Hiện tượng mộng du và những điều cần biết


4,226
1
1
Xu
53
Mộng du là một hiện tượng có rất nhiều nguyên nhân như stress, sốt hoặc liên quan đến cảm xúc,… Mộng du có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng và lứa tuổi nào.

Tư vấn bệnh mộng du


Câu hỏi bởi: Em trai Kim Tan

Chào bác sĩ.

Cháu xin hỏi mộng du có phải là một căn bệnh? Và cháu nên làm thế nào để hết hiện tượng mộng du ạ?

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh


Chào cháu.

Mộng du là căn bệnh vừa ngủ vừa đi mà trong y học gọi bệnh này là trạng thái miên hành, người bệnh tự nhiên thức dậy và đi lại trong tình trạng đang còn ngủ. Mộng du thường gặp ở trẻ nhỏ, bệnh giảm dần theo tuổi tác. Ở người lớn, mộng du thường đi kèm với trạng thái căng thẳng, lo lắng và đôi khi là động kinh.

Hàng triệu người, chiếm khoảng 2,5% (gần đây đưa ra khoảng 1-15%) dân số thế giới bị bệnh mộng du, thường bật dậy và lang thang không chủ ý thường xuyên, có thể dẫn đến tai nạn. Khoảng 25% những người mộng du có thể làm hại đến chính mình, họ có phản xạ thiếu tự nhiên.

Cơ chế khiến cho người ta bước đi trong giấc ngủ vẫn còn là bí ẩn. Nhiều thí nghiệm được thực hiện trên người mộng du đã cho thấy bệnh có thể được xếp vào một dạng rối loạn gen. Hiện nay, vẫn không có thuốc hay kỹ thuật y học nào có thể chữa được bệnh mộng du. Các nhà khoa học tin rằng căng thẳng (stress) là tác nhân chính khiến cho bệnh xuất hiện. Người ta có thể trở thành người mộng du nếu giấc ngủ của họ thường xuyên bị ngắt quãng 3-4 lần mỗi đêm, hoặc nếu nói trong khi ngủ.

Nếu cháu (hoặc những người xung quanh) bị chứng mộng du, hãy làm theo các bước sau để cải thiện tình trạng:

– Bắt đầu chú ý đến giấc ngủ của mình và tạo cho mình thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ mỗi ngày.

– Hãy thư giãn trước khi đi ngủ. Cháu có thể tắm nước ấm, hoặc đọc vài trang sách…

– Tạo một môi trường an toàn, đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ. Loại bỏ hết các vật sắc nhọn, khóa cửa sổ và cửa ra vào, ngoài ra hãy lắp cửa lối đi lên xuống cầu thang.

– Đồng hồ báo thức có thể rất hữu ích trong một số tình huống.

– Nếu tình trạng vẫn còn tái diễn, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Chúc cháu sức khỏe.

Nam 15 tuổi bị mộng du


Câu hỏi bởi: long công tư

Chào bác sĩ!

Cháu là nam giới, năm nay 15 tuổi. Cháu hay bị mộng du tự mở cửa ra khỏi nhà (nghe mẹ cháu kể) và cả hay nói mê nữa nói lẩm bẩm không nghe rõ, có lúc cháu nghe được vì chưa ngủ kỹ, bây giờ nên làm gì ạ?

Cháu cảm ơn.

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Mộng du là tình trạng đi khi đang ngủ nên còn gọi là chứng miên hành. Người đi trong giấc ngủ làm một số động tác trong khi đang vẫn ngủ. Mộng du gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, gặp nhiều ở trẻ em, ngay cả trẻ mới biết đi, thường gặp ở tuổi từ 3-7 tuổi. Chứng bệnh này chưa biết rõ lí do. Trong gia đình có trẻ mông du thì trẻ khác cũng dễ bị mắc, hay gặp ở những trẻ mau lớn.

Biểu hiện của mộng du là:

Trẻ đang ngủ tự nhiên ngồi dậy, đi vòng quanh phòng mắt mở, đôi khi trèo lên cửa sổ hoặc mở cửa đi ra ngoài.

Thậm trí bê gọn đồ đạc trong nhà, cởi quần áo, lái xe đi một quãng, quan hệ tình dục…

Đôi khi có hành vi nguy hiểm như kích động, bạo lực.

Người mộng du có thể có ảo giác khi đi, rất khó đánh thức họ và dễ bị họ tấn công.

Cách xử trí: Mộng du lí do do thiếu ngủ, liên quan đến cảm xúc, stress hoặc sốt… Cơn mộng du thường xuất hiện ít hơn 1 tháng một lần. Giải quyết các lí do trên sẽ hết mộng du.

Nên khóa cửa ban đêm khi ngủ để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân không đi ra ngoài khi lên cơn ban đêm.

Tốt nhất cho bệnh nhân ngủ ở tầng 1.

Khi bệnh nhân lên cơn nhẹ nhàng đưa bệnh nhân trở lại gường nằm.

Không nên đánh thức khi đang trong cơn vì dễ bị tấn công.

Cháu nên đến khám tại khoa Thần kinh để loại trừ động kinh. Hầu hết trẻ mộng du sẽ khỏi khi đến tuổi dậy thì. Cháu cứ yên tâm lứa tuổi cháu đang ở giai đoạn dậy thì do vậy chứng mộng du ở cháu rất có thể sẽ khỏi ở trong giai đoạn này.

Chúc cháu mau lành bệnh.

Triệu chứng mộng du ở trẻ em?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Con trai tôi năm nay 8 tuổi, cháu thường xuyên mắc phải chứng đang ngủ chợt tỉnh giấc đi lại trong nhà, khóc và đôi khi không ý thức được người bên cạnh là ai. Vậy xin hỏi bác sĩ đây có phải chứng bệnh mộng du không ạ? Cách điều trị thế nào?

Cảm ơn bác sĩ nhiều ạ!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào bạn!

Mộng du là một hiện tượng không xác định được lí do. Có 40 % trẻ em có hiện tượng mộng du vào một thời gian nào đó. Trong gia đình có trẻ mộng du thì các trẻ khác cùng dễ mắc thường gặp ở những trẻ nhanh lớn. Mộng du là tình trạng đi trong giấc ngủ nên còn gọi là chứng miên hành. Đây được gọi là rối loạn giấc ngủ. Người đi trong giấc ngủ làm một số động tác trong khi vẫn đang ngủ.

Mộng du gặp ở bất cứ tuổi nào, thường gặp ở trẻ em, ngay cả ở trẻ mới biết đi, hay gặp nhất là từ 3-7 tuổi. Người bệnh đang ngủ, ngồi, mở mắt, đi vòng quanh phòng hoặc đi về phía có ánh sáng, hoặc đi về phía cửa sổ, trèo lên cứa sổ, mở cửa phòng đi ra ngoài… Thậm chí làm một số động tác phức tạp như di chuyển đồ đạc, đi vào tắm, cởi hoặc mặc quần áo và nhiều hoạt động khác. Một số người còn mở ô tô, lái ô tô đi một quãng dài trong lúc thực sự còn đang ngủ. Thậm chí có khi còn thực hiện hành vi tình dục. Người lớn có thể có ảo giác hoăc ăn trong lúc đang đi. Rất khó đánh thức người đang mông du, rất có thể họ tấn công người đánh thức mình. Trông dáng vẻ người bệnh vụng về, lóng ngóng, có hành vi kì lạ như đi tiểu vào thùng rác. Đôi khi kích động, đàn ông hay có hành vi bạo lực. Mộng du có thể kết thúc đột ngột, người bệnh trở lại gường nằm và tiếp tục ngủ.

Cách sử trí: Mộng du là triệu chứng của thiếu ngủ, liên quan đến cảm xúc, stress hoặc sốt… Hầu hết chỉ xuất hiện mộng du ít hơn 1 tháng một lần. Giải quyết được những vấn đề trên sẽ hết mộng du. Ở trẻ em hầu hết sẽ hết mộng du khi đến tuổi dậy thì. Với các tình huống trẻ mộng du có cơn nhiều, tự gây hại, tấn công người khác… giúp bệnh nhân an toàn nên để cho bệnh nhân ngủ ở tầng 1, ban đêm đi ngủ phải khóa cửa chính và các cửa sổ. Không nên cố gắng đánh thức người bệnh trong cơn mộng du vì dễ làm họ kích động mà dịu dàng đưa họ trở lại gường ngủ. Nên đưa bệnh nhân đến chuyên khoa tâm thần khám để loại trừ bệnh động kinh. Nếu động kinh cần được chữa trị sớm và đúng theo phác đồ bệnh lý của bệnh động kinh. Qua trình bày trên giúp bạn hiểu về chứng mộng du mà con bạn mắc phải.

Chúc con bạn sớm lành bệnh!

Bé 6 tuổi bị bệnh mộng du


Câu hỏi bởi: thủy tiên

Thưa bác sĩ!

Con trai tôi năm nay hơn 6 tuổi. Dạo gần đây cháu hay đi lại vào lúc khuya, khi mọi người đã ngủ say, cháu ra mở cửa cổng rồi để đó. Cháu quay vô nhà, lục đục những thứ khác. Mỗi ngày cháu phá mỗi khác. 5-10 phút sau cháu trở vô giường ngủ. Cháu không nhớ gì cả. Giờ gia đình tôi phải làm thế nào để điều trị cho cháu?

Tôi cảm ơn!

Bác sĩ Cao Tiến Đức


Chào bạn!

Con trai bạn năm nay hơn 6 tuổi, gần đây cháu hay đi lại vào lúc khuya, khi mọi người đã ngủ say, cháu ra mở cửa cổng rồi để đó. Cháu quay vô nhà, lục đục những thứ khác. Mỗi ngày cháu phá mỗi khác. 5-10 phút sau cháu trở vô giường ngủ. Cháu không nhớ gì cả. Nhưng bạn chưa nói cháu có đi ngủ cùng mọi người không? Khi trẻ đang ngủ bỗng nhiên trở dậy, đi lại hoặc làm một số việc nào đó mà thực ra trẻ không ý thức được, người ta gọi là mộng du hay miên hành. Đôi khi người lớn cũng gặp hiện tượng này. Mộng du có thể chỉ là rối loạn giấc ngủ, cũng có thể trẻ bị bệnh động kinh. Bạn nên đưa cháu đến cơ sở thần kinh, tâm thần để được khám và chữa trị có kết quả.

Chúc con bạn mau khỏe!

Khi ngủ có cảm giác đang đi có phải bị mộng du?


Câu hỏi bởi: tam nguyen

Chào bác sĩ.

Cháu 17 tuổi, là nam giới. Cháu muốn hỏi: Khi cháu ngủ, có cảm giác như cháu đang đi. Như vậy có phải là cháu bị mộng du không ạ? Mong bác sĩ giải đáp giúp.

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Mộng du là căn bệnh vừa ngủ vừa đi, bệnh này còn gọi là miên hành. Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ, bệnh giảm dần theo tuổi tác. Ở người lớn mộng du thường kèm theo trạng thái căng thẳng, lo lắng và đôi khi là bệnh động kinh. Bệnh nhân mộng du đang ngủ bật dậy di lang thang không chú ý, có thể dẫn đến tai nạn. Khoảng 25% bệnh nhân mộng du có thể làm hại chính mình, họ có phản xạ thiếu tự nhiên.

Cháu đã 17 tuổi, ở lứa tuổi này ít bị mộng du, tuy nhiên vẫn có thể gặp bệnh mộng du ở lứa tuổi như cháu. Cháu nói là khi cháu ngủ, có cảm giác như cháu đang đi, như vậy không phải cháu bị mộng du. Cháu chỉ có cảm giác như đang đi khi ngủ chứ không phải là đi thực sự khi ngủ. Như phần trên bác đã nói, mộng du là bệnh vừa đi vừa ngủ, tức là đang ngủ họ vùng dậy đi loanh quanh trong phòng, đôi khi mở của đi ra ngoài trong khi vẫn đang ngủ mà không biết gì cả.

Cháu đang ngủ có cảm giác như đang đi, có thể là cháu mơ ngủ là đang đi đâu đó thì đó là mơ ngủ mà thôi. Khi đang ngủ cháu có cảm giác như đang đi, lúc đó cháu có biết gì không? Bác tin là cháu không biết gì hết vì cháu nói là đang ngủ rồi. Vậy thì cháu hãy hỏi mọi người trong nhà xem có bao giờ cháu đang ngủ mà vùng dậy đi lại loanh quanh trong nhà một lúc sau đó lại nằm ngủ không? Nếu có mà cháu không biết thì đúng là cháu bị mộng du, còn không bao giờ xảy ra hiện tượng như vậy thì không phải.

Chúc cháu luôn mạnh khoẻ.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl