Thắc mắc liên quan đến vấn đề xung huyết ở họng


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Vòm họng, hạ họng,..là những khu vực có thể xảy ra hiện tượng xung huyết mà chúng ta cần lưu ý kỹ.

Viêm xung huyết vòm mũi họng có cần mổ không?


Câu hỏi bởi: Diệu Quỳnh

Chào bác sĩ.

Tôi năm nay 25 tuổi, gần đây tôi có các triệu chứng như thường xuyên xuất hiện hạch ở dưới cổ (hạch cứng, đau, không di chuyển được). Mỗi sáng thường khạc ra đờm màu nâu tầm 10 ml thành từng cục. Tôi không ho. Đi khám với nội soi thì được chẩn đoán viêm xung huyết vòm mũi họng, vẹo mũi phải. Nhưng khi tìm hiểu thêm thì thấy những triệu chứng này giống với ung thư vòm họng. Không biết liệu tôi có phải mổ để chỉnh lại vách ngăn không?

Tôi xin cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Viêm xung huyết vòm họng không phải là ung thư vòm họng vì vậy bạn không nên lo lắng quá. Tuy nhiên nếu các viêm nhiễm không được chữa trị tốt trở thành viêm mãn tính. Các viêm nhiễm mãn tính lâu ngày sẽ là một trong các yếu tố nguy cơ tiến triển thành ung thư. Còn vẹo mũi phải là dị tật có từ nhỏ của bạn và cũng không phải là bệnh ác tính. Bạn nổi các hạch ở cổ mà các hạch cứng, không di động được, không giống với tính chất của hạch viêm. Vì vậy, bạn nên đi khám để bác sĩ kiểm tra cho bạn, trong tình huống cần thiết sẽ phải sinh thiết hạch để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh để xác định tính chất lành tính hay ác tính của hạch.

Chúc bạn sức khỏe!

Bệnh viêm xung huyết hạ họng là gì?


Câu hỏi bởi: Hoàng

Chào bác sĩ.

Tôi đi khám bệnh, tôi được nội soi họng. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị viêm xung huyết hạ họng. Vậy cho tôi hỏi đó là bệnh như thế nào?

Xin cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào bạn!

Viêm xung huyết hạ họng là tình trạng viêm họng có kèm theo sung huyết niêm mạc vùng họng. Đây là tình trạng viêm nhiễm họng có thể cấp tính và mãn tính, có thể do vi khuẩn, vi rút, nấm,… Do vậy tình huống của bạn trước hết không nên lo lắng quá mức vì có thể tác động tới sức khỏe. Nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, tùy theo tình trạng viêm nhiễm và sung huyết mà bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định biện pháp chữa trị: kháng sinh, chống phù nề, kháng viêm,… Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu ý giữ gìn vệ sinh miệng họng.

Chúc bạn sức khỏe.

Bị lympho quá phát xung huyết trong họng có phải bị ung thư vòm họng?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Tôi năm nay 31 tuổi, là nam giới. Tôi thấy trong họng có nhiều tổ chức Lympho quá phát xung huyết đã đi khám và đượng dùng thuốc nhưng bệnh không đỡ. Thỉnh thoảng thấy ngứa trong tai. Xin hỏi bác sĩ tôi có phải bị ung thư vòm họng không?

Tôi cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Có một số dấu hiệu nhận biết ung thư vòm họng bạn cần biết là: chảy máu cam, nghẹt mũi, ù tai và nghe kém, nhức đầu, nổi hạch ở cổ, hội chứng nội sọ.

Trường hợp của bạn nếu không kèm thêm những dấu hiệu kể trên thì có có thể chỉ là bị viêm họng hạt mạn tính. Viêm họng mạn tính có 3 thể: viêm họng xuất tiết, viêm họng mạn tính quá phát hay viêm họng hạt và viêm họng mạn tính thể teo. Khi bị viêm họng mãn tính xuất tiết, niêm mạc thành sau họng đỏ, nhiều tiết nhầy, lổn nhổn những hạt nhỏ, đó là những nang Lympho ở thành họng bắt đầu to ra.

Trong thể viêm họng hạt, niêm mạc thành sau họng dày lên và sần sùi, trên đó có những hạt to nổi lên riêng rẽ hay từng khúm. Các hạt này có màu từ đỏ tươi đến đỏ xám. Ðặc biệt, xung quanh hạt có những tĩnh mạch tân sinh giãn rộng. Các hạt này thường được bao phủ bởi một lớp tiết nhầy đặc quánh, trong suốt hay đục lờ. Trong những đợt viêm cấp, có thể có những đốm mủ màu trắng hay vàng bẩn bám trên các hạt. Nặng hơn, các nang Lympho quá phát thành những dải sùi, đỏ, chạy dọc theo hai trụ sau của Amidan, còn gọi là các trụ giả. Các trụ giả này là lí do chính gây ngứa và vướng trong họng, kích thích bệnh nhân khạc nhổ và ho khan. Còn ở thể teo, niêm mạc họng và các nang Lympho bị xơ hóa, hạt và nẹp biến mất. Niêm mạc họng thoái hóa mỏng, màu trắng bệch. Tiết dịch ít và quánh. Trong thể nặng, niêm mạc họng như bị bao phủ bởi một lớp vảy khô.

Với bệnh viêm họng mãn tính, việc chữa trị cần. Trường hợp của bạn có thể là viêm họng hạt. Việc chữa trị bệnh này đòi hỏi bạn phải kiên trì. Bên cạnh việc uống thuốc, bạn nên xông mũi họng hàng ngày với nước muối sinh lý. Việc sử dụng máy xông khí dung xông nước muối hàng ngày rất tốt cho tình trạng viêm mũi, viêm họng của bạn mà không thấy tác dụng phụ.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Bị viêm xung huyết niêm mạc hang vị, viêm họng, thanh quản và GERD thì phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Hoang Nhut

Chào bác sĩ.

Em 22 tuổi, là nam. Tháng 3 em đã nội soi dạ dày và khám tai mũi họng vì bị nghẹn cổ họng nhất là khi nằm, thì được chẩn đoán là viêm xung huyết niêm mạc hang vị, viêm họng, thanh quản và GERD. Em có hiện tượng ợ hơi nhiều, nhất là sau khi uống nhiều nước, mấy ngày gần đây em còn có cảm giác đầy bụng dù ăn không nhiều, bụng sôi cồn cào nhưng không đau, ăn uống vẫn bình thường. Em chưa từng uống thuốc lá, rượu bia. Suốt nhiều tuần em luôn hoang mang cho rằng là bệnh ung thư, ngày đêm lo sợ đến phát khóc. Nhờ các bác sĩ giải đáp trường hợp của em. Em có nên đi nội soi lần nữa không?

Cảm ơn các bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Bạn đã đi khám bác sĩ và được chẩn đoán viêm xung huyết niêm mạc hang vị, viêm họng, thanh quản và trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

Trong đó đáng lưu ý nhất là bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh tiêu hóa mãn tính, xảy ra khi axít dạ dày hay đôi khi là dịch mật trào ngược lên thực quản. Các axít kích thích niêm mạc thực quản và gây ra các dấu hiệu và biểu hiện trào ngược dạ dày thực quản. Bệnh này là lí do chính gây ra các biểu hiện ợ hơi nhiều, đầy bụng, sôi bụng… và có thể cũng là thủ phạm gây viêm họng, thanh quản cho bạn.

Bạn không nên quá lo lắng. Nếu chưa thật sự tin vào kết luận của bác sĩ, bạn có thể đi khám lại để giải tỏa tâm lý. Đã có nhiều người khi bị bệnh này cũng đã rất lo lắng như bạn nhưng trên thực tế đây là bệnh không nguy hiểm, nó chỉ tác động đến chất lượng sống của người bệnh thôi.

Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản chủ yếu là chữa trị biểu hiện và cải thiện chất lượng sống. Bạn nên uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, ngoài việc uống thuốc, bạn cần thay đổi chế độ ăn và một vài thói quen không đúng trong lối sống.

Nên chủ động không ăn quá nhiều, quá no, không thường xuyên ăn no và ăn trễ về đêm (sau 20 giờ), quá gần lúc đi ngủ (nên ăn 3 – 4 giờ trước khi đi ngủ).

Tránh dùng những đồ uống có thể gây kích thích như nước chanh, cà phê, nước có gas….

Tránh dùng những đồ ăn có thể làm giảm trương lực cơ thắt tâm vị như mỡ và những đồ ăn có chất mỡ, sôcôla hoặc kẹo bạc hà…

Cần thường xuyên kiểm tra cân nặng tránh để thừa cân.

Nằm đầu cao khi ngủ, không nên mặc đồ quá chật (đặc biệt ở vùng thắt lưng) khi đi ngủ.

Nếu thực hiện tốt những điều này, biểu hiện bệnh có thể giảm nhiều chỉ sau một thời gian ngắn và ổn định.

Chúc bạn khỏe mạnh!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl