Các vấn đề hồi phục liên quan đến gân


4,226
1
1
Xu
53
Chấn thương liên quan đến gân không còn quá xa lạ đối với chúng ta hiện nay. Dưới đây là tổng hợp những câu hỏi thường gặp về khả năng phục hồi của chấn thương này.

Đứt gân ngón tay bao lâu mới phục hồi?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu mới bị đứt gân duỗi ngón út tay trái được 2 ngày. Hiện tại cháu đang bó bột vậy phải tập phải phục hồi chức năng của tay như thế nào và khoảng bao nhiêu thời gian hồi phục hoàn toàn. Có tác động đến lao động sau này không ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Sau phẫu thuật nối gân, ngón tay út của bạn phải được nẹp bột cố định 1 tháng để đủ thời gian cho gân có thể liền. Sau đó bạn có thể tháo bột và tập luyện để tránh bị cứng khớp. Các động tác tập chủ yếu là gấp và duỗi ngón, lúc đầu có thể tập thụ động bằng cách dùng tay lành để tập cho tay bị thương, sau đó có thể tự tập và dần dần trở lại sinh hoạt bình thường.

Chúc bạn mau khỏe!

Cách luyện tập và thời gian phục hồi sau phẫu thuật nối gân


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em bị đứt gân gót chân khoảng trên mắt cá một xíu. Em được bác sĩ bệnh viện Đắk Nông nối lại với phương pháp thông thường khoảng 1 tháng rồi. Hiện tại em đang tập đi lại dần dần sau khi tháo bột, nhưng em có cảm giác căng gân lên và nhức chân. Bác sĩ cho em hỏi liệu những tình trạng trên có ảnh hưởng gì không và có ảnh hưởng gì tới quá trình đi lại sau này của em không? Khoảng khi nào em có thể đi lại bình thường? Bác sĩ nối gân cho em bảo chỉ nối gân chỉ cắt ra khi vết thương bị nhiễm trùng, còn không thì để vẫn không sao. Nhưng em sợ ảnh hưởng tới sau này. Nếu cắt thì khoảng khi nào em có thể tháo được ạ? Và có thể sử dụng phương pháp cắt nội soi không? Có cách nào để kiểm tra quá trình hồi phục của gân không ạ? Có cần kiêng các món ăn nào hay dùng những loại thuốc nào để làm nhanh qua trình hồi phục không ạ?

Em cảm ơn bác sĩ ạ!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào em.

Sau khi phẫu thuật khâu nối gân gót thì phải bó bột đùi bàn chân gối gập 15 – 30 độ bàn chân gập 30 độ khi xuất viện, tập đi 2 nạng không chống chân bị đau. Sau 3 tuần bỏ bột cũ, đổi sang bột cẳng bàn chân – bàn chân gấp 30 độ, giữ thêm 3 tuần, tập đi chống một phần chân đau. Sau đó bỏ bột, bắt đầu tập kéo dãn gân gót, gấp – duỗi chủ động và thụ động cổ chân, tập thăng bằng, tập mạnh cơ tam đầu, day sẹo dính xung quanh vết mổ.

Trường hợp của em mới phẫu thuật sau một tháng và mới tháo bột, vì vậy khi đi lại có cảm giác căng nhức, hiện tượng này sẽ mất đi sau một thời gian luyện tập. Em cần luyện tập co duỗi nhẹ nhàng khớp cổ chân với lực tăng dần, tập thăng bằng. Em có thể đến các trung tâm Vật lý trị liệu để luyện tập đạt hiệu quả tốt. Thông thường sau 15 tuần sức cơ trở lại bình thường, sau 6 tháng có thể chơi các môn thể thao. Phẫu thuật nối gân gót hiện nay có 2 phương pháp là dùng gân cơ khác làm cầu nối hoặc kéo áp sát 2 đầu gân đứt. Các phương pháp này dùng chỉ không tan có tác dụng giữ vững lực cho gân gót vì vậy nó sẽ được để như vậy mãi về sau mà không sợ bị tác động gì.

Chúc em mạnh khỏe.

Nối gân đã đi lại được nhưng chỗ nối rất cứng tập phục hồi ra sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Em bị đứt gân gấp cổ chân, đã được phẫu thuật nối gân tính đến nay được 2 tháng. Hiện giờ chân em đã đi lại được nhưng chổ nối đụng vào thì rất cứng. Xin hỏi với tình trạng này em nên tập phục hồi thế nào để có thể chơi thể thao được? Em xin nhờ bác sĩ giải đáp giúp.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào em.

Sau khi khâu nối gân cần bất động từ 4 đến 6 tuần cho gân liền, sau đó tập vận động cổ chân để định hướng lực co gân nhằm tăng sức chịu lực của gân, cho đến 3 tháng có thể xem như gân lành. Tình trạng của em bây giờ là đã đi lại được và chỗ nối đụng vào thì rất cứng. Không biết chân em có bị co quắp hoặc vẹo cứng không, nếu bị như vậy thì có thể em bị viêm dính gân. Nếu em chỉ bị cứng chỗ nối và cử động cổ chân tốt thì chỗ cứng đó là do sẹo. Em có thể đến trung tâm Vật lý trị liệu để tập vận động được tốt nhất; ngoài ra sẽ sử dụng sóng siêu âm để phá các sẹo cứng.

Chúc em mạnh khỏe.

Đứt gân tay bao lâu thì hồi phục hoàn toàn


Câu hỏi bởi: thái hiền

Chào bác sĩ!

Em năm nay 23 tuổi bị đứt gân duỗi ngón 4 và 5, tháo nẹp lúc 26 ngày. Nay cũng đã 36 ngày. Bác sĩ cho em hỏi bao lâu gân mới hồi phục hoàn toàn. Nếu hồi phục thì được bao nhiêu %, có thể làm nặng được không? Xin bác sĩ giải đáp giúp.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Bạn bị đứt gân duỗi ngón 4 và 5. Tháo nẹp lúc 36 ngày. Bình thường sau khi tháo nẹp bạn phải tập cử động các ngón tay từ nhẹ tới nặng. Các gân duỗi ngón tay khi bị đứt đã khâu nối lại rồi thì các gân này sẽ bị ngắn hơn bình thường nên ban đầu bạn sẽ khó cụp được bàn tay xuống. Các bài tập phục hồi chức năng tại bệnh viện sẽ giúp cho em hồi phục, nếu tập tốt thì sau này bàn tay em có thể hoạt động trở lại được nhưng không thể nói là hồi phục được 100% đâu (sẽ có cảm giác hơi bị cứng bàn tay khi co duỗi các ngón tay). Thời gian hồi phục còn phụ thuộc vào mức độ tập luyện của bạn. Bạn nên hạn chế làm việc nặng liên quan tới các ngón tay đó để đề phòng bị đứt lại. Ngoài ra bạn cần ngâm nước muối ấm để cử động tay được dễ dàng hơn.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Bị đứt gân 2-3 cánh tay, đã nối lại thì mất bao lâu để có thể tập phục hồi?


Câu hỏi bởi: Duong

Chào bác sĩ.

Em 22 tuổi. Em bị đứt gân 2-3 cánh tay phải đoạn giữa từ cổ tay tới khuỷu tay phía trên mu bàn tay. Em đã mổ nối gân. Vậy bác sĩ cho em hỏi bao lâu sau khi mổ em có thể tập phục hồi? Và mu bàn tay em bị sưng thì có tác động gì tới gân không ạ?

Em xin chân thành cảm ơn.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Bạn mô tả không chính xác tổn thương:

Đứt gân 2-3 cánh tay thì vị trí phải là từ khuỷu cho đến bả vai, nhưng bạn lại ghi là đoạn giữa từ cổ tay tới khuỷu tay (đoạn này là cẳng tay). Mặt khác ở giữa khuỷu tay và cổ tay không thấy gân mà chỉ có cơ.

Bạn viết: “phía trên mu bàn tay” nghĩa là sao? Bạn bị thương ở cẳng tay hay ở chính mu bàn tay? Bạn bị đứt gân ở mu tay? Do câu hỏi không rõ nên khó giải đáp cụ thể.

Mổ nối gân đòi hỏi phải giải quyết tốt vấn đề có tính đối lập nhau, đó là: Nếu vận động sớm để tránh dính gân và cứng khớp thì có nguy cơ đứt mối nối gân, còn nếu để lâu mối nối bền chắc mới vận động thì lại có nguy cơ dính gân và cứng khớp.

Vì vậy thời gian tháo nẹp hoặc bột cố định để tập vận động phải được định rõ ngay sau khi mổ nối gân. Thời gian bất động này đối với các gân nhỏ ở bàn tay là 3 tuần, các gân lớn như gân gót, gân ở khuỷu tay, gân khớp gối là 1- 2 tháng.

Chúc bạn mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl