Nhược thị và loạn thị cùng lúc, điều trị thế nào?


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Hai căn bệnh về mắt xuất hiện cùng một lúc là mối lo của nhiều bệnh nhân. Sau đây là những lý giải của bác sĩ chuyên khoa về hiện tượng này.

Bé bị nhược thị và loạn thị điều trị như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Con gái em năm nay 5 tuổi, bé được chẩn đoán là bị nhược thị, loạn thị, mắt trái bị kéo lác lệch khoảng 20 độ, hiện nay cháu đã và đang tập nhược thị. Xin hỏi bác sĩ cháu có phải phẫu thuật không? Khi nào thì phẫu thuật được và phẫu thuật ở đâu thì an tâm?

Xin cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn!

Nhược thị là hiện tượng suy giảm khả năng hoạt động của thị giác. Việc phát hiện bệnh này không dễ, vì nhiều trẻ không có biểu hiện khác thường về thị lực. Nhược thị có hai loại: Nhược thị chức năng (có thể phục hồi, không kèm các bệnh lý thực thể ở mắt) và nhược thị thực thể (không thể phục hồi, có kèm theo các bệnh lý về mắt). Nhược thị hầu như chỉ xảy ra ở một mắt, nhưng đôi khi có thể giảm thị lực ở cả hai mắt, dẫn đến thị lực bị giảm sút mà không thể chữa trị bằng cách chỉnh độ kính. Có ba mức độ nhược thị: Nhẹ từ 6-8/10, trung bình từ 3-5/10 và nặng ở mức nhỏ hơn hoặc bằng 2/10.

Lác mắt là nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến nhược thị, sau đó là do tật khúc xạ (cận thị, loạn thị, viễn thị…). Bé nhà bạn bị nhược thị có thể do vừa lác vừa không điều chỉnh kịp thời khúc xạ (loạn thị) bằng việc đeo kính nên đã cản trở việc phát triển thị lực.

Bạn đang cho con chữa trị là đúng vì chữa trị nhược thị cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Điều trị nhược thị cho kết quả tốt nhất đối với trẻ dưới 7 tuổi. Các yếu tố quyết định thành công khi chữa trị nhược thị là tìm chính xác nguyên nhân và mức độ bệnh, tuổi của trẻ, sự phối hợp của gia đình và bệnh viện.

Sau khi đã chữa trị ổn định (thị lực đạt được tối đa), trẻ vẫn cần được theo dõi cho đến 9-10 tuổi theo hướng dẫn của bác sĩ để phòng nhược thị tái phát. Trường hợp của con bạn nên đến các bệnh viện chuyên khoa sâu có uy tín (như Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt – Nga,…) chữa trị và theo dõi tiến trình của bệnh để có kế hoạch chữa trị tiếp theo.

Chúc hai mẹ con bạn vui khỏe!

Trẻ bị loạn thị và bị nhược thị, phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Con tôi năm nay được 4 tuổi. Cháu xem ti vi đều nheo mắt. Tôi cho cháu đi khám thì bác sĩ kết luận cháu bị loạn thị và bị nhược thị. Tôi muốn hỏi bây giờ muốn chữa nhược thị cho cháu thì phải làm những cách gì và kết hợp với ăn uống có được không? Trong trường hợp như thế chế độ ăn gồm những gì? Và loạn thị có phải đeo kính thường xuyên không? Hay khi nào xem tại mới đeo?

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Nhược thị là hiện tượng suy giảm khả năng hoạt động của các cơ quan thị giác, khiến thị lực bị giảm sút mà không thể chữa trị được bằng cách chỉnh số kính. Mắt bị nhược thị sau khi đã chỉnh kính tối ưu cũng chỉ đạt thị lực 7/10, chênh lệch thị lực giữa hai mắt lớn hơn 2/10. Nhược thị có thể là bệnh ở một mắt hoặc cả hai mắt. Khoảng 2-3% dân số toàn cầu mắc bệnh này và nó hoàn toàn có thể chữa khỏi.

Điều trị nhược thị cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Các yếu tố quyết định thành công khi chữa trị nhược thị là tìm ra nguyên nhân chính xác, mức độ của bệnh và độ tuổi của bệnh nhân. Thời gian luyện tập của bệnh nhân nhược thị đôi khi chỉ vài tuần, vài tháng nhưng cũng có trường hợp vài năm khi bệnh nhược thị được phát hiện muộn.

Sau khi chữa trị ổn định, bệnh nhân và gia đình vẫn phải duy trì theo dõi để tránh nhược thị tái phát. Có nhiều phương pháp khác nhau để chữa nhược thị như bịt mắt, uống thuốc, kích thích thị giác bằng máy, phục thị… nhưng phổ biến nhất và đem lại hiệu quả cao là phương pháp bịt mắt luyện tập.

Ở phương pháp này, bệnh nhân bịt mắt lành lại hoặc tra thuốc làm mờ mắt lành để kích thích thị giác ở mắt bệnh. Khi phương pháp bịt mắt không mang lại hiệu quả thì mới dùng đến các phương pháp sau. Cháu tuổi còn nhỏ nên khả năng phục hồi sẽ tốt hơn. Bạn nên cho cháu đi khám chuyên khoa Mắt để xác định nguyên nhân nhược thị, từ đó có hướng chữa trị hiệu quả đồng thời kết hợp với một chế độ ăn tốt cho mắt, giàu vitamin nhất là vitamin A có nhiều trong các loại thực phẩm như gan động vật, sữa bò, lòng đỏ trứng gà, dầu gan cá. Loạn thị là một tật khúc xạ của mắt cần phải đeo kính thường xuyên càng nhiều càng tốt.

Chúc cháu bé sớm khỏi bệnh!

Bé bị loạn thị cao, tập nhược thị có tăng độ loạn?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ,

Con trai cháu 6 tuổi. Đã khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Kết quả loạn cận MT 4.75, MT 3.75 loạn cao. Thị lực 2/10 và 3/10. Cháu đã đưa bé tập nhược thị được 4 tháng. Mỗi đợt 10 ngày tại phòng khám tư. Nhưng thị lực có khi được 4-5/10. Như vậy mắt cháu có tiến triển thế nào ạ? Cháu lo lắng mất ăn, mất ngủ. Mong bác sĩ trả lời giúp, nghe nói tập nhược thị thì thị lực tăng nhưng độ loạn cũng tăng phải không ạ?

Xin cảm ơn Bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào bạn.

Trước hết chúng tôi rất chia sẻ với sự lo lắng của bạn.

Nhược thị là sự suy giảm thị lực do võng mạc không được kích thích hoặc có sự tương tác bất thường về chức năng thị giác hai mắt. Mắt được gọi là nhược thị khi thị lực dưới 7/10 sau khi đã chỉnh kính tối ưu hoặc khi chênh lệch thị lực giữa hai mắt là trên 2/10.

Có nhiều lí do gây nhược thị, trong đó bất đồng khúc xạ (tức là hai mắt có tật khúc xạ như cận, viễn hay loạn thị mà một mắt bị nặng và một mắt bị nhẹ) là một lí do hay gặp, nhất là ở trẻ nhỏ. Mắt bị tật khúc xạ làm cho hình ảnh thu nhận được không rõ nét, gây ra sự phát triển thị giác bất thường, dẫn đến nhược thị. Như vậy có thể nói nhược thị và tật khúc xạ vừa là lí do vừa là hậu quả của nhau.

Tật khúc xạ (như loạn thị) nặng là lí do dẫn đến nhược thị và ngược lại nhược thị làm cho tật khúc xạ nặng thêm. Ở tình huống con trai bạn đã được các bác sĩ BV Mắt TW khám và xác định cháu bị loạn thị do bất đồng khúc xạ giữa hai mắt (một mắt loạn cận, một mặt loạn cao). Sau khi tập 3 tháng thị lực đã có cải thiện (từ 2-3/10 lên 4-5/10). Tuy nhiên việc tập nhược thị cần sự kiên trì, thời gian luyện tập thường là vài tuần đến vài tháng, có thể rất lâu dài, thậm chí hằng năm. Sau khi đã chữa trị ổn định, tùy từng tình huống vẫn phải được chữa trị duy trì hoặc theo dõi lâu dài để tránh nhược thị tái phát.

Việc tập nhược thị không làm tăng độ loạn thị mà nói đúng hơn việc xử lý tình trạng loạn thị ở mắt (ví dụ bằng cách đeo kính điều chỉnh độ cận loạn hoặc phẫu thuật ) sẽ làm tăng thị lực, nhờ đó giúp cải thiện tình trạng nhược thị. Bạn nên đưa con đi khám mắt định kỳ để các bác sĩ chuyên khoa mắt có biện pháp chữa trị thích hợp cho tật khúc xạ của cháu.

Chúc cháu nhà bạn sớm hồi phục !

mắt loạn thị


Câu hỏi bởi: đoàn bá tuân

cháu năm nay 7 tuổi bác sĩ chuẩn đoán hai mắt cháu bị loạn thị đơn kính bác sĩ kê. mắt phải : +0.75/-1.25×180 mắt trái +0.75/-1.50×160 Bác sĩ dặn về nhà tre mắt phải ngày 6h và học bài sâu hạt cườm, nhặt thóc trong gạo bằng mắt trái. vậy xin hỏi bác sĩ sau khi tre mắt phải ngày 6h khi bỏ miếng tre mắt phải ra có phải đeo kính giờ còn lại hay không?

Bác sĩ Trịnh Thị Bích Ngọc


Chào cháu,

Hai mắt của cháu bị loạn thị, còn bị nhược thị thì bắt buộc phải đeo kính. Mắt trái bị nhược thị thì che mắt phải, để kích thích mắt bị nhược thị. Cháu nên đeo thường xuyên, hoặc từ 4-6 giờ 1 ngày để học viết, tô vẽ…

Chúc cháu sức khỏe!

Loạn thị ở trẻ em có nên đeo kính thường xuyên?


Câu hỏi bởi: Vũ Thị Thu Nhuần

Chào bác sĩ.

Bác sĩ cho cháu hỏi con cháu được 27 tháng tuổi, gần đây mắt cháu có hiện tượng hay nháy và nheo mắt, đi khám bác sĩ bảo cháu là loạn thị gần 2 độ. Bác sĩ bảo cắt kinh cho con cháu đeo, nhưng cháu sợ mới bé như vậy mà đã đeo kinh sợ tác động tới sinh hoạt hằng ngày của cháu, và lại tăng thêm độ. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi là liệu không đeo kinh mắt cháu có bị tăng độ hơn không, hay bắt buộc pải đeo kính ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn.

Loạn thị là một trong những tật khúc xạ của mắt. Nguyên nhân gây các bệnh tật khúc xạ ở trẻ nhỏ ngoài yếu tố bẩm sinh, di truyền, chế độ dinh dưỡng không đảm bảo, còn do tầm nhìn của trẻ bị hạn chế vì cuộc sống ngày càng đô thị hóa. Loạn thị có thể được xử lý bằng cách đeo kính mắt hoặc chữa trị khỏi bằng phẫu thuật. Mục tiêu của chữa trị loạn thị là điều chỉnh độ cong không đồng đều gây mờ tầm nhìn.

Cần lưu ý là trẻ em loạn thị trên 2,5D có thể gây nhược thị trên cả 2 mắt. Các loạn thị nghịch hoặc chéo gây tác động đến chất lượng thị giác hơn. Nếu trẻ bị loạn thị từ trung bình đến nặng không được điều chỉnh trước 5 tuổi thì thường dẫn tới nhược thị. Trẻ trên 2 tuổi nếu loạn thị trên +2,5D là không bình thường, cần phải đeo kính để tránh nhược thị. Con bạn mới 27 tháng, được chẩn đoán loạn thị gần 2 độ. Cháu còn quá nhỏ và độ loạn cũng chưa đến 2,5D nên bạn cũng chưa cần đeo kính cho cháu. Để một thời gian nữa đi khám lại nếu độ loạn của cháu tăng trên +2,5D thì mới cần đeo kính. Bạn cần tái khám cho bé 6 tháng 1 lần để điều chỉnh kịp thời những thay đổi nhẹ về trục cũng như công suất của kính trụ. Kính loạn thị cần được lắp đúng số, đúng trục loạn thị, đúng tâm kính… mới có thể mang lại kết quả tốt nhất.

Chúc bạn và cháu mạnh khỏe!

Chăm sóc khách hàng ViCare


Thân chào bạn,

Trước tiên, ViCare cảm ơn bạn đã quan tâm và sử dụng tính năng Hỏi Bác sĩ của ViCare.
ViCare đã nhận được câu hỏi của bạn. Mời bạn tham khảo thông tin về loạn thị qua đường link sau nhé:
Theo đó, bạn có thể cho bé đeo kính để điều chỉnh độ cong không đồng đều. Đeo kính loạn thị giúp bạn chống lại độ cong của giác mạc.
Hi vọng thông tin trên hữu ích với bạn.

Thân ái.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl