Thắc mắc xung quanh chứng nghẹn cổ ở tuổi vị thành niên


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Bất cứ ai cũng có thể mắc phải chứng nghẹn cổ họng. Tuyển chọn những câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này ở nhóm người trẻ từ 20 – 30 tuổi.

Tắc nghẹn cổ họng sau khi uống thuốc


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Xin chào bác sĩ!

Năm nay cháu 19 tuổi là nữ giới. Sau khỉ ăn cơm xong cháu có uống 1 đơn thuốc gồm 5 viên dạng con nhộng để chữa trị bệnh nóng trong và gây xuất hiện mụn mủ xưng to. Cháu hay bị ợ hơi và đã từng bị đau đại tràng, cháu uống từng viên một và bị tắc nghẹn ở cổ, cháu đã thử uống rất nhiều nước mà không hết tắc nghẹn ở vùng cổ và hầu. Bác sĩ có thể giải đáp cho cháu làm cách nào đơn giản để khỏi tắc nghẹ không ạ.

Cháu xin cảm ơn ạ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn!

Trường hợp của bạn là do một viên thuốc nhộng bị dính vào thành thực quản. Bạn có thể nhai luyện một miếng cơm thật to, khi miếng cơm được luyện kỹ với nước bọt thì nuốt để đẩy viên thuốc này đi. Bạn uống nước không thấy tác dụng để đẩy viên nhộng xuống dưới.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Khó thở, nghẹn ở cổ họng nhưng không khạc ra đờm, khô họng


Câu hỏi bởi: Ngô Linh

Chào bác sĩ.

Cháu là nữ, năm nay 18 tuổi, vài ngày gần đây cháu bị khó thở, cảm thấy tức ở họng và tim đập mạnh. Cháu cảm thấy cổ họng như có đờm nhưng khạc ra được, thi thoảng thì khạc ra đờm rất trong. Cháu có tiền sử bị viêm xoang và đau dạ dày. Bác sĩ có thể cho cháu biết cháu bị bệnh gì không ạ?

Cháu cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Có thể nghi ngờ cháu có biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật với những triệu chứng như khó thở, tức ngực, tim đập nhanh, hay hồi hộp trống ngực… Tuy nhiên cần loại trừ lí do rối loạn thần kinh thực vật với các bệnh lý khác như bướu giáp basedow, thiếu máu… Cháu có đờm ở cổ có thể do viêm mũi họng, viêm đường hô hấp. Khuyên cháu khám bác sĩ để kiểm tra chi tiết và xác định lí do.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Nam 17 tuổi bị nghẹn ở cổ


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Cháu là nam giới, năm nay 17 tuổi. Cháu bị nghẹn ở họng nhưng cháu dùng thuốc nam thấy đỡ. Nhưng làm thế nào để hết hẳn biểu hiện này ạ?

Cháu cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huệ


Chào cháu!

Cháu không mô tả rõ biểu hiện nghẹn của mình là đã bị lâu chưa, biểu hiện nghẹn có tăng lên không, có kèm theo các biểu hiện gì khác hay không? Cháu bị nghẹn ở họng, đây là biểu hiện của thực quản. Thực quản là một bộ phận của hệ thống tiêu hóa có nhiệm vụ đưa thức ăn, nước uống từ miệng xuống dạ dày. Nghẹn họng là một biểu hiện thường gặp, do rối loạn co bóp của thực quản mỗi lần có nước uống hoặc thức ăn chạy từ miệng xuống dạ dày.

Nguyên nhân gây nghẹn có thể do:

Rối loạn chức năng co bóp của thực quản: có thể là do cháu ăn uống vội nên làm cho phản xạ co bóp nhịp nhàng của thực quản bị thay đổi (thức ăn và nước uống được đưa xuống nhưng thực quản chưa có phản xạ co bóp) nên thức ăn và nước uống tạm dừng vận chuyển trong chốc lát và gây nên biểu hiện này. Một số tình huống có thể nghẹn là do thay đổi tính chất của thức ăn không hợp khẩu vị nên dễ bị nghẹn… Nguyên nhân bệnh lý: có thể gặp trong các bệnh u thực quản (lành tính hoặc ác tính), do bỏng thực quản, do rối loạn thần kinh thực vật, do thực quản bị chèn ép (bướu cổ đơn thuần, basedow, suy tim, u phổi, u phế quản…). Trong các tình huống này thì biểu hiện nghẹn có thể khác nhau tùy thuộc mức độ chèn ép hoặc tổn thương. Khi bị nghẹn do lí do rối loạn chức năng co bóp của thực quản thì cháu cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống sao cho phù hợp. Nếu nghẹn do phản xạ thì cháu chỉ cần làm một động tác đơn giản là uống một ngụm nước hoặc vuốt dọc theo đường thực quản hoặc dùng tay ấn vào xoang động mạch cảnh là mất đi biểu hiện nghẹn.

Vì vậy, với biểu hiện nuốt nghẹn cháu không nên quá lo lắng mà phải thử làm các phương pháp như đã kể trên. Nếu biểu hiện nghẹn không giảm (mà tăng lên về tần số và mức độ) thì cháu nên đi khám để được làm các xét nghiệm cần thiết và chẩn đoán xác định lí do. Hiện nay, cháu đang chữa trị thuốc nam đã thấy đỡ nghẹn tức là thuốc có tác dụng đấy. Đông y có một số bài thuốc gồm dùng thuốc và châm cứu có tác dụng tốt. Cháu nên kiên trì chữa trị theo đơn.

Chúc cháu vui, khỏe!

Hít vào chỉ bị nghẹn cổ họng và khi lấy tay sờ cổ thì thấy đập nhanh và mạnh có sao không?


Câu hỏi bởi: KaKa

Dạo gần đây tầm 2 tuần, em đăng ký tập gym có huấn luyện viên riêng. Trong thời gian này, khi tập em cảm thấy khó hít sâu hơn bình thường, khi hít vào chỉ bị nghẹn nơi cổ họng và khi lấy tay sờ cổ thì thấy đập nhanh và mạnh. Trong lúc tập, em có uống nước ít nhưng cảm giác bụng bị đầy hơi và nghẹn nơi cổ họng, cảm thấy bị ép nơi ngực. Bác sĩ có biết tại sao và phải làm gì không ạ? Em 19 tuổi và chưa mắc bệnh nào về vấn đề hô hấp trước đây.

Em xin cám ơn nhiều ạ.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Có thể bạn tập thể hình ở cường độ quá cao, cơ thể chưa thích ứng kịp, nhịp tim nhanh mạnh. Bạn nên đi khám kiểm tra lại các chức năng tim mạch cẩn thận để quyết định có theo đuổi môn thể hình này nữa hay không. Nếu kiểm tra tim mạch hoàn toàn bình thường thì bạn nên giảm cường độ tập đi một ít để cơ thể thích nghi dần, bạn cần tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của rèn luyện thể hình như sau:

Trước buổi tập tổi thiểu 60 phút cần phải có 1 bữa ăn đủ đàm bảo các thành phần chất dinh dưỡng không tập khi bụng no hoặc đói

Trước buổi tập tổi thiểu 10 phút tiến hành khởi động các khớp cổ tay, cổ chân, cổ, eo, gối, vai và cùi chỏ. Đồng thời tiến hành căng các cơ: lưng, ngực, đùi, mông, tay vai, sườn bằng bất kì bài nào các bạn biết qua những buổi thể dục trong trường. Bạn có 10 phút để làm nóng và khởi động căng cơ thật kĩ tránh chấn thương trong tập luyện.

Trong lúc tập bạn cần phải tích cực tập luyện đúng yêu cầu, không làm biếng, nghỉ quá lâu. Kết hợp uống lượng nước đầy đủ sau mỗi hiệp tập, không để cơ thể thiếu nước, mỗi lần nên uống 1-2 ngụm. Sau mỗi hiệp tập nên rời xa máy tập đi lại thư giãn, tìm chỗ thoáng hít thở để cơ thể mau chóng phục hồi cho hiệp tập tiếp theo.

Ngay sau tập nên thả lỏng nhẹ nhàng bằng các động tác đi bộ, vươn vai, đu xà, lắc nhẹ người… kết hợp căng cơ.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Bị amidan quá phát, gây chèn giọng nói có phải bị ung thư?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào Bác sỹ năm nay cháu 19 tuổi. Cháu bị abidan qua phát hai bên abidan đều to và sưng hai bên. Cháu bị 4 năm nay rồi. Nhưng cháu không bi sưng hạch ở cổ, nó chỉ chèn giọng nói, có khi nào cháu bị ung thư abidan?

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào cháu.

Viêm amidan mãn tính là hiện tượng viêm thường xuyên, viêm đi viêm lại nhiều lần, tuỳ theo mức độ viêm nhiễm và phản ứng của cơ thể, amiđan quá phát thường gặp ở trẻ em hay người trẻ tuổi.

Amidan quá phát triệu chứng: Amidan to như hai hạt hạnh nhân ở 2 bên thành họng lấn vào làm hẹp khoang họng, trụ trước đỏ. Có thể gây rối loạn hô hấp (ngủ ngáy to, có những cơn ngừng thở trong lúc ngủ ), rối loạn phát âm (giọng nói đục, hoặc ồm ồm), rối loạn nuốt (nuốt khó, nghẹn họng và dễ nôn).

Trường hợp của cháu, không thấy dấu hiệu hay triệu chứng nào của ung thư, do vậy cháu không cần lo lắng quá. Đối với amidan quá phát của cháu, nếu gây tác động nhiều tới sinh hoạt hàng ngày, cháu có thể xem xét tới việc cắt amidan. Tốt nhất cháu nên tới bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi – Họng để được khám và được chữa trị sớm.

Chúc cháu mau khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl