Dùng thuốc nam chữa bệnh tai – mũi – họng và những điều cần biết


4,226
1
1
Xu
53
Tai – mũi – họng là tổ hợp chuyên khoa của nhiều bệnh lý. Một trong những lựa chọn mà các bệnh nhân tìm đến để chưa trị các loại này là sử dụng kết hợp những bài thuốc nam.

Thuốc nam có chữa được viêm mũi dị ứng?


Câu hỏi bởi: gà rừng 93

Em chào Bác sĩ! Em năm nay 21 tuổi. Đi khám Bác sĩ bảo em là bị viêm mũi dị ứng, em đã uống hết thuốc và cảm thấy đỡ. Hiện tại em đang uống thêm thuốc nam tên thuốc là tỷ viêm nang. Em thấy bảo điều trị trong vòng 6 tháng. Em mới uống được 2 tháng. Em hỏi Bác sĩ liệu uống 6 tháng thuốc nam đó liền liệu có được không? Và có ảnh hưởng gì không ạ? Em cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào em.

Tỷ viêm nang là thuốc thảo dược được chỉ định dùng trong chữa trị viêm xoang, viêm mũi dị ứng: sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, hắt hơi liên tục, nhức đầu, đau vùng xương mặt, vùng trán.Thành phần của viên thuốc gồm Tân di hoa, Thương nhĩ tử, Kim ngân hoa, Xuyên khung, Bồ công anh, Tế tân, Bạch chỉ, Mộc thông, Cam thảo. Đây đều là những vị thuốc được sử dụng từ lâu trong y học cổ truyền và chưa thấy có độc tính hay tác dụng phụ gì khi dùng lâu dài. Một nghiên cứu trên 50 bệnh nhân viêm mũi dị ứng, mỗi bệnh nhân uống. Tỷ viêm nang 02 viên x 3 lần/ ngày; uống trong 4 tuần liên tiếp cho mỗi đợt. Điều trị 03 đợt, mỗi đợt cách nhau 1 tháng cho thấy thuốc có khả năng cải thiện các biểu hiện cơ năng của viêm mũi xoang mạn như nghẹt mũi; sổ mũi; khịt đàm nhầy; nhức đầu; hôi miệng…

Tuy nhiên, tỷ viêm nang là thuốc dùng để chữa trị biểu hiện của viêm mũi dị ứng, chứ không phải thuốc chữa trị tận gốc lí do gây bệnh. Trong bài thuốc này có các vị Xuyên khung, Tế tân, Bạch chỉ là những vị thuốc có tính nóng nên việc uống thuốc liên tục có thể gây ra những biểu hiện nóng trong người, mụn nhọt, táo bón, do đó cháu nên dùng một tháng thì nghỉ một tuần rồi dùng tiếp, kết hợp với xịt mũi bằng thuốc xịt mũi Hoa Ngũ Sắc, đồng thời cũng nên đi khám để theo dõi tình trạng bệnh. Nếu em đã hết các biểu hiện của viêm mũi dị ứng như sổ mũi, nghẹt mũi, nhức đầu v.v…thì không cần tiếp tục uống thuốc.

Chúc em luôn khỏe!

Thuốc nam nào chữa ho?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Bác sĩ cho em hỏi chồng em bị đau họng và ho một tuần rồi mà chồng em lại không muốn dùng thuốc tây vậy thì có loại thuốc nam hay thuốc bắc nào có thể chữa được bệnh này không ạ?

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào em.

Theo Đông y, ho chia làm hai thể bệnh: ho do ngoại cảm và ho do nội thương.

1. Ho do ngoại cảm

– Cảm lạnh (phong hàn): Sốt, sợ lạnh, đau đầu, ho, đờm lỏng, ngạt mũi. Dùng lá tía tô 20 g, lá xương xông 12 g, gừng tươi 8 g, lá hẹ 12 g, kinh giới 8 g, đổ 600 ml, sắc lấy 200 ml. Chia ra uống làm 2 lần trong ngày.

– Cảm cúm viêm họng (phong nhiệt): Sốt nhưng không sợ lạnh, khát, ho, đờm màu vàng. Dùng lá dâu, rau má mỗi vị 12 g; cúc hoa, bạc hà, rễ chanh, lá hẹ mỗi vị 8 g; kim ngân 16 g, đổ 600 ml, sắc lấy 200 ml. Chia ra uống 2 lần trong ngày.

2. Ho do nội thương

– Ho kéo dài không rõ lí do ở người gầy (phế âm hư): Ho khan không thấy đờm, họng khô, đau hoặc có ra máu, người háo nóng, mệt mỏi. Dùng rau má 20 g; lá chanh, lá tre mỗi vị 12 g; vỏ rễ dâu (sao mật) 16 g; quả dành dành (sao vàng), cam thảo dây mỗi vị 8 g. Đổ 500 ml nước, sắc lấy 200 ml; chia ra uống 2 lần.

– Viêm phế quản mạn tính (tỳ dương hư): Ho đờm nhiều, khi gặp lạnh hoặc về mùa rét ho càng nhiều, ăn uống càng kém, mệt mỏi, chân tay lạnh, trong người cảm giác lạnh, sợ lạnh. Dùng vỏ quýt phơi khô sao lên, bán hạ chế, hạt cải củ, hạt tử tô mỗi vị 12 g; cam thảo dây, gừng tươi mỗi vị 8 g. Tất cả cho vào nồi đổ 500 ml nước, sắc lấy 250 ml; chia uống 3 lần lúc đói và trước khi đi ngủ.

Ngoài ra em có thể thử một số bài thuốc khác có tác dụng sát trùng đường hô hấp, trị viêm họng như tỏi hấp mật ong, chanh đào ngâm mật ong, quất (tắc) hấp đường phèn, hoa đu đủ đực hấp mật ong v.v… Để phòng bệnh mùa hè không nên dùng quạt mạnh quạt thẳng vào người, đang đi nắng nóng không nên vào phòng lạnh ngay. Súc họng hàng ngày bằng nước muối ấm. Người bệnh mãn tính cần chú ý bồi dưỡng sức khỏe để tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật.

Chúc chồng em mau khỏi bệnh!

Cách chữa trị viêm xoang bằng thuốc nam


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Tôi 42 tuổi. Tôi bị viêm xoang, viêm họng, viêm gan B mãn tính. Tôi thường xuyên bị đau họng kéo dài. Tôi đã đi khám nhiều lần, bác sĩ bảo do viêm xoang dẫn đến viêm và đau họng. Tôi rất hạn chế dùng thuốc tây. Xin đề nghị bác sĩ nêu cách chữa thuốc nam hiệu quả nhất. Tôi có nên dùng thuốc Thông Xoang Tán hay Doctor Ninh không?

Xin chân thành cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào bạn!

Qua thông tin bạn mô tả, bạn bị viêm xoang, viêm họng và viêm gan B mãn tính, nhưng không rõ bạn bị viêm xoang gì (xoang hàm, xoang trán,…), tình trạng viêm ra sao,… Tuy nhiên dù mức độ viêm như thế nào thì trước hết bạn nên khắc phục triệt để tình trạng viêm xoang, cũng như viêm họng. Bạn nên tới khám tại cơ sở y tế chuyên khoa Tai Mũi Họng, dựa vào khám lâm sàng và xét nghiệm (nội soi, chụp X-quang,…), các bác sĩ sẽ đưa ra hướng chữa trị thích hợp nhất. Có nhiều thể viêm xoang, viêm họng và lí do dẫn tới viêm xoang, viêm họng rất đa dạng (nhiễm khuẩn, bội nhiễm, bất thường cấu trúc giải phẫu, u cục,…), do vậy bạn nên tới khám chuyên khoa sâu, không nên tự ý dùng thuốc hoặc chữa trị theo mách bảo vì có thể khiến viêm nhiễm dai dẳng, khó chữa trị, thậm chí gây biến chứng.

Chúc bạn mạnh khỏe.

Viêm phế quản mạn tính có chữa được bằng thuốc nam?


Câu hỏi bởi: Minh Huyền

Thưa bác sĩ.

Tôi bị viêm phế quản đã lâu,trị bằng thuốc tây, thuốc bắc nhưng không hết. Nay tôi đọc trên mạng thấy có bài thuốc nam định dùng thử nhưng không biết ở Tiền Giang có loại cây đó khộng? Lá cây khế chua và cây gòn gai thì tôi biết rồi. Lá cây cách giằng xay, kiến cò thì tôi chưa biết đến. Xin bác giải thích cho tôi hiểu thêm không? Ở Tiền Giang có những cây đó không?

xin cảm ơn!!!

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào cháu.

Viêm phế quản mãn tính là viêm tăng tiết nhầy của niêm mạc phế quản, gây ho và khạc đờm liên tục hoặc tái phát từng đợt. Nguyên nhân gây bệnh: hút thuốc lá, thuốc lào; nhiễm bụi, khí hậu ẩm ướt, lạnh; nhiễm khuẩn: vi khuẩn, virus; do cơ địa dị ứng… Triệu chứng chính là thường xuyên ho khạc về buổi sáng, đờm nhầy trong, dính hoặc màu xanh, vàng đục. Mỗi đợt kéo dài 3 tuần, tăng về mùa đông và đầu mùa thu.

Điều trị:

Dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ khi có bội nhiễm.

Dùng các thuốc long đờm, thuốc chống co thắt phế quản, vỗ rung và dẫn lưu theo tư thế, chống viêm bằng nhóm corticoid.

Thở ô-xy, thở máy, chống suy tim khi có tâm phế mãn…

Phòng bệnh: bỏ hút thuốc, tránh lạnh, tránh bụi, phòng chống nhiễm khuẩn đường hô hấp trên bằng súc họng, nhỏ mũi. Điều trị tốt bệnh tai – mũi – họng. Bệnh rất khó chữa trị khỏi hẳn. Cháu nên đến khám và chữa trị tại chuyên khoa hô hấp bệnh viện. Nếu cháu tuân thủ theo phác đồ chữa trị của bác sĩ, bệnh của cháu sẽ ổn định, hạn chế các đợt cấp của viêm phế quản mãn, sức khỏe cháu sẽ hồi phục, sinh hoạt và làm việc như mọi người.

Chế độ dinh dưỡng cho người bị bệnh viêm phế quản mãn: Cháu không nên ăn một số thực phẩm sau:

Cháu không nên ăn hoặc hạn chế tối đa các món rán, xào như: khoai tây chiên, bánh rán, thịt rán,…Những món ăn giàu chất béo kể cả sữa chứa hàm lượng chất béo cao, calo cao cũng không nên dùng, có thể làm tăng biểu hiện khó thở ở người bị viêm phế quản.

Hạn chế lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày. Muối có tác dụng giữ nước trong cơ thể, nếu thừa muối sẽ làm cơ thể giữ nước. Khi đó các mô phế quản cũng hấp thụ nước, làm tình trạng viêm phế quản gia tăng, sản xuất chất nhầy cũng tăng theo. Muối có nhiều trong các đồ ăn nhanh, đông lạnh, đồ ăn đóng hộp. Vì thế người bị viêm phế quản không nên ăn nhiều thức ăn nhanh, đông lạnh, chế biến sẵn.

Nên giảm lượng đường tinh luyện trong chế độ ăn đối với người bị viêm phế quản, bởi nếu rất hay tiêu thụ các loại đồ ăn như bánh kẹo, nước ngọt,…gây tình trạng đường tinh luyện trong cơ thể bị thừa, làm gia tăng hiện tượng khó thở.

Kiêng ăn các đồ cay nóng như ớt, hạt tiêu,… dễ gây kích thích niêm mạc phế quản gây hiện tượng ho.

Nên tránh các loại hoa quả chua, chát như: mận, táo chua vì những thực phẩm này gây khó long đờm.

Không nên uống rượu vì rượu làm gia tăng tình trạng bệnh viêm phế quản. Đặc biệt không nên uống rượu trước khi đi ngủ, dễ gây loạn nhịp thở hoặc ngừng thở, gâynguy hiểm tới tính mạng.

Cháu nên dùng thực phẩm sau, tốt cho người bị viêm phế quản:

Nên ăn nhiều trái cây và rau xanh sẽ cung cấp lượng vitamin cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra các loại vitamin như vitamin C, E, A, có tác dụng làm giảm tình trạng viêm ở phế quản, tình trạng khó thở của người bệnh. Các loại hoa quả, rau xanh giàu chất chống ô-xy hóa, đặc biệt tốt cho người viêm phế quản được bác sĩ khuyên dùng: dâu tây, các loại quả mọng, bông cải xanh, cà rốt.

Nên ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu như gạo, bột mì, ngũ cốc, đậu, sữa bò, sữa đậu nành, đậu phụ, trứng gà. Các sản phẩm từ sữa rất giàu vitamin D, canxi, và protein là nguồn dinh dưỡng quan trọng và cần thiết cho cơ thể. Người bị viêm phế quản nên tiêu thụ nhiều các sản phẩm từ sữa (tuy nhiên chỉ dùng các sản phẩm sữa có hàm lượng chất béo thấp). Nên ăn nhiều sữa chua vì sữa chua chứa nhiều vi khuẩn có lợi cho hệ thống tiêu hóa và có tác dụng tốt đối với người bị viêm phế quản.

Uống nhiều nước sẽ giúp cơ thể đào thải các độc tố khỏi cơ thể một cách dễ dàng. Người bị viêm phế quản dễ bị mất nước hơn so với những người bình thường, do ho, khó thở, viêm phế quản. Uống nhiều nước sẽ giúp giảm tình trạng viêm, tình trạng khô họng, làm loãng đờm, giúp tống đờm ra khỏi phế quản dễ dàng. Hàng ngày nên uống từ 2-2,5 lít nước.

Chúc sức khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl