Thắc mắc về bệnh nghiến răng của người dưới 15 tuổi


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Trẻ em từ độ tuổi 6 đến 14 rất dễ mắc phải tật nghiến răng. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này qua các câu hỏi sau đây nhé!

Nữ 12 tuổi bị nghiến răng khi ngủ có sao không?


Câu hỏi bởi: nyny

Thưa bác sĩ!

Người thân của tôi năm nay 12 tuổi, là nữ giới. Lúc nào ngủ cô ấy cũng nghiến răng. Vậy làm gì để hết nghiến răng?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh


Chào bạn!

Nguyên nhân và các yếu tố tác động đến hiện tượng nghiến răng này cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Có 2 lí do chính thường liên quan đến tật nghiến răng: Do các răng hàm trên và hàm dưới mọc lệch lạc, hoặc do stress. Hiện tượng nghiến thường xuyên có thể không làm tác động gì đến sức khỏe. Nghiến răng nếu chỉ nhẹ thôi thì không cần điều trị, bạn không nên quá lo lắng, cô bé sẽ tự bỏ tật nghiến răng.

Có nhiều biện pháp chữa trị nghiến răng nhưng cho đến nay vẫn chưa có một biện pháp hay loại thuốc nào đặc hiệu chữa được tật nghiến răng. Nếu bạn phát hiện thấy cô bé có những vết mòn trên bề mặt răng, nên đưa đi khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt để kiểm tra, đánh giá tình trạng khớp cắn. Có thể bác sĩ sẽ mài những điểm cộm của răng, mài chỉnh các răng để các răng ăn khớp với nhau hơn hoặc làm một máng nhựa mềm cho cô ấy mang trong miệng vào buổi tối, để ngăn nghiến răng hoặc giữ cho răng cô ấy không bị mòn đi. Tác dụng của máng mặt nhai nhằm ngăn chặn sự phá hoại răng do nghiến, làm giảm khả năng mòn răng và gãy nứt răng do nghiến răng gây ra. Ngoài ra, máng mặt nhai cũng làm giảm tình trạng co thắt của các cơ nhai. Nếu cô bé bị nghiến do stress, cách chữa nghiến răng là tìm ra lí do gây nên lo âu, stress. Chỉ cần cân bằng trạng thái tâm lý, tình cảm, thoải mái tâm trí là có thể giúp cô bé giảm bớt nghiến răng.

Chú ý: Cần chia sẻ với cô bé trước khi ngủ để cô bé cảm thấy an tâm, nên tập cho cô bé ngủ đúng giờ. Ngoài ra, những người thân xung quanh chỉ cho cô bé tham gia những trò chơi nhẹ nhàng trước khi ngủ, có thể đọc sách. Trong thời gian này, cô bé sẽ cảm thấy thả lỏng các cơ và đi vào giấc ngủ một cách rất nhẹ nhàng.

Chúc sức khỏe!

Bệnh nghiến răng không chữa kịp thời có nghiêm trọng không?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 14 tuổi, mỗi khi ngủ dậy cháu cảm thấy đau răng hàm, có khi đau đầu, đau tai. Đó có phải là biểu hiện của bệnh nghiến răng không ạ? Nếu bệnh nghiến răng không điều trị kịp thời có dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nào không ạ?

Cháu cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Nếu cháu thường xuyên nghiến răng trong lúc ngủ, có thể khi tỉnh dậy sẽ có những biểu hiện như cháu mô tả. Nghiến răng khi ngủ có thể dẫn tới mòn khớp cắn, mòn răng, đau mỏi các cơ vùng hàm mặt, rối loạn khớp thái dương hàm. Nghiến răng tuy không tác động nghiêm trọng đến tính mạng nhưng tác động rất nhiều tới hàm răng, bởi vậy cháu nên đi khám và chữa trị sớm.

Chúc cháu khỏe.

Cách chữa bệnh nghiến răng khi ngủ cho trẻ phải làm như thế nào?


Câu hỏi bởi: Hận

Chào bác sĩ.

Con gái em mới hơn 5 tuổi mà đã bị nghiến răng khi ngủ. Vậy bác sĩ có thể giúp em cách trị bệnh cho con gái không ạ?

Em chân thành cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Tật nghiến răng là hiện tượng nghiến hoặc siết chặt một cách quá mức của hai hàm răng làm phát ra tiếng kêu ken két trong khi đang ngủ. Nguyên nhân gây ra hiện tượng nghiến răng này cho đến nay vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng.

Có một số lí do chính liên quan đến tật nghiến răng:

Do các răng hàm trên và hàm dưới mọc lệch lạc làm răng không được thẳng hàng, không khít khi khép 2 hàm răng cho nên chỗ tiếp xúc giữa 2 hàm răng không tốt, không ăn khớp làm cho khó chịu. Theo phản xạ 2 hàm răng sẽ có xu hướng cọ sát vào nhau, nghiến chặt lại.

Stress: khi cảm thấy lo âu, căng thẳng, kích động, cơ thể không khỏe… cũng làm cho bị nghiến răng (đây là phản ứng đối với stress).

Có thể do tác dụng phụ của một số thuốc… Khi nghiến răng mạnh và nhiều có thể gây đau nhức đầu, rối loạn cơ khớp thái dương hàm, đau tai, mòn răng…

Bạn nên đưa cháu đi khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt để bác sĩ kiểm tra xem răng của cháu có bị mòn không, đánh giá tình trạng của khớp cắn của cháu. Nếu có thể bác sĩ sẽ mài những điểm cộm của răng, mài chỉnh để các răng ăn khớp với nhau hoặc làm một máng nhựa mềm để mang trong miệng khi ngủ nhằm ngăn chặn hiện tượng mòn răng, nứt hoặc gãy răng…

Chúc mẹ và bé khỏe mạnh!

Chứng nghiến răng khi ngủ là do đâu?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em gái con năm nay 8 tuổi, mỗi lần em con ngủ em con đều nghiến răng, con cảm thấy rất kì lạ, theo con nghĩ đó là gien di truyền nhưng trong gia đình con không có ai gặp phải chứng bệnh này hết. Vậy bác sĩ cho con hỏi là do đâu mà có sự nghiến răng đó và nó có gây hại đến sức khỏe của em con không?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thanh


Chào cháu!

Nghiến răng là hiện tượng nghiến hay siết chặt quá mức ở hai hàm răng trên và dưới, thường diễn ra khi ngủ. Thông thường trẻ không ý thức được hiện tượng này. Do sự tiếp xúc mạnh giữa mặt nhai của các răng trên và dưới, lâu ngày tạo ra các diện mòn trên răng. Nghiến răng kéo dài có thể đưa đến những hậu quả xấu tới các hệ thống nhai như: Hệ thống răng, cơ hàm và khớp thái dương hàm. Điều này tác động không tốt đến hàm răng của trẻ. Nó có thể phá hủy trật tự răng, gây khó khăn trong quá trình tiêu hoá thức ăn. Nếu tình trạng trên kéo dài sẽ tác động đến vỏ não, đặc biệt là sự phát triển khả năng về tư duy và trí nhớ ở trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm tìm hiểu lí do và cách giúp trẻ bỏ tật này khi ngủ.

Có nhiều lí do tác động đến hiện tượng nghiến răng như: Stress, có sự cản trở ở khớp cắn, rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương, suy dinh dưỡng, thiếu canxi, di truyền, người lớn tác động bởi rượu và thuốc lá,… Để loại bỏ tật nghiến răng ở trẻ, cha mẹ cần tìm hiểu lí do và giúp trẻ loại bỏ những lí do đó.

Nếu răng trẻ bị mòn nhiều, trẻ có thể bị sâu răng và nên đưa trẻ đến nha sĩ. Duy trì việc khám răng định kỳ cho trẻ.

Cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện với trẻ trước khi ngủ, để biết được những gì đã xảy ra với trẻ trong ngày và lý do khiến trẻ cảm thấy căng thẳng, sợ hãi hay giận dữ. Điều này có thể giúp giải quyết được các lí do tâm lý khiến trẻ nghiến răng. Ngoài ra, việc trò chuyện này còn thể hiện sự quan tâm của cha mẹ dành cho trẻ và cũng giúp trẻ quên đến việc nghiến răng.

Trước khi ngủ 30 phút, chỉ cho trẻ chơi những trò chơi nhẹ nhàng, tốt nhất là cha mẹ đọc truyện tranh cho trẻ nghe. Không nên cho trẻ ăn trước khi đi ngủ, nhất là đồ ngọt.

Nên tập cho trẻ ngủ đúng giờ, đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, cung cấp đủ canxi, vệ sinh răng miệng tốt, đồng thời kiểm tra răng cho trẻ theo định kỳ.

Chúc cháu sức khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl