Vấn đề đau nửa đầu kèm theo sự thay đổi nhịp tim


4,226
1
1
Xu
53
Nhịp tim tăng nhanh khi đau nửa đầu có phải điều đáng lo ngại không? Tuyển tập sau đây sẽ tổng hợp những giải đáp liên quan đến đau nửa đầu và các vấn đề tim mạch.

Đau nửa đầu và tim đập chậm phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Tôi năm nay 37 tuổi, nghề nghiệp là dạy học, thời gian gần đây tôi thường bị đau nửa đầu bên trái và đỉnh đầu, hôm trước đã đi chụp MRI bác sĩ bảo bình thường, nhưng khi sang khám khoa Tim mạch thì bác sĩ kết luận là tim đập chậm dưới 48 lần/phút. Vậy bác sĩ cho tôi biết tôi đang bị bệnh gì và hướng chữa trị?

Chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Nhịp tim dưới 60 lần/phút được gọi là nhịp chậm. Nhịp tim chậm có thể là một vấn đề nghiêm trọng nếu tim không bơm đủ máu giàu ôxy cho cơ thể. Tuy nhiên, đối với một số người, nhịp tim chậm không gây ra biểu hiện hoặc biến chứng. Nhịp tim chậm là do cái gì đó phá vỡ xung điện bình thường kiểm soát tỷ lệ hoạt động bơm của tim.

Nhiều vấn đề có thể gây ra hoặc góp phần vào bất thường hệ thống điện tim, bao gồm:

Thoái hóa mô tim liên quan đến lão hóa.

Tổn thương mô tim do bệnh tim hoặc đau tim.

Tăng huyết áp.

Tim bẩm sinh.

Viêm cơ tim.

Biến chứng của phẫu thuật tim.

Suy giáp.

Sự mất cân bằng chất điện giải, chất khoáng cần thiết.

Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ, sự gián đoạn lặp đi lặp lại hơi thở trong khi ngủ.

Bệnh viêm, như sốt thấp khớp hay lupus.

Nhiễm sắc tố sắt mô, sự tích tụ của sắt trong cơ quan.

Thuốc men, bao gồm cả một số loại thuốc cho các rối loạn nhịp tim

Tăng huyết áp và rối loạn tâm thần.

Nếu nhịp tim chậm đáng kể, đủ để gây ra các biểu hiện, biến chứng có thể của nhịp tim chậm có thể bao gồm:

Thường xuyên ngất xỉu.

Tim không có khả năng bơm đủ máu (suy tim).

Ngừng tim đột ngột hoặc tử vong.

Vì vậy bạn cần đến khám chuyên khoa Tim mạch tại bệnh viện uy tín và điều trị sớm tránh biến chứng nguy hiểm.

Chúc bạn sống khỏe!

Đau nửa đầu, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh là bị làm sao?


Câu hỏi bởi: lan

Thưa bác sĩ!

Cháu thường đau đầu ở vùng thái dương lông mày ở bên trái và nửa đầu bên trái. Nhịp tim của cháu thì đập nhanh hơn bình thường một ít, mỗi khi có chuyện hay bị giật mình, chạy thì tim cháu đập loạn xạ, đánh trống ngực. Cháu có đi lên chùa lấy thuốc uống thì ông thầy nói là cháu bị viêm xoang và nhịp tim đập hơi nhanh. Lời chẩn đoán bệnh cháu của thầy có đúng không bác sĩ? Và mới đây mỗi khi cháu đi thì phần xương chậu ở bên phải cháu rất đau. Mong bác sĩ có thể giải đáp giúp cháu.

Xin chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Theo trình bày của cháu thì cháu bị đau đầu vùng thái dương nửa đầu bên trái. Triệu chứng này thông thường do đau đầu vận mạch, tức là cơn đau đầu phát sinh do sự co thắt mạch máu ở vùng đầu và sọ não gây thiếu máu tạm thời ở các vùng đó và sinh ra cơn đau đầu. Đau đầu vận mạch thường gây ra cơn đau đột ngột, đau dữ dội và kéo dài làm người bệnh rất khó chịu. đau đầu vận mạch tác nhân sinh bệnh là do căng thẳng, lo lắng hay do stress kéo dài. Như vậy bệnh đau đầu ở cháu là loại đau đầu vận mạch. Bệnh này do chuyên khoa Thần kinh khám và chữa trị. Cháu hãy tới khoa Thần kinh của Bệnh viện tỉnh để khám và chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa Thần kinh.

Cháu nói là cháu hay bị giật mình, thần kinh căng thẳng cũng dễ bị giật mình. Còn tim đập nhanh thì do rất nhiều lí do, cơ thể yếu, mệt mỏi làm tim cũng đập nhanh, rối loạn thần kinh thực vật cũng làm tim đập nhanh,… Nhưng cháu có đếm nhịp tim không? Bao nhiêu nhịp trong một phút, phải có con số cụ thể thì mới biết là tim nhanh hay chậm, không thể nói một cách không có căn cứ như vậy. Nhịp tim bình thường là 70 – 80 lần/phút, cháu hãy bắt mạch ở cổ tay và đếm xen là bao nhiêu nhịp 1 phút nhé. Cháu không thể khám và tin theo thầy lang ở chùa được, vì họ không hiểu gì về bệnh lý cả. Vấn đề đau phần xương chậu bên phải cháu cũng cần đến khoa xương khớp của bệnh viện tỉnh để khám và chụp phim tìm ra bệnh chữa trị ngay nhé. Nếu để lâu bệnh sẽ nặng thêm.

Chúc cháu mau khỏi bệnh!

Bị đau nửa đầu đằng sau, hay chóng mặt, ngực phải thỉnh thoảng đau


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em năm nay 20 tuổi nhưng thường xuyên bị đau nửa đầu đằng sau, hay chóng mặt, và ngực phải thỉnh thoảng đau nhói. Như vậy em có bệnh gì không? Và cách chữa thế nào ạ?

Cám ơn bác sĩ,

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Ở lứa tuổi 20 là tuổi sung sức nhưng cháu lại thường xuyên bị đau đầu, chóng mặt. Đau đầu người ta nói là đau nửa đầu bên trái hoặc bên phải không ai nói là đau nửa đầu đằng sau cả, mà gọi là đau vùng gáy hoặc đau phía sau đầu. Đau vai gáy và chóng mặt hay gặp ở những người bị thoái hóa đốt sống cổ. Đốt sống cổ bị thoái hóa làm giảm lượng máu lên não làm tác động đến chức năng hoạt đông của não gây đau đầu nhất là chức năng của tiểu não.

Tiểu não tác động giây chóng mặt, có khi còn gây nôn hoặc buồn nôn nữa và giây lên hội chứng rối loạn tiền đình. Thoái hóa đốt sống cổ hay gặp ở những người trung tuổi và gặp ở nữ nhiều hơn nam. Tuy nhiên cũng có thể gặp ở người trẻ tuổi như cháu. Thoái hóa đốt sống cổ do cơ thể thiếu hụt lượng canxi gây nên. Theo bác cháu nên đi khám bệnh và đừng quên xin chụp phim đốt sống cổ xem có bị thoái hóa đốt nào không nhé từ đó sẽ có hướng chữa trị hiệu quả với cháu.

Chúc cháu mau lành bệnh.

Đau nửa đầu, tai trái có nhịp đập rõ ràng là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Đức Tâm

Chào bác sĩ!

Cháu tên Tâm năm nay 22 tuổi. Những ngày trước cháu thường xuyên bị đau nửa đầu bên phải và hay đau nhói chỗ đỉnh đầu. Còn hôm qua bên trên tai trái của cháu thì có nhịp đập nhưng không có đau. Nhịp đập to, rõ ràng cháu rất lo lắng, mong bác sĩ giải đáp giúp cháu.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Theo cháu kể thì mấy ngày trước cháu thường xuyên đau nửa đầu bên phải và đau nhói lên đỉnh đầu. Hiện tại trên tai trái cảm thấy rõ nhịp đập to, rõ ràng. Cháu mới bị đau nửa đầu thời gian gần đây thôi đúng không? Và bây giờ lại thấy có nhịp đập to, rõ ràng phía trên tai bên trái. Bây giờ bác trao đổi về tình trạng bệnh của cháu như sau: Đau nửa đầu có nguồn gốc nguyên phát ở não, bệnh gặp nhiều ở nữ hơn nam, tỷ lệ nữ/nam là khoảng 3/1, bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở giới nữ trẻ dưới 45 tuổi, gặp nhiều ở thanh thiếu niên. Tên bệnh quốc tế gọi là đau đầu Migraine.

Triệu chứng triệu chứng: Migraine điển hình không có thoáng báo là đau nửa đầu theo cơn kéo dài từ 4 – 72 giờ, đau một bên đầu và có thể lần lượt đổi bên, có hiện tượng mạch đập ở vùng thái dương. Mức độ đau có thể đau vừa hoặc dữ dội tuỳ thuộc từng bệnh nhân, đau tăng khi gắng sức. Có thể có buồn nôn hoặc nôn. Loại cơn Migraine điển hình có cơn thoáng báo, triệu chứng trước cơn đau đầu xuất hiện khoảng 30 phút người bệnh có triệu chứng rối loạn cảm giác, rối loạn thị giác, rối loạn ngôn ngữ, những biểu hiện này chỉ thoáng qua vài phút kéo dài không quá 1 tiếng sau đó cơn đau đầu xuất hiện như trên.

Như vậy cơn đau đau nửa đầu ở cháu là loại đau đầu không có biểu hiện báo trước. Đau nửa đầu Migraine cũng xếp lí do đau đầu do rối loạn vận mạch, do vậy cơn đau xuất hiện là do sự co giãn bất thường của hệ thống mạc máu trên da đầu và bên trong của đầu mà phát sinh cơn đau. Các mạch máu nổi rõ căng phồng, mạch đập theo nhịp tim rất to và rõ, do vậy bên trên tai trái của cháu thấy có nhịp đập to và rõ mà thôi. Cháu không nên sợ hãi và lo lắng quá mức. Bệnh này do chuyên khoa Thần kinh khám và chữa trị, cháu hãy tới khoa Thần kinh thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám và chữa trị nhé.

Chúc cháu mau lành bệnh.

Đau nửa đầu, khó thở, nuốt vướng là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Thảo Bé

Chào bác sĩ!

Cháu là nữ, năm nay 19 tuổi. Dạo gần đây cháu hay bị đau đầu, đặc biệt là nửa đầu bên phải. Cháu cũng thường xuyên bị hoa mắt chóng mặt khi thay đổi tư thế đột ngột từ ngồi sang đứng. Cháu còn bị khó thở do thấy nghẹn nghẹn ở cổ họng nhưng nuốt nước thì không trôi. Cháu chỉ thấy cổ họng mình bị như vậy vào tầm đêm. Mong bác sĩ có thể tư vấn giúp cháu.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Vấn đề thứ nhất bạn thấy đau đầu và chóng mặt khi thay đổi tư thế. Đây có thể là những dấu hiệu của bệnh rối loạn tiền đình. Có hai loại rối loạn tiền đình:

Rối loạn tiền đình ngoại biên: Biểu hiện chóng mặt khi thay đổi tư thế, đây là dạng bệnh lành tính, chỉ làm cho người bệnh khó chịu trong sinh hoạt. Trường hợp bệnh nặng, người bệnh không thể đi đứng được, cơn chóng mặt thường kèm theo nôn ói rất nhiều và nôn kéo dài, ù tai, giảm thính lực, nặng đầu, khó tập trung…

Rối loạn tiền đình trung ương: Là bệnh lý thường gặp với những triệu chứng của tình trạng thiểu năng tuần hoàn não, người bệnh đi đứng khó khăn, khi thay đổi tư thế bị choáng váng, chóng mặt, thỉnh thoảng kèm theo nôn ói. Rối loạn tiền đình trung ương là do có sự tổn thương nhân tiền đình, tổn thương đường liên hệ của các nhân dây tiền đình ở thân não, tiểu não mà lí do có thể là do xơ mỡ động mạch mang máu đến nuôi não bộ.

Vấn đề thứ hai, có một số bệnh lý có thể gây nuốt nghẹn:

1. Các bệnh lý tại thực quản:

Sẹo hẹp thực quản thường là di chứng để lại khi bị bỏng thực quản.

Các khối u thực quản: Thường là ung thư thực quản, cũng có thể là khối u lành tính. Ung thư thực quản là lí do phổ biến nhất gây nuốt nghẹn hay gặp ở người lớn.

Viêm thực quản, túi thừa thực quản, dị vật thực quản, bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản cũng gây nên nuốt vướng, nuốt nghẹn.

2. Các bệnh lý bên ngoài thực quản:

Bệnh Basedow, bướu giáp đơn thuần với kích thước lớn gây chèn ép thực quản cổ.

Các khối u, hạch di căn vùng trung thất.

Các khối u phế quản, phổi.

Suy tim, dầy thất, tim to, phình mạch.

. Để xác định chính xác lí do bạn nên đến bệnh viện khám và chữa trị sớm, tránh bệnh tiến triển nặng hơn nhé.

Chúc bạn sống khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl