Thắc mắc về mụn cám nữ giới nên biết


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Bạn là phụ nữ và đang gặp những vấn đề về mụn cám? Vậy thì bài viết sau đây chính là dành cho bạn.

Mặt mụn cám nhiều và khô rất rát


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Em chào bác sĩ.

Bác sĩ giải đáp cho em, em 25 tuổi tháng trước mặt em có mụn nhẹ bác sĩ da liễu đa kê đơn thuốc và em uống cũng đã khỏi. Nhưng bây giờ mặt của em mỏng hơn trước và mụn cám nhiều và khô rất rát em thấy cả những mạch máu rất rõ. Điều đáng nói là em thấy mặt em lão hóa nhanh. Em đang rất bận về công việc lên chưa đi khám được. Xin bác sĩ kê em thuốc uống và thuốc bôi gì cho em.

Em cảm ơn bác sĩ nhiều.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Không biết là trong lần khám trước chữa mụn trên mặt có uống thuốc bôi hay không? Sản phẩm bôi đó có tảy trắng da hay không? Bạn cần sớm thu xếp công việc để đi khám ở các phòng khám chuyên khoa da liễu có uy tín, để chữa hiện tượng mỏng da và cảm giác bị già đi. Vì đây là hiện tượng tổn thương hệ thống sợi chun ở dưới da và trong da gây dãn và nhăn da. Bệnh có thể không dừng lại ở mức độ hiện nay mà tiến triển nặng dần lên.

Chúc bạn mạnh khỏe.

Hay mọc nhiều mụn cám ở lông mày và trán chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: Njck fb: ly nguyen

Chào bác sĩ!

Em năm nay 18 tuổi rất hay mọc nhiều mụn ở trán, lông mày. Một số mọc ở hai bên má, cằm và mụn đầu đen ở mũi. Mặc dù đã sử dụng nhiều biện pháp nhưng vẫn không khỏi. Bác sĩ cho em ý kiến và phương pháp để trị mụn.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào em!

Tuổi 18 bị mụn là bình thường, nên nên điều trị sớm nế không chữa bệnh tiến triển dễ để lại sẹo thâm, sẹo rỗ. Mụn trứng cá tuy chữa trị đơn giản nhưng phải đúng phác đồ, đủ liều, đủ thời gian và có chế độ ăn uống, sinh hoạt chăm sóc da mặt phù hợp mới không tái phát. Em nên tới bác sĩ Da liễu khám thực tế, giải đáp cụ thể mới chữa trị tốt được.

Chúc em khỏe mạnh!

Cách trị mụn mủ, mụn cám, mụn đầu đen


Câu hỏi bởi: lien

Chào bác sĩ.

Tôi là nữ giới 22 tuổi, đã có 1 con. Tôi mong bác sĩ giải đáp cho tôi cách trị mụn mủ, mụn cám và mụn đầu đen.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đặng Phương Liên


Chào bạn!

Trong thư bạn không cho biết rõ về tình trạng mụn: vị trí mụn, thời điểm nào mụn thường xuất hiện, cũng như công việc bạn đang làm, việc sử dụng các mỹ phẩm hoặc thuốc bôi… để có thể giải đáp cụ thể. Tuy nhiên, có thể nói da bạn trong tình trạng tuyến bã nhờn tăng tiết chất nhờn, cùng với bụi bẩn, tế bào chết làm tắc nghẽn lỗ chân lông trên bề mặt da, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây mụn. Thường xuyên tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, hóa chất, nhiệt độ cao… có thể làm tăng nguy cơ bị mụn. Tâm lý căng thẳng, thói quen sinh hoạt thức quá khuya… cũng góp phần gia tăng mụn trứng cá.

Hiện nay, nhiều người sử dụng các loại kem bôi trong thành phần có chứa Corticoid với mong muốn có làn da trắng hồng, sạch mụn cũng vô tình gây thêm mụn, làm teo da… Để có thể trị mụn hiệu quả, cần xác định nguyên nhân gây mụn. Bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Da liễu để được chữa trị kịp thời, đúng cách, tránh để lại sẹo xấu làm tác động đến thẩm mỹ. Tùy mức độ mụn, bác sĩ có thể cho bạn uống thuốc bôi tại chỗ hoặc dùng thêm thuốc uống. Bên cạnh việc uống thuốc, bạn có thể tự làm giảm nguy cơ và ngăn chặn sự hình thành mụn trứng cá bằng những cách đơn giản và dễ thực hiện như sau:

Rửa mặt nhẹ nhàng hằng ngày bằng nước sạch 2-3 lần/ngày, không chà xát da quá mạnh hoặc quá thường xuyên, sau đó lau khô bằng khăn bông mềm. Bạn có thể dùng sữa rửa mặt chống nhờn, tình huống mụn trứng cá nhiều có thể dùng xà phòng đặc trị như Sastid, Acne-aid…

Ăn nhiều rau quả, tránh các thức ăn nhiều dầu mỡ, gia vị cay nóng, rượu bia, cà phê và thức ăn đồ uống quá ngọt như sữa đặc, mít, xoài… Kiêng các chất kích thích như ớt, hạt tiêu. Uống đủ nước mỗi ngày (1,5-2 lít).

Giảm bớt căng thẳng tinh thần trong cuộc sống. Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, chơi thể thao, thư giãn… xen kẽ với thời gian làm việc một cách phù hợp.

Gội đầu thường xuyên và tránh để tóc xõa xuống mặt.

Tránh sử dụng những sản phẩm dưỡng da có quá nhiều dầu.

Mặc y phục vải mềm, rộng rãi, thấm mồ hôi.

Tránh tiếp xúc nhiều với hóa chất.

Tránh tiếp xúc dài với ánh nắng mặt trời, dùng kem chống nắng khi đi nắng.

Không dùng tay để nặn, nhể trứng cá.

Chúc bạn mau khỏi!

Cách chăm sóc và bảo vệ da khỏi mụn như thế nào?


Câu hỏi bởi: Tiết Ngọc

Thưa bác sĩ!

Cháu năm nay 14 tuổi, là nữ giới. Da cháu thuộc loại da nhờn, đặc biệt là vùng trán và mũi rất nhiều dầu. Ở mũi thì có mụn đầu đen, hai bên vùng cánh mũi thì có mụn cám. Một ngày cháu chỉ rửa mặt 2 lần bằng sữa rửa mặt, sau đó bôi gel ngừa mụn. Da khá mịn và sáng, không có nhiều mụn.Nhưng khi ngừng bôi gel thì da bị ngứa, xuất hiện mụn trứng cá và mụn đỏ đau. Bác sĩ làm ơn chỉ giúp cháu cách chăm sóc và bảo vệ da khỏi mụn, cũng như chế độ sinh hoạt lành mạnh.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đặng Phương Liên


Chào cháu!

Thông tin về mụn trứng cá như tác nhân gây mụn, sự hình thành mụn, cũng như cách rửa mặt, chế độ ăn… Cháu có thể tham khảo thêm từ những câu hỏi tương tự đã được các bác sĩ của chuyên mục giải đáp kỹ càng. Tôi chỉ xin tóm tắt những điểm chính và những điều cháu cần lưu ý.

Mụn là vấn đề thường gặp ở tuổi dậy thì và sẽ hết dần khi cháu trưởng thành, vì vậy cháu không nên quá lo lắng. Để phòng ngừa mụn tái phát, trước tiên cháu cần tự xác định rõ mụn thường tái xuất hiện trong hoàn cảnh nào. Thông thường ở các cô gái, trước khi hành kinh, mụn thường xuất hiện nhiều hơn và sẽ giảm dần và hết sau khi hết kinh. Điều này là do ảnh hưởng của sự thay đổi hormon theo chu kỳ kinh nguyệt. Vì vậy, cần chú ý chăm sóc da mặt kỹ hơn vào vào những ngày trước, trong và sau khi hành kinh.

Trong độ tuổi dậy thì, làn da của cả nam và nữ đều khá nhờn. Cháu không cho biết cụ thể về loại sữa rửa mặt và cách rửa mặt mà cháu đang áp dụng, nên khó giải đáp cụ thể. Song nếu bị mụn trứng cá nhiều, cháu có thể dùng loại xà phòng đặc trị mụn trứng cá như Acne-aid, Sastid… Sẽ hiệu quả hơn, nhưng cũng chỉ nên dùng 2 lần/ngày, ngoài ra, cháu nên dùng giấy thấm dầu để loại bớt chất nhờn dư thừa trên da mặt. Tuy nhiên, không nên quá tích cực loại bỏ chất nhờn vì có thể kích thích các tuyến nhờn trên da tăng tiết.

Bên cạnh đó, chế độ ăn nhiều rau quả tươi và hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, tránh lo âu căng thẳng… Là những điều không thể thiếu nếu muốn trị mụn thành công. Một khi mụn đã xuất hiện, không nên quá nôn nóng loại bỏ mụn mà vô tình khiến mụn nặng thêm: chà xát da mạnh, nặn mụn non…

Trong thư, cháu không cho biết đã dùng loại gel bôi trị mụn nào, do bác sĩ kê đơn hay do cháu tự mua về dùng. Khi đã bị mụn bọc, mụn tái phát, cháu không nên tự chữa trị mà nên đến các phòng khám chuyên khoa Da liễu để được bác sĩ kê đơn chữa trị. Các thuốc thường dùng có thể là thuốc bôi (kháng sinh, oxit kẽm…), thậm chí phối hợp cả thuốc uống như kháng sinh (Erythromycin, Doxycyclin…), vitamin H (Biotin)… Không nên bỏ qua việc tái khám, dù đã đỡ bệnh hoặc chưa đỡ, để bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc sao cho hiệu quả. Khi bị tái phát, không nên tự ý dùng lại đơn thuốc cũ.

Chúc cháu mạnh khỏe.

Trán nổi nhiều mụn lấm tấm, lâu lâu thì ngứa và rát là vì sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Năm nay con 21 tuổi, là nữ giới và đang là sinh viên. Hiện nay trên trán con tự dưng mọc một số hạt lấm tấm nhỏ như mụn, mà rất nhiều dày đặc ở trán, lâu lâu thì ngứa và rát. Có người bảo con bị dị ứng nhưng con bị cũng mấy tuần rồi mà vẫn chưa hết. Vậy tại sao lại như vậy ạ? Mong bác sĩ trả lời cho con.

Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thanh


Chào cháu.

Vùng trán, mũi và cằm là những vùng da nhạy cảm hay còn gọi là vùng chữ T rất dễ bị mụn trứng cá, đặc biệt với những người có làn da nhờn. Mụn là một loại bệnh phổ biến ở tất cả mọi lứa tuổi, bao gồm nhiều loại như: Mụn cám, mụn trứng cá, mụn bọc, mụn mủ, mụn đầu đen….

Nguyên nhân gây ra mụn dù khác nhau nhưng triệu chứng giống nhau trên bề mặt da, tự quan sát bên ngoài thì không thể xác định được chính xác và có phương pháp chữa trị thích hợp. Mụn nổi lấm tấm trên trán hay khuôn mặt là điều bình thường ở độ tuổi đang phát triển như cháu. Cùng với đó là sự phát triển của hệ nội tiết, chế độ ăn uống của sinh viên bị thay đổi khi xa gia đình, làm cho da của cháu tăng tiết chất dầu (chất nhờn) gây bít tắc lỗ chân lông. Khi gặp điều kiện thuận lợi, các loại vi khuẩn xâm nhập, gây viêm nang lông tạo thành mụn, làm mất thẩm mỹ, mất tự tin.

Ngoài ra, keo xịt tóc và những sản phẩm khác dùng cho tóc có thể là tác nhân gây mụn trên vùng trán của cháu. Nếu tóc mái dài thì da vùng trán càng dễ bị mụn hơn nữa. Da vùng trán thường mỏng, ít được bảo vệ nên dễ bị nhiễm trùng. Bên cạnh đó, chế độ ăn ít rau xanh, vitamin, sử dụng thức ăn nhanh, đồ chiên, rán nhiều dầu mỡ, uống nước ngọt, nước có ga… là điều kiện thuận lợi, môi trường thích hợp cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm da. Học tập làm việc căng thẳng, sinh hoạt không ổn định, không hợp lý, ít vận động, ngủ muộn… cũng góp phần tạo mụn trên da cháu.

Cháu có thể ngăn ngừa và giảm mụn bằng cách:

Điều chỉnh lối sống và chế độ sinh hoạt cho hợp lý hơn: Không thức quá khuya, nên dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, không để stress trong công việc và học tập.

Chăm sóc làn da đúng cách như: Vệ sinh da sạch bằng những sản phẩm phù hợp để loại bỏ bã nhờn, bụi bẩn, tránh bít tắc lỗ chân lông. Tuyệt đối không tùy tiện sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không dùng xà phòng rửa mặt vì có thể khiến da kích ứng và tổn thương.

Duy trì chế độ ăn uống nhiều rau quả, bổ sung đầy đủ khoáng chất, uống từ 2-3 lít nước một ngày. Tránh tình trạng để cơ thể bị táo bón sẽ khiến mụn nổi nhiều hơn.

Chúc cháu mạnh khoẻ!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl