Một số câu hỏi hay về triệu chứng nghén khi mang thai


4,226
1
1
Xu
53
Nghén là triệu chứng gần như mẹ bầu nào cũng gặp ở thời gian đầu mang thai . Những thắc mắc về nghén chưa bao giờ có dấu hiệu dừng và vì thế có rất nhiều câu hỏi hay được bác sĩ giải đáp giúp chúng ta có thể tham khảo thêm về vấn đề này.

Đình chỉ thai nghén


Câu hỏi bởi: Giấu tên

E có thai dc khoảng 5 tuần nhưng ko có điều kiện đế sinh. E muốn hỏi pp đee đình chỉ thai nghén ạ

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Lan


Chào em,

Nếu em không có điều kiện để sinh thì có thể đi hút thai hoặc phá thai bằng thuốc em nhé.

Chúc em sức khỏe!

Sau hút thai vẫn buồn nôn như thai nghén


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Năm nay cháu 28 tuổi, cách đây 3 hôm cháu có đình chỉ thai nghén bằng phương pháp hút chân không. Sau đó cháu tiêm thuốc tránh thai luôn. Cháu vẫn thấy buồn nôn như bị nghén, cảm thấy khó chịu và đau âm ỉ dưới vùng hạ sườn trái. Bác sĩ cho cháu hỏi buồn nôn như vậy có phải do tác dụng phụ của thuốc hay cháu vẫn bị sót rau? Mong bác sĩ trả lời giúp.

Cháu cảm ơn.

Bác sĩ Lê Huy Tuấn


Chào bạn.

Thông thường sau hút thai khoảng 1 tháng cơ thể mới trở về bình thường được. Bạn cần khám lại sau 7 đến 10 ngày, siêu âm kiểm tra tử cung có vấn đề gì không. Ít khi sau hút thai mà tiêm thuốc tránh thai, thông thường chỉ dùng loại uống mà thôi vì thuốc tránh thai tiêm có rất nhiều tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn, rong kinh, vô kinh. Hiện nay rất khó xác định bạn bị do tác dụng phụ của thuốc hay của thai nhưng chắc chắn thuốc tránh thai tác động một phần. Bạn hãy đến khám bác sĩ chuyên khoa nếu có gì bất thường nhé.

Chúc bạn khỏe.

Nôn ra máu khi ốm nghén nên đi khám gì?


Câu hỏi bởi: hoangan

Kính chào bác sĩ.

Tôi năm nay 27 tuổi, là nữ. Năm 2012 sau khi uống bia tôi bị nôn, sau khi nôn hết thì phần chất nhầy hay đờm sau cùng có lẫn máu. Từ đó cho đến nay, tôi hạn chế và ngưng uống bia rượu. Tuy nhiên, khi bị nôn bởi trúng gió, hay đau bụng, say tàu xe và gần đây nhất là nôn do ốm nghén vẫn thấy máu xuất hiện trong đờm, chất nhầy sau khi nôn xong. Cuối năm 2013 tôi bị chứng trào ngược thực quản đến nay đã giảm (không có biểu hiện đau rát và tức ngực chỉ còn ợ hơi, ợ chua). Xin hỏi bác sĩ tôi nên đi khám gì?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Nguyên nhân gây nôn máu rất đa dạng, có thể gặp do: Loét dạ dày, loét hành tá tràng, ung thư dạ dày, viêm dạ dày cấp chảy máu sau dùng thuốc như Cocticoid, Aspirine, thuốc chống viêm không Steroide…, hoặc do Polyp dạ dày, tá tràng, viêm trợt chảy máu do rượu mạnh, do vi khuẩn H.P, do phình mạch máu, dị dạng mạch máu. Do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản trong một số bệnh như xơ gan, viêm tắc tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch lách, tĩnh mạch trên gan. Nôn máu còn gặp trong một số bệnh về máu (xuất huyết giảm tiểu cầu, suy tuỷ xương), bệnh toàn thân gây tăng ure máu, ngộ độc. Việc chữa trị cần theo lí do. Chỉ dựa trên triệu chứng nôn ra máu của bạn thì chưa thể khẳng dịnh bạn bị bệnh gì. Bạn nên đi khám để được chẩn đoán xác định bệnh. Trước mắt, bạn nên đến khoa tiêu hóa ở các bệnh viện để sàng lọc các bệnh đường tiêu hóa rồi sau đó mới sàng lọc các bệnh khác theo lí do như kể trên.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Bị nghén không ăn được gì phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Bình An

Xin chào bác sĩ.

Em là Bình An, 28 tuổi ở Hà Nội. Hiện tại em mang thai được vài tuần nhưng cơ thể em gầy yếu vì em đã tiểu phẫu cắt u buồng trứng vài tháng trước. Em bị nghén buồn nôn không ăn được gì. Đi khám bác sĩ nói do em không đủ chất nên thai có thể bị chết lưu. Bây giờ em nên làm gì ạ? Mong bác sĩ giải đáp giúp em.

Em xin cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Có rất nhiều biện pháp để đối phó với tình trạng ốm nghén, bạn hãy tham khảo nhé:

Uống nhiều nước: Đảm bảo cơ thể uống đủ nước quan trọng hơn là một lượng calo nào đó. 8 ly nước mỗi ngày là vừa đủ. Mẹ bầu có thể uống nước chanh hoặc trà gừng khi cảm thấy buồn nôn.

Chia nhỏ bữa ăn: Ăn đủ 6 bữa mỗi ngày để đáp ứng khẩu phần chuẩn thay vì ép bản thân ăn thật nhiều trong mỗi bữa chính.

Ăn nhẹ: Những lúc không cảm thấy buồn nôn, bạn nên tranh thủ nạp nhiều đạm và tinh bột phức hợp nhất có thể để giữ đường huyết ổn định và giúp no lâu hơn. Sinh tố chuối ya-ua và bánh ngũ cốc nguyên hạt là hai lựa chọn tuyệt vời mẹ nên thử.

Tránh thức ăn đậm đà: Đã đến lúc bạn nên liệt các loại thực phẩm nhiều muối và chất béo, bao gồm các món Trung, gà nướng hoặc salad cá hồi vào danh sách đen của mình rồi đấy.

Ăn những gì mình thích: Bổ sung đa dạng các loại thực phẩm là điều mà ai cũng đề cập đến. Tuy nhiên, nếu không thể ăn được cải thìa, bạn cũng không cần phải gồng mình “ngốn” hết dĩa rau đó đâu. Bạn có thể chọn cho mình một loại rau khác, miễn là bạn thích chúng.

Thay đổi nhiệt độ thức ăn: Một số phụ nữ thích ăn uống đồ lạnh hoặc nóng hơn khi mang thai. Thử xem bạn thích cách nào hơn.

Bổ sung vitamin: Bạn nên coi việc uống vitamin và các dưỡng chất bổ sung trước khi sinh đều đặn như đánh răng vậy. Tốt nhất là uống trước khi thụ thai một tháng hoặc trong thời điểm thụ thai. Việc này sẽ giúp bù đắp những khoảng thiếu hụt vitamin tạm thời.

Để chống nôn bạn có thể bổ sung vitamin B6 hoặc thuốc chữa trị nghén Diclegis được FDA (Cục quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ) công nhận chứa vitamin B và kháng histamin (giúp giảm buồn nôn và cải thiện tình trạng chán ăn). Tuy nhiên thuốc này cần dùng theo đơn của bác sĩ bạn nhé!

Chúc bạn thai kỳ khỏe mạnh và an toàn!

Đau ngực, ốm nghén có ảnh hưởng đến thai nhi không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Thưa bác sĩ, em chưa đi siêu âm, nhưng 3 tháng gần đây, em có biểu hiện ốm nghén, đau ngực. Cho em hỏi, bệnh này có làm ảnh hưởng đến thai nhi không ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào bạn!

Ốm nghén thường xuất hiện trong 3 tháng đầu của thai kỳ và là biểu hiện phổ biến ở hầu hết các phụ nữ mang thai. Biểu hiện thường gặp nhất là buồn nôn, nôn, mệt mỏi, khó chịu,… Ốm nghén thường biến mất sau 3 tháng đầu của thai kỳ, nhưng ở một số phụ nữ, tình trạng nghén tiếp tục kéo dài cho đến tuần thứ 20 của thai kỳ.

Trường hợp của bạn, đã mang thai nhưng không rõ mang thai tháng thứ mấy. Dù vậy, kể cả ở những tháng sau thì vẫn có thể xuất hiện ốm nghén nhưng điều quan trọng là nếu chỉ mệt mỏi và đau ngực chút ít thì không đáng lo ngại. Các biểu hiện này có thể sẽ hết sau khi điều chỉnh chế độ sinh hoạt như làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh suy nghĩ căng thẳng và đảm bảo ngủ đủ, đảm bảo chế độ ăn uống. Tuy nhiên, nếu có biểu hiện cơ thể mệt mỏi, nôn, buồn nôn, ăn uống kém, đau ngực nhiều,… cơ thể suy nhược là đáng quan tâm vì điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ người mẹ và thai nhi. Trong trường hợp này bạn nên sớm tới khám tại cơ sở y tế chuyên về Sản phụ khoa.

Bên cạnh đó, điều cũng đáng quan tâm với bạn là có đi khám kiểm tra theo dõi thai định kỳ hay không vì theo khuyến cáo thì ngay cả trong trường hợp bình thường, bà mẹ phải được khám kiểm tra tối thiểu 3 lần trong quá trình mang thai, đặc biệt việc khám thai không đơn thuần chỉ có siêu âm mà phải khám tổng thể sức khoẻ của mẹ và thai nhi, trong đó có thể gồm đo mạch, nhiệt độ, huyết áp mẹ, tim thai, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu,… để kịp thời phát hiện ra những bất thường của mẹ và thai nhi.

Chúc bạn sức khoẻ!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl