Điều trị giãn đài bể thận hiệu quả nhất


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Cách điều trị tốt nhất với tình trạng ứ nước và giãn đài bể thận là loại bỏ nguyên nhân gây ra nó. Ví dụ, nguyên nhân gây giãn thận là do sỏi tiết niệu thì bệnh nhân sẽ được chỉ định các phương pháp loại bỏ sỏi tuy thuộc vào kích thước của nó.

Giãn đài bể thận do sỏi điều trị như thế nào?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ.

Cháu đã mổ sỏi thận 1 lần năm 2005. Và giờ cháu lại bị, lại 2 viên kích thước 8.5mm và 7mm. Cháu đã ăn dứa nuớng phèn chua, uống kim tiền thảo cao râu mèo. Cháu hay bị đau lưng. Chiều nay đi siêu âm bác sĩ bảo đài bể thận bị giãn có nguy cơ suy thận. Xin bác sĩ cho biết cháu nên điều trị như thế nào ạ.

Cháu cảm ơn bác sĩ nhiều.

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Giãn đài bể thận thường do nước tiểu không thoát hết được xuống bàng quang. Nguyên nhân có thể do sỏi, do hẹp niệu quản…

Trường hợp của cháu là giãn đài bể thận do sỏi. Với bệnh này cần chữa trị đủ liều, đủ thời gian, ít nhất là hai tuần, cần thiết có thể một tháng hoặc hơn. Không biết mức độ giãn đài bể thận của cháu như thế nào. Việc chữa trị cụ thể cháu nên giải đáp bác sĩ khám trực tiếp thì sẽ chính xác hơn.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Thận có sỏi, đài bể thận giãn và mỏng cần có chế độ ăn uống như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Cháu chào bác sĩ.

Mẹ của cháu bị sỏi thận cả hai bên. Thận trái có sỏi 0.5cm, thận phải có nhiều sỏi viên to nhất 1.4cm, đài bể thận giãn và mỏng. Giờ mẹ cháu hay thấy mệt trong người rồi ngủ thiếp luôn, bác sĩ giải đáp cho cháu làm thế nào để chăm sóc và chế độ ăn uống cho hợp lý ạ?

Cháu cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Chỉ định chữa trị sỏi thận phụ thuộc vào kích thước, số lượng và biến chứng của sỏi. Bạn nên đưa mẹ đến khám chuyên khoa Thận Tiết niệu để có hướng chữa trị hiệu quả nhất. Ngoài ra, đối với bệnh nhân sỏi thận chế độ ăn và nước uống là rất quan trọng.

1. Các thực phẩm nên tránh khi bị sỏi

Các loại thịt và thịt gia cầm: Giảm lượng thịt bò, thịt gia cầm và cá vì đây là những thực phẩm rất giàu protein. Nhiều protein trong chế độ ăn uống sẽ khiến lượng Oxalate trong nước tiểu tăng lên, hình thành các loại sỏi.

Một số loại rau quả: Trong khi cố gắng để loại bỏ các loại thực phẩm có chứa Oxalate từ thịt thì cũng lưu ý một số loại rau quả có thể là “tòng phạm” gây nên sỏi thận. Ví như rau bina được cho là tạo nhiều Oxalat nhất. Ngoài ra, các loại thực phẩm khác có chứa Oxalate bao gồm các loại đậu, củ cải đường, dâu, cam, sô-cô-la, cà phê và đậu phộng.

Muối: Nên cố gắng ăn nhạt vì những nghiên cứu cho thấy việc giảm lượng muối trong chế độ ăn cũng có thể cắt giảm lượng Oxalate trong nước tiểu. Ngoài ra cần giảm thức ăn có hàm lượng canxi cao, axit Ascorbic và Oxalat, sản phẩm sữa, pho mai, chocolate, rau xanh, trà đặc, đậu phộng. Hạn chế muối và mỡ

2. Thực phẩm nên ăn khi bị sỏi thận

Canxi: Ban đầu nhiều người nghĩ rằng sự gia tăng đáng kể mức tiêu thụ canxi trong chế độ ăn uống sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Tuy nhiên, điều này giờ đây đã chứng minh là không chính xác. Thực tế, việc “nạp” các thực phẩm chứa canxi chủ yếu là từ các sản phẩm chế biến từ sữa như phô mai, sữa và sữa chua… giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.

Uống nhiều nước: Uống nhiều nước giúp thanh lọc cơ thể. Với những người bị sỏi thận, các chuyên gia y tế khuyên nên uống ít nhất 3 lít nước mỗi ngày. Điều này sẽ giúp thải lọc những viên sỏi nhỏ hoặc các chất dư thừa trong thận mà có thể hình thành sỏi.

Chúc gia đình bạn sức khỏe!

Giãn đài thận độ 2, có sỏi thận dùng thuốc thì bị co giật, sốt phải chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Mẹ em năm nay 67 tuổi. Đi khám bệnh thì bác sĩ nói giãn đài thận độ 2, có sỏi vài viên to nhất là 5 mm và cấp thuốc cho mẹ em. Sau khi ăm cơm xong mẹ em dùng thuốc thì bị co giật, sốt phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá. Sau khi dùng kháng sinh liên tục 3 tuần đến nay vẫn còn hiện tượng sốt. Theo bác sĩ thì mẹ em bị bệnh gì và cách chữa trị như thế nào? Cần đến bệnh viện nào để chữa trị cho khỏi?

Xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Giãn đài bể thận thường do nước tiểu không thoát hết được xuống bàng quang. Nguyên nhân có thể do sỏi, do hẹp niệu quản…

Trường hợp của mẹ bạn là giãn đài bể thận do sỏi. Mẹ bạn phải đi cấp cứu có thể là do bị tắc nghẽn đường tiết niệu do sỏi. Lúc này nếu siêu âm có thể thấy đài bể thận giãn nhiều, có thể phát hiện được sỏi ở đài bể thận hoặc ở 1/3 trên niệu quản.

Với bệnh này cần chữa trị đủ liều, đủ thời gian, ít nhất là hai tuần, cần thiết có thể một tháng hoặc hơn. Mẹ bạn bị sốt kéo dài có thể do đáp ứng với thuốc kém nên cần nhiều thời gian hơn nhưng mẹ bạn cũng cần đề phòng nguy cơ nhiễm khuẩn huyết với triệu chứng sốt cao kéo dài, có cơn rét run. Hiện tại mẹ bạn nên tuân thủ theo hướng dẫn chữa trị của các bác sĩ. Sau vài hôm nữa, nếu tình trạng không cải thiện, mà có điều kiện, bạn có thể đưa mẹ bạn đến các bệnh viện lớn ở Hà Nội như Bạch Mai để chữa trị.

Chúc mẹ bạn chóng bình phục!

Điều trị thận ứ nước độ 3 như thế nào?


Câu hỏi bởi: Trúc Thư

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 17 tuổi. Cháu bị thận bẩm sinh. Trước khi vào lớp 1 cháu đã phẫu thuật cắt bỏ phần niệu quản giãn cực đại gần bàng quang gây ứ nước độ 3 ở thận phải ( thận trái hoạt động bình thường). Sau đó năm nào cháu cũng đi khám định kì thì thận phải có teo đi một ít nhưng bác sĩ bảo không sao cả, do mổ nên teo. Đến 10 năm sau, cháu khám lại thì teo hẳn thận phải nhưng không giãn bể thận, thận ứa nước độ 1, không thấy cảm giác đau sau lưng. Nhưng bác sĩ khám bảo mổ vì giãn niệu quản làm cho thận teo. Sau phẫu thuật lần này thì cháu có cảm giác nặng nặng ngay chỗ vết mổ mới. Nhưng đi khám thì bác sĩ bảo mọi thứ ổn rồi. Hằng năm cháu vẫn đi khám định kì một lần nhưng đến đây là gần đuợc 3 năm, cháu cảm thấy tức vùng hông chậu sau lưng nên cháu đi siêu âm thử thì thận ứa nước độ 3, bể thận giãn 32mm, hẹp chỗ nối niệu quản. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi bệnh cháu như vậy có phải mổ lần nữa không? Nếu không mổ có sao không ạ? Có cách nào chữa hết bệnh không bác sĩ? Mong nhận được lời khuyên của bác sĩ.

Cháu cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Hẹp khúc nối bể thận – niệu quản là sự cản trở dòng nước tiểu từ bể thận xuống niệu quản đoạn gần. Hẹp khúc nối niệu quản có thể nguyên phát hoặc thứ phát.. Cháu bị hẹp khúc nối bể thận – niệu quản bẩm sinh bên thận phải gây giãn thận và ứ nước độ III. Cháu đã được phẫu thuật 2 lần và hiện tại thận phải bị teo kèm theo giãn và ứ nước độ III, hẹp chỗ nối niệu quản tái phát. Bệnh của cháu như vậy vẫn nên mổ nhưng chọn phương pháp nào là vấn đề mà bác sĩ phẫu thuật tiết niệu phải cân nhắc.

Trước tiên là cháu phải làm xét nghiệm chức năng thận phải xem có bị mất chức năng không. Nếu mất chức năng hoàn toàn thận phải và thận trái tốt thì tốt nhất là nên phẫu thuật cắt bỏ thận phải vì cháu đã mổ nhiều lần. Nếu chức năng thận phải còn tốt thì tùy thuộc vào người bác sĩ sẽ chọn cho cháu phương thức phẫu thuật nào cho phù hợp nhất. Do vậy cháu cần phải đi khám và giải đáp bác sĩ phẫu thuật chuyên khoa Thận – Tiết niệu.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Giãn bể thận


Câu hỏi bởi: Nghiêm Quân

Vợ cháu nam nay 38 tuổi vừa qua có đi khám, bác sỹ kết luận bị giãn đài bể thận trá 56mm, thận phải vẫn bình thường. Bác sỹ cho cháu hỏi có phải cắt thận trái đi không ạ, để tránh ảnh hưởng quả còn lại.Bác sỹ cho cháu một lời khuyên ạ. Cháu cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Bách


Chào bạn.

Bạn không được cắt thận trái, nên gặp bác sĩ chuyên khoa thận tiết nệu để có biện pháp giải quyết, và nên đi sớm nhé. Chỉ tiến hành cắt thận khi đó là biện pháp sau cùng, không còn cách xử lí nào khác.

Chúc bạn sức khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl