Lưu ý về vấn đề tinh trùng yếu của nam giới trên 28 tuổi


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Có nhiều trường hợp phải đối mặt với vấn đề yếu tinh trùng. Cùng theo dõi các câu hỏi sau đây để hiểu rõ hơn về điều này ở nam giới trên 28 tuổi nhé!

Hiếm muộn 5 năm


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Cháu 27 tuổi, chồng cháu 33 tuổi, lấy nhau 5 năm mà chưa có tin vui.Đi khám bác sĩ bảo do cơ địa yếu, chồng tinh trùng yếu. Cháu đã iui 5 lần mà không có kết quả. Bác sĩ khuyên vợ chồng cháu chuyển sang lvf nhưng vợ chồng cháu là công nhân thu nhập bấp bênh không có điều kiện thực hiện. Mong bác sĩ tư vấn giúp vợ chông cháu. Xin cảm ơn bác sĩ ạ

Bác sĩ Dương Quang Huy


Chào em,

Tỉ lệ thành công của IUI là # 15-18% và của IVF/ICSI là # 25-35%. Giống như tung xúc xắc, mỗi lần làm lại là mỗi lần cơ hội cũng chỉ nhiêu đó. Nếu để ý em sẽ thấy tỉ lệ thất bại của 2 phương pháp trên là cao hơn 60%. Chồng em bị tinh trùng yếu thì cần tìm nguyên nhân vì tinh trùng yếu chỉ là biểu hiện chức năng sản xuất tinh trùng của tinh hoàn yếu. Chồng em cần khám Nam Khoa để định rõ nguyên nhân và điều trị dứt điểm sẽ có thể quan hệ tự nhiên mà có con.

Tinh trùng có 15% tỉ lệ sống phải làm sao để có em bé?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Em năm nay 26 tuổi, chồng em năm nay 36 tuổi hai vợ chồng em cưới nhau được gần 2 năm mà vẫn chưa có em bé. Gần đây hai vợ chồng em có đi khám, chồng em xét nghiệm tinh trùng 15% tỉ lệ sống. Còn em thì không bị viêm nhiễm, kết quả buồng trứng phải và trái của em đều bình thường. Chụp tử cung vòi trứng thông bình thường. Bác sĩ nói chồng em bị tinh trùng yếu, vậy giờ 2 vợ chồng em phải làm thế nào thì mới có em bé được ạ. Mong bác sĩ giải đáp cho em.

Em cám ơn bác sĩ nhiều.

Bác sĩ Lê Huy Tuấn


Chào bạn!

Nếu kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ có kết quả tinh trùng sống 15% thì khả năng có thai sẽ hạn chế, bạn hãy đi khám chuyên khoa Nam học để tìm hiểu lí do và hướng chữa trị nhé. Trường hợp không kết quả có thể phải làm thủ thuật bơm tinh trùng vào tử cung, nếu vẫn không được thì phải làm thụ tinh trong ống nghiệm.

Chúc bạn khỏe.

Cách chữa hiếm muộn


Câu hỏi bởi: Dương Trần

Chào bác sĩ.

Tôi năm nay 29 tuổi, chồng 30 tuổi. Chúng tôi vừa đi khám về vô sinh, sau khi làm tất cả các xét nghiệm thì tôi bình thường, nhưng ông xã tôi thì có vấn đề. Kết quả như sau: tinh trùng tiến nhanh 4%, di chuyển chậm 17%, không di chuyển 9%, không chuyển động 70%, hình dạng 8%. Bác sĩ bảo chỉ có một cách duy nhất là thụ tinh trong ống nghiệm. Xin bác sĩ cho biết có đúng thế không? Ngoài thụ tinh ống nghiệm thì còn biện pháp nào nữa không?

Xin chân thành cảm ơn.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn!

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vô sinh là khi một cặp vợ chồng không thể có thai sau 1 năm chung sống, quan hệ bình thường không dùng phương pháp ngừa thai nào. Vô sinh có thể được phân thành hai loại: vô sinh nguyên phát và vô sinh thứ phát. Vô sinh nguyên phát là tình huống một cặp vợ chồng chưa từng có thai. Vô sinh thứ phát là tình huống cặp vợ chồng đã có thai ít nhất 1 lần.

Theo những thông tin tối thiểu mà bạn cung cấp, tình huống của bạn và chồng bạn là vô sinh nhưng không biết là nguyên phát hay thứ phát, lí do do chồng (do tinh trùng yếu). Có nhiều lí do gây nên tình trùng yếu ở nam giới như: hút thuốc lá, nghiện rượu, mặc quần lót chật, uống thuốc chữa trị bệnh Nội khoa, giãn tĩnh mạch thừng tinh. Vì vậy, chồng bạn cần phải được khám chuyên khoa để tìm lí do và có hướng chữa trị. Ngoài ra, để có em bé, hai bạn có thể đến các bệnh viện (bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Hùng Vương, bệnh viện Phụ sản Trung ương, bệnh viện Phụ sản quốc tế) chữa trị bằng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản từ đơn giản là bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) đến phức tạp hơn là thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), và tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI). Trong đó, hiệu quả nhất là ICSI, tỉ lệ có thai cho một chu kỳ chữa trị là khá cao, tuy nhiên cũng đắt tiền. Lựa chọn chữa trị tùy thuộc nhiều yếu tố: tuổi, điều kiện kinh tế, kỹ thuật hiện có, nhu cầu người bệnh.

Những thông tin này giúp tư vấn được một phần thắc mắc của bạn và giúp bạn lựa chọn phương pháp chữa trị.

Chúc hai bạn sớm có tin vui!

Các bước tiến hành của một ca thụ tinh trong ống nghiệm là gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Tình trạng của vợ chồng tôi như sau: Vợ năm nay 29 tuổi bình thường, chồng 33 tuổi bị tinh trùng yếu. Vậy xin bác sĩ cho biết chi tiết các bước tiến hành của một ca thụ tinh trong ống nghiệm? Xin bác sĩ giới thiệu cho tôi một địa chỉ tại Hà Nội. Trung bình chi phí một ca thụ tinh là bao nhiêu?

Xin cảm ơn!

Bác sĩ Đặng Phương Liên


Chào bạn!

Trong thư bạn không cho biết rõ kết quả cụ thể xét nghiệm tinh dịch, tùy theo mức độ yếu của tinh trùng sẽ có những can thiệp khác nhau. Trong các xét nghiệm tìm nguyên nhân hiếm muộn, nam giới được đề nghị thực hiện tinh dịch đồ, kết quả xét nghiệm có thể là số lượng tinh trùng dưới ngưỡng bình thường, tinh trùng di động kém hay tinh trùng bất thường về hình dạng và kích thước. Tùy theo từng mức độ của tinh trùng sẽ có những can thiệp khác nhau. Vì vậy, tôi khuyên vợ chồng bạn nên đi khám bệnh tại các bệnh viện Sản khoa để được xét nghiệm đầy đủ và được giải đáp kỹ lưỡng trước khi quyết định lựa chọn phương pháp chữa trị.

Khi tinh trùng yếu, vợ chồng bạn vẫn có thể thực hiện phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung, một phương pháp thụ tinh nhân tạo trong đó tinh trùng sau khi được lọc rửa và cô đặc sẽ được bơm trực tiếp vào buồng tử cung quanh thời điểm trứng rụng. Tùy từng trường hợp hiếm muộn mà phương pháp này có thể thực hiện ở chu kỳ tự nhiên hoặc có kết hợp sử dụng thuốc kích thích buồng trứng. Khi thực hiện phương pháp này vài lần thất bại, thì hãy xem xét đến thụ tinh trong ống nghiệm. Về phương diện kỹ thuật, có thể tóm tắt phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm gồm các bước như sau:

Chuẩn bị tử cung và buồng trứng trong 2 tuần.

Kích thích buồng trứng cho vợ: Tiêm thuốc khoảng từ 10–14 ngày, tùy đáp ứng của từng người.

Chọc hút trứng khi nang noãn đã trưởng thành.

Chuẩn bị tinh trùng chồng để thụ tinh trong ống nghiệm cùng ngày chọc hút trứng.

Cấy tinh trùng và trứng trong môi trường nhân tạo để hình thành phôi. Theo dõi sự phát triển của phôi trong 2 hoặc 3 ngày, tùy tình huống.

Chọn phôi và chuyển phôi vào buồng tử cung cho vợ. Có thể tiêm thuốc và đặt thuốc vào âm đạo để hỗ trợ cho sự làm tổ của thai. Thử thai 14 ngày sau chuyển phôi (beta-hCG). Siêu âm 3 tuần sau nếu thử thai dương tính.

Chi phí cho mỗi ca thụ tinh trong ống nghiệm sẽ dao động tùy thuộc từng tình huống cụ thể, các vấn đề sức khỏe đi kèm, kết quả của từng bước, cũng như giá thành của từng cơ sở y tế… Tại Hà Nội, bạn có thể đến khám và chữa trị tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bệnh viện 103…

Chúc các bạn sớm có tin vui!

Vô sinh tinh trùng nam


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ ck tôi năm nay 29 tuổi ,bị giãn tĩnh mạch tinh trùng đã đi mổ nhưng kết quả xét nghiệm thì vô sinh tinh trùng thì liệu có chữa đc ko ạ

Bác sĩ Vũ Việt Hùng


Chào bạn.
Vì bạn cung cấp thông tin như thế nào đó mà tôi hiểu là bạn bị giãn tĩnh mạch thừng tinh và ta trao đổi với nhau theo chủ đề này nhé.
Ảnh hưởng đầu tiên của GTMT ( giãn tĩnh mạch thừng tinh) lên chức năng tinh hoàn là tăng nhiệt độ, làm giảm chức năng của tinh hoàn, ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh tinh. Thông thường, sự điều hòa nhiệt độ ở tinh hoàn được bảo đảm bằng hai cơ chế: da bìu có khả năng co giãn cao, sẽ giãn ra khi nóng; và búi tĩnh mạch tinh giúp làm nguội máu từ động mạch tới tinh hoàn. Khi tĩnh mạch tinh bị giãn, nó sẽ có nhiệt độ cao và không làm nguội máu động mạch được nữa.
Giãn tĩnh mạch tinh cũng dẫn đến tình trạng thiếu ôxy, có thể làm suy thoái các sợi cơ da bìu, từ đó ảnh hưởng đến cơ chế điều hòa nhiệt độ của da bìu. Thiếu ôxy còn đưa tới hiện tượng xơ hoá quanh ống sinh tinh.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy hình ảnh tinh dịch đồ hay gặp nhất ở người bị giãn tĩnh mạch tinh là giảm độ di động (90% trường hợp), mật độ tinh trùng thấp dưới 20 triệu/ml (65% trường hợp).
Giãn tĩnh mạch tinh có thể được điều trị tốt bằng phẫu thuật, nhằm cải thiện chức năng của tinh hoàn, tăng khả năng có con. Các phương pháp điều trị hiện nay gồm:
– X quang can thiệp làm tắc mạch. Phương pháp có tỷ lệ biến chứng chung là 6% như thủng mạch máu, thuyên tắc mạch, và chỉ nên dành cho những trường hợp phẫu thuật thất bại.
– Phẫu thuật ngã bẹn (phẫu thuật Ivanissevich) có tỷ lệ tái phát cao và không bảo tồn động mạch tinh và gây đau vùng bẹn sau mổ.
– Phẫu thuật cột tĩnh mạch tinh ngã sau phúc mạc (phẫu thuật Palomo), có tỷ lệ tái phát thấp hơn và bảo tồn được động mạch tinh.
– Phẫu thuật ngã dưới bẹn có những thuận lợi tương tự như phẫu thuật ngã bẹn và ít đau hơn do không cắt cơ, tuy nhiên cần phải có vi phẫu.
– Phẫu thuật ngã bìu không còn được áp dụng nữa do có nhiều biến chứng.
– Phẫu thuật nội soi ổ bụng có tỉ lệ thành công tương tự phẫu thuật ngã sau phúc mạc; tuy nhiên nội soi ổ bụng lại tốn kém nhiều, có nguy cơ gây tổn thương ruột và các tạng trong ổ bụng.
Tóm lại vi phẫu thuật ngã dưới bẹn hay ngã bẹn thấp là phẫu thuật có tỉ lệ thành công cao nhất, ít biến chứng nhất và hiệu quả kinh tế cao nhất. Với phương pháp này, 21-55% bệnh nhân vô tinh trước mổ sẽ có tinh trùng di động trở lại trong tinh dịch, và ít nhất là 25% những bệnh nhân này có thai tự nhiên. Khoảng 75% bệnh nhân bị thiểu nhược tinh nặng (< 1 triệu tinh trùng /ml) có tinh dịch đồ cải thiện sau mổ, trong đó 38% bệnh nhân sẽ được làm cha.
Theo các bác sĩ, tuy những người có tinh trùng yếu có thể có con bằng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như IUI, IVF, ICSI, vì vậy sau phẫu thuật bạn nên khám lại để có thể áp dụng các biện pháp khác tuydf theo kết quả điều trị sau phẫu thuật của bạn.
Chào bạn.; .


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl