Bé sốt co giật, cha mẹ cần lưu ý gì?


4,226
1
1
Xu
53
Sốt co giật ở trẻ thông thường do nguyên nhân nhiễm trùng. Để đối phó với hiện tượng này một cách tốt nhất, các mẹ cần chuẩn bị cho mình kiến thức tổng quan nhất chắt lọc từ ý kiến của các chuyên gia.

Bé 21 tháng bị sốt co giật phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Xin chào bác sĩ.

Cho cháu hỏi con nhà cháu được 21 tháng và mới đây bé có bị sốt co giật, đây là lần đầu tiên tiên bé bị như vậy. Trước khi giật bé sốt 39.5 độ và sau khi hết giật thì còn 39.0 độ, giật khoảng 1 phút sau khi sốt và dẫn đến co giật thì khoảng 6 tiếng sau bé hết sốt và chơi đùa bình thường. Cháu có cho đi khám tại bệnh viện Nhi Trung ương khoa Thần kinh nhưng ở đây bác sĩ chỉ xét nghiệm máu chứ không cho chụp MRT hay điện não, bác sĩ có kê đơn cho bé uống Depakine 200 và chỉ uống khi nào bé có triệu chứng sốt, do nhiệt độ bé 37.6 độ thì cho uống Depakine và sau đó theo dõi bé sốt lên 38.2 độ thì cho uống hạ sốt. Bác sĩ cho cháu hỏi con nhà cháu như vậy có cần phải chụp MRT hoặc điện não đồ không và có cần phải dùng thuốc Depakine liên tục để chống giật không? Bé bị giật như vậy có thể để lại những di chứng gì?

Cháu xin cảm ơn.

Bác sĩ Lê Huy Tuấn


Chào bạn!

Co giật do sốt xảy ra khoảng 3% trẻ em. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi sơ sinh và trẻ nhỏ, từ 3 tháng đến 5 tuổi. Bệnh liên quan đến sốt nhưng không có bằng chứng của nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương hoặc một lí do khác đã xác định như rối loạn chuyển hoá hay động kinh trước đó không do sốt. Co giật do sốt thường triệu chứng co giật toàn thể (co cứng – co giật hay co giật)

Đa số các cơn co giật do sốt thường tự hết theo thời gian, mà chưa cần xử trí gì, những tình huống này không cần thiết phải nằm viện. Tuy nhiên có khoảng 5% trẻ em bị co giật do sốt cao về sau có thể trở thành động kinh. Vì vậy, đối với những trẻ này có thể uống thuốc hạ sốt sớm hơn các trẻ khác (bình thường là 38,5 độ C mới cần uống thuốc) và kết hợp với thuốc chống co giật phòng co giật tái phát và động kinh. Vì vậy bạn nên chú ý theo dõi con và yên tâm tuân thủ chữa trị của bác sĩ nhé.

Chúc gia đình bạn sống khỏe!

Tư vấn cho bé 5 tháng tuổi có hiện tượng hay giật mình khi ngủ, sốt thì lên cơn co giật


Câu hỏi bởi: sad

Chào bác sĩ!

Cho cháu hỏi con cháu được 5 tháng tuổi có hiện tượng hay giật mình khi ngủ, có tiếng động mạnh la thức dậy, ngủ không ngon giấc, được nửa tiếng là dậy, nếu muốn cháu ngủ thêm thì lại phải du. Cháu có bổ sung mỗi ngày 2 giọt vitamin d từ khi cháu được 7 ngày tuổi nhưng hiện tại tình trạng cháu chưa khỏi. Thứ hai là khi thức cháu nằm ngửa ngay giơ hai chân lên hoặc đập xuống giừơng như đang chơi. Nếu bế thì hai bàn chân cháu cứ động đậy hoặc co bàn chân, cả hai tay cũng như bị giật nhẹ thôi. Còn khi ngủ thì cũng vậy tay thỉnh thoảng giật nhẹ, chân thì bàn chân đung đưa, hay co bàn chân, động đậy ngón chân, hay giật nhẹ. Cháu có cho con đi viện Nhi thử máu rồi điện não thì bác sĩ bảo con cháu bị co nhẹ tay chân và bổ sung magie.

Khoảng ba tuần sau không khỏi nên cháu thử cho con sang viện đại học y va bác sĩ chi định làm điện não và kết quả bảo con cháu phải uông thuốc chữa trị bệnh động kinh. Cháu rất hoang mang vì con lớn cháu gần 3 tuổi của cháu cũng có biểu hiện hồi nhỏ giống con thứ hai (mà cháu kể trên) nhưng con lớn là hồi bé khám Nhi thiếu magiê nhưng con cháu không uống được nên cháu không cho uống và cũng không khám lại vì nghĩ không sao, hai nữa là con lớn nhà cháu có bị co giật khi sốt. Cho cháu hỏi liệu con thứ hai nhà cháu liệu có bị bệnh không? Tại sao kết quả khám hai nơi khác nhau? Có bệnh động kinh không thể hiện rõ trên kết quả điện não không? Cháu có nên qua bệnh viện Bạch Mai khám lại không? Cháu khổ tâm lắm, vì nhà cháu không ai bị bệnh này cả.

Cháu chân thành cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Tôi rất hiểu và hết sức thông cảm với tình trạng bạn đang gặp phải. Tôi không được khám cháu trực tiếp cũng như không thấy các kết quả xét nghiệm và điện não đồ nên rất khó để đưa ra nhận định kết quả chẩn đoán của bệnh viện nào là chính xác. Tiêu chuẩn chẩn đoán động kinh dựa vào lâm sàng và điện não đồ, điện não đồ giúp xác định động kinh, loại cơn, vị trí ở động kinh. Tuy nhiên kết quả điện não đồ bình thường chưa thể loại trừ được khả năng động kinh, một số tình huống bị động kinh vẫn có kết quả điện não đồ bình thường, ngược lại 10-15% người bình thường có bất thường điện não không bao giờ lên cơn. Có nhiều tình huống cần phải kích thích để bộc lộ cơn động kinh trên điện não bằng thở sâu, kích thích ánh sáng, tiếng động, ngủ tự nhiên, … Hiện tại bạn đang rất hoang mang vì kết quả chẩn đoán ở 2 viện là khác nhau. Tôi nghĩ để yên tâm bạn nên đưa cháu qua viện Bạch Mai khám lại, từ đó cân nhắc chọn hướng chữa trị.

Chúc bạn mạnh khỏe.

Bé hay bị co giật khi bị sốt cao phải làm thế nào?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ!

Hiện nay con gái cháu đã được 10 tháng tuổi, lúc được 6 tháng thì bé bị lên sởi và sốt trên 40 độ, co giật nhẹ 3 lần, mỗi lần cách nhau khoảng từ 5 đến 10 phút, thời gian co giật khoảng từ 5 đến 10 giây. Bé không bị nôn trớ, mắt cũng không trợn ngược. Tuy nhiên, cứ mỗi lần mọc răng hay tập bò là bé lại bị sốt và cứ 39 độ là lại bị co giật. Những lúc đó cháu thường dùng khăn màn và nước ấm lau ở nách, bẹn, cổ và lưng cho bé và dùng viên thuốc nhét vào hậu môn của bé. Tuy bị sốt và co giật nhưng sau đó bé lại tươi cười, ăn uống, chơi đùa bình thường. Việc co giật tái phát nhiều lần như vậy, cháu sợ sẽ tác động đến não bộ và sức khỏe của bé. Nhờ bác sĩ giải đáp cho cháu cách chữa và phòng bệnh để tránh co giật trong lúc bé bị sốt.

Cháu cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Sốt cao co giật là một biểu hiện thường gặp ở trẻ nhỏ đặc biệt ở những trẻ có hệ thần kinh còn chưa hoàn chỉnh, có yếu tố gia đình. Các yếu tố tác động đến sốt cao co giật là di truyền, độ tuổi, sốt. Sốt càng cao nguy cơ co giật càng lớn. Mỗi khi trẻ co giật thường gây thiếu ôxy não. Nếu để trẻ co giật kéo dài sẽ rất nguy hiểm vì có thể tác động đến não bộ sau này. Nếu cơn co giật chỉ diễn ra ngắn thì ít bị tác động đến thần kinh của trẻ hơn.

Con bạn hiện nay hay bị sốt cao và cứ sốt 39 độ là bị co giật. Cơn co giật do sốt cao ở trẻ nếu đã xảy ra thì thường xuyên tái phát. Do vậy bạn cần biết cách xử trí ngay từ lúc trẻ mới sốt để có thể phòng tránh được cơn co giật bằng cách đưa trẻ đi khám và chữa trị lí do ngay khi mới sốt, cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú nhiều lần hơn, cởi bớt quần áo, đặt trẻ nằm nơi thoáng mát và không bao giờ được ủ ấm hoặc bọc kín trẻ, phải thường xuyên theo dõi thân nhiệt bằng cách cặp nhiệt độ cho trẻ khi trẻ sốt cao. Làm mát cơ thể trẻ bằng cách lau người cho trẻ bằng nước ấm và uống thuốc hạ nhiệt khi nhiệt độ cơ thể lên quá 39C.

Nếu bé bị co giật, bạn cần sơ cứu cho bé bạn theo cách sau: Nhanh chóng đặt bé ra nơi thoáng mát, để bé nằm ở nơi bằng phẳng như giường hoặc phản để đề phòng khi co giật, bé có thể bị ngã hoặc va đập vào vật cứng. Tốt nhất nên cởi bỏ hoặc nới rộng quần áo, dùng khăn mềm nhúng vào nước hơi ấm, lau khắp người cho bé, nhất là vùng nách, bẹn, trán. Lau đi lau lại nhiều lần như thế cho đến khi bé hết giật. Vì bé co giật không thể dùng thuốc được nên cần nhanh chóng đặt thuốc hạ nhiệt đường hậu môn (viên đạn đặt hậu môn (bé em dưới 2 tuổi dùng viên Paracetamol 80mg, bé lớn dùng viên 150mg). Đợi khi bé ngừng cơn giật thì lật bé nằm nghiêng sang 1 bên ngay, đầu đặt ở vị trí an toàn, hơi ngửa tránh việc trào ngược dịch nôn trớ của bé vào phổi gây nguy hiểm đến tính mạng. Đưa bé đến cơ sở y tế khám và chữa trị tránh co giật tái phát do sốt cao trở lại.

Chúc bạn và cháu mạnh khỏe!.

Bé từng sốt co giật có ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ và thể chất sau này không?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ!

Con em năm nay 4 tuổi, cháu từng bị sốt co giật 2 lần. Lần 1 vào lúc 15 tháng, cháu bị sốt trên 39 độ và co giật nhẹ (bị nôn và rùng mình nhẹ). Lần 2 khi được khoảng 2,5 tuổi, cháu bị sốt 39,5 độ (sốt virút) và co giật toàn thân khoảng 9- 10 phút (gồng mình, tay chân giật, miệng méo sang 1 bên, hai hàm răng nghiến chặt vào nhau, mắt trợn lên). Sau khi được cấp cứu thì cháu tỉnh, hơi mệt nhưng vẫn ăn uống bình thường. Từ đó đến nay thì cháu có sốt nhưng chưa tái phát co giật nữa. Cháu thường bị sốt do bị bệnh về đường hô hấp. Mỗi lần cháu bị sốt là em lại sợ cháu tái phát co giật.

Em đã đưa bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội để khám, các bác sĩ cho điện não tâm đồ (kết quả não bộ bình thường) và chuẩn đoán là do sốt cao co giật. Em muốn hỏi bác sĩ là cháu từng bị sốt co giật như thế liệu sau này có tác động gì đến sự phát triển trí óc, thể chất và tâm lý không? Liệu cháu có được nhanh nhẹn thông minh như các bạn không (hiện tại thì bé rất thông minh, nhanh nhẹn và đặc biệt là ghi nhớ rất nhanh và nhớ lâu). Sau mỗi lần sốt là cháu uống nhiều thuốc kháng sinh, hạ sốt Paracetamol, có khi thì tiêm liệu uống và tiêm nhiều thuốc kháng sinh. Hạ sốt như vậy có tác động đến gan và các bộ phận các trên cơ thể không? Liệu cháu có bị bệnh động kinh không? Bác sĩ cho em biết cách phòng chống co giật khi sốt, phòng chống các bệnh về đường hô hấp?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Sốt cao co giật là một biểu hiện thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt ở những trẻ có hệ thần kinh còn chưa hoàn chỉnh, có yếu tố gia đình. Các yếu tố tác động đến sốt cao co giật là di truyền, độ tuổi, sốt. Sốt càng cao nguy cơ co giật càng lớn. Mỗi khi trẻ co giật thường gây thiếu ôxy não. Nếu để trẻ co giật kéo dài sẽ rất nguy hiểm vì có thể tác động đến não bộ sau này. Ngay thời điểm co giật cũng có thể có biến chứng ví dụ như cắn vào lưỡi, đập đầu vào vật cứng gây chấn thương, hôn mê…

Một số trẻ nhỏ có co giật nửa người sau đó yếu hay liệt nửa người, loại co giật này sẽ phát triển thành liệt cứng và động kinh cục bộ vận động. Co giật do sốt phức tạp là co giật do sốt kèm một trong những dấu hiệu sau: thời gian co giật kéo dài > 15 phút, co giật vận động cục bộ hoặc sau cơn có liệt Todd, trên một cơn trong 24 giờ, tình trạnh thần kinh không bình thường, cha mẹ, anh em có co giật không sốt. Những bệnh nhân có từ hai dấu hiệu trên trở lên sau 7 tuổi khoảng 6% ca mắc bệnh động kinh.

Nguyên nhân của các cơn động kinh thường thấy ở những trẻ có tiền sử co giật trước đó. Nếu cơn co giật chỉ diễn ra ngắn thì ít bị tác động đến thần kinh của trẻ hơn. Do vậy khi trẻ sốt cao phải tìm cách hạ sốt ngay để đề phòng cơn co giật. khi trẻ bị sốt cao liên tục phải uống thuốc an thần, bù dịch đầy đủ bằng uống Orezol. Quan điểm chữa trị co giật do sốt cao là cho Diazepam đặc biệt vào đường hậu môn, trực tràng, vì hấp thu nhanh và ít có biến chứng suy hô hấp. Khi phòng ngừa tái phát co giật Diazepam (0,5mg/kg) cứ 12 giờ một lần khi nhiệt độ (38,5C).

Con của bạn đã bị co giật hai lần, trước mắt theo như bạn mô tả thì chưa có gì đáng ngại. Bạn cần theo thêm về sau này cho cháu. Đặc biệt bạn nên đề phòng không để bé bị co giật thêm nữa. Các thuốc kháng sinh hay thuốc hạ sốt đều là con dao 2 lưỡi, bên cạnh tác dụng chữa bệnh thì đều có tác động đến chức năng gan thận. Bạn cần phải cân nhắc khi nào thì nên cho uống và khi uống những thuốc này bạn nên cho con uống nhiều nước. Thuốc hạ sốt loại Paracetamol thường xuyên gây viêm gan, nên khi dùng thuốc này bạn không nên lạm dụng nó. Con của bạn hay bị bệnh đường hô hấp nên để đề phòng, bạn nên vệ sinh sạch mũi họng hằng ngày, giữ ấm vùng mũi họng. Bạn có thể cho trẻ dùng thêm Brochon Vaxom, mỗi tháng uống 10 ngày, mỗi ngày uống 1 viên loại trẻ em, uống trong vòng 3 tháng.

Chúc bạn và cháu mạnh khỏe!

Bé bị sốt cao co giật một lần, sùi bọt mép, mắt trợn nguợc, chân tay cứng


Câu hỏi bởi: Kiss

Chào bác sĩ!

Bé nhà tôi bị sốt cao co giật một lần, sùi bọt mép, mắt trợn nguợc, chân tay cứng khoảng 10-15 phút. Sau khi điều tri ở bệnh viện về, bé ho và sổ mũi, lâu lâu bé lai gồng cứng cả người và khóc thét lên. bé cũng khó ngủ hay giật mình nữa. Vậy bé có bị sao không thưa bác sĩ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn!

Bạn không nói rõ tuổi của bé là bao nhiêu tháng nên rất khó định hướng giải đáp. Mặt khác bạn mô tả bé co giật, mắt trợn ngược, chân tay cứng khoảng 10-15 phút có lẽ là không chính xác vì không thấy cơn co giật nào kéo dài trên 10 phút (trừ tình huống bé bị bệnh uốn ván, hoặc cơn kích động của dại lên cơn). Có thể hình dung là: Con bạn bị sốt cao co giật đã nằm viện nay về nhà còn ho, sổ mũi, lâu lâu bé lại gồng cứng cả người và khóc thét. Nếu bé nhà bạn mới 2-3 tháng tuổi thì dấu hiệu gồng người (vặn mình) là dấu hiệu sinh lý bình thường. Nếu bé đã 6-7 tháng tuổi hoặc lớn hơn bạn cần đưa bé đi khám bệnh.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl