Chuột rút và những điều cần biết


4,226
1
1
Xu
53
Chuột rút là hiện tượng co thắt cơ đột ngột, gây đau dữ dội ở bắp thịt gây khó khăn khi cử động, thường xảy ra sau khi hoạt động quá mạnh. Nó có thể xảy ra ở bất kỳ cơ bắp của cơ thể nhưng thường bao gồm các chân, cánh tay và cổ.

Chuột rút khi ngủ là bị bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Nkư Trâm

Chào bác sĩ!

Xin hỏi bác sĩ bị chuột rút khi ngủ là bệnh gì? Nên chữa thế nào?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Hiện tượng chuột rút là một triệu chứng rối loạn co cơ mà lí do chính là do thiếu hụt canxi. Canxi đóng vai trò chính trong quá trình co cơ, dẫn truyền thần kinh, giải phóng các Hormon và đông máu, điều hoà nhiều Enzym khác nhau nên khi cơ thể bị thiếu vi chất này sẽ dẫn đến một loạt các triệu chứng nguy hiểm như cơn Tetani, loạn nhịp tim hoặc rối loạn dẫn truyền trong tim… Nồng độ canxi toàn phần trong cơ dao động từ 8,8 mg/dL đến 10,4 mg/dL (2,20 mmol/L đến 2,60 mmol/L) trong điều kiện protein huyết thanh bình thường. Nồng độ canxi thấp hơn chỉ số này hoặc canxi ion hoá dưới 4,7mg/dL (1,17mmol/L) được gọi là hạ canxi máu với dấu hiệu lâm sàng thường gặp là tình trạng co cứng cơ (chuột rút) ở vùng lưng và chân. Bệnh do nhiều lí do gây nên, trong đó chủ yếu là:

Cung cấp canxi không đủ (trẻ em đang giai đoạn phát triển nhanh, phụ nữ đang mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ). Hấp thu canxi tại đường ruột kém thường gặp trong bệnh rối loạn tiêu hoá kéo dài. Có bệnh lý tuyến cận giáp Thiếu hụt Vitamin D thường gặp trong các bệnh lý suy thận mạn tính…

Hiện tượng chuột rút khi ngủ của bạn chính là là triệu chứng của bệnh hạ Canxi máu mạn tính. Trước mắt bạn cần bổ sung canxi bằng đường uống và đôi khi phối hợp với Vitamin D. Có thể dùng Canxi gluconat hoặc Canxi carbonat, 1-2g canxi/ngày. Ngoài ra bạn cần kết hợp với chế độ ăn giàu canxi như tôm, cua, cá, sữa, phomát… và tăng cường tập thể dục ngoài trời (tăng tổng hợp Vitamin D làm tăng hấp thu canxi ở ruột).

Chúc bạn vui khỏe!

Chuột rút bắp chân phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Cháu chào bác sĩ ạ.

Năm nay cháu 16 tuổi, nặng 47kg. Gần đây khi ngủ vào lúc đêm cháu lại có triệu chứng như chuột rút bắp chân, rồi bắp chân nó rất căng, đau đến nỗi cháu giật mình khóc do đau, nhưng vài phút sau lại hết. Nhưng nó lại gây ê ẩm nhức mỏi bắp chân đến vài ngày mới hết. Và nó khiến bắp chân cháu mỗi lần đau lại to lên (tính thời điểm này nó đã to 34cm rồi ạ). Cháu đã cố tập thể dục rồi giảm cân nhưng nó lại không hết. Cháu cũng bị bệnh nhiễm độc tuyến giáp, liệu nó có tác động tới bắp chân cháu không ạ? Làm thế nào để bắp chân nhỏ lại vì tự nhiên bắp chân qá to làm cháu rất ngại khi ra đường lẫn đi học. Xin bác sĩ giải đáp cho cháu.

Cháu cảm ơn ạ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Chuột rút là cảm giác đau gây ra bởi sự co rút cơ, thường hay gặp ở chân dẫn đến đau bắp chân. Có nhiều lí do gây ra chuột rút ban đêm: do tăng hoạt động điện trong các cơ bắp, do mất cân bằng nước và các chất điện giải như canxi, magiê, natri và kali, thường xảy ra sau khi tập thể dục, đổ mồ hôi quá nhiều mà không được bù đủ nước và muối, uống thuốc lợi tiểu, đang có thai, phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh… do mắc một số bệnh: bệnh lý tuyến giáp, thiếu máu, đái tháo đường, Parkinson, bệnh mạch máu hai chân, xơ gan, bệnh thần kinh,…; ngộ độc chì. Có thể gặp ở những người ăn chay.

Biểu hiện chuột rút về đêm thường là: co thắt dữ dội các cơ bắp chân, cơ ngực, bụng… thường kéo dài vài giây đến vài phút, nhưng sau đó biểu hiện đau có thể kéo dài cả ngày hay vài ngày sau.

Bạn có thể áp dụng một số biện pháp để có thể hạn chế được chuột rút: tránh ngồi lâu, tư thế của chân lúc nghỉ ngơi phải luôn thoải mái. Hàng ngày, trước khi đi ngủ, nên tập một số động tác để làm giảm căng cơ bắp chân. Bổ sung các loại thực phẩm giàu kali như ăn chuối, mơ, chà là, nho, đậu, bông cải xanh, bắp cải, cam, bưởi, cà chua, thịt lợn, khoai tây, cá ngừ… Khi bị chuột rút, cần giảm đau bằng cách: chườm nóng bắp thịt bị đau; xoa bóp nhẹ nhàng bắp thịt bị chuột rút, sau đó nâng cao chân lên. Luôn chú ý uống bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể để ngăn ngừa chuột rút vào ban đêm.

Chúc bạn sức khỏe!

Rụng tóc, chuột rút có phải do thiếu canxi?


Câu hỏi bởi: nick

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay học lớp 12. Cháu dạo này thấy tóc bị rụng rất nhiều. Cháu thấy mọi người bảo cháu bị thiếu canxi là có đúng không thưa bác sĩ? Cháu thi thoảng cũng bị chuột rút ạ.

Cháu cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Canxi có vai trò quan trọng với cơ thể , là một trong những loại muối khoáng thiết yếu, đảm bảo sự phát triển, sinh sản và duy trì các chức năng của cơ thể sống. Canxi giúp tạo thành và ổn định cấu trúc xương và răng, tham gia trong hoạt động của cơ, quá trình dẫn truyền thần kinh, quá trình đông máu, và đảm bảo cho hoạt động của các tuyến nội tiết và Enzyms. Một số Hoóc-môn như Androgen có vai trò kích thích sự mọc tóc, còn Enzyms như Biotin lại đảm bảo cho tóc phát triển khỏe mạnh. Việc cháu bị rụng tóc nhiều, thi thoảng có chuột rút có thể do thiếu canxi.

Tuy nhiên có rất nhiều lí do khác gây rụng tóc như rối loạn Hoóc-môn tuyến giáp, nhiễm trùng chân tóc, rụng tóc do lí do miễn dịch, rụng tóc do lí do stress, bệnh trầm cảm, bệnh tim mạch, bệnh ung thư, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng… Thông tin do cháu cung cấp quá ít, do đó không đủ cơ sở để khẳng định cháu thiếu canxi. Do đó cháu cần khám chuyên khoa để tìm lí do và có hướng chữa trị.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Cách chữa chuột rút khi đi ngủ như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 15 tuổi, khi đi ngủ hoặc nằm cháu thường bị chuột rút. Xin bác sĩ giải đáp giúp cháu làm thế nào để hết tình trạng này ạ?

Cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn!

Chuột rút (hay còn gọi là vọp bẻ) là tình trạng co thắt cơ đột ngột, gây đau dữ dội ở một bắp cơ, khiến người bệnh rất khó cử động. Bất kỳ bắp cơ nào cũng có thể bị chuột rút, nhưng thường xảy ra ở vùng cơ hay vận động như: cẳng chân, đùi, bàn chân, bàn tay, cơ bụng, cơ lưng,…

Bình thường, chuột rút chỉ gây đau, khó chịu, tuy nhiên có thể gây nguy hiểm trong một số tình huống như đang bơi, đang lái xe, đang ngồi gần bếp lửa, lò rèn, hoặc đang làm các công việc cần độ chính xác cao và nguy hiểm,… Nguyên nhân bị chuột rút thường xảy ra khi cơ thể vận động quá sức, hoặc vận động đột ngột mạnh mà không được khởi động trước, đặc biệt là khi mệt mỏi, khát nước, đói. Do vậy chuột rút hay xuất hiện những đối tượng như: vận động viên thể thao, người lao động nặng, người leo núi, phụ nữ mang thai,… Bệnh cũng thường xảy ra vào ban đêm, và hay xảy ra ở người mà ban ngày có vận động nhiều, lao động nặng, cũng có thể ở người quá ít vận động (như ngồi lâu, đứng lâu ở một tư thế), căng thẳng,… Vận động trong điều kiện thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh cũng khiến cơ thể bị mệt mỏi, rối loạn nước điện giải, dẫn tới chuột rút. Ngoài ra, có thể xuất hiện chuột rút do sử dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, Corticoid, Statin,… hoặc bị một số bệnh lý: bệnh nội tiết, tăng huyết áp, bệnh thận, Parkinson,…

Trường hợp của bạn thường bị chuột rút khi đi ngủ hoặc nằm nghỉ nhưng không rõ bị chuột rút ở vùng cơ nào, tình trạng sức khoẻ chung của bạn ra sao, cũng như chế độ sinh hoạt, vận động, ăn uống hàng ngày thế nào. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau để phòng ngừa chuột rút:

Khi bị chuột rút, xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ đau, có thể xoa thêm dầu nóng. Kéo giãn phần cơ bị đau để chống lại sự co cơ do bị chuột rút gây nên.

Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất (magiê, kali,…). Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá. Nên uống nước đầy đủ, tốt nhất bổ sung bằng nước hoa quả, nước khoáng.

Thực hiện một số động tác vận động, tập luyện nhẹ nhàng trước khi đi ngủ để giúp điều hoà khí huyết.

Nếu hay bị chuột rút ở vùng bắp chân thì nên kê cao chân hơn một chút khi ngủ nhằm giúp tăng cường lưu thông máu. Tập vươn duỗi chân vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng khi thức dậy.

Cố gắng giảm căng thẳng. Tập thư giãn cơ bắp trước và sau mỗi lần tập luyện.

Ngoài ra, cần chữa trị triệt để các bệnh có liên quan có thể gây chuột rút.

Bạn cũng nên lưu ý, trong tình huống thỉnh thoảng mới bị chuột rút thì không đáng ngại. Tuy nhiên, nếu hường xuyên bị chuột rút, hoặc bị chuột rút kéo dài, gây đau đớn, thì bạn cần sớm tới cơ sở y tế để khám kiểm tra và chữa trị thích hợp.

Chúc bạn vui khoẻ!

Đau khớp khi bị chuột rút chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Em năm nay 21 tuổi. Thời gian trước vài năm em thường bị lạnh chân phải, chuột rút tê cứng chân không có cảm giác. Gần đây số lần bị vậy nhiều nên thời gian bị tê kéo dài hơn, khoảng 2 – 3 phút, và kèm theo đau nhói ở khớp phải, khớp ở giữa bụng và đùi bên phải. Xin bác sĩ giải đáp giúp em cách xử lý.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Chuột rút là hiện tượng một hay một nhóm cơ bị co thắt chặt và gây đau. Hiện tượng này xảy ra có thể do nhiều lí do như: do các cơ bị thiếu oxy hoặc do tình trạng rối loạn nước và điện giải. Tình trạng thiếu oxy đến cơ có thể xảy ra khi hoạt động thể lực với cường độ cao, các cơ phải làm việc liên tục và cơ thể không cung cấp đủ oxy và năng lượng cho quá trình co cơ, làm cho các cơ bị co rút. Tình trạng này thường xảy ra ở các vận động viên khi tập luyện hay thi đấu mà không tập khởi động tốt.

Hiện tượng rối loạn nước và điện giải, đặc biệt là hạ canxi hay natri hay kali máu cũng làm cho các cơ bị co rút và gây nên hiện tượng chuột rút. Tình trạng rối loạn nước và điện giải này có thể xảy ra hoạt động thể lực với cường độ cao, đặc biệt là dưới thời tiết nóng, nước và muối khoáng sẽ bị mất nhiều qua mồ hôi hoặc khi cơ thể đang trong giai đoạn phát triển mạnh mà chế độ ăn không cung cấp đầy đủ muối và các khoáng chất cũng có thể gây thiếu hụt tương đối. Để xử lý tình trạng này, bạn cần uống đủ nước mỗi ngày (2 – 2,5 lít gồm cả nước uống và nước canh từ mỗi bữa ăn), ăn bổ sung các đồ ăn giàu canxi và các loại hoa quả để bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất. Trước khi làm việc nặng hoặc tập thể dục thể thao cần phải khởi động thật kĩ để các cơ thích nghi dần.

Chúc bạn khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl