Tuyển chọn những câu hỏi hay về nhau thai


4,226
1
1
Xu
53
Nhau thai là bộ phận chứa chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi các em bé khi còn ở trong bụng mẹ. Đây là một bộ phận vô cùng quan trọng mà bất cứ ai mang bầu hoặc có người thân mang bầu cũng nên tìm hiểu kỹ.

Bị sót nhau thai cần phải làm gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Thưa bác sĩ! Tôi mới đẻ con nhưng bị sót nhau thai, tôi cần làm gì?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn.

Bạn đẻ con được bao nhiêu ngày rồi? Hiện tại bạn còn nằm trong bệnh viện không? Tại sao bạn biết là sót nhau thai? Dấu hiệu để nhận biết sản phụ sót nhau thai là ra máu bất thường. Sau khi đẻ con, nếu dịch ra quá nhiều, có màu đen, mùi hôi, đau bụng âm ỉ hoặc liên tục ở bụng dưới, kèm theo sốt… thì có thể là biểu hiện của sót nhau thai.

Nếu bạn đang ở nhà và có nghi ngờ bị sót nhau thai thì bạn nên đi khám chuyên khoa Sản ngay. Sót nhau thai cần được chữa trị sớm tại cơ sở y tế chuyên khoa để phòng tránh các biến chứng viêm nhiễm cơ quan sinh sản như viêm tử cung, tắc vòi trứng…, thậm chí có thể băng huyết, nguy hiểm tới tính mạng. Bác sĩ sẽ tiến hành nạo hút phần nhau thai còn sót ra ngoài, kê đơn thuốc kháng sinh, kháng viêm và thuốc co tử cung. Bạn có thể dùng lá rau ngót sạch xay lấy nước uống, giúp tử cung co bóp để đẩy nhanh sản dịch và nhau thai còn sót ra ngoài.

Chúc bạn mau khỏe.

Bị sót nhau thai sau khi bỏ thai được 5 tuần


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Hôm qua (ngày 3-9) bạn tôi đến bệnh viện tái khám sau 1 tuần. Kết quả siêu âm là bị sót nhau thai. Nhưng bác sĩ cho bạn tôi về và không cho thuốc gì để uống. Bác sĩ bảo từ từ nhau thai sẽ tự ra. Khi bạn tôi bỏ thai được 5 tuần. Giờ như vậy bạn tôi có nên đi khám ở đâu nữa không bác sĩ? Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên.

Em cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đinh Anh Tuấn


Chào bạn.

Nếu bác sĩ đã khám và nói rằng không cần uống thuốc gì, từ từ nhau thai sẽ ra thì bạn của bạn có thể yên tâm tiếp tục theo dõi. Nếu bạn ấy thấy có bất cứ dấu hiệu nào như đau bụng, sốt, ra máu, dịch âm đạo có mùi hôi thì cần đến khám ở cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Ngay cả khi không có các dấu hiệu nguy hiểm như vừa nêu nhưng bạn ấy vẫn lo lắng nhiều, bạn cũng nên khuyên bạn ấy đến cơ sở y tế để khám và được giải đáp cụ thể hơn.

Chúc bạn thành công.

Bà bầu 29 tuần bị phù nhau thai có nguy hiểm không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu có bầu đến nay đã được 29 tuần, hôm nay cháu đi khám thai bác sĩ nói cháu bị phù nhau thai. Như vậy có nguy hiểm đến thai nhi không ạ? Cháu nên làm gì?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào cháu!

Phù nhau thai là một bệnh lý làm mô nhau ứ nước, tăng thể tích, trọng lượng và làm mất các chức năng của bánh nhau. Bệnh này thường kèm theo phù dây rốn và thai nhi cũng bị phù nề, tràn dịch đa màng, dị tật, dị dạng, bất thường như: Bất thường về tim mạch, lồng ngực, đường tiêu hóa, hiện tượng truyền máu thai nhi ở song thai…

Có nhiều lí do gây bệnh như nhiễm trùng, nhiễm độc ở nửa đầu thai kỳ do vi khuẩn hay siêu vi như người mẹ mắc bệnh Rubella ở đầu thai kỳ, do bất thường nhiễm sắc thể thai nhi, bất đồng nhóm máu mẹ con, ngộ độc bào thai do mẹ uống rượu, bia, tiếp xúc hóa chất… là nguy cơ phù nhau thai dễ dẫn đến thai bị chết lưu, sau một thời gian phù nhau thai vì bánh nhau đã mất chức năng dinh dưỡng cho thai.

Vì vậy, cháu nên đến các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị cấp cứu khám, xét nghiệm, theo dõi và dự phòng các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Chúc cháu sức khỏe!

Ra máu cục và đau bụng liệu có phải sót nhau thai không?


Câu hỏi bởi: Mẹ tôm

Chào bác sĩ!

Em sinh thường. Bị rạch và phải khâu mấy mũi. Con đã được 1 tháng. Hết sản dịch 1 tuần xong lại có tiếp. Ngày đầu tiên ra 1 cục máu đông và hôm sau em thấy có hiện tượng đau bụng. Liệu đó có phải là sót nhau thai không. Hay là bị băng huyết. Bác sĩ giải đáp cho em với ạ. Em sợ phải đi bệnh viện vì con còn nhỏ.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Lê Huy Tuấn


Chào bạn!

Sau đẻ 42 ngày là thời kỳ hậu sản, trong thời gian này tử cung đang co trở về trạng thái bình thường, thời kỳ này có sản dịch, ban đầu nhiều sau ít dần. Bạn xuất hiện hiệng tượng ra máu như vậy bạn cần đi khám siêu âm kiểm tra lại tử cung phần phụ xem sao nhé, cần khám trực tiếp mới biết được cụ thể thế nào.

Chúc bạn sức khỏe!

Nhau thai bám thấp gây băng huyết sau sinh có nguy hiểm?


Câu hỏi bởi: Lê Hiền

Chào bác sĩ!

Em có bầu tuần 32, đi siêu âm bác sĩ nói nhau thai bám thấp nhóm 2, rất dễ bị băng huyết sau sinh. Bác sĩ có thể cho em biết rõ hơn về vấn đề này được không ạ? Có cách nào để phòng ngừa trước không?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Lê Huy Tuấn


Chào em!

Rau thai bình thường bám ở đáy hoặc mặt trước, sau tử cung, Rau bám thấp là rau bám ở đoạn dưới tử cung do vậy trong vòng 3 tháng cuối và khi chuyển dạ do đoạn dưới dài ra nên dễ bị bong rau từ đó gây chảy máu. Em cần khám siêu âm theo dõi kỹ để xác định tiến triển thế nào. Nếu thấy đau bụng và chảy máu thì phải vào viện ngay. Hiện nay không có cách gì phòng ngừa và chữa trị cả chỉ có chữa trị biểu hiện mà thôi. Em nên tuân thủ theo y lệnh của bác sĩ nhé.

Chúc em khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl