

Phần lớn rụng tóc loại anagen gây nên do thuốc, nhiễm độc và hoá trị liệu.

– Thuốc chống đông Heparin ,Warfarin Một vài thông báo gây rụngtóc tỷ lệ thay đổi từ 19%- 70% rụng tóc lan toả.

– Colchicine Rụng tóc lan toả, tăng số tóc Telogen.

– Các thuốc chống U:Bleomycin, Cyclophosphamide, Cytarabine, Dacarbazine, Dactinomycine, Daunorubicin, Etoposide, Fluorouracil, Hydroxyurea, Ifosfamide, Mechlorethamine, Melphalen, Methotrexate, Mitomycin, Mytoxantrone, Nitrosourea, Procarbazine, Thiotepa, Vinblastine, Vinoristine

– Thuốc chống Parkinson, Levodopa, Thuốc chống động kinh, Trimethadione.

– Thuốc chẹn Beta: Metoprolol, Propanolol.

– Các thuốc tránh thai.

– Thuốc dùng trong điều trị rối loạn lưỡng cực: Lithium.

– Nguồn gốc nấm cựa gà: Bromocriptin.

– Thuốc chẹn H2 : Cimetidine.

– Kim loại nặng (độc): Thallium, Thuỷ ngân và chì.

– Thuốc làm giảm cholesteron:Clofibrate.

– Chất diệt sinh vật độc hại.

– Boric acid.

– Retinoids:Etretinate, Isotretinoin.

Như vậy rụng tóc là một vấn đề phức tạp, cháu phải đến da liễu khám, xét nghiệm và định loại rụng tóc sau đó mới có hướng điều trị đúng.

Chúc cháu khỏe!

Nữ 21 tuổi mỗi lần bị rối loạn kinh nguyệt thì nhức đầu, chóng mặt, đau bụng, đau lưng


Câu hỏi bởi: hanh phuc buon

Chào bác sĩ!

Em năm nay 21 tuổi, em đã có gia đình, mỗi lần đến ngày kinh nguyệt em thường đến sớm hơn khoảng 4 – 5 ngày, mỗi lần như vậy em đều bị hành đến không chịu được, như: Nhức đầu, chóng mặt, đau bụng, đau lưng không biết như vậy có bị bệnh gì về phụ nữ không ạ?

Em xin cảm ơn bác sĩ

Bác sĩ Lê Huy Tuấn


Chào bạn!

Theo thông tin mô tả như vậy bạn bị đau bụng khi hành kinh, bạn hãy đi khám (siêu âm) xem tử cung, buồng trứng của mình có vấn đề gì không nhé. Nếu tử cung, buồng trứng bình thường thì đau bụng đó gọi là đau bụng cơ năng, không rõ lí do. Để khỏi đau bạn hãy mua thuốc Ibuprofen biệt dược có tên là Moophen 400mg, uống trước khi hành kinh 4 đến 6 tiếng, uống mỗi lần 1 viên, nếu không đỡ bạn uống 2 viên/ lần, cứ uống cách nhau 6 tiếng 1 lần nhé, khi nào hết đau thì không uống nữa (thông thường chỉ cần uống 1- đến 2 viên là ổn).

Chúc bạn khoẻ.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl