Tuyển tập câu hỏi thường gặp về nặng tai


4,226
1
1
Xu
53
Nặng tai có di truyền không? Nặng tai điều trị thế nào? Cùng tham khảo qua lời giải đáp dưới đây của bác sĩ để nắm rõ hơn về vấn đề.

Nặng tai có di truyền?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Xin chào bác sĩ!

Bạn em năm nay 25 tuổi, nam giới. Ông ngoại của bạn ấy sinh ra bình thường. năm xưa bị tai nạn lúc đó ông đã lớn (em không rõ được tuổi) nhưng sau 10 tuổi bắt đầu bị nặng tai. Ông sinh ra 4 người con trai và 2 người con gái. Ai cũng khỏe mạnh cho đến khoảng 13 đến 16 tuổi là bắt đầu bị nặng tai. (trừ người con cả là bị nhẹ, thi thoảng mới không nghe rõ). Mẹ bạn ấy cũng vậy. Lên lớp 8 là bắt đầu biểu hiện. Vậy bác sĩ cho em hỏi. Đó có phải là di truyền không? Bạn ấy có bị di truyền không ạ? Hai năm trước thấy bạn ấy bình thường, năm nay em bắt đầu thấy đôi lúc mình nói mà bạn ấy cứ hỏi lại. Nhiều người tiếp xúc, không biết, cứ trách bạn ấy khinh người, nói không chịu để ý. Đến khi nói xong thì bảo nhắc lại chứ không rõ. Em rất lo. Bác sĩ ơi, liệu như vậy sau nay bạn ấy có vợ sinh con, con cái bạn ấy có bị không ạ? Xin bác sĩ giải đáp giúp em.

Em xin chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào em!

Theo như em mô tả thì bạn em có cả bố và mẹ đều bị nặng tai (nghe kém, điếc) và các anh em ruột cũng bị tình trạng này. Người điếc là người không thấy khả năng nghe như người có sức nghe bình thường.

Có nhiều mức độ điếc khác nhau:

Nghe bình thường: có thể nghe được cả lời nói thầm Điếc nhẹ: chỉ nghe được lời nói bình thường khi đứng cách 1 mét. Điếc trung bình: Chỉ có thể nghe nói lớn khi đứng cách 1 mét. Điếc nặng: chỉ có thể nghe khi được hét sát vào tai. Điếc sâu (rất nặng): Không nghe được cả những từ hét sát tai.

Về lí do, có nhiều lí do khác nhau có thể dẫn đến nghe kém, trong đó di truyền là lí do hàng đầu của nghe kém bẩm sinh. Khoảng 50% tất cả các tình huống nghe kém bẩm sinh là do di truyền. Trong số đó, khoảng 70% nhiễm sắc thể (NST) trội và 1-2% di truyền qua nhiễm sắc thể (NST) giới tính X. Có hơn 400 hội chứng di truyền có nghe kém và được chia ra làm di truyền NST thường trội và lặn và NST giới tính X. Một số nghiên cứu cho thấy những gia đình có bố hoặc mẹ bị nghe kém thì con của họ có khả năng bị nghe kém cao hơn so với những đứa trẻ khác. Nghiên cứu phân tích các nguy cơ của nghe kém tại Mỹ gần đây cũng cho thấy trong số những trẻ bị nghe kém nặng thì yếu tố tiền sử gia đình bị nghe kém là yếu tố phổ biến nhất ở các trẻ này.

Tuy nhiên, ngoài lí do di truyền còn có rất nhiều lí do khác gây nghe kém, bao gồm:

– Nhiễm khuẩn trong quá trình mang thai: Một số bệnh nhiễm trùng như trong quá trình mang thai có thể là lí do gây nghe kém hoặc điếc ở đứa trẻ.

– Dùng thuốc trong quá trình mang thai: Sử dụng một số loại thuốc gây ngộ độc như nhóm aminoglycoside, cytotoxic, thuốc chữa trị sốt rét và thuốc lợi tiểu trong quá trình mang thai có nguy cơ gây nghe kém bẩm sinh.

– Trẻ đẻ non, cân nặng sơ sinh thấp.

– Trẻ bị thiếu ôxi (ngạt) lúc đẻ.

– Vàng da sau sinh.

– Viêm màng não: có khoảng 10% trẻ em bị nghe kém ở các mức độ khác nhau sau khi bị viêm màng não.

– Viêm tai mạn tính.

– Sử dụng các thuốc độc cho tai như gentamicin và tobramycin hoặc một số thuốc khác.

– Chấn thương vùng đầu và tai.

– Tiếng ồn.

– Tuổi tác: Nghe kém có liên quan thuận với độ tuổi. Độ tuổi càng cao, tỷ lệ nghe kém càng lớn. Ước tính rằng 1,7% trẻ dưới 15 tuổi bị nghe kém, tỷ lệ này là 7% ở lứa tuổi người lớn từ 15-64 tuổi. Tuy nhiên, con số này tăng nhanh ở nhóm người từ 65 tuổi trở lên, ước tính gần 1/3 số người trong độ tuổi này bị nghe kém.

– Các yếu tố khác: Một số yếu tố khác có thể gây nghe kém như nút ráy tai hoặc có dị vật chèn vào tai. Những tình huống này có thể gây nghe kém nhưng khi lấy hết dị vật hoặc ráy tai thì biểu hiện nghe kém sẽ hết.

Như vậy, có nhiều lí do khác nhau có thể dẫn tới nghe kém. Các lí do có thể là bẩm sinh hoặc mắc phải trong quá trình sống. Để xác định bạn em có phải bị nghe kém do di truyền không và nghe kém ở mức độ nào, các bác sĩ cần khai thác kỹ bệnh sử, thăm khám và làm những xét nghiệm cần thiết. Vì thế em nên động viên bạn đến khám tại cơ sở chuyên khoa tai mũi họng để được xác định rõ bệnh.

Chúc em và bạn luôn khỏe mạnh và hạnh phúc!

Bị nặng tai do va đập nên điều trị như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cách đây 2 năm cháu bị tai nạn, lúc ngã bị va đập nên hiện giờ cháu bị nặng tai, vậy có thể chữa hay chữa trị thế nào để cháu có thể nghe được?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào cháu.

Tai nạn va đập lúc ngã tổn thương thực thể ở tai, xương đá bị vỡ là một tai nạn rất lớn có nguy cơ tử vong. Còn nếu tai nạn ở mức độ bình thường thì không tác động đến chức năng nghe của tai được. Để biết nặng tai là do nguyên nhân nào cháu phải đi khám tai mũi họng, đo chức năng thính giác, độ rung màng nhĩ… để tìm ra bệnh.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Bị lãng tai do rối loạn trong thời kì mãn kinh hiện tượng này có hết không?


Câu hỏi bởi: Nguyễn Châu

Chào bác sĩ.

Mẹ tôi bị lãng tai do rối loạn trong thời kì mãn kinh. Xin hỏi hiện tượng này có hết không và tôi có nên mua máy trợ thính cho mẹ không? Rất mong nhận được câu trả lời của bác sĩ.

Xin cảm ơn bác sĩ ạ.

Bạn Châu thân mến.

Lãng tai hay suy giảm sức nghe (giảm thính lực) là triệu chứng do nhiều nguyên nhân gây nên: nút ráy tai, viêm tai giữa, tổn thương tai trong do lớn tuổi (lão thính), do thuốc, u dây thần kinh số VIII…

Vì vậy khi có giảm thính lực, người bệnh cần tới bệnh viện có bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng khám, đo thính lực, nhằm phát hiện mức độ và loại giảm thính lực, kiểm tra tai mũi họng, đầu, mặt, cổ, đặc biệt là các ống tai, màng nhĩ. Nội soi tai mũi và vòm họng, khám thần kinh và các xét nghiệm có liên quan cho việc chẩn đoán.

Trường hợp mẹ bạn cần phải tới bệnh viện có bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng, có thiết bị nội soi, có máy đo sức nghe, nhĩ lượng… khám, xác định tình trạng bệnh lý, từ đấy mới có y lệnh điều trị đúng nhé.

Chúc bạn và bác gái mạnh khỏe.

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Tai rất khó nghe do thường xuyên đeo tai nghe


Câu hỏi bởi: Bảo Nam

Chào bác sĩ!

Thưa bác sĩ! Em năm nay 21 tuổi. Thường xuyên đeo tai nghe và bây giờ tuy không còn đeo nữa nhưng tai rất khó nghe. Tai của em có bị sao không thưa bác sĩ?

Cám ơn bác sĩ!

Chào bạn!

Hậu quả của việc nghe qua tai nghe là gây nặng tai (điếc nhẹ) nhiều người đã bị. Vì tai luôn nghe ở mức Volumm lớn nên khi bỏ tai nghe ra, tiếng nói bình thường trở nên nghe rất nhỏ. Bạn nên đến khám tai tại bác sĩ Tai mũi họng và đo thính lực đồ ở Viện Tai – Mũi -Họng xem tai có bị bệnh gì không? Không nên đeo tai nghe nữa hoặc phải giảm bớt âm lượng, giảm thời gian nghe tai bạn nhé.

Chúc sức khỏe!

Nguồn sưu tầm Nguồn: songkhoe.vn

Thính lực giảm 50% có chữa được không?


Câu hỏi bởi: thqng diec

Chào bác sĩ!

Em năm nay 26 tuổi, bị điếc từ nhỏ do ốm nặng, nghe kém hơn người bình thường 50% vậy em có thể chữa được không?

Cảm ơn bác sĩ.

Chào bạn.

Bạn sinh ra tai bình thường nhưng sau đó ốm nặng như viêm màng não mủ rồi dùng các kháng sinh để chống nhiễm trùng. Sau khi khỏi bệnh, tai bạn trở nên nghe kém. Và đến khi lớn lên, bạn biết mình nghe kém 50%. Không biết đây có phải là con số do bạn ước lượng hay không? Chứ trong chẩn đoán mức độ nghe kém, người ta thường phân loại độ nặng nhẹ nghe kém dựa vào thính lực đồ. Đây là phép đo thính lực (đo sức nghe) của từng tai được thực hiện tại các phòng đo thính lực ở các khoa Y học Lao động (viện Y tế Công cộng) hay các Trung tâm y tế dự phòng, viện Pasteur hay các khoa, bệnh viện Tai – Mũi – Họng có phòng đo thính lực. Sau khi đo thính lực, kết quả được ghi vào bảng thính lực vẽ dưới dạng đồ thị. Mỗi tai một đồ thị. Đồ thị nghe là đường nối các vị trí cường độ nghe nhỏ nhất ở mỗi tần số lại với nhau có dạng đường gấp khúc. Lấy trung bình cộng kết quả đo được ở 3 tần số 500dB, 1000dB và 2000dB, người ta phân ra:

Nếu nghe được từ 0 -20 dB: Giới hạn bình thường.

Từ 21-40 dB mới nghe: Điếc nhẹ.

Từ 41-70 dB: Điếc vừa.

Từ 71-90 dB: Điếc nặng.

Trên 91 dB: Điếc sâu.

Tùy theo kết quả đo thính lực, khả năng nghe trên thực tế từng tai và các bệnh có thể gây mất thính lực hiện có, người ta có các phương pháp bù lại thính lực đã mất. Nếu tai bị bệnh tác động sức nghe như viêm tai giữa, viêm tai xương chũm thủng màng nhĩ thì phải mổ để tái tạo màng nhĩ, loại bỏ viêm tai. Nếu tai không bị các bệnh kể trên, cần sử dụng các phương tiện hỗ trợ nghe (máy điếc). Máy giúp bù vào phần thính lực bị mất làm cho nghe rõ hơn khi gắn vào tai. Có nhiều loại máy, nhiều cách gắn (trong ống tai, sau tai), đeo như headphone, gắn vào xương sọ sau tai, cấy ốc tai điện tử ở người điếc quá sâu,… Hy vọng sau khi đọc các thông tin trên, bạn đã hiểu thêm về bệnh của mình. Bạn nên đi đo thính lực, giải đáp tìm cách bù đắp lại phần thính lực bị mất để đủ tự tin khi giao tiếp, tránh mặc cảm (bị điếc) và giúp học tập, làm việc tốt hơn.

Chúc bạn mau khỏi.

Nguồn sưu tầm Nguồn: songkhoe.vn

Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl