Tuyển tập những trường hợp nôn trớ ở trẻ sơ sinh (phần 1)


4,226
1
1
Xu
53
Không phải trẻ sơ sinh nào cũng nôn trớ giống hệt nhau. Mỗi bé có những biểu hiện và triệu chứng đi kèm riêng biệt. Hiểu càng rõ các trường hợp thì bố mẹ sẽ có thể chủ động đề phòng và xử lý kịp thời cho con của mình.

Bé 7 tháng tuổi đi nặng nhiều lần trong ngày và nôn trớ


Câu hỏi bởi: Ducan

Cháu chào bác sĩ.

Bác sĩ ơi cho cháu hỏi chút là, bé nhà cháu gần 7 tháng tuổi 2 hôm vừa rồi bé bị đi nặng nhiều lần trong ngày, khoảng 6 lần 1 ngày, đi nhiều lần vào buổi chiều, hôm đầu thì bé có nôn trớ nhưng hôm sau thì chỉ đi ỉa thôi ạ, phân nhiều nước có lợn cợn và có 1 ít nhầy lúc màu vàng, lúc thì màu xanh và có mùi rất tanh, cháu có cho bé dùng thuốc EnteroExtra và Hidrasec thì tối qua bé đi không còn mùi tanh và màu vàng nhạt. Nhưng sáng nay cháu lại bị đi 1 lần nhưng đi rất nhiều gần đầy 2 bỉm, có mùi hơi thối. Bình thường bé đi tầm 1-2 lần/ngày, thỉnh thoảng có hôm bé đi 3-4 lần, nửa tháng gần đây cháu có cho bé ăn thêm bột ăn dặm yến mạch và sữa, bé đi bình thường tầm 2-3 lần/ ngày. Còn trước đấy thì bé bú hoàn toàn sữa má và tăng cân bình thường ạ. Bé được gần 7 tháng và nặng gần 9kg ạ. Lúc bé thì bé nhà cháu cũng hay bị nôn trớ, về sau thì ít hơn nhưng hôm nào thay đổi thời tiết thì bé bị nôn trớ vài lần ạ. Và thời tiết nóng thì bé bị nổi mẩn đỏ nhiều ạ. Bé nhà cháu đang bị bệnh gì ạ?

Cháu cảm ơn ạ.

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương


Chào cháu.

Bé nhà cháu gần 7 tháng tuổi mà cân nặng gần 9 kg là bình thường, thậm chí còn nặng hơn chuẩn bình thường ở độ tuổi này. Thông thường khi trẻ càng lớn thì số lần đi đại tiện càng ít dần. Đồng thời khi trẻ dưới 6 tháng tuổi còn bú mẹ hoàn toàn thì số lần đi phân ít hơn và phân không có mùi thối. Nhưng khi trẻ đã bắt đầu ăn dặm thì số lần đi đại tiện ít dần và phân sẽ có mùi thối hơn. Như vậy qua mô tả của cháu thì nếu sau khi bé đã uống men tiêu hóa mà số lần đi đại tiện 2-3 lần/ngày, phân thối thì cũng không đáng lo ngại. Cháu chỉ cần chú ý đến chế độ ăn dặm hợp lý là được. Bột ăn dặm cho bé cần được nấu chín mềm với đầy đủ chất đạm, rau xanh và dầu hoặc mỡ. Trong thời gian mới ăn dặm thì bé cũng có thể sẽ thỉnh thoảng nôn trớ vì bộ máy tiêu hóa của bé đang thích ứng dần với chế độ ăn mới. Nói tóm lại cháu không nên quá lo lắng vì bé vẫn đang phát triển bình thường.

Chúc cháu vui vẻ.

Con cháu được 2 tháng tuổi và thường xuyên có hiện tượng nôn trớ


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Con cháu được 2 tháng tuổi và rất hay có hiện tượng nôn trớ, có những khi còn nôn thành vòi rồng. Cháu cũng nghĩ là do cháu cho bé ăn no quá nên bé nôn như vậy nhưng cũng có khi chưa cho ăn bé cũng nôn. Đặc biệt bé hay nôn khi cháu bón cho bé thuốc, ngay thìa đầu tiên là bé nôn hết ra. Có khi đang cho bú má, thấy không đủ sữa cho bé ăn, cháu chuyển sang cho bé ăn sữa ngoài ngay khi đó bé cũng nôn. Chất nôn của bé chỉ có cặn sữa và chất nhầy như dịch dạ dày, không hề có màu sắc khác hay có máu. Phân bé cũng rất bình thường, bé chỉ hơi khò khè vì có đờm ở cổ họng nhưng bé luôn thở bằng mũi, không hề ốm sốt gì, bé tăng cân đều. Cháu cho đi khám họng họ bảo không sao. Sau tự sẽ hết. Không tác động gì tới phổi cả. Nhưng việc bé nôn trớ rất hay như vậy khiến cháu rất lo lắng. Hiện tại cháu đang cho bé uống men vì vừa rồi bé bị đi ngoài, nhưng ngày nào cũng nôn khi bón thìa thuốc đầu tiên. Bác sĩ có thể cho cháu biết các triệu chứng trên của bé nhà cháu là bệnh gì không ạ. Liệu có phải là trào ngược dạ dày không ạ. Và cách khắc phục như thế nào?

Cháu cảm ơn!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Trẻ em dùng thuốc hay bị nôn do thuốc đắng hoặc có mùi khó chịu, trẻ không tự kiềm chế nên dễ nôn. Vì vậy khi cho trẻ dùng thuốc phải uống xa bữa bú, không cho dùng thuốc khi vừa bú no xong dạ dày còn nhiều thức ăn nên dễ bị nôn. Bạn không đủ sữa cho con bú, cần phải bổ xung thêm sữa công thức thì cần bố trí các bữa bú ngoài xen kẽ bữa bú mẹ. Số lần bú sữa mẹ trong ngày cần bố trí vào thời điểm thích hợp và duy trì đều đặn hằng ngày, lượng sữa và số lần uống sữa công thức bổ xung xen kẽ cần tính toán theo độ tuổi, khả năng bú của bé và lượng sữa mẹ đã có.

Khi trẻ đi ngoài lỏng nhiều lần trong ngày, bạn cần đưa bé đi khám bệnh để được toa thuốc hoàn chỉnh, không nên tự ý đi mua men vi sinh về cho bé uống vì theo ý hiểu của mình là bé tiêu hóa không tốt thì cho uống men tiêu hóa để tiêu hóa tốt hơn, đây là một ý hiểu sai lầm. Hệ vi khuẩn cộng sinh có lợi trong đường tiêu hóa có 2 hệ đối lập nhau, sự mất cân bằng giữa hai hệ này triệu chứng bằng tính chất phân (ỉa lỏng, táo bón…), vì vậy khi bổ xung men vi sinh cần phân định được loại nào thiếu suy giảm loại nào tăng, chứ không phải là cứ rối loạn tiêu hóa là uống men vi sinh bừa bãi. Hiện tượng nôn trớ như con bạn không phải là bị trào ngược dạ dày, mà chỉ là trớ bình thường ở trẻ nhũ nhi, lớn lên một thời gian nữa hiện tượng trên sẽ hết.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe!

Bé 3 tháng tuổi hay nôn trớ có làm sao không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ ạ!

Con gái tôi được 3 tháng tuổi, cháu bú má cứ bị trớ ra, bụng cháu lúc nào cũng đầy. Mỗi lần cho bé uống men tiêu hóa là cháu bị nôn ra rất nhiều. Như vậy bé có làm sao không, thưa bác sĩ?

Xin cám ơn!

Bác sĩ Đặng Phương Liên


Chào bạn!

Bình thường, sau khi bú xong, bé sẽ ợ sau và có thể trớ một ít sữa, lượng sữa trớ ra tùy thuộc vào mỗi bé, có bé trớ nhiều có bé trớ ít. Điều này hết sức bình thường và không tác động đến lượng sữa mà bé hấp thụ. Nếu bé vẫn lớn và phát triển tốt, bạn không thấy gì phải lo lắng và khi bé bị trớ nhiều, bạn nên cho bé bú làm nhiều lần. Thông thường bé sẽ bị trớ sữa cho đến khi được khoảng 6 tháng tuổi. Sau 6 tháng, bé sẽ hết bị trớ sữa và bắt đầu làm quen với thức ăn đặc hơn trong giai đoạn ăn dặm.

Hiện tại, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau để xử lý tình trạng nôn trớ của bé:

Khi bú, không nên cho bé bú quá lâu, không nên để bé quấy khóc dễ nuốt gây căng dạ dày. Nếu bé bú bình thì luôn giữ bình sữa hơi nghiêng để đầu núm vú cao su đầy sữa, tránh tình trạng bé bú hơi trong bình sữa. Cho bé bú ít một và bú làm nhiều lần. Sau khi cho bú, bế bé thẳng đứng dựa lên vai bạn trong khoảng 20 phút hoặc lâu hơn, vuốt ngực hoặc vuốt lưng thật nhẹ nhàng cho bé, tránh để bé đùa nghịch lúc này. Sau đó, hãy nhẹ nhàng đặt bé nằm nghiêng bên trái, kê gối hơi cao. Tránh thay tã cho bé khi đang no. Không rõ bạn đã cho bé dùng men tiêu hóa bao lâu rồi và do bác sĩ chỉ định hay tự dùng. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng. Nếu nếu bé bị nôn trớ nhiều, liên tục thì bạn cần đưa bé đi khám chuyên khoa Nhi, để được các bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe của bé.

Chúc bé hay ăn chóng lớn!

Trẻ sơ sinh phát ra tiếng khò khè khi ngủ, khó thở, nôn trớ vì có đờm trong cổ phải điều trị làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi khi ngủ phát ra tiếng khò khè, hơi bị khó thở, không bị sổ mũi, lâu lâu trẻ nôn trớ vì đờm nhiều trong cổ. Xin hỏi bác sĩ phải điều trị làm sao và hút đờm như thế nào mới an toàn cho trẻ?

Xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi, do đường kính lòng phế quản nhỏ, chỉ cần một lượng dịch rất ít cũng làm cho thở thành tiếng khò khè. Nếu trẻ vẫn ăn ngủ bình thường, không sốt, không sổ mũi thì không có gì đáng lo ngại, không nhất thiết là cứ phải hết hẳn hoàn toàn hiện tượng khò khè khi ngủ. Hiện tượng khò khè diễn ra khi đờm rãi ở trong lòng các tiểu phế quản được nhu động đưa ra khí quản và hai nhánh phế quản, luồng không khí đi ra vào kéo đờm thành ra tiếng khò khè to, do trẻ không biết nhổ khạc nên cứ cò cử đưa đi đưa lại ở chỗ đó. Đôi khi trẻ nôn trớ có thể kéo theo đờm rãi đã được đùn ra đến cổ họng.

Để hạn chế hiện tượng này có thể dùng các biện pháp sau:

– Đặt trẻ nằm nghiêng hoặc nằm ngửa với tư thế đầu và vai cao, cổ giãn thẳng.

– Bạn có thể dùng vải màn thưa quấn lỏng thành cuộn đưa sâu vào miệng trẻ, mẹ dùng miệng ngậm vào miệng trẻ mút, áp lực khí âm sẽ hút đờm dính vào vải màn và bạn lôi vải ra sẽ kéo theo được đờm.

– Uống thuốc làm lỏng đờm (Mitux), khi đờm loãng sẽ được các lông quét trong phế quản nhu động dễ dàng đẩy được đờm ra ngoài.

– Việc hút đờm bằng máy hút chỉ nên thực hiện tại bệnh viện nếu có nhiều đờm.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe!

Bé 3 tháng 10 ngày có hiện tượng ngủ không sâu giấc, hay nôn trớ và có rụng tóc vành khăn có phải bị thiếu canxi không?


Câu hỏi bởi: Mẹ Bi

Em chào bác sĩ ạ.

Bác sĩ cho em hỏi ạ. Con em được 3 tháng 10 ngày rồi ạ. Cháu trai, nặng 7,2kg. Con em vẫn bú tốt, nhưng cháu có hiện tượng ngủ không sâu giấc, kể cả ngày lẫn đêm. Riêng ban ngày thì nếu đặt cho cháu ngủ 1 mình thì chỉ được 15 phút là cháu dậy rồi, cháu còn hay nôn trớ và có rụng tóc vành khăn, như vậy có phải cháu bị thiếu canxi không ạ? Xử lý như nào bác sĩ giải đáp giúp em với ạ.

Em cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Như vậy là con bạn có dấu hiệu thể hiện tình trạng thiếu cung cấp canxi. Bạn có thể mua thuốc canxi ở các hiệu thuốc về cho con uống, chủng loại thuốc này có rất nhiều dạng khác nhau, bạn cho con uống theo hướng dẫn, thời gian kéo dài 2 tháng một đợt, một năm có thể tiến hành 2-3 đợt.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl