Thoái hóa cột sống thường gặp ở những lứa tuổi nào?


4,226
1
1
Xu
53
Thoái hoá khớp là bệnh thường gặp ở người có tuổi. Bằng những lý giải chi tiết hơn, chúng ta sẽ hiểu rõ về nguy cơ mắc căn bệnh này ở các đối tượng khác nhau.

Thoái hóa cột sống phải làm sao?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ.

Mẹ tôi năm nay 63 tuổi bị thoái hóa cột sống lưng đã hơn 10 năm nay, thường đau nhức. Bác sĩ cho tôi biết dùng thuốc gì hoặc làm cách nào để hết bệnh?

Tôi cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huệ


Chào em.

Em chỉ mô tả mẹ em bị thoái hóa cột sống thắt lưng đã hơn 10 năm nay với triệu chứng đau nhức. Em không nói rõ cơn đau nhức thế nào, đau có lan đi đâu không? Vận động ra sao? Mẹ em đã đi khám ở đâu và đã được bác sĩ chữa trị những thuốc gì? Tốt nhất, em nên đưa mẹ đi khám chuyên khoa Xương Khớp để có phương pháp chữa trị hiệu quả nhất.

Một số thông tin về bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng em có thể tham khảo nhé:

Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng là một bệnh mãn tính, tiến triển từ từ tăng dần làm bệnh nhân đau, hạn chế vận động và sau cùng gây biến dạng cột sống thắt lưng mà không thấy biểu hiện của viêm (sưng, nóng, đỏ). Tổn thương là sự thoái hóa sụn khớp và đĩa đệm cột sống phối hợp với những thay đổi ở phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch.

Nguyên nhân của bệnh có thể do tuổi cao, gặp nhiều ở nữ, người lao động nặng, tư thế lao động sai, chế độ ăn không đầy đủ chất, phương pháp tập luyện thể thao không hợp lý và béo phì. Ngoài ra việc đã từng bị chấn thương hoặc phẫu thuật cột sống, do di truyền… cũng là lí do của bệnh. Tình trạng chịu áp lực quá tải lên sụn khớp và đĩa đệm lặp đi lặp lại trong thời gian dài gây nên tổn thương sụn khớp, phần xương dưới sụn, mất tính đàn hồi của đĩa đệm, xơ cứng dây chằng bao khớp tạo nên những biểu hiện và biến chứng trong thoái hóa cột sống.

Để chẩn đoán bệnh dựa vào các biểu hiện lâm sàng, xét nghiệm máu và chụp X-quang (hẹp khe khớp với bờ diện khớp nhẵn, đặc xương dưới sụn, gai xương thân đốt sống, hẹp lỗ liên hợp đốt sống). Tuy nhiên, mẹ em đã 63 tuổi (người cao tuổi) có thể phối hợp thêm với bệnh loãng xương hoặc lún xẹp đốt sống do loãng xương thì biểu hiện sẽ nặng nề hơn. Điều trị bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng bao gồm nhiều phương pháp trong một thời gian dài. Nguyên tắc chữa trị đó là chữa trị biểu hiện (giảm viêm, giảm đau và giãn cơ…) kết hợp với thuốc chống thoái hóa. Nên phối hợp chữa trị nội khoa với vật lý trị liệu và phục hồi chức năng.

Một số tình huống đặc biệt có dấu hiệu chèn ép rễ thì có thể phải phẫu thuật.

Điều trị nội khoa: Giảm đau: uống thuốc giảm đau theo bậc từ thấp đến cao (như từ Paracetamol đến Opiat) Thuốc chống viêm không steroid: có cả đường tiêm, đường uống và bôi ngoài da (Diclofenac, Meloxicam, Piroxicam…). Lưu ý: phải sử dụng thuốc sau khi ăn no vì thuốc kích ứng niêm mạc dạ dày và sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ. Thuốc giãn cơ (Mydocalm, Decontractyl) Thuốc chống thoái hóa: Glucosamin, Chondroitin. Tiêm thuốc Corticoid tại chỗ: tiêm ngoài màng cứng bằng Hydrocortison acetat trong tình huống bị đau thần kinh tọa, tiêm cạnh cột sống, tiêm khớp liên mấu (dưới màn tăng sáng hoặc hướng dẫn của CT) Vật lý trị liệu: tập thể dục, xoa bóp, kéo nắn, chiếu tia hồng ngoại, chườm nóng, tắm khoáng, tắm bùn nóng hoặc đắp Paraphin… Ngoại khoa: chỉ định khi bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống gây đau thần kinh tọa kéo dài hoặc có hẹp ống sống với các biểu hiện thần kinh tiến triển nặng tác động tới chất lượng cuộc sống mà các biện pháp chữa trị nội khoa không thấy kết quả.

Chúc mẹ em mau khỏe!

Nữ 45 tuổi bị thoái hóa cột sống


Câu hỏi bởi: thu bằng

Chào các bác sĩ.

Tôi năm nay 45 tuổi, là nữ giới. Tôi bị bệnh đau lưng mấy mươi năm nay rồi, đi khám bác sĩ bảo là thoái hóa cột sống. Nhưng dùng thuốc cũng không khỏi. Bây giờ hình như bệnh ngày càng nặng thêm đi bộ đường dài không đi được nữa mong các bác sĩ giải đáp giúp!

Tôi cảm ơn.

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào chị.

Thoái hóa cột sống thắt lưng là bệnh mãn tính tiến triển từ từ tăng dần gây đau, hạn chế vận động, biến dạng cột sống thắt lưng mà không có triệu chứng viêm. Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa sụn khớp và đĩa đệm cột sống phối hợp với những thay đổi ở phần xương dưới sụn, và màng hoạt dịch.

Nguyên nhân:

Thường gặp là do tuổi tác (hay gặp ở những bệnh nhân từ 40 tuổi trở lên), tuổi càng cao tỉ lệ mắc bệnh càng nhiều.

Kế đến là do công việc lao động mang vác nặng nhọc, hoặc do tư thế lao động, hoạt động không đúng kéo dài, chế độ dinh dưỡng không đầy đủ hoặc ngược lại: cơ thể thừa cân, ít vận động thể dục thể thao cũng góp phần gây nên thoái hóa cột sống lưng.

Tình trạng thoái hóa cột sống của chị kéo dài đã lâu và có triệu chứng nặng thêm. Đó là do bệnh đã tái phát nhiều lần, những cơn đau lặp đi lặp lại sẽ càng ngày càng nặng hơn. Đến một lúc nào đó, chị chỉ cần đi, đứng, sinh hoạt trong tư thế hơi khác thường là đã bị đau lưng buốt nhói dữ dội.

Có nhiều phương pháp được sử dụng hiện nay tại các bệnh viện là dùng thuốc, thuỷ châm, châm cứu, kéo giãn cột sống, vật lý trị liệu… Tất cả các phương pháp này đều phải được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chỉ định thực hiện.

Khi ở nhà, nếu bị đau lưng, chị nên lập tức nằm nghỉ, thư giãn. Nhưng cũng không được nằm quá lâu khiến máu khó lưu thông, tăng cảm giác mệt mỏi.

Chị không nên ngồi một chỗ mà nên vận động nhẹ nhàng, tập thể dục vừa phải.

Với tình trạng bệnh như hiện tại, chị không nên đi bộ đường dài khiến cho bệnh nặng hơn.

Chườm nóng và xoa bóp được coi là biện pháp hữu hiệu tức thời. Chị có thể chườm bằng muối rang với ngải cứu, lá đu đủ tươi.

Không nên bóp dầu nóng, mật gấu và rượu vì làm như vậy sẽ khiến vùng bị đau có phản ứng co cơ, khiến cơn đau càng trầm trọng hơn.

Đồng thời, chị cần duy trì một chế độ ăn lành mạnh. Cụ thể là ăn các thức ăn có nhiều chất xơ và ít chất béo nhằm làm giảm khối lượng cơ thể giúp giảm tải trọng lên cột sống thắt lưng, ăn các loại thực phẩm như cá, các loại hạt, rau lá xanh chứa nhiều axit béo omega và chất chống oxy hóa, cả hai đều đóng góp vào sức khỏe của xương khớp…

Chị cũng có thể bổ sung các thuốc dưỡng khớp như Glucosamin, Jex, Viatrils, sụn vi cá mập…

Chúc chị khỏe mạnh!

Bị thoái hoá cột sống thắt lưng có thoát vị đĩa đệm L4/L5


Câu hỏi bởi: Hương

Chào bác sĩ.

Tôi năm nay 21 tuổi bị đau chân, lưng khi đi chụp MRI kết quả cho thấy bị thoái hoá cột sống thắt lưng có thoát vị đĩa đệm L4/L5 và L5/S1 gây chèn ép mạnh các rễ thần kinh trong ống sống, nhất là các rễ L5 và S1. Vậy bây giờ tôi cần làm gì để cho sức khoẻ được cải thiện.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Duyên


Chào em.

Với bệnh lý thoát vị đĩa đệm thì việc đầu tiên là cân nhắc chữa trị nội khoa. Về việc chữa trị nội khoa thường kết hợp các biện pháp sau:

– Uống thuốc giảm đau chống viêm nhóm Non-steroid như Meloxicam, Tenoxicam, Proxicam, Voltarel…thuốc giãn cơ như Myonal, Mydocaml, các thuốc tăng dẫn truyền thần kinh.

– Dùng vật lý trị liệu như điện xung, đắp nến, điện di, kéo giãn cột sống. Trong đó kéo giãn cột sống là một chữa trị căn bản và bắt buộc với bệnh nhân ở giai đoạn sớm, nếu không có các chống chỉ định như loãng xương, trượt đốt sống, hoặc u cột sống.

– Nếu bệnh nhân đau nhiều mà chữa trị bằng các thuốc mục trên không đỡ có thể áp dụng tiêm Steroid ngoài màng cứng. Nhưng chỉ bác sĩ chuyên khoa sâu về thần kinh mới được thực hiện.

– Dùng thuốc đông y, là một chữa trị căn bản giúp làm tăng tính đàn hồi của đĩa đệm, từ đó có thể làm đĩa đệm thoát vị co dần lại. Nếu sau 3 tháng chữa trị bằng nội khoa mà bệnh nhân không có tiến triển, hoặc bị nặng hơn thì có chỉ định chữa trị ngoại khoa bằng cách dùng tia laser hoặc phẫu thuật lấy bỏ nhân nhày thoát vị, giải phóng chèn ép rễ thần kinh.

Em cần chú ý, không lao động nặng trong giai đoạn này. Em nên sớm đến bệnh viện để chữa trị.

Chúc em mạnh khỏe.

Bị thoái hóa cột sống đứng hoặc ngồi yên trong 1 tư thế thì khi đứng đậy đi lại lại bị đau


Câu hỏi bởi: Phạm Anh Tuấn

Cháu chào bác sĩ!

Cháu là nam, năm nay cháu 20 tuổi hiện cháu đang bị thoái hoá cột sống nhẹ hàng ngày cháu làm việc vẫn bình thường nhưng cứ đứng hoặc ngồi yên trong 1 tư thế thì khi đứng đậy đi lại cháu lại bị đau, cháu mong bác sĩ tư vấn cho cháu bài thuốc để uống và bài tập để giảm đau.

Xin cám ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn!

Người ta thấy rằng cột sống bắt đầu thoái hóa từ năm 20 tuổi, sau đó tuổi càng cao thì quá trình thoái hóa càng nhiều. Bạn mới 20 tuổi mà đã bị thoái hóa cột sống nhẹ. Bạn cần xem các lí do có thể gây bệnh thoái hóa cột sống ở người trẻ dưới đây để tìm cách xử lý:

Điều kiện sống khó khăn, ăn uống không đầy đủ.

Làm việc, lao động nặng quá sớm và quá sức. Ví dụ như mang vác, gồng gánh nặng từ lúc 12, 13 tuổi, khi mà khung xương còn đang trong giai đoạn phát triển, chưa định hình, hoàn thiện.

Tập luyện thể dục, thể thao không hợp lý.

Ở những người trẻ tuổi khi ngồi làm việc ở một chỗ, ít vận động như công nhân, nhân viên văn phòng, các khớp xương ít được vận động, bị chèn ép, khí huyết lưu thông kém, các tế bào xương thiếu dần dinh dưỡng dẫn tới thoái hóa.

Trọng lượng quá mức cho phép khiến cột sống luôn phải gắng đỡ cơ thể.

Do máu không cung cấp đủ dưỡng chất và oxi để nuôi xương làm xương bị thoái hóa xốp lên, vôi thường bị ở đốt sống cổ, đốt sống lưng và các khớp xương.

Việc chữa trị thoái hóa cột sống bằng tập luyện phải theo nguyên tắc là tập thong thả, nhẹ nhàng, không gây đau. Tập đúng động tác, kết hợp thở sâu, nhịp nhàng, nâng dần mức độ tập luyện để tăng cường tính linh hoạt của các khớp cột sống, tăng cường sức mạnh và sự dẻo dai của các khối cơ, dây chằng ở vùng lưng, giúp cho sự cân bằng cần thiết các tư thế cột sống, giảm dần cảm giác đau. Giai đoạn đầu có thể kết hợp uống thuốc giảm đau, sau đó bỏ uống thuốc, chỉ kết hợp tập luyện và xoa bóp. Dưới đây là một số bài tập thoái hóa cột sống bạn có thể tham khảo:

Bài tập 1: Vặn thắt lưng: Đứng thẳng, hai tay buông xuôi theo thân người. Hai chân thẳng về đằng trước. Từ từ xoay qua bên phải, hai tay “quăng” theo (không gồng bắp thịt, mà thả lỏng cho tay “quăng” đi) cho đến hết cỡ, không thể xoay được nữa thì ngưng lại 3 giây rồi “quăng” tay trở lại bên trái. Khi bắt đầu xoay, thì hít vào chầm chậm qua mũi, khi ngưng lại thì nén hơi, đếm 1,2,3. Nhớ là làm thật chậm, càng chậm càng tốt, để cho hít Oxy vào thật nhiều. Làm 10 lần mỗi bên. Hít sâu, nén hơi, rồi thở dài như thế tức là tập khí công. Tất cả động tác hít thở đều làm qua mũi, không há mồm.

Bài tập 2 : Xoay “hu-la-húp”: Hai tay chống hông. Lắc thắt lưng theo một vòng tròn như chơi “hu-la-húp”, nghĩa là đẩy thắt lưng tới trước rồi tiếp tục lắc về phía bên trái theo vòng tròn, khi đến phía đàng sau, thì đẩy thắt lưng về phía sau, lại kéo qua bên phải rồi đẩy tới trước, cho đủ một vòng tròn. Làm chậm rãi. Trong khi xoay như thế, thì cũng hít sâu, thở ra thật chậm. Điều khác nhau là mình tập thật chậm trong khi nhẩy hu-la-húp thực thì lại rất nhanh.

Bài tập 3: Làm cân bằng lại xương:

Đứng thẳng, hai tay để trước bụng. Từ từ kéo tay trái về phía sau lưng, trong khi đẩy tay phải về phía trước, và hít vào chầm chậm. Khi tay trước tay sau đã xa nhau hết cỡ thì lại từ từ đổi tay. Kéo tay trái về rồi đẩy ra trước, trong khi tay phải đẩy ra phía sau. Cũng làm hết cỡ và thở ra chầm chậm.

Thiền công (Yoga) đứng: Đứng thẳng, hai tay chống hông. Từ từ đẩy bụng ra phía trước, như uốn cây cung về phía trước, đỉnh cây cung là cái bụng ưỡn về phía trước. Trong khi đẩy bụng ra thì hít vào thật chậm. Giữ lại ở tư thế đó 30 giây, nín hơi cho khí Oxy dồn lại trong cơ thể. Từ từ thở ra, kéo bụng trở lại. Làm 5 lần.

Bên cạnh việc tập luyện bạn cũng cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý. Bạn cần tăng cường bổ sung canxi cho cơ thể qua các loại thực phẩm chứa nhiều calci như sữa, các sản phẩm từ sữa, các loại rau xanh, các loại thủy hải sản như tôm cua, các loại cá nhỏ để ăn nguyên xương, viên bổ sung canxi.

Chúc bạn khỏe mạnh!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl