Nguy cơ mắc bệnh trầm cảm sau cú sốc tâm lý


4,226
1
1
Xu
53
Trải qua những nỗi đau lớn như mất đi người thân, tai nạn giao thông, trượt đại học,… khiến nhiều người dễ rơi vào trạng thái trầm cảm. Để tránh mắc phải căn bệnh này, cần có những biện pháp tích cực để thoát khỏi sự bi quan sau những cú sốc tâm lý.

Bị trầm cảm sau cú sốc tinh thần


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cho cháu hỏi về tình trạng bây giờ của em cháu. Gia đình cháu nhiều anh chị em và ba của cháu mất sớm nên mấy chị em cháu phải tự lập từ rất nhỏ. Em gái cháu vui vẻ và rất hoạt bát, rất hiểu tâm lý của người khác, hay nói hay cười, gia đình ai cũng yêu quý. Nhưng em cháu đã yêu 1 người và đã có con, vì gia đình nghèo nên gia đình chưa tính đến chuyện đám cưới nhưng cách đây 3 tháng chồng của em gái cháu bỏ đi và nói với em gái cháu rằng đã có gia đình ở quê và vợ đã có thai. Từ lúc đó em gái cháu cứ khóc và không ăn, không uống làm gia đình rất lo sợ. Em cháu cứ ngồi ôm con mà khóc trong mấy ngày liền. Bây giờ em gái cháu không còn khóc nữa mà im lặng không nói chuyện với ai trong nhà, kể cả người thân nhất. Không cười, không vui vẻ như trước nữa, rất dễ nóng tính.

Bây giờ trong gia đình cháu không ai dám nói chuyện với em gái cháu nữa cho dù như thế nào. Con của em gái cháu và mấy đứa nhỏ trong nhà cũng rất sợ khi em gái cháu nổi giận. Ăn cơm xong là em cháu lại vào giường nằm không nói chuyện với ai. Em gái cháu khi nói chuyện không nhìn vào mặt đối phương mà cứ nói cho qua chuyện. Tính gia trưởng, thường xuyên làm theo ý mình và không hề hỏi ý kiến của ai. Mà mọi người trong nhà không ai nói được, làm không khí trong nhà thật ngột ngạt. Mong bác sĩ hãy giúp cho cháu với. Cháu và gia đình mong em trở lại như xưa.

Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào cháu.

Với các triệu chứng như cháu mô tả rất có thể em cháu đang bị trầm cảm sau sang chấn nặng về tâm lí. Bệnh nhân trầm cảm thường có các biểu hiện sau:

Mất ngủ: Là biểu hiện hay gặp nhất. Bệnh nhân có thể mất ngủ đầu giấc (khó vào giấc ngủ), giữa giấc (đang ngủ tỉnh dậy, sau đó rất khó ngủ lại) và cuối giấc (thức giấc sớm, không ngủ lại được).

Mệt mỏi: Bệnh nhân thường cảm thấy rất mệt mỏi, uể oải, đặc biệt là về buổi sáng.

Chán ăn: Ăn mất ngon, vì vậy bệnh nhân ăn ít, từ đó dẫn đến gầy sút, bệnh nhân không muốn ăn, không có cảm giác thèm ăn.

Mất mọi quan tâm, thích thú trong sinh hoạt, công việc hoặc giải trí: Các sở thích trước đây của bệnh nhân đều bị tác động nghiêm trọng.

Cảm giác buồn rầu hoặc bực bội, khó chịu: Nét mặt bệnh nhân luôn rầu rĩ. Bệnh nhân luôn có cảm giác buồn bã với tất cả mọi việc mà không có cách nào làm bệnh nhân vui lên được. Bệnh nhân luôn cáu gắt với mọi người vì những lý do không đâu.

Ý nghĩ chán nản, buông xuôi: Bệnh nhân chán mọi thứ, cho mình là vô dụng, vì vậy muốn buông xuôi mọi việc.

Cảm giác bứt rứt, buồn nôn, lo lắng vô cớ: Bệnh nhân khó có thể ngồi yên một chỗ được một lúc. Họ luôn trong tâm trạng lo lắng vô cớ với những lý do không đâu.

Khó khăn khi tập trung vào một việc gì đó: Như đọc sách, nghe giảng, xem ti-vi…

Trong tình huống nặng có thể có ý định muốn chết hoặc có hành vi tự sát.

Với tình trạng hiện tại gia đình cháu nên đưa em cháu đi gặp bác sĩ chuyên khoa Tâm thần học ở bệnh viện uy tín như bệnh viện Bạch Mai để thăm khám và chữa trị sớm, càng để lâu bệnh sẽ càng khó chữa trị và có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Chúc gia đình cháu mạnh khỏe!

Mắc bệnh trầm cảm sau khi gặp cú sốc lớn


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Phiền bác cho cháu hỏi. Cách đây 1 năm anh trai cháu không may qua đời đột ngột. Anh cháu mới 21 tuổi. Mẹ cháu quá đau lòng nên cơ thể suy nhược trầm trọng. Trí nhớ thì lúc nhớ lúc quên. Có khi ăn rồi nói chưa ăn. Có khi đang đứng thì hét lên như đang quát ai đó. Xong hoảng hốt như người mất hồn. Lúc gặp chuyện gì bức xúc là làm quá lên. Cháu rất lo, mong bác cho cháu biết mẹ cháu bị bệnh gì và biện pháp điều trị ạ?

Cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào cháu!

Với các triệu chứng như cháu mô tả rất có thể mẹ cháu đang bị trầm cảm.

Bệnh trầm cảm có thể do nhiều lí do:

Trầm cảm nội sinh (còn gọi là trầm cảm chưa rõ lí do): Có nhiều giả thuyết cho là do di truyền, miễn dịch, môi trường sống và yếu tố xã hội… nhưng chưa có giả thuyết nào có tính thuyết phục. Trầm cảm do stress: Chẳng hạn như khi mất việc làm, mâu thuẫn trong gia đình, con cái hư hỏng, bị trù dập ở nơi làm việc, làm ăn thua lỗ, bị phá sản hoặc có người thân chết đột ngột… Trầm cảm do các bệnh thực tổn.

Trong tình huống của mẹ cháu do phải chịu đựng cú sốc quá lớn nên dẫn tới trạng thái trầm cảm. Với tình trạng hiện tại cháu nên đưa mẹ tới gặp bác sĩ chuyên khoa Tâm thần học để được thăm khám và chữa trị.

Chúc cháu và gia đình mạnh khỏe!

Mắc bệnh trầm cảm sau khi chia tay người yêu phải làm sao?


Câu hỏi bởi: lệ thu

Xin chào bác sĩ.

Cháu năm nay 19 tuổi. Từ sau khi tay bạn trai cách đây 3 năm. 1 tháng đầu cháu sa sút, không ăn uống, tiều tụy xuống cân đến xanh mặt và cháu thường bị đau bao tử hành. Qua tháng đó cháu lấy lại tinh thần, cháu hay buồn, hay tự nhốt mình rồi suy nghĩ những chuyện buồn rồi khóc. Mỗi lần cháu thấy buồn gặp những chuyện không vui về cuộc sống cháu hay rạch tay, hành hạ bản thân, có khi cháu tự nói tự nghiĩ ra những câu nói khiến cháu đau lòng. Mỗi lần như vậy cháu thường có suy nghĩ tự sát, 2-3 lần tự sát nhưng đều không thành. Từ đó đến nay cháu hay thích một mình yên tĩnh, không thích đến những nơi đông người, tự ti về bản thân, mặc cảm. Chỉ một câu nói đùa của người khác chỉ chê bai về cháu là cháu thức suy nghĩ cả đêm. Bạn bè cháu cũng xa lánh hết, hay bị mất ngủ, khó vào giấc ngủ. Khi ngủ cháu hay mơ màng, có khi ai nói chuyện kề bên cháu đều nghe hết. Mong bác sĩ tìm ra lí do với bệnh cháu có nặng không ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Cháu có stress tâm lý sau chia tay bạn trai và hiện đang có những biểu hiện của bệnh trầm cảm. Cháu đã có đến những suy nghĩ và hành vi tự sát, điều này chứng tỏ biểu hiện trầm cảm của cháu không còn nhẹ nữa, sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng của cháu nếu xuất hiện ý nghĩ hoặc muốn thực hiện hành vi tự sát. Nguyên nhân của bệnh là stress tâm lý sau chia tay người yêu. Cháu cần sớm đi khám bác sĩ chuyên khoa Tâm thần để được giải đáp chữa trị, cháu có thể chia sẻ những khó khăn và những suy nghĩ với người thân như mẹ hay chị em gái của cháu để được chia sẻ, trợ giúp và hỗ trợ tâm lý. Việc chữa trị kết hợp với tâm lý liệu pháp sẽ giúp cháu ổn định.

Chúc cháu sớm hồi phục tâm lý!

Trầm cảm nặng sau khi bố mẹ ly hôn chữa như thế nào


Câu hỏi bởi: N.T.A.T

Chào bác sĩ!

Ba mẹ con đã ly dị nhau được 3 năm. Trước và trong khoảng thời gian đó hai anh em con đã chứng kiến những cảnh ba mẹ đánh nhau. Thật may mắn là con đã tự vượt qua được nỗi buồn đó. Nhưng anh hai con thì không, anh trai con đã mắc phải bệnh trầm cảm nặng. Anh hay nói là muốn đi chết, ngủ liên miên, hành động khác người. Con thực sự rất lo sợ, bác sĩ ơi xin hãy giúp anh hai con hết bệnh được không ạ. Anh nói sẽ ở nhà thêm 2 năm nữa rồi anh sẽ rời khỏi nhà mãi mãi và không bao giờ quay lại nữa. Nếu như như thế này chắc con và mẹ con cũng bị rối loạn tâm lý mất thôi. Con phải làm sao đây bác sĩ?

Con cám ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào em!

Các lí do gây trầm cảm có thể xếp vào 3 nhóm chính:

+ Trầm cảm nội sinh (còn gọi là trầm cảm chưa rõ lí do): Có nhiều giả thuyết cho là do di truyền, miễn dịch, môi trường sống và yếu tố xã hội… nhưng chưa có giả thuyết nào có tính thuyết phục.

+ Trầm cảm do stress: Chẳng hạn như khi mất việc làm, mâu thuẫn trong gia đình, con cái hư hỏng, bị trù dập ở nơi làm việc, làm ăn thua lỗ, bị phá sản hoặc có người thân chết đột ngột…

+ Trầm cảm do các bệnh thực tổn. Trong tình huống của anh trai em phải chịu stress kéo dài do mâu thuẫn trong gia đình dẫn tới tình trạng trầm cảm, với mức độ của an hem cho thấy đang ở giai đoạn nặng. Trầm cảm nếu được điều trị sớm và đúng cách thì tỉ lệ bệnh ổn định khá cao (70 – 80%).

Trầm cảm không thể chữa khỏi chỉ bằng tập thể dục, thay đổi chế độ ăn hay đi nghỉ ngơi, thư giãn, mà phải kết hợp với việc chữa trị bằng thuốc chống trầm cảm phối hợp với tâm lí liệu pháp. Với tình trạng hiện tại tốt nhất em và mẹ nên khuyên nhủ anh đến gặp bác sĩ tâm thần học ở các cơ sở uy tín để khám và chữa trị bệnh.

Chúc em sức khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl