Tuyển chọn những câu hỏi hay về hiện tượng căng ngực khi cho con bú


4,226
1
1
Xu
53
Sau khi sinh bầu vú phụ nữ thường có hiện tượng căng cứng lên thường xuyên do phải cho con bú. Điều này tuy không nguy hiểm nhưng lại gây đau và bất tiện cho bất cứ bà mẹ nào.

Sau sinh bị căng tức ngực phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Mèo

Chào bác sĩ!

Em sinh thường, 4 ngày sau mới có sữa. Tuy nhiên sau khoảng 4 ngày bé bú thì ngực phải căng to, bên trái bình thường. Em có vắt sữa ra nhưng sau khi vắt sữa ngực phải càng căng nặng, bên trái dù căng sữa cũng không tức như ngực phải. Em đi siêu âm thì không thấy u cục. Nhưng ngực fai lúc nào cũng căng cứng và to hơn ngực trái rất nhiều, gây cảm giác khó chịu. Em không bị sốt, có hơi đau đầu ti. Xin bác sĩ cho em hỏi em bị sao và xử lý như thế nào ạ? Sau sinh ngực em to hơn bình thường rất nhiều nhất là bên phải, có biện pháp nào thu nhỏ như bên trái không ạ vì ngực căng to làm em rất khó chịu.

Em cảm ơn nhiều!

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương


Chào em!

Theo những triệu chứng em mô tả thì có khả năng em đang bị cương tức vú. Biểu hiện này lí do là do sau sinh em không cho bé bú sớm và không cho con bú không thường xuyên hoặc bé bú không đúng cách nên không hút hết sữa trong khi đến ngày thứ 3 sau đẻ sữa bắt đầu về nhiều nên gây ứ đọng sữa trong bầu ngực gây nên hiện tượng cương tức vú. Nếu không hút hết sữa thì dần dần có thể gây viêm vú.

Vậy để xử lý, trước tiên em cần chườm nóng bầu vú sau đó cho bé bú nhiều bên bầu vú cương tức. Để bé bú hiệu quả em cần cho bé bú đúng cách như sau: bế bé sao cho đầu, thân và mông trẻ trên một đường thẳng để bụng bé áp sát vào bụng em; cho bé ngậm hết quầng thâm của vú với miệng mở rộng, cằm bé chạm vào bầu vú mẹ. Nếu miệng bé mở rộng và ngậm sâu vào quầng thâm của vú thì khi bé bú sẽ không làm đau đầu ti. Sau khi bé bú em cần vắt bớt sữa ra dần dần từng ít một để hút hết sữa ra khỏi bầu vú, tránh ứ đọng sữa.

Chúc em khỏe!

Làm sao giảm căng ngực khi cai sữa con


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Thưa bác sĩ! Em cai sữa cho con được 2 ngày rồi mà 2 bầu ngực căng sữa đau lắm. Làm thế nào để nó xẹp đi thưa bác sĩ?

Em cám ơn!

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào bạn!

Thông thường, hầu hết các bà mẹ khi bắt đầu cai sữa cho con đều cảm thấy ngực bị căng tức, đau ngực, khó chịu, mệt mỏi, đặc biệt vào những ngày đầu khi bắt đầu cai sữa, một số tình huống còn khiến cho người mẹ bị sốt. Trường hợp của bạn, do mới cai sữa cho con được 2 ngày, nên những triệu chứng căng tức, đau ngực là điều dễ hiểu.

Để có thể giúp giảm bớt cảm giác đau, khó chịu, bạn nên dùng một chiếc khăn ấm chườm nhẹ hai bên ngực, mát xa nhẹ nhàng bầu vú, sau đó vắt bớt sữa đi để giảm căng sữa, nhưng không nên vắt kiệt sữa. Vì việc vắt kiệt sữa cũng giống như trẻ vẫn còn đang bú nên có thể kích thích tuyến sữa tiếp tục tiết và khó ngừng được tiết sữa. Việc vắt sữa để giảm căng tức bầu ngực cũng cố gắng giảm dần về số lần, cũng như lượng sữa để cơ thể bạn thích nghi dần và tiến tới tuyến sữa ngừng tiết sữa.

Trong tình huống không xử lý được bằng các biện pháp nêu trên và hiện tượng căng sữa khó chịu nhiều, thì có thể dùng thêm một số loại thuốc có tác dụng tiêu sữa nhưng cần theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu ý khi cai sữa cho bé thì không nên cho bé dừng bú đột ngột mà nên giảm dần số lần bú, thay vào đó là các bữa ăn dặm hoặc sữa ngoài để giúp bé quen dần và không quấy khóc, đồng thời cũng giúp cho tuyến sữa thích nghi dần với việc giảm tiết sữa và điều này thuận lợi cho việc cai sữa.

Chúc bạn vui vẻ.

Đầu vú bị căng sữa rất đau và khó chịu khi cai sữa cho bé phải làm sao?


Câu hỏi bởi: yb

Chào bác sĩ!

Tôi cai sữa cho bé nhà tôi. Nhưng khi cai sữa thì đầu vú bị căng sữa rất đau và khó chịu. Thưa bác sĩ làm thế nào để khỏi tình trạng này?

Xin cảm ơn!

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào bạn!

Sữa mẹ là thực phẩm hoàn hảo nhất của tự nhiên, cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho bé, đặc biệt là giai đoạn đầu đời. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, đồng thời cũng khuyến khích các bà mẹ nên cho con bú tới 24 tháng tuổi. Tuy nhiên, với điều kiện cuộc sống ngày nay, nhiều bà mẹ không có điều kiện kéo dài thời gian cho con bú do còn phải đi làm, nên thường cai sữa lúc khoảng 1 tuổi.

Cũng giống như bạn, hầu hết các bà mẹ khi bắt đầu cai sữa cho con đều cảm thấy ngực bị căng tức, khó chịu, một số người còn bị sốt. Khi đó, để giảm cảm giác đau, khó chịu, bạn có thể dùng một chiếc khăn ấm nóng chườm nhẹ hai bên ngực, rồi vắt bớt sữa đi nhưng không nên vắt kiệt. Việc vắt kiệt sữa cũng giống như trẻ vẫn còn đang bú nên có thể khiến cho tuyến sữa khó ngừng được tiết sữa.

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các biện pháp theo kinh nghiệm như bôi son đỏ, chất màu, bôi thuốc đắng, dầu đắng, chất cay,… vào đầu ti để bé sợ, không dám bú nhưng cần đảm bảo những thứ này an toàn với trẻ, đặc biệt lưu ý đến các loại thuốc bôi. Trường hợp sau khi sử dụng mọi biện pháp thông thường mà bạn vẫn bị căng tức sữa, khó chịu nhiều thì có thể dùng thêm một số loại thuốc có tác dụng tiêu sữa, nhưng việc sử dụng này cần theo chỉ định của bác sĩ để tránh các tác dụng không mong muốn.

Bạn cũng nên lưu ý khi cai sữa cho bé thì không nên để bé dừng bú một cách đột ngột, mà giảm dần số lần bú, thay vào đó là các bữa ăn dặm hoặc sữa ngoài. Điều này giúp cho các bé không bị “hụt hẫng” dẫn tới quấy khóc và giúp cơ thể người mẹ thích nghi dần với việc giảm tiết sữa.

Chúc hai mẹ con bạn mạnh khoẻ!

Bị tắc tia sữa sau khi sinh mổ


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu bị tắc tia sữa sau khi sinh mổ. Hiện tại sữa 2 bên ra rất ít mà hai bên ngực rất căng sữa, bé bú chỉ ra được rất ít sữa nên bé bú ít và không muốn bú. Ngực của cháu cứ bị căng sữa rất đau và khi bé bú cháu cũng rất đau ở đầu vú, mọi người bảo bị đứt cổ gà. Cháu rất mong bác sĩ tư vấn giúp cháu ạ.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào cháu.

Tắc tia sữa là hiện tượng hệ thống ống tuyến sữa bị tắc do vậy sữa không chảy ra được. Hiện tượng này thường xảy ra ở các sản phụ trong những ngày đầu sau sinh và trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.

Hiện tượng tác tia sữa có rất nhiều nguyên nhân như người mẹ không cho trẻ bú sớm và thường xuyên, cho con bú không vệ sinh sạch sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập từ ngoài vào thông qua đầu vú rồi dẫn đến hệ thống ống dẫn sữa nhiễm khuẩn sẽ bị hẹp gây cản trở sữa thoát ra ngoài điều này gây ra việc tắc tia sữa. Đặc biệt, ở những sản phụ có đầu ti thụt vào hoặc bằng phẳng quá, to quá, biến dạng, khiến bé bú khó khăn nên bé sẽ cắn mút đầu ti, hình thành nên những vết thương nhỏ và loét, dần dần dưới kích thích bú sữa của bé, đầu ti của sản phụ sẽ nứt rộng hơn hoặc sữa không thông nhưng con vẫn cứ bú, nhai đi nhai lại, gây tổn thương.

Nếu bị tắc tia sữa không chữa trị kịp thời và đúng phương pháp người mẹ có thể bị viêm tuyến vú, áp-xe tuyến vú, lâu dần trở thành các dải xơ hóa hay u xơ tuyến vú. Ngoài ra, tắc tia sữa còn làm cho quá trình tạo sữa bị tác động, dần dần người mẹ ít sữa hoặc sẽ mất sữa.

Với tình trạng hiện tại cháu nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và chữa trị, tránh để lâu ngày gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Chúc cháu sớm khoẻ!

Mới sinh, vú trái căng cứng, sữa không chảy, khi nặng sữa chảy rất ít


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 25 tuổi, cháu mới sinh được 10 ngày, vú trái của cháu căng cứng nhưng sữa không chảy, khi nặng sữa chảy nhỏ giọt rất ít, sờ vào có hột nhỏ như đầu ngón tay trỏ, cho cháu hỏi cháu bị gì thưa bác sĩ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Việc xuất hiện cục cứng ở vú sau sinh có thể xảy ra các tình huống sau đây:

Do hiện tượng tắc tuyến sữa gây ra. Vì tuyến vú có rất nhiều tuyến sữa đổ vào, nếu một tuyến sữa tắc có thể gây nổi cục. Cục nhiều hay ít, to hay nhỏ, đau nhiều hay đau ít tuỳ thuộc vào tình trạng tắc tuyến sữa. Có người, chỉ có cục ở vú khi sữa quá đầy mà chưa kịp cho con bú, nhưng khi trẻ bú xong, vú mềm ra thì hiện tượng này sẽ hết. Nhưng cũng có tình huống tắc tia sữa gây cục cứng, ấn thấy đau vài ba ngày. U xơ tuyến vú: trong vú có một hay nhiều cục u nhỏ bằng đầu ngón tay. Nguyên nhân phổ biến của bệnh là do hormone sinh dục tiết ra nhiều, xuất phát từ tình trạng mất cân bằng nội tiết estrogen, progesteron, prolactin. Ung thư vú: Có các triệu chứng:

Chảy dịch ở núm vú, có thể là dịch trong, vàng trong, màu sậm giống máu.

Núm vú bị loét, rỉ dịch.

Núm vú bị co kéo tụt vào trong.

Sờ được một mảng lộm cộm trong vú hay cục u ở vú hay nách.

Da vú bị nhăn, da dày giống da trái cam sành.

Da vú bị thay đổi hình dạng và màu sắc khác biệt so với bên vú kia.

Đau vú một hay nhiều nơi.

Trường hợp của bạn, nếu khối u không tan hết trong vòng vài ngày thì không phải do tắc tuyến sữa. Khi đó tốt nhất là bạn nên đi khám để loại trừ những bệnh như kể trên nhất là ung thư vú.

Chúc bạn mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl