Tuyển chọn những câu hỏi khi nổi hạch ở ngực


4,226
1
1
Xu
53
Nổi hạch ở ngực có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Tuyển chọn câu hỏi sau sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức cần thiết nhất về vấn đề này.

Bị nổi hạch tấy đỏ ở ngực


Câu hỏi bởi: Ánh Nguyệt

Thưa bác sĩ,mẹ em năm nay 55 tuổi.Cách đây khoảng gần 1 năm mẹ em phát hiện có 1 cục hạch nhỏ ở mé bầu ngực,ngay gần rãnh ngực,chỉ hơi sưng nhưng không đau,sau mấy ngày thì lặn mất.Mấy tháng sau lại như vậy 1 lần nữa,rồi lại thấy lặn nên mẹ em lại không để ý nữa.Rồi cách đây khoảng 10 ngày cục hạch đó lại xuất hiện,có thể do mẹ em sờ nhiều quá nên nó to bằng đầu ngón tay và tấy đỏ,lần này thì mẹ em mới kêu đau.Hôm qua mẹ em lên trung tâm ung bướu Tp HCM khám,bác sĩ chỉ nhìn bên ngoài rồi nói cái này ngoài da không sao,nhưng phải mổ cắt bỏ hạch.Mẹ em thấy gấp quá nên hỏi để mấy ngày nữa được không,bác sĩ nói vậy thì cho thuốc về uống.uống 2 ngày thì thấy bớt đau hẳn nhưng hạch không lặn và vẫn tấy đỏ.Nhưng thấy bác sĩ không cho làm bất cứ 1 xét nghiệm nào mà cho đi mổ như vậy gia đình em cảm thấy không yên tâm và hoang mang lắm.Xin bác sĩ cho mẹ em 1 lời khuyên nên làm như thế nào cho đúng ạ.Rất mong nhận được hồi âm sớm từ bác sĩ.Gia đình em xin chân thành cám ơn.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Tôi hiểu và chia sẻ với tâm lý người bệnh và nhất là người nhà là rất băn khoăn khi thấy bác sĩ khám sơ sài. Nhưng trường hợp mẹ bạn bị như vậy bác sĩ giải quyết như thế là hoàn toàn bình thường và không phải là khám qua loa vì những lẽ như sau:
+ Ở vùng ngực trước, sau lưng, mông không có hệ thống hạch bạch huyết tự nhiên nên không phải là hạch di căn từ những khối u ở trong lồng ngực. Hạch di căn thường chỉ ở nách, hố thượng đòn, sau mang tai, vùng cổ, dưới hàm …
+ Bác sĩ xác định tổn thương là ở dưới da,ngoài lồng ngực, không có gì là nguy hiểm, đồng thời có biểu hiện viêm nhiễm rõ ràng thì cũng không cần phải chọc dò sinh thiết trước khi phẫu thuật.
+ Đây là một tiểu phẫu sự can thiệp không nhiều cho nên có thể trước khi phẫu thuật bác sĩ chỉ cho kiểm tra công thức máu, làm nghiệm pháp máu đông, máu chảy…mà không phải làm những kiểm tra gì lớn.
+ Vì bệnh không có gì là nguy hiểm nên bác sĩ quyết định không cần phải mổ ngay mà lui lại thời gian sau cũng được nên cho uống kháng sinh và kết quả là bệnh giảm hẳn hiện tượng viêm nhiễm.

Như vậy, bạn nên an tâm với những quyết định của bác sĩ.

Hạch sưng tấy đỏ trên ngực là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Trước em bị tắc tia sữa em đã dùng thuốc bắc và khỏi sau đó em bị lên 1 cái hạch hơi đau em đi khám họ bảo không sao. 1 tuần sau em lại nổi tiếp 1 cái bên cạnh cái hạch cũ, 1 cái gần vú và vẫn đau. Em lo lắng nên đã đến khoa Ung bướu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám thì bác sĩ vẫn bảo không sao chỉ là hạch viêm. Nhưng sau khi về thì hạch này ngày càng sưng tấy đỏ lên rất đau, cho em hỏi như vậy có sao không? Và nếu khám thì em nên khám ở đâu?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Uống thuốc bắc ít có tác dụng trong tắc tia sữa, tắc tia sữa đôi khi cũng là lí do gây viêm hạch vùng nách. Nếu bạn vẫn còn tắc tia sữa, hoặc bị lại thì có cách xử lý như sau:

Dùng tay bóp nhẹ vú và quan sát núm vú nếu mọi lỗ tuyến sữa đều có sữa đùn ra thì không phải tắc tia sữa, số lượng số tia sữa ở hai bên vú có thể khác nhau.

Khi phát hiện thấy tia sữa bị tắc:

Trước hết bạn dùng sợi tóc gấp lại 4-5 lần.

Dùng hai tay căng hai đầu và gạt đi lại qua chỗ có tia sữa bị tắc nhiều lần làm bong các vảy đọng trên lỗ tia sữa.

Cho trẻ lớn hoặc người lớn bú mút mạnh, đồng thời dùng tay từ từ ép dồn từ gốc vú đến núm để đẩy sữa ra.

Hiện tại, bạn bị viêm hạch thì nên chữa trị bằng kháng sinh mạnh, không sợ dùng kháng sinh làm mất sữa hoặc tác động đến trẻ, các bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc thích hợp dành cho phụ nữ đang cho con bú, để tránh tình huống hạch bị hóa mủ (áp xe) phải chích rạch tháo mủ. Bệnh viêm hạch là bệnh bình thường nên có thể bạn khám ở bất cứ phòng khám đa khoa nào cũng được, kể cả các phòng mạch tư nhân.

Chúc bạn mạnh khỏe.

Xuất hiện cục hạch ở ngực bên trái là sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu là nam năm nay 15 tuổi. Dạo gần đây cháu có xuất hiện 1 cục hạch ở 1 núm vú bên trái, nó phát triển rất nhanh, chạm vào rất đau. Lúc trước cháu cũng có xuất hiện ở cả 2 bên ngực rồi nhưng bây giờ lại xuất hiện. Vậy bác sĩ cho cháu biết, có phải cháu bị ung thư vú không?

Cháu xin cảm ơn.

Bác sĩ Lê Huy Tuấn


Chào bạn!

Với thông tin như vậy thì rất khó xác định được đó là gì. Bạn hãy đi khám để kiểm tra cụ thể xem thế nào nhé, cần khám mới chẩn đoán và có hướng chữa trị phù hợp được.

Chúc bạn sức khỏe.

Bị nhức đầu, sốt, nổi hạch nhỏ vùng cổ, ửng đỏ ở ngực và nổi hạch có phải nhiễm HIV?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ.

Khoảng 2 tháng trước, em bị chấn thương và có dùng kháng sinh Amoxicilin (dùng liều cao 600mg). 2 tuần sau đó em đi mát-xa, có sử dụng bao cao su nhưng trong khi quan hệ thì em không xuất tinh. Sau đó em kiểm tra thì không rách bao. Em cũng không rửa lại bằng xà phòng sau khi quan hệ. Khoảng 10 ngày sau khi quan hệ, em có đi nhậu thì lúc về tự nhiên thấy nhức đầu và từ đó đâm ra lo lắng. Khoảng 1 tuần sau đó, em có sốt nhẹ. 1 tuần sau em cảm giác thấy nóng người. Em nóng từ lưng lên tới ngực và ửng đỏ ở ngực như bóng máu ở lòng bàn tay và có nổi hạch nhỏ ở cổ phía bên trái và ở góc hàm bên phải. Nhờ bác sĩ giải đáp giúp em bị dị ứng hay là nhiễm HIV?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em.

Với những thông tin mà em cho biết như khi quan hệ tình dục có sử dụng bao cao su, bao cao su đã kiểm tra không bị rách, do đó tôi cho rằng khả năng cao là em không có nguy cơ lây nhiễm HIV. Em có biểu hiện nhức đầu, sốt, nổi hạch nhỏ vùng cổ sau 10 ngày quan hệ tình dục, có nóng ở lưng, ngứa và ửng đỏ ở ngực, các biểu hiện cho thấy có thể là phản ứng của cơ thể với tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, vi-rút…). Với thông tin em cho biết, tôi nghĩ nhiều tới khả năng em không bị nhiễm HIV tuy nhiên tôi vẫn đề nghị em nên kiểm tra HIV để xác thực, bởi xét nghiệm HIV là dấu hiệu trung thành, là tiêu chuẩn vàng để chuẩn đoán nhiễm HIV. Mặt khác bao cao su không có tác dụng bảo vệ được 100%.

Chúc em mạnh khỏe!

Nổi hạch ở ngực, ấn vào là đau chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Gần đây mẹ em tự dưng sờ thấy vài cục hạch ở ngực phải, cứ ấn vào là đau. Mẹ em đã đi chụp ở phòng khám gần nhà thì người ta bảo là có tầm 4, 5 cục hạch (to thì 0,8mm, nhỏ thì 0,5mm) rải rác quanh bầu ngực. Xin hỏi bác sĩ biểu hiện này có phổ biến ở người trung niên không hay là dấu hiệu khởi đầu của bệnh ung thư vú? Đồng thời mong bác sĩ chia sẻ giúp cách để phát hiện u lành tính, ác tính, phương thức và địa điểm điều trị nếu có.

Em xin chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Có một số dấu hiệu sớm gợi ý ung thư vú ở phụ nữ như:

Đau tức ở ngực: Bỗng cảm thấy ngực mình đau tức ngay cả những ngày bình thường, khi tới gần ngày kinh nguyệt thì ngực càng thấy đau hơn nữa, giống như bị sưng vù lên vậy.

Vú to lên bất thường:

Vú luôn cương cứng và to lên hơn mức bình thường kể cả chưa tới ngày kinh nguyệt.

Kích thước, hình dạng vú méo mó không bình thường.

Có hạch ở dưới nách:

Sờ thử từ bầu ngực vuốt lên trên theo đường hõm nách thì thấy có hạch nổi lên ở nách.

Hạch ở nách là giai đoạn đầu tiên phát triển bệnh ung thư vú.

Có u cục ở vú:

Khi sờ nắn theo đường vòng xung quanh vú thì sẽ thấy có u cục nổi ở trong vú giống như là những viên sỏi nhỏ ở trong vú.

Những u cục này có thể là u lành tính hoặc u ác tính, nên đi khám xét để có được hướng chữa trị tốt nhất và kịp thời.

Núm vú bị tụt vào trong: Núm vú bị tụt hẳn vào trong, cứng, dùng tay kéo ra cũng không được, núm vú không cương lên được như bình thường

Vùng da quanh đầu núm vú thay đổi:

Vùng da xung quanh đầu núm vú bị co rút da, co rút núm vú, nhăn nheo.

Có các hạt nhỏ ở quầng vú xung quanh núm vú.

Có triệu chứng của viêm da vùng quanh vú:

Da đỏ, phù dưới dạng da cam.

Chảy nước.

Bong da vảy nến.

Ngứa dị ứng.

Tuy nhiên để chẩn đoán xác định bệnh cần một số cận lâm sàng chẩn đoán bệnh:

Chụp X-quang vú: Có giá trị chẩn đoán bệnh trong 80% tình huống mắc bệnh.

Siêu âm: Hữu ích và chuẩn xác trong tình huống vú có mật độ cao, cho phép thấy tổn thương không đồng nhất với giới hạn mờ, nghĩa là nếu tình huống nặng các tế bào ung thư đã tiến triển nhiều.

Chọc hút tế bào: Chẩn đoán bệnh chính xác tới 90% các tình huống mắc bệnh.

Bạn có thể đưa mẹ bạn đến bệnh viện tỉnh hoặc Trung ương để thăm khám và xét nghiệm nhé.

Chúc gia đình bạn sống khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl