Chế độ dinh dưỡng để bệnh sỏi mật không tái phát


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Bệnh sỏi thận rất nguy hiểm vì sau khi mổ lấy sỏi, người bệnh vẫn có thể bị tái phát. Người bệnh cần lưu ý về chế độ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe.

Ăn uống thế nào để không bị tái phát sỏi mật?


Câu hỏi bởi: Lê Hoàng Anh

Chào bác sĩ!

Trường hợp má tôi mổ nội soi cắt bỏ túi mật bị sỏi rất nhiều. Trước khi mổ biểu hiện bình thường không đau bụng, không nóng sốt, không viêm túi mật, đường mật chính không giãn, không viêm, không sỏi, còn gan không nhiễm mở, không viêm gan B, bờ gan đều và phẳng nhưng chỉ số máu mở bác sĩ ghi hơi cao chỉ số cho phép là 1.88 chỉ số khám là 3.88, không bị tiểu đường. Như vậy sau khi mổ xong má tôi cần ăn những thức ăn gì và tránh những thức ăn gì để không tái sỏi ở ống mật và trong gan? Xin bác sĩ cho biết để phòng tránh về sau?

Tôi xin chân thành cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Triglycerid là xét nghiệm thường quy trong theo dõi mỡ máu, đánh giá nguy cơ bệnh tim mạch, béo phì… Triglycerid trong giới hạn bình thường là 0.46 – 1.88 mmol/L. Chỉ số Triglycerid của mẹ bạn như vậy là cao có thể do sỏi mật. Sau mổ bạn nên đưa mẹ đi xét nghiệm lại chỉ số này. Phẫu thuật nội soi cắt túi mật có chuẩn bị thông thường là một phẫu thuật khá nhẹ nhàng đối với người bệnh, thường bệnh nhân ổn định sau 7-10 ngày; chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt hầu như không bị tác động nhiều. Nếu đường mật trong và ngoài gan cũng như chức năng gan không bị tổn thương như viêm nhiễm, sỏi… thì không phải kiêng cữ gì.

Tuy nhiên, sau phẫu thuật cắt bỏ túi mật có thể có những xáo trộn bất thường về số lượng và chất lượng của dịch mật lên hệ thống tiêu hóa, bởi chức năng của túi mật là nơi chứa mật và cô đặc mật từ gan đưa xuống. Do vậy người đã cắt túi mật nên ăn uống những thực phẩm dễ tiêu, hạn chế mỡ và những đồ ăn chiên rán; vừa ăn vừa thăm dò, nếu không có xuất hiện những khó chịu nào đáng kể thì có thể trở lại ăn uống bình thường. Chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao cũng vậy, có thể trở lại hoạt động bình thường khi sức khỏe sau phẫu thuật ổn định. Mẹ bạn cần lưu ý là người cắt bỏ túi mật không thấy nghĩa là sẽ không bị sỏi đường mật hoặc viêm nhiễm đường mật. Để dự phòng viêm nhiễm hoặc sỏi tái phát cần thực hiện ăn chín, uống sôi, dùng thuốc tẩy giun 6 tháng một lần (để dự phòng loại sỏi do giun) và ăn đủ chất xơ, ăn nhiều đậu đỗ, lạc, vừng, hạn chế uống cà phê và thực phẩm có nhiều đường, bỏ thuốc lá (để dự phòng loại sỏi cholesterol).

Chúc bác và bạn mạnh khỏe!

Chế độ ăn uống của người cao tuổi sau khi mổ sỏi và viêm túi mật là gì?


Câu hỏi bởi: dinhlam

Chào bác sĩ. Ba tôi năm nay 87 tuổi. Vừa rồi cấp cứu tại bệnh viện Thống Nhất và chẩn đoán viêm túi mật cấp. Vì bà tôi bị hẹp động mạch cảnh cổ trái (70-80%), huyết áp, tiểu đường, tim mạch nên không thể mổ được. Sau đó bác sĩ đã phẫu thuật nhưng không nói bằng phương pháp gì chỉ biết rằng đã lấy sỏi và rửa sạch vùng bị viêm, hiện đang đặt ống dẫn lưu ra ngoài. Vậy cho tôi hỏi sau này nguy cơ tái phát có còn không và nên dùng chế đọ ăn uống như thế nào. Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào bạn.

Qua những gì bạn mô tả trong thư thì chúng tôi đoán bà bạn bị viêm túi mật cấp do sỏi mật và các bác sĩ đã tiền hành mổ nội soi, tuy nhiên không rõ là bà bạn được mổ nội soi lấy sỏi, dẫn lưu túi mật hay là mổ cắt túi mật. Nếu mổ cắt túi mật thì do không còn túi mật nên hiển nhiên là bệnh không thể tái phát.

Nếu là mổ lấy sỏi, dẫn lưu túi mật thì bệnh vẫn có khả năng tái phát. Tất cả các tình trạng bệnh của bà bạn như hẹp động mạch cảnh cổ trái, cao huyết áp, tiểu đường, sỏi mật… đều có chung một nguồn gốc là do tăng mỡ máu. Do đó việc chú ý đến chế độ ăn uống hợp lý là hết sức quan trọng.

Với những người bị tăng mỡ máu, sỏi mật nên ăn những thực phẩm giàu chất xơ như ngô, gạo lức, cám và các loại rau xanh như rau cần, rau chân vịt, cải thìa… Chất xơ thực vật có thể kết hợp với axit mật, ngăn chặn khả năng hình thành sỏi. Ngoài ra, nên chú trọng ăn các thực phẩm giàu protein và ít mỡ như thịt bò, thịt lợn nạc, lòng trắng trứng, sữa tách bơ, các loại thuỷ sản (cá, tôm…). Có thể tăng cường protein thực vật trong đậu và các chế phẩm từ đậu. Nên nhớ rằng thiếu protein cũng là một lí do dẫn tới sỏi mật. Hạn chế dùng các thực phẩm chứa nhiều đường, mỡ, cholesterol vì chúng được coi là lí do chính gây ra sỏi mật.

Việc ăn nhiều đường làm tăng cholesterol trong gan và hạn chế bài tiết axit mật, làm cho sự chuyển đổi axit mật bị hạn chế dẫn đến kết sỏi. Mỡ nếu được đưa nhiều vào cơ thể thì có thể làm cho túi mật co lại, còn cholesterol cũng làm tăng khả năng hình thành sỏi mật.

Vì vậy, nên dùng dầu thực vật, kiêng hoặc dùng ít đồ ngọt, đồ béo và những thực phẩm chứa nhiều cholesterol như lòng đỏ trứng gà, trứng muối, trứng cá, gạch cua… Đặc biệt, người bệnh phải ăn đúng giờ, đủ dinh dưỡng, ăn ít nhưng nhiều bữa, tránh tình trạng quá đói, vì khi đói túi mật co lại không bài tiết, dịch mật đọng ở túi mật quá đặc dễ hình thành sỏi.

Ăn uống không theo giờ nhất định sẽ làm cơ vòng ống mật không kịp giãn ra, dịch mật khó tiết dẫn đến bệnh sỏi cấp. Bệnh sỏi mật thường gặp ở phụ nữ, người béo, người trên 40 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là do viêm nhiễm ống mật, gây trở ngại cho chuyển hoá chất béo. Triệu chứng bệnh gồm buồn nôn, nôn mửa, sốt, khi túi mật sưng to thì sờ thấy đau. Nếu sỏi làm tắc ống mật thì sẽ sinh vàng da, vàng mắt, đau dữ dội, sốt, kèm theo rét run, có thể gây viêm ống mật, viêm tuyến tuỵ cấp.

Chúc bạn và gia đình sức khỏe

Mổ túi mật nội soi


Câu hỏi bởi: trần đình khởi

Dạ hôm kia e mới tái khám ở Bv bình dân, từ hôm tái khám tới lúc mổ là được 2 tuần rồi. Ma hôm sau tái khám về e lại bị sốt cao 40 độ, dạ cho e hỏi sốt cao như vạy có phải biến chứng sau phẫu thuật ko ah,?

Bác sĩ Hà Văn Chấn


Chào em:

Cắt túi mật là thực sự cần thiết trong một số trường hợp, nhưng nó không phải là giải pháp hoàn hảo vì vẫn còn tồn tại một số biến chứng như: xuất huyết, sốt, nhiễm trùng ổ bụng, giãn ống mật chủ… do dịch mật thay vì được dự trữ như trước nay được đổ thẳng xuống ruột non.
Biến chứng sau cắt bỏ túi mật cần được theo dõi
Không phải tất cả người bệnh sỏi mật hay viêm, polyp túi mật đều được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Bởi quá trình cắt bỏ túi mật và cách cơ thể thích nghi khi dịch mật không còn nơi dự trữ có thể gây ra những “rắc rối” cho người bệnh sau cắt túi mật. Trước tiên, đó là một số biến chứng cần theo dõi như sau:
Hội chứng sau cắt túi mật : Một số người sau cắt túi mật thấy xuất hiện các triệu chứng tương tự như trước khi phẫu thuật như: đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy, vàng mắt vàng da, sốt cao trên 38 độ. Nguyên nhân có thể do sót sỏi hoặc viêm đường ống dẫn mật. Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng này qua đi một vài ngày nhưng cũng có thể dai dẳng kéo dài vài tháng. Nếu sau khi cắt túi mật mà bạn hoặc người thân thấy xuất hiện các dấu hiệu kể trên, đừng ngần ngại liên lạc với bác sĩ điều trị để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể.

Ăn tăng cường rau xanh, chất xơ sẽ giúp phòng ngừa biến chứng sau cắt túi mật
Để dự phòng viêm nhiễm hoặc sỏi tái phát cần ăn chín, uống sôi, uống thuốc tẩy giun 6 tháng một lần (để dự phòng loại sỏi do giun) và ăn đủ chất xơ, ăn nhiều đậu đỗ, lạc, vừng, hạn chế chất béo (ức chế sinh sỏi Cholesterol).
Nhiều người bệnh nghĩ rằng, chỉ có cắt túi mật mới loại bỏ hoàn toàn được sỏi, nhưng thực tế lại không phải vậy. Bởi ngoài việc không thể loại bỏ hết sỏi trong hệ thống đường mật, người bệnh còn phải đối mặt với hàng loạt biến chứng sau phẫu thuật. Cắt túi mật chỉ là giải pháp tình thế, khi các phương pháp điều trị nội khoa thất bại. Nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy, một số hoạt chất trong các loại thảo mộc như: Uất kim có tác dụng làm giảm hấp thu cholesterol ở ruột, tăng thoái giáng tại gan; Sài hồ, Hoàng bá giúp kháng khuẩn, chống viêm; Chi tử làm tăng vận động đường mật và lợi mật… nếu được kết hợp với nhau sẽ tạo thành tác động toàn diện lên hệ thống gan mật, từ đó phòng ngừa và hỗ trợ điều trị sỏi mật hiệu quả, ngăn ngừa nguy cơ cắt túi mật, đồng nghĩa với việc tránh được biến chứng sau cắt túi mật.

Trường hợp của em có thể do biến chứng sau mổ túi mật gây ra. Em nên theo dõi nếu các triệu chứng nêu trên không mất đi thì liên lạc với BS điều trị để được tư vấn và hướng dẫn điều trị nhé.

Chúc em mau khỏi bệnh.

Sỏi túi mật chữa trị ra sao?


Câu hỏi bởi: mai

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 21 tuổi, cháu bị sỏi túi mật và co túi mật từ 6-9mm. Bác sĩ giúp cháu phương pháp chữa trị bệnh này với ạ?

Cháu cảm ơn.

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu.

Cháu có sỏi túi mật và co túi mật từ 6-9mm. Hiện tại nếu cháu không có triệu chứng đau và sốt thì chưa cần phẫu thuật. Tuy nhiên hiện tượng co nhỏ túi mật của cháu cần xem có phải cháu siêu âm vào thời điểm sau ăn không. Để chính xác cháu nên đi siêu âm lại và trước lúc siêu âm cháu nên nhịn ăn. Nếu siêu âm lại mà thấy túi mật co nhỏ thật thì phải xem có bị dày thành túi mật không, thành túi mật có hình ảnh 2 bờ không. Nếu có mà kèm theo dấu hiệu đau, sốt thì phải chữa trị kháng sinh ngay.

Nếu không có biểu hiện gì cháu chỉ cần thực hiện một số thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống và lối sống cũng có thể giúp cháu xử lý các biểu hiện đầy trướng, khó tiêu hay các cơn đau ở vùng hạ sườn phải. Cụ thể như sau:

Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống

Uống 8-10 ly nước mỗi ngày. Nếu thừa cân, cần có kế hoạch giảm cân hợp lý

Hạn chế các loại thức phẩm giàu chất béo, tăng cường rau xanh chất xơ

Ăn các bữa ăn nhỏ. Thay vì chỉ ăn 3 bữa lớn, nên có 5-6 bữa ăn nhỏ trong ngày.

Tập thể dục thường xuyên.

Uống cà phê hàng ngày nhưng không quá nhiều, 1-2 cốc mỗi ngày là đủ. Cà phê giúp lưu thông đường mật, do đó có thể ngăn ngừa sỏi mật

Bổ sung đầy đủ vitamin C trong ngày bao gồm trái cây trong chế độ ăn uống và nước cốt chanh.

Sử dụng các loại gia vị hay thảo dược kích thích gan và túi mật hoạt động như nghệ, gừng khô, hạt tiêu đen, quế…

Cháu có thể tham khảo một số món ăn chữa sỏi túi mật dưới đây:

Nước ép táo và giấm táo: Táo có khả năng hòa tan sỏi mật nếu sử dụng dưới dạng nước ép và giấm táo. Acid malic trong táo giúp làm mềm sỏi mật và giấm hạn chế gan tiết quá nhiều cholesterol – tác nhân chính gây sỏi trong túi mật. Dùng táo hàng ngày, sẽ không chỉ giúp hòa tan sỏi mật, mà còn giúp ngăn ngừa sỏi mật tái phát. Công thức cho một cốc nước táo đánh tan sỏi mật: Một ly nước ép táo + một thìa canh giấm táo trộn đều và sử dụng mỗi ngày.

Nước ép lê: Các nhà khoa học tin rằng pectin có trong quả lê có thể liên kết với cholesterol trong sỏi mật và hòa tan chúng. Công thức cho một ly nước ép lê: Trộn đều nửa ly nước ép lê với nước nóng, thêm 2 thìa mật ong và sử dụng 3 lần mỗi ngày.

Nước củ cải, dưa chuột và cà rốt: Nước ép củ cải, dưa chuột và cà rốt có hiệu quả cao trên hệ thống gan mật. Củ cải không chỉ giúp làm sạch túi mật và gan, mà còn giúp làm sạch ruột và máu của bạn. Dưa chuột có hàm lượng nước cao, cà rốt chứa nhiều vitamin C và các chất dinh dưỡng phong phú khác, rất tốt cho quá trình giải độc ở gan. Công thức cho loại nước ép hỗn hợp này rất đơn giản: Trộn tỉ lệ bằng nhau nước ép của mỗi loại củ và sử dụng mỗi ngày 2 ly.

Tinh dầu bạc hà: Tinh dầu bạc hà chứa terpene – các hợp chất tự nhiên có tác dụng hòa tan sỏi mật. Một cách khác tốt hơn là sử dụng trà từ lá bạc hà. Trà bạc hà rất hữu ích với các biến chứng của sỏi trên túi mật, nó giúp làm giảm co thắt và giải thoát cháu khỏi cơn đau cấp tính. Lời khuyên dành cho cháu là nên sử dụng trà lá bạc hà tươi thêm chút mật ong trong bữa ăn.

Nước chanh: Nước chanh hoặc nước ép trái cây họ cam quýt cũng làm nhiệm vụ tương tự như giấm. Vì vậy, những người bị sỏi mật nên sử dụng hai đến ba ly nước chanh thêm chút muối hàng ngày.

Chúc cháu khỏe mạnh!

Cách chữa sỏi mật


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ ạ!

Xin bác sĩ giải đáp cho tôi chữa bệnh sỏi mật bằng cách nào?

Xin cám ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn!

Sỏi mật thường gây những biến chứng rất nguy hiểm đến sức khỏe, do đó người bệnh cần khám và chữa trị sớm tại những cơ sở y tế đáng tin cậy. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý uống thuốc mà không thấy chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Điều trị sỏi mật bao gồm thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, nhưng quan trọng nhất là phải loại bỏ được sỏi mật.

Tùy theo từng loại sỏi mật, bác sĩ sẽ có chỉ định liệu pháp chữa trị phù hợp với từng người bệnh.

Điều trị sỏi túi mật: dùng thuốc làm tan sỏi: áp dụng với sỏi cholesterol dưới 1,5cm, thời gian dùng kéo dài 6 – 24 tháng. Tán sỏi bằng sóng, làm tan sỏi trực tiếp bằng hóa chất, cắt túi mật nội soi: áp dụng với sỏi to, gây đau nhiều hoặc gây viêm túi mật. Thời gian nằm viện ngắn hơn và hồi phục sức khỏe nhanh. Cắt túi mật bằng mổ mở: áp dụng khi mổ nội soi thất bại hoặc viêm mủ túi mật. Điều trị sỏi trong gan và ống mật chủ: lấy sỏi qua nội soi ngược dòng cắt cơ Oddi (áp dụng với sỏi ống mật chủ, sỏi nhỏ dưới 1,5cm). Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng: áp dụng với sỏi to. Phẫu thuật để lấy sỏi. Khi bị sỏi mật, bạn nên chú ý đến chế độ ăn: Hạn chế mỡ: hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều cholesterol như thịt cá nhiều mỡ, trứng, phủ tạng động vật,… Tăng bổ sung đạm, đường bột, nhiều chất xơ. Tăng cường thực phẩm giàu vitamin C và vitamin nhóm B như rau củ và trái cây tươi. Tránh xa trà, cà phê, cacao, sôcôla; rượu, bia; gia vị cay, nóng; dầu cọ, dầu dừa,…

Chúc sức khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl