Chuột rút giữa hậu môn và tinh hoàn ở nam giới


4,226
1
1
Xu
53
Chuột rút ở vị trí này vô cùng phổ biến ở nam giới trong quá trình vận động. Để biết rõ hơn về hiện tượng này, hãy cùng đọc những lưu ý sau.

bị chuột rút ở khu vực giữa hậu môn và tinh hoàn


Câu hỏi bởi: Hùng

Thưa bác sĩ, tôi năm nay 35 tuổi. mỗi khi sinh hoạt vợ chồng 2 lần trong 1 đêm thì buổi sáng khi đi tiểu hoặc đứng lâu tôi bị cảm giác như chuột rút khu vực giữa hậu môn và tinh hoàn, cơ bị rút lại rất đau , khoảng 3 phút sau thì tự hết. xin hỏi bác sĩ tôi bị như vậy là bị gì ạ? có nguy hiểm không bác sĩ.xin cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Dương Quang Huy


Chào bạn,

Trong quá trình quan hệ, ngoài nhóm cơ toàn thân tham gia như nhóm cơ đùi, cơ mông, cơ tay thì còn có nhóm cơ hành hang. Nhóm cơ này đóng vai trò trong quá trình xuất tinh. Cũng giống như các nhóm cơ khác khi hoạt động quá mức sẽ có hiện tượng ứ đọng acid lactic gây mỏi cơ, chuột rút, vọp bẻ… Đáng tiếc là không được như các nhóm cơ khác tham gia vào các hoạt động hằng ngày như đi lại, sinh hoạt… Nhóm cơ hành hang chỉ hoạt động khi cần lâm trận. Chính sự ít vận động này nên chúng dễ rơi vào tình trạng mỏi cơ nếu làm việc quá mức (quan hệ 2 lần 1 đêm). Tình trạng này sẽ qua mau khi đủ dưỡng khí và cơ thể chuyển hóa hết các acid lactic ứ động. Bạn có thể hít thở sâu tăng thông khí và dùng thêm các nhóm chống oxy hóa như vitamin C, E sẽ nhanh chóng hồi phục.

Chúc bạn sức khỏe.

Đau nhói như điện giật ở đùi


Câu hỏi bởi: duynguyen

Em chào bác sĩ!

Em hiện tại đang là sinh viên năm cuối đại học, em cao 1m78, nặng 78kg, năm nay 22 tuổi. Dạo gần đây vì học hành bận rộn nên em có ít đi tập thể dục, chủ yếu là ngồi máy tính. 2 hôm trước trong lúc đang ngồi máy tính thì bỗng nhiên đùi phải của em, chỗ cơ bắp gần hông ngoài, tự dưng bị nhói 1 cái như điện giật, cảm giác cũng gần giống chuột rút nhưng nó đau rất mạnh, đau thót 1 cái giựt cả mình, xong giảm và hết dân trong 3-5s, lúc bị xong thì sờ vào đùi không có cảm giác đau đớn hay tê gì, vẫn như bình thường, chỉ khi nào ngồi lâu hoặc ít thay đổi tư thế thì sẽ bị như vậy, có lúc em đang chạy xe mà nó vẫn bị, rất nguy hiểm, em nằm ngủ nó cũng thỉnh thoảng bị, 1 ngày ít nhất phải 3 lần. Trước đó 3 tháng em cũng bị giãn tĩnh mạch tinh hoàn, vẫn chưa chữa trị, đến giờ búi tĩnh mạch vẫn còn nhưng không còn cảm giác khó chịu như trước nữa, đến bây giờ lại bị bệnh này, không biết là em có bị bệnh gì liên quan đến tim mạch không, em rất lo lắng, mong được bác sĩ sớm tư vấn.

Em xin chân thành cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Hiện tượng giật nhói như vậy có thể là bạn đã bị thiếu canxi. Có các dấu hiệu thiếu cảnh báo thiếu canxi đó là:

Bị chuột rút. Đây là một trong những biểu hiện ban đầu của thiếu canxi. Đau cơ bắp, đặc biệt là đùi, cánh tay, nách và trong khi di chuyển hay khi đi bộ có thể là một dấu hiệu của sự thiếu hụt canxi Mất ngủ: người thiếu canxi vẫn ngủ nhưng giấc ngủ không đủ sâu, thức dậy vẫn thấy mệt mỏi. Móng tay yếu và dễ gãy cũng là triệu chứng của sự thiếu canxi trong cơ thể. Dậy thì muộn Mật độ canxi trong xương thấp Sâu răng, chậm mọc răng Chứng loãng xương Cao huyết áp

Bình thường lượng canxi kết hợp với magiê và vitamin D có tác dụng điều chỉnh các xung điện của cơ thể, giảm các cơn co giật cơ và co thắt có thể xảy ra nếu cơ thể bị thiếu canxi. Trường hợp của bạn có thể do thiếu canxi gây rối loạn thần kinh cơ gây co giật và co thắt cơ.

Bạn nên bổ sung canxi kèm theo magie. Tốt nhất là bạn nên đi xét nghiệm máu xem nồng độ Ion canxi trong máu và đo điện cơ. Hiện tượng này không liên quan tới giãn tĩnh mạch tinh hoàn.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Thường xuyên bị triệu chứng giật bắp đùi cạnh hạ bộ


Câu hỏi bởi:

Thưa bác sĩ.

Em 27 tuổi em bị biểu hiện giật bắp đùi cạnh hạ bộ thường xuyên, lâu lâu là lại bị giật đau trâm trích nhưng thường thì chỉ bị giật hạ bộ cặp bắp chân của em và giật bắp đùi có khi thì bị bên trái có khi lại bị bên phải, và hay khó ngủ vào lúc gần sáng và bị tê chân. Bác sĩ cho em biết em có bị gì không bác sĩ.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào em.

Triệu chứng của em là co giật bắp đùi, cảm giác đau và khó ngủ. Một vài bệnh có thể là cơ thể thiếu các vitamin và khoáng chất như Vitamin nhóm B, canxi, magie, axit folic, sắt. Đối với các bệnh này em có thể đi xét nghiệm máu để chẩn đoán chính xác. Điều trị em cần ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng thịt, cá, trứng, các loại trái cây và uống bổ xung các chất trên. Trường hợp thứ hai là em bị hội chứng chân không nghỉ. Đặc điểm của bệnh là khi nằm hoặc ngồi cảm thấy chân đau nhức, khó chịu, đôi khi nóng rát hoặc co cứng, giật giật, nhưng khi di chuyển chân như đi lại thì cảm giác đó giảm. Triệu chứng nặng hơn vào ban đêm làm bệnh nhân khó đi vào giấc ngủ, dẫn tới ngủ gà ban ngày làm cơ thể mệt mỏi. Bệnh này dễ nhầm với chẩn đoán stress, chuột rút, mất ngủ…vì vậy đôi khi bị chẩn đoán nhầm. Em cần đi khám bệnh viện để tìm hiểu rõ lí do và chữa trị.

Chúc em mạnh khỏe.

Sau khi xuất tinh thấy đau thận và buốt ở ống dẫn tinh có phải bị suy thận?


Câu hỏi bởi: Hoai Anh Tom

Chào bác sĩ.

Em ở Hà Nội, chồng em năm nay 29 tuổi nhưng khoảng 3, 5 tháng gần đây khi quan hệ vợ chồng, sau khi xuất tinh, chồng em thấy rất đau ở 2 quả thận và buốt ở ống dẫn tinh. Bố chồng em cũng bị suy thận. Bác sĩ cho em hỏi, hiện tượng của chồng em như vậy có phải bị suy thận không và bây giờ phải ăn uống và chữa trị thế nào ạ?

Em cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Trước hết tôi sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin về bệnh suy thận. Suy thận là sự suy giảm chức năng của thận thể hiện qua giảm mức lọc cầu thận. Suy thận chia ra làm suy thận mãn và suy thận cấp.

Các biểu hiện của suy thận cấp: giảm lượng nước tiểu, giữ nước gây phù ở chân, mắt cá chân và bàn chân, buồn ngủ, khó thở, mệt mỏi, lẫn lộn, buồn nôn, đau ngực, co giật hoặc hôn mê trong tình huống nghiêm trọng.

Các biểu hiện của suy thận mãn có thể bao gồm: có thể giảm lượng nước tiểu, buồn nôn, ói mửa, ăn mất ngon, mệt mỏi và yếu, các vấn đề giấc ngủ, vấn đề tâm thần kinh, giật cơ và chuột rút cơ, sưng phù chân và mắt cá chân, ngứa dai dẳng.

Với những biểu hiện của chồng bạn thì không nghĩ đến căn bệnh suy thận. Tuy nhiên bệnh suy thận được chẩn đoán chủ yếu dựa vào các xét nghiệm cận lâm sàng: xét nghiệm nồng độ Ure và Creatinine trong máu. Đây là xét nghiệm đơn giản, bạn có thể đưa chồng đi làm xét nghiệm này để kiểm tra đánh giá chức năng thận. Triệu chứng đau buốt sau khi xuất tinh của chồng bạn có thể là triệu chứng của một bệnh viêm nhiễm đường sinh dục hoặc một bệnh lý tại thận. Bạn nên đưa chồng đi khám chuyên khoa Thận-Tiết niệu để được thăm khám kĩ lưỡng, làm các xét nghiệm cần thiết phục vụ cho chẩn đoán để có hướng chữa trị cụ thể tránh tác động đến sức khỏe sinh sản.

Chúc chồng bạn sớm khỏi bệnh!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl