Tuyển chọn câu hỏi hay về hiện tượng sai khớp ở chân


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Sai khớp chân là gì? Phải làm sao để chữa trị được nó? Bài viết sau sẽ giải đáp giúp bạn hiểu hơn về tình trạng này.

Cách xử lý sai khớp cổ chân


Câu hỏi bởi: Thutrang

Chào bác sĩ.

Bác sĩ cho em hỏi, sai khớp cổ chân và chấn thương cổ chân giống hay khác nhau ạ? Và cách khắc phục khi bị sai khớp cổ chân trong quá trình tập luyện thể thao?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thanh


Chào bạn!

Sai khớp cổ chân là một dạng chấn thương khớp cổ chân, do đầu xương bị trật khỏi vị trí bình thường. Chấn thương làm biến dạng và mất khả năng vận động tạm thời, gây đau đột ngột, dữ dội. Do đó, bạn không nên chủ quan vì tác động này có thể khiến bạn không thể tập luyện thể thao được nữa. Nếu thường xuyên chơi thể thao thì dù có cẩn thận đến đâu, bạn cũng không tránh khỏi 1 lần bị sai khớp, đặc biệt là cổ chân.

Nguyên nhân chủ quan là do bạn không vận động kỹ trước khi bắt đầu tập luyện. Khi đó, các cơ không được làm nóng, nên sẽ không thấy độ co giãn trong quá trình vận động. Vì vậy, lúc tập bạn rất dễ bị trật khớp. Cảm giác đau đớn ập đến, bạn không thể nhấc chân lên khỏi mặt đất. Chính vì vậy, khởi động là bài tập bắt buộc đối với mỗi lần tập luyện. Khi bị sai khớp, hãy ngừng chơi và sơ cứu ngay tại chỗ để chấn thương không bị nặng hơn. Đối với tình huống bị nặng, cũng cần làm những bước sơ cứu rồi mới chuyển đến bệnh viện.

Sơ cứu nhanh khi bị sai khớp:

Không di chuyển để tránh lực ảnh hưởng lên vết thương, không nắn hoặc cố cử động khớp bị trật, điều này có thể gây tổn thương khớp, cơ, dây chằng, mạch máu và thần kinh, nên ngồi im tại chỗ để mọi người sơ cứu cho bạn.

Cố định khớp: Dùng vải hoặc áo (tình huống khẩn cấp mà không thấy vải) băng cố định khớp để tránh làm vết thương bị động trong quá trình đưa vào bệnh viện.

Chườm lạnh lên vùng khớp bị thương để giảm sưng nề, có thể dùng đá lạnh chườm trực tiếp lên da hoặc cho đá vào miếng vải để chườm. Không nên chườm nóng, đắp muối, bóp thuốc rượu hay mật gấu, vì có thể làm tình trạng xấu đi.

Sau đó, nhờ bạn bè đưa tới bác sĩ để kịp thời khắc phục chấn thương. Không được chủ quan cố gắng chịu đựng để vết thương tự lành. Vì nếu bị nặng mà không được chữa trị sớm, chấn thương có thể để lại di chứng.

Chúc bạn sức khỏe!

Bị ngã sai khớp ở mắt cá chân có nên dùng dầu nóng xoa bóp?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Xin hỏi bác sĩ tôi bị ngã sai khớp ở mắt cá chân nếu tôi dùng dầu nóng để xoa bóp là đúng hay sai?

Xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn!

Bị ngã sau đó bị sưng tại cổ chân chưa chắc đã sai khớp mà thường chỉ bị giãn dây chằng khớp. Khi đó khớp tổn thương sẽ sưng đau, nếu bạn đắp thêm dầu nóng hoặc cao sẽ khiến cho khớp và vùng da mà bạn đắp lên sẽ bị viêm làm tổn thương nặng lên. Vì vậy khi bị chấn thương nói chung không bao giờ được đắp cao nóng hoặc xoa dầu nóng mà nên chườm đá (giống như các vận động viên vẫn hay làm như các bạn được xem trên truyền hình) và bất động một thời gian khoảng 3-4 tuần.

Tuy nhiên tốt nhất là khi bị chấn thương bạn nên đi khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ chẩn đoán giúp bạn và đưa ra cho bạn lời khuyên phù hợp.

Chúc bạn khỏe!

Bị sai khớp và bong gân ở cổ chân, đã đi lại bình thường nhưng vẫn đau khi chạy nhảy


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Em chào bác sĩ!

Bác sĩ cho em hỏi. Em bị sai khớp và bong gân ở cổ chân đến nay đã được 1 tháng. Hiện đã ổn định hơn, đi lại bình thường. Nhưng chạy nhảy vẫn bị đau. Bác sĩ giải đáp giúp em ạ.

Em cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào em!

Hiện tượng tổn thương xương khớp, gân cơ như của em mô tả (sai khớp, bong gân) có thể do nhiều lí do gây ra và tùy theo mức độ tổn thương mà có tiên lượng hồi phục khác nhau. Bên cạnh đó, thời gian hồi phục còn phụ thuộc vào chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi và chế độ ăn uống, cũng như các chữa trị phối hợp phục hồi chức năng để đẩy nhanh quá trình bình phục.

Trường hợp của em, tổn thương nhìn chung đang tiến triển hồi phục. Tuy nhiên, em vẫn cần phải giữ gìn, tránh vận động quá sức và vận động mạnh. Đồng thời đảm bảo chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý để thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục.

Chúc em vui khỏe!

Chân trẻ đi không bình thường


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ bé nhà cháu mới 15 tháng và bắt đầu biết đi. Ngày trước khoảng lúc bé 9 tháng trong quá trình nô với quả bóng mẹ cháu lấy chân cháu ra gẩy đẩy quá bóng đi và cháu như bị sai khớp và gia đình cho cháu đi rút tại 1 ông lang gần nhà. Cháu không còn đau nữa và bình thường trở lại. Bây giờ tôi nhìn cháu đi chân cảm giác như ko đều nhau 1 chân hơi thõng. Vậy tôi có nên cho cháu đi chụp X quang và khám ở đâu để biết rõ bệnh ko ạ

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Bạn đã mắc một sai lầm nghiêm trọng là trẻ bị sai khớp mà lại đi nắn sai khớp ở thày lang không có phương tiện X quang để kiểm tra xem đã vào đúng khớp chưa? sức phát triển của trẻ em rất nhanh, nếu khớp không vào đúng chỗ, tổ chức xơ sẽ lấp đầy ổ rỗng làm khớp không thể về vị trí chuẩn, thời gian này đối với người lớn là 2 tháng còn trẻ là chỉ sau vài tuần.
Bạn nên đưa trẻ đi chụp X quang, cần thiết có thể chụp MRI vùng nghi tổn thương để xác định chính xác tình trạng bệnh, từ đó mới có được giải pháp can thiệp đúng.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe.

SAu 1 tháng, bị ngã cầu thang ngón chân đau nhói thì phải xử lý như thế nào?


Câu hỏi bởi: Ngọc

Lúc mới bị té chân em có nhiều nơi máu bầm tụ lại, ngón út rất nhạy cảm với mọi vật, em chỉ uống Cefa + 650 cầm chừng (khoảng 3 liều) cho hết đau, hiện đã 1 tháng vết bầm đã hết, bình thường không đau nhưng khi dùng lực hay lỡ và chạm hơi mạnh tý là ngón chân đau nhói chảy cả nước mắt, phải dùng đá chườm mới giảm được đâu. Em xin hỏi liệu em có bị sao không?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Bạn có thể áp dụng một trong hai cách xử lý sau:

Một là: Đi khám chụp X-quang bàn chân xem có bị gãy xương đốt 1 ngón út hay không. Từ đó có cách xử lý phù hợp.

Hai là: Dùng băng vải quấn hai ngón út và ngón 4 bàn chân lại với nhau để cố định, đi dày có cỡ lớn hơn, chân kia đi tất dày để tránh va chạm vào ngón út. Sau một thời gian dài (2-3 tháng ) nếu có bị gãy xương ngón chân hoặc sai khớp thì tổn thương sẽ liền lại vì được cố định hạn chế va chạm.

Chúc bạn mau lành bệnh!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl