Thắc mắc về hiện tượng thai lưu xảy ra 1 lần


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Thai lưu là hiện tượng bé qua đời ngay trong bụng mẹ. Tổng hợp câu hỏi sau đây liên quan đến các vấn đề khi việc này diễn ra 1 lần ở phụ nữ.

dấu hiệu thai lưu


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ, cháu năm nay 23 tuổi và đang có thai tính theo KKC là 7 tuần. hôm trước cháu có đi siêu âm kết quả có phôi thai nhưng không có hoạt động tim thai. CRL là 5.9 mm. Bác sĩ kết luận thai ngừng phát triển và khuyên cháu nên đến bệnh viện hút ra. cháu muốn hỏi bác sĩ trường hợp của cháu qua 1 lần siêu âm có thể kết luận thai lưu không ạ?

Bác sĩ Vũ Việt Hùng


Chào bạn.

Tôi biết là bạn đi khám thai nhưng chỉ có siêu âm thôi và được tư vấn luôn. Nhưng chúng ta nên trao đổi với nhau là tim thai có thể thấy rõ ở tuấn thứ 8- 10 và người ta có rất nhiều các biện pháp để xác định bổ sung cho nhau trước khi đưa ra quyết định có phải thai lưu hay không? Và khi xác định là thai lưu bạn được hướng dẫn các thủ thuật gì cũng phải có nguyên tắc của nó: cần thiết làm các xét nghiệm gì để đảm bảo an toàn cho thủ thuật. Chúng ta không nên đơn giản hóa sự viêc đẻ rồi lại hối tiếc.

Bạn hãy tới bệnh viện có chuyên khoa sản nhé.

Chúc bạn sức khỏe!

Hỏi về thai lưu


Câu hỏi bởi: bombi

Thưa bác sĩ.

Em năm nay 24 tuổi, vừa rồi em bị thai lưu và đã phải khắc phục bằng biện pháp hút thai. Tuy nhiên, khi đi khám lại thì phát hiện vẫn còn sót thai. Em nghe nói để sót thai là sẽ bị ung thư. Em lo quá, trường hợp của em như thế nào? Bác sĩ có thể giúp em không ạ?

Em chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào em!

Có một thai nhi khỏe mạnh là điều mà bất kì bà mẹ nào khi mang thai đều mong muốn. Nhưng trong những tình huống thai nhi không tốt (thai lưu, thai dị dạng,…) thì bác sĩ sẽ có những chỉ định đình chỉ thai nghén (mẹ không nên giữ lại thai). Việc đình chỉ thai dù chủ động thì vẫn có thể xảy ra biến chứng, một trong những biến chứng đó là sót nhau thai.

Trường hợp của em, đã được chẩn đoán là bị sót rau sau thai lưu, em nên đi khám sớm và xử lí kịp thời. Em cần được chữa trị tích cực theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa Sản vì càng để lâu thì sẽ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm tử cung, nhiễm trùng huyết…, chứ không phải dẫn đến ung thư như em nghe nói. Khi tình trạng viêm nhiễm ngược dòng lên vòi trứng, buồng trứng… thì sẽ dẫn đến nguy cơ vô sinh càng cao. Vì vậy, em nên đi khám càng sớm càng tốt.

Chúc em chóng khỏe!

Triệu chứng xét nghiệm thai lưu


Câu hỏi bởi: Hanhhanh

Chào bác sĩ.

Kỳ kinh cuối của em là ngày 17/7, đến ngày 24/9 em đi khám thì kết quả là có một âm vang thai 3mm, có phôi thai 31mm, đầu ngả trước sau: 52mm chưa có tim thai, dịch xung quanh phôi 50%, bác sĩ kết luận là thai lưu trong tử cung 7 tuần. Bác sĩ cho em hỏi như vậy có đúng không ạ? Em không bị đau bụng, không ra máu, vẫn nghén, ngực căng và đau.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Lê Huy Tuấn


Chào bạn!

Tuổi thai tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối cùng do vậy nếu tính từ ngày 17/7 thì hiện nay thai phải được khoảng 10 tuần rồi. Nếu thai 10 tuần thì có nhịp tim thai, chiều dài đầu mông, có thể cả đường kính đầu thai nhi nữa. Kết quả siêu âm như vậy chứng tỏ theo dõi thai lưu là chính xác rồi, bạn nên làm thêm xét nghiệm định lượng beta HCG trong máu xem bao nhiêu? Xét nghiệm sinh sợi huyết có bị giảm không? Sau đó căn cứ vào kết quả khám và xét nghiệm để có hướng xử trí phù hợp nhé.

Chúc bạn khỏe.

Thai lưu do thiếu ối là vì sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Xin chào bác sĩ!

Em mang thai được 24 tuần thì thai lưu do thiếu ối. Mặc dù cách đó một tháng em đi khám thai thì thai vẫn bình thường. Vì là con đầu lòng nên vợ chồng em rất hoang mang và ám ảnh về chuyện đó. Vậy làm thế nào để biết lí do thai bị lưu và khi nào em có thể mang thai lại? Vợ chồng em nên làm gì để đảm bảo cho lần có bầu sắp tới được khỏe mạnh.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Lê Huy Tuấn


Chào bạn!

Thai lưu có rất nhiều lí do trong đó vấn đề cạn ối cũng là một trong những lí do gây thai lưu. Để hạn chế những rủi ro trong quá trình mang thai bạn cần đi khám và siêu âm đúng theo quy định và đúng bác sĩ chuyên khoa Sản, phát hiện và khắc phục kịp thời những bất thường có thể xảy ra. Với bệnh lý như bạn tôi không khám trực tiếp nên không thể xác định giúp bạn lí do thai lưu của bạn là gì được, bạn hãy hỏi lại bác sĩ đã khám cho bạn nhé. Nếu cơ thể bạn sớm ổn định thì sau 6 tháng bạn có thể có thai lại bình thường, trước khi có thai bạn nên đi khám sức khỏe toàn thân, khám phụ khoa, siêu âm kiểm tra tử cung buồng trứng xem thế nào, có điều kiện thì làm xét nghiệm định lượng nội tiết kiểm tra xem có thiếu hụt hay không khi đó tùy vào kết quả mà có phương án thích hợp.

Chúc bạn khỏe!

Thai lưu có phải vì mắc bệnh viêm gan không?


Câu hỏi bởi: Ngoc Tram

Chào bác sĩ!

Em năm nay 22 tuổi, em mang thai được 8 tháng, hơn 1 tháng nữa là sinh. Nhưng không biết vì lí do gì mà thai bị lưu trong tháng thứ 8. Trong thời gian mang thai em mắc bệnh viêm gan B. Đi khám bác sĩ nói uống thuốc điều trị và khi sinh con thì 24 giờ đầu tiêm ngay 1 mũi huyết thanh để phòng bệnh cao cho con. Chưa đến ngày sinh thì thai lưu. Vậy thai lưu có phải vì mắc bệnh viêm gan không ạ. Hiện tại em đã điều trị về mức an toàn của bệnh. Nếu có mang thai lần sau thì em nên và cần làm gì để thai không bị lưu nữa ạ?

Em cảm ơn ạ!

Bác sĩ Lê Huy Tuấn


Chào bạn!

Thai lưu hoặc sẩy thai có rất nhiều lí do, có thể do người mẹ đang mắc các bệnh cấp hoặc mãn tính trong thời kỳ mang thai, có những bất thường ở tử cung, phần phụ, nội tiết có vấn đề hoặc do sang chấn, chấn thương vào vùng bụng, có thể do thai và phần phụ của thai, cũng có thể do yếu tố gen di truyền. Muốn xác định lí do bạn cần khám ngay tại thời điểm đó mới biết được chứ hiện nay hồi cứu lại thì không thể xác định được.

Bạn hãy theo dõi sau 1 năm nữa hãy có thai nhé, khi đó bạn cần đi khám sức khỏe toàn thân, khám chuyên khoa Sản xem thế nào, bạn nên khám cả hai vợ chồng cụ thể như sau:

Chồng: khám chuyên khoa Nam học kiểm tra bộ phận sinh dục nam có gì bất thường hay không. Làm xét nghiệm tinh dịch đồ để kiểm tra chất lượng tinh trùng thế nào. Làm xét nghiệm dịch niệu đạo.

Vợ: khám phụ khoa xem có mắc bệnh gì không. Siêu âm đầu dò âm đạo kiểm tra tử cung, niêm mạc tử cung, buồng trứng, trứng. Chụp tử cung vòi trứng xem có bị tắc hay bán tắc hay không? Xét nghiệm định lượng nội tiết xem có gì bất thường không, làm xét nghiệm máu xem yếu tố RH như thế nào… Khi có các kết quả mới có thể có hướng chẩn đoán và chữa trị phù hợp được.

Chúc bạn khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.