5 câu hỏi thường gặp về tiêm phòng uốn ván


4,226
1
1
Xu
53
Tiêm phòng uốn ván được xem là một trong những mũi tiên bắt buộc đầu đời của trẻ. Vậy, làm cách nào để thực hiện việc này tốt nhất và chính xác nhất? Các chuyên gia sẽ giải đáp giúp bạn bằng kiến thức y học.

Bà bầu cần tiêm phòng uốn ván như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Em đang mang thai cháu thứ hai tuần 14 nhưng không nhớ cháu đầu khi có thai đã tiêm chủng uốn ván. Vậy bác sĩ cho em hỏi nếu có thai cháu đầu đã tiêm, có bầu cháu thứ hai có phải tiêm nữa không? Nếu tiêm thì liều như thế nào? Nếu chưa tiêm thì tiêm như thế nào?

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Tiêm phòng uốn ván là cần thiết cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Nếu cháu mang thai lần đầu tiên đã tiêm phòng uốn ván đầy đủ, thời gian mang thai hai lần cách nhau trên 1 năm thì lần mang thai thứ hai cháu vẫn cần được tiêm nhắc lại, thường tiêm 1 mũi vào tháng thứ 4 hoặc tháng thứ 5 của thai kỳ.

Nếu lần có thai trước mà chưa tiêm mũi uốn ván nào, nay cháu phát hiện đã mang thai 14 tuần thì cháu cần được tiêm uốn ván như sau: Tiêm ngay mũi thứ nhất khi phát hiện mình có thai, tiêm mũi thứ hai sau mũi thứ nhất ít nhất 4 tuần, thường tiêm mũi 2 vào tháng thứ 4 hoặc tháng thứ 5 của thai kỳ và tiêm mũi thứ 3 trước khi sinh ít nhất một tháng. Thời gian tiêm mũi 2 và mũi 3 cũng đảm bảo tối thiểu cách nhau 6 tuần.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Vừa tiêm phòng uốn ván xong, bị compa gỉ đâm, có cần tiêm uốn ván lần nữa không?


Câu hỏi bởi: anhanh

Chào bác sĩ!

7 ngày trước là ngày 13/8/2015 buổi sáng em bị cây sắt quẹt vào chân gây chảy máu. 2h30 chiều hôm đó thì em đi tiêm huyết thanh uốn ván và tiêm thêm 2 mũi ở 2 tay khác nhau hết 113000₫ và trong tờ giấy khám bệnh thì ghi là mũi 1 tiêm càng sớm càng tốt. 4 giờchiều hôm qua 19/8/2015 em đi học thì vô tình cây compa đã bị gỉ đâm vào tay gây chảy máu, bác sĩ cho em hỏi em có bị sao không? Và có cần tiêm uốn ván hay tiêm gì nữa không?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em.

Theo mô tả của em thì tôi hiểu là. Em đã tiêm SAT, tiêm xung quanh vết thương khoảng 3,000- 5,000 IU, số còn lại tiêm bắp ở 1 bên cánh tay. Có lẽ bác sĩ đã cho em tiêm 1 mũi vắc xin phòng uốn ván ở tay đối diện. Em cần kiểm tra kỹ lại thông tin ghi trên phiếu khám, tiêm chủng. Nếu trong vòng 5 năm trước em đã tiêm phòng uốn ván đầy đủ, thì lần tiêm trước vào ngày 13.8 sẽ có hiệu quả bảo vệ. Nếu trong vòng 5 năm trước em chưa tiêm vắc xin uốn ván hoặc đã tiêm nhưng không đầy đủ, thì sau 4 tuần kể từ ngày 13.8.2015 em sẽ tiêm tiếp một mũi vắc xin phòng uốn ván (mũi 2) .

Chúc em mạnh khỏe.

Dẫm phải đinh có cần tiêm phòng uốn ván không?


Câu hỏi bởi: cit91

Chào bác sĩ!

Các bác sĩ cho cháu hỏi vấn đề này với: Cháu năm nay 24 tuổi. Cách đây gần 2 tuần, chiều thứ 5 tuần trước (21/05/2015), trên đường đi làm về cháu có dẫm phải 1 cây đinh. Lúc đó vết thương không sâu, với lại cháu đã thử nặn chỗ bị đâm nhưng không có ra máu. Vì vậy lúc đó cháu chủ quan không đi tiêm phòng uốn ván. Sau đó 2 ngày, cháu đã đi bệnh viện để gặp bác sĩ, khi đến khám bác sĩ nói là đến giờ này mà không có sót, mệt mỏi gì thì khỏi cần tiêm SAT, dùng thuốc kháng sinh gì cả, rồi bảo cứ về đừng quá lo lắng, có biểu hiện gì phải đến tái khám gấp. Đến lúc này, sau gần 1 tuần, cháu không có có dấu hiệu bị sốt gì cả, nhưng thân thể rất uể oải, tê buốt chân tay, mỏi cơ, có cảm giác tê – mỏi 2 hàm mặt. Nói thêm là cháu có tiêm phòng 1 mũi uốn ván vào ngày 20/04/2015 trước đó 1 tháng, do ngày hôm đó cháu bị té xe gây trầy xước. Lúc chiều nay (27/05/2015) cháu có đi bệnh viện để khám, bác sĩ bảo cháu bị thiếu can-xi nên mới có các biểu hiện tê nhức mỏi chân tay như thế và nói là: “Em cứ yên tâm không phải bị uốn ván đâu nhé!” nhưng đến giờ cháu vẫn còn cảm thấy lo lắng quá! Mong được các bác sĩ giải đáp giúp với.

Cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Thời gian ủ bệnh đối với bệnh uốn ván (từ lúc trực khuẩn uốn ván vào cơ thể qua vết thương tới khi xuất hiện biểu hiện trung bình từ 7-14 ngày, sớm nhất là sau 48 giờ). Trường hợp của cháu đã tiêm phòng vắc xin ngừa uốn ván vào ngày 20/04/2015, nếu lúc nhỏ cháu đã được tiêm ngừa vắc xin DPT phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván thì có thể yên tâm đã có miễn dịch phòng bệnh đầy đủ. Hiện cháu đã khám bác sĩ, các biểu hiện của cháu được bác sĩ chẩn đoán là thiếu Can xi, cháu có thể yên tâm chữa trị, đông thời theo dõi thêm, nếu có biểu hiện bất thường như Sốt, cứng hàm, cứng gáy…cháu cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Tiêm uốn ván khi mang thai 2 tuần có ảnh hưởng gì đến thai nhi không?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ.

Bác sĩ cho em hỏi, khi mang thai 2 tuần em không biết nên đi tiêm ngừa uốn ván, như vậy con của em có bị ảnh hưởng gì không ạ? Và em đã tiêm ngừa thêm một mũi uốn ván lúc thai 26 tuần. Mũi uốn ván 1 lúc 2 tuần và uốn ván 2 lúc 26 tuần, như vậy liệu có phòng được uốn ván sơ sinh không? Em có cần tiêm mũi nào nữa không?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em.

Em tiêm ngừa uốn ván khi có thai 2 tuần, điều đó không có tác động đến sức khỏe và sự phát triển của bé. Mũi tiêm uốn ván thứ hai thực hiện khi em mang thai 26 tuần, nếu trước kia em đã từng tiêm phòng uốn ván thì trong lần mang thai này em tiêm như vậy là được. Nếu trước kia em chưa từng tiêm phòng uốn ván thì trong lần mang thai này em nên tiêm thêm mũi tiêm thứ 3 sau mũi thứ hai ít nhất 6 tuần và trước khi sinh khoảng 1 tháng. Việc tiêm phòng uốn ván đảm bảo mẹ sinh kháng thể phòng bệnh, kháng thể qua nhau thai nên vừa có tác dụng bảo vệ cho mẹ, vừa có tác dụng bảo vệ trẻ em khỏi uốn ván sơ sinh.

Chúc em mạnh khỏe!

Tiêm uốn ván thế nào cho hợp lý


Câu hỏi bởi: ha

Chào bác sĩ!

Con năm nay 18 tuổi và mới chích mũi uốn ván đầu tiên. Nhưng nhiều người lại bảo rằng không chích tiếp nữa cũng không sao. Có người lại nói lớn rồi thì không cần chích uốn ván. Như thế có đúng không ạ?

Con cám ơn!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu.

Lớn rồi cũng cần tiêm ngừa uốn ván, bởi lớn rồi mà chưa được tiêm phòng uốn ván thì không có miễn dịch để phòng bệnh. Thông thường khi nhỏ nếu được tiêm chủng đầy đủ thì cơ thể đã có kháng thể bảo vệ chống lại trực khuẩn uốn ván.

Tuy nhiên lượng kháng thể thường suy giảm sau 10 năm do đó hiệu quả phòng bệnh không cao, do đó cứ sau 10 năm cần tiêm nhắc lại. Việc tiêm phòng uốn ván phụ thuộc vào lịch sử tiêm chủng của cháu. Vì vậy khuyên cháu đến tiêm theo hẹn của bác sĩ tại cơ sở tiêm chủng.

Chúc cháu mạnh khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl