Tràn dịch màng phổi có thể chữa dứt điểm hay không?


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Khả năng chữa dứt điểm tràn dịch màng phổi được nhiều bệnh nhân quan tâm và trăn trở. Cùng đọc những lời giải đáp của bác sĩ sau đây.

Tràn dịch màng phổi lần hai có chữa dứt điểm được không?


Câu hỏi bởi: Mai

Chào bác sĩ!

Cháu cháo bác sĩ, cho cháu hỏi vấn đề này được không ạ. cách đây ba năm cháu có bị tràn dịch màng phổi và phải điêu trị lao. cháu phải nằm viện ba tháng, thời gian này các bác sĩ đã hút dịch rất nhiều trong phổi cháu, màu dịch hơi vàng, sau ba tháng bệnh cháu không tiến triển nhanh như các bệnh nhân khác nhưng sau đó cháu cũng được ra viện và điệu trị thuốc lao ngoại trú, sau đó bác sĩ ngoại trú bảo xong phác đồ rồi nên cháu không phải uống nữa, do thời gian cháu nằm viện cháu đã rất sợ hãi, trầm cảm nên sau đó cháu không đến bệnh viện tái khám nữa. Mấy hôm nay cháu lại thấy nhức vết thương cũ nên đi khám, kết quả X- quang cho thấy cháu vẫn còn một lượng dịch nhỏ ở phổi, bác sĩ kê đơn cho cháu bảy ngày rồi bảo cháu bảy ngày sau cháu đi khám ở bệnh viện Lao xem có vi khuẩn lao không, cháu rất sợ, giờ cháu nên đến đâu và liệu có khó chữa trị không bác sĩ có chữa dứt được không ạ? Nhất là khi cháu tái phát lần 2.

Cháu cảm ơn!

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào cháu!

Bệnh lao do trực khuẩn có tên là Mycobacterium tuberculosis gây ra và thường gây bệnh ở phổi. Bệnh lao có thể chữa khỏi và phòng tránh được. Vi khuẩn lao lây từ người sang người qua đường không khí. Khi người bệnh lao phổi ho, hắt hơi hay khạc nhổ, họ đã phát tán vi khuẩn lao vào không khí. Một người chỉ cần hít phải một lượng nhỏ vi khuẩn lao cũng có thể nhiễm lao. Khoảng 1/3 dân số thế giới có lao tiềm tàng, có nghĩa là những người này đã nhiễm vi khuẩn lao nhưng chưa phát triển thành bệnh lao và cũng không gây lây lan bệnh lao sang người khác. Khoảng 10% những người đã nhiễm vi khuẩn lao có nguy cơ phát triển thành bệnh lao trong cuộc đời của họ. Tuy nhiên ở những người có suy giảm miễn dịch như người nhiễm HIV, suy dinh dưỡng hoặc tiểu đường, hoặc những người nghiện thuốc lá sẽ có nguy cơ bị bệnh lao cao hơn so với những người khác.

Trường hợp của cháu, đã đi khám, chẩn đoán và chữa trị bệnh lao. Tuy nhiên, tình trạng hiện tại của cháu có xuất hiện dịch ở phổi thì việc đi khám kiểm tra tại cơ sở y tế chuyên khoa Lao và bệnh phổi là cần thiết. Như trên đã nêu, bệnh lao có thể chữa khỏi và phòng tránh được, bên cạnh đó tràn dịch màng phổi còn có thể do nhiều lí do khác gây ra. Do vậy, cháu nên đi khám sớm và không nên lo lắng, căng thẳng quá mức. Điều cháu cũng nên lưu tâm đó là việc chữa trị bệnh lao cần triệt để, tuân thủ nghiêm ngặt theo phác đồ chữa trị để tránh vi khuẩn lao kháng thuốc, đồng thời đảm bảo lối sống tích cực, khoa học là biện pháp phòng tái phát hiệu quả.

Chúc cháu khỏe!

Tràn dịch màng phổi


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sỹ!Em thấy tức ngực khó thở,đau khắp người và sốt,,,,em đi chụp Xquang và scanerscaner thì được cho biết bị tràn dịch màng phổi,và có tư vấn cho em lên Hà nội khám chữa….Theo bác sỹ dịch màng phổi có thể tự tiêu không?Nếu không chọc hút có cách nào khác không và nếu lên Hà nội thăm khám em vào đâu tốt nhất? Xin cảm ơn bác sỹ

Bác sĩ Trần Minh Trí


Chào bạn,

Tràn dịch có nhiều nguyên nhân. Bạn phải được chọc rút dịch xét nghiệm mới xác định chính xác nguyên nhân, từ đó mới có hướng điều trị thích hợp cho bạn. Tốt nhất bạn nên đến BV Phổi bạn nhé.

Thân ái.

Tràn dịch màng phổi


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ, em bị tràn dịch màng phổi và đã vào khoa bệnh phổi nghề nghiệp được chẩn đoán là bị lao màng phổi. Em đã được chỉ định uống thuốc lào và về nhà điều trị. Nhưng khi uống thuốc thì em cảm thấy rất mệt mỏi, chán ăn và thường xuyên không ngủ được cả ngày lẫn đêm. Uống thuốc 1 tháng rồi nhưng e đi chụp thì dịch vẫn còn nhiều và vẫn sốt về chiều. Em trở lại viện bác sĩ cho uống 2 viên thuốc ngủ sedusen. Tối hôm đầu thì ngủ được khoảng 5 tiếng nhưng đêm hôm sau thì lại mất ngủ. Bác sĩ cho em hỏi tại sao uống thuốc lào một tháng rồi mà bệnh không thuyên giảm. Tại sao bác sĩ không chỉ định tiêm cho em và làm thế nào để e ngủ được ạ. Em cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Nguyên tắc điều trị bệnh lao là phải:
– Phối hợp các thuốc chống lao: Mỗi loại thuốc chống lao có tác dụng khác nhau trên vi khuẩn lao (diệt khuẩn, kìm khuẩn), do vậy phải phối hợp ít nhất 3 loại thuốc chống lao trong giai đoạn tấn công và ít nhất 2 loại trong giai đoạn duy trì.
– Phải dùng thuốc đúng liều: Các thuốc chống lao tác dụng hợp đồng, mỗi thuốc có một nồng độ tác dụng nhất định. Nếu dùng liều thấp sẽ không hiệu quả và dễ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc, nếu dùng liều cao dễ gây tai biến.
– Phải dùng thuốc đều đặn: Các thuốc chống lao phải được uống cùng một lần vào thời gian nhất định trong ngày và xa bữa ăn để đạt hấp thu thuốc tối đa.
– Phải dùng thuốc đủ thời gian và theo 2 giai đoạn tấn công và duy trì: Giai đoạn tấn công kéo dài 2, 3 tháng nhằm tiêu diệt nhanh số lượng lớn vi khuẩn có trong các vùng tổn thương để ngăn chặn các đột biến kháng thuốc. Giai đoạn duy trì kéo dài 4 đến 6 tháng nhằm tiêu diệt triệt để các vi khuẩn lao trong vùng tổn thương để tránh tái phát.

Như vậy bạn mới uống thuốc được 1 tháng thì bệnh chưa thể giảm, bạn đang ở giai đoạn tấn công tiêu diệt vi khuẩn. Hiện có nhiều phác đồ điều trị khác nhau được áp dụng cho trường hợp lao khác nhau: mới phát hiện, lao tái phát, lao kháng thuốc …
Có lẽ bạn đang áp dụng phác đồ : 2S(E)RHZ/4RH trong đó sử dụng thuốc Ethambutol thay cho việc tiêm Streptomycin ,liều tấn công 2 tháng và liều duy trì kéo dài 4 tháng.
Trong phác đồ sử dụng thuốc tiêm Streptomycin hay uống Ethambutol đều có tác dụng như nhau, không phải là tiêm sẽ mạnh hơn, vì vậy bác sĩ không chỉ định thay thuốc tiêm cho bạn khi thấy bạn chưa đỡ, đồng thời việc chuyển phác đồ điều trị lao chỉ thực hiện khi điều trị đúng thuốc 5 tháng rồi mà xét nghiệm vẫn còn thấy vi khuẩn lao.

Uống thuốc theo phác đò điều trị bệnh lao có nhiều tác dụng phụ, người bệnh thường mệt mỏi, chán ăn, gầy sút, mất ngủ.. Để khắc phục tình trạng này bạn có thể truyền dich lactat ringer, uống thuốc bổ, tăng cường bồi dưỡng.

Xem thêm :

Chúc bạn mau lành bệnh

Tràn dịch màng phổi có lây qua đường hôn không?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ!

Tôi là nữ 28 tuổi. Tôi bị tràn dịch màng phổi do lao, tôi hút dịch hết rồi và đang dùng thuốc lao hơn 1 tháng nay rồi. Bác sĩ chẩn đoán tôi âm tính không lây. Bác sĩ cho phép tôi hỏi là nếu tôi âm tính thì việc hôn chồng có bị lây cho chồng không? Công việc của tôi liên quan đến hát nhiều, liệu hát có tác động đến bệnh không ạ?

Cảm ơn bác sĩ rất nhiều ạ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Nếu em chỉ có lao màng phổi đơn thuần thì không làm lây nhiễm bệnh cho chồng khi hôn, chỉ có nguy cơ lây nhiễm khi có kết hợp lao màng phổi với bệnh lao phổi. Ca hát hầu như không có tác động đến tình hình bệnh tật của em, trừ khi em có tràn dịch màng phổi số lượng lớn làm cho dung tích phổi giảm, khi đó em không nên đi biểu diễn.

Chúc em vui, khỏe!

Bé gái 6 tuổi bị tràn dịch màng phổi


Câu hỏi bởi: Le Van Dung

Chào bác sĩ!

Tôi có cháu gái 6 tuổi bị viêm phổi, siêu âm thấy bị tràn dịch màng phổi 20mm. Cháu được chọc tháo dịch (màu vàng chanh) và kết quả là dịch âm tính. Tuy nhiên 5 ngày rồi mà vẫn sốt (hôm nay sốt 2 lần gần 38 độ). Tôi xin được mấy vấn đề sau: Cháu đã tiêm phòng lao (vacxin BCG) lúc mới sinh, vậy cháu còn bị mắc lao không? Vì cháu ăn uống rất kém lại ít ngủ. Hiện tại cháu vẫn sốt, chúng tôi rất lo lắng. Mong bác sĩ giải đáp cách chữa trị.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào bạn!

Xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:

Đối với những trẻ đã tiêm phòng lao thì trẻ vẫn có nguy cơ bị mắc bệnh lao nếu trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ có hệ miễn dịch kém hoặc trẻ đã tiêm phòng nhưng cơ thể không sinh miễn dịch.

Trường hợp cháu nhà bạn 6 tuổi, bị viêm phổi, có tràn dịch màng phổi, chọc dịch có màu vàng chanh. Bạn cho biết kết quả dịch âm tính, có lẽ bạn muốn nói đến xét nghiệm phản ứng Rivalta âm tính, điều đó có nghĩa lượng protein trong dịch màng phổi dưới 30 gam/lít. Phản ứng Rilvalta âm tính thường thường gặp do lí do giảm áp lực keo của máu như sơ gan, suy dinh dưỡng, hội chứng thận hư… Cháu nhà bạn có tràn dịch cũng có thể do màng phổi phản ứng với tác nhân gây viêm phổi. Thường trong lao thì phản ứng Rivalta là dương tính, nhưng nếu là lao phổi gây tràn dịch màng phổi thì trên phim XQuang sẽ có hình ảnh tổn thương lao. Cháu mới chữa trị được bốn ngày nhưng bạn cũng không nên lo lắng, nhiệt độ của cháu cũng không cao lắm, và nếu chẩn đoán là viêm phổi và vào ngày thứ 4 mà cháu sốt chưa đến 38 độ thì có vẻ như bệnh cháu đang dần ổn định vì sốt đã giảm. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chữa trị của cháu để rõ thêm về bệnh tật.

Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl