Tuyển tập những trường hợp cần lưu ý khi bé đi ngoài phải rặn nhiều


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Không ít phụ huynh thắc mắc rằng, tại sao lần nào đi vệ sinh bé cũng phải gồng mình rặn mạnh? Điều đó có gây nguy hiểm gì không? Bài viết sau sẽ giải đáp những thắc mắc đó của bạn.

Bé 3 tháng tuổi, đi ngoài rặn nhiều, điều trị như thế nào?


Câu hỏi bởi: Tuong Vi

Chào bác sĩ!

Con em được 3 tháng tuổi. Bé bú mẹ lẫn sữa ngoài nhưng sữa mẹ vẫn là chính. Gần đây bé đi ngoài có nhầy kèm vài sợi máu li ti, phân màu vàng sẫm, mỗi lần đi ngoài bé hay rặn đỏ mặt. Em có đưa bé đi bệnh viện thì kết luận cháu bị kiết lị, được đơn thuốc Mecefix B.E, Enterogermina, Hidrasec Infants, Nutrozin C trong vòng 4 ngày. Hiện giờ, bé đã đi phân màu vàng tươi, không có máu nữa nhưng nhầy vẫn còn. Bé vẫn còn rặn nhưng có vẻ khá hơn chút. Như vậy bé đã ổn chưa bác sĩ? Có cách nào cải thiện tình hình rặn nhiều của bé không ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương


Chào em.

Đau quặn, mót rặn và đi phân có máu hoặc nhầy mũi là ba triệu chứng của hội chứng lị mà phổ biến là do trực khuẩn Shigella. Con em đã được bác sĩ chẩn đoán như vậy và đã cho thuốc chữa trị. Liều chữa trị thông thường là phải dùng kháng sinh từ 5-7 ngày cho đến khi trẻ đã hết biểu hiện mót rặn và đi phân không còn máu và nhầy nữa. Như vậy con em mới dùng thuốc được 4 ngày thì chưa đủ thời gian chữa trị nên vẫn còn đi phân nhầy. Để chữa trị dứt điểm em cần tuân thủ theo hướng dẫn chữa trị của bác sĩ. Nếu sau khi hết thuốc mà cháu vẫn còn đi phân nhầy và mót rặn thì em cần cho cháu đi khám lại.

Chúc em mạnh khỏe.

Bé đi ngoài phân mềm nhưng phải rặn nhiều


Câu hỏi bởi: 915595358

Chào bác sĩ!

Con em được 2 tháng 12 ngày, bé đi ngoài 3 – 5 lần một ngày, phân mềm hoa cà hoa cải. Tuy nhiên trước mỗi lần đi ngoài bé phải rặn rất nhiều, rặn đỏ cả mặt, gồng mình, quấy khóc từ 1 – 3 giờ. Bé bú mẹ hoàn toàn, tháng đầu tăng 1,3kg. Vậy con em bị làm sao và chữa trị như thế nào?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Con của em phát triển cân nặng trong tháng đầu tiên như vậy là bình thường, bé lên cân tốt và cũng không bị táo bón do bé vẫn đi ngoài phân mềm, phân hoa cà hoa cải, 4 – 5 lần/ngày. Tuy nhiên mỗi lần đi ngoài bé phải rặn nhiều, đỏ mặt là do cơ thành bụng của bé còn yếu, khiến bé phải rặn nhiều hơn để đẩy phân ra ngoài.

Để giúp bé đi ngoài dễ dàng hơn, em có thể hỗ trợ cho bé bằng cách hàng ngày nên xoa bụng cho bé khi bụng đói. Xoa bụng quanh rốn theo chiều kim đồng hồ, xoa nhẹ nhàng để kích thích nhu động ruột, kết hợp với động tác đạp xe để giúp bé phát triển cơ thành bụng. Đặt bé nằm ngửa, nâng 2 chân của bé lên và làm động tác đưa chân giống như khi bé đi xe đạp, mỗi ngày thực hiện 2 – 3 lần, mỗi lần khoảng 5 phút xoa bụng, 5 phút tập đạp xe để phát triển cơ thành bụng.

Khi bé rặn có thể phải gồng mình đỏ mặt nhưng phân vẫn đi ra được thì đó là bình thường. Ngược lại bé rặn nhiều lần mà không đi ngoài được, bé quấy khóc thời gian dài từ 1 đến 3 giờ liên tục thì bạn cần cho bé khám bác sĩ Nhi khoa.

Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe, bé hay ăn chóng lớn!

Bé phải rặn khi đi ngoài có phải bị táo bón không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Con của cháu hiện được 2 tháng 23 ngày. Bé ăn sữa ngoài vì sữa cháu rất ít, lúc sinh bé được 3 kg và dài 50 cm. Tháng đầu bé tăng được 1 kg và dài thêm 6 cm. Lúc sinh bé uống sữa Frisolac Gold nên 4-5 ngày bé mới đi ngoài, phải bơm. Sau đó, cháu đổi sang sữa Enfamil thì thấy bé 2 ngày đi ngoài 1 lần nhưng bé phải rặn nhiều mới ra phân, phân lúc đầu như đất sét, lúc sau thì phân mềm, lỏng. Vậy có phải bé bị táo bón không ạ? Cháu đang rất lo.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Hiện tượng như con của bạn không phải là táo bón. Táo bón là hiện tượng 5-6 ngày bé mới đi ngoài, phân đóng thành hòn như quả táo, quả xoan, đổ nước vào hàng chục phút phân mới tan rã. Hiện tượng con bạn là chậm bài tiết phân do bú sữa ít cặn bã, nên chậm bài tiết phân. Nếu bé khoảng 4-5 ngày không đi ngoài thì mới thụt phân cho bé. Một thời gian nữa trẻ lớn lên, ăn dặm thì hiện tượng chậm bài tiết phân này sẽ hết. Thời điểm bắt đầu cho ăn dặm là trẻ được 6 tháng tuổi, nhưng từ tháng thứ 4 trở đi đã bắt đầu cho bé tập làm quen dần với chế độ ăn dặm và thức ăn của người lớn bằng cách cho bé tiếp xúc với không khí ẩm thực của gia đình, thỉnh thoảng cho bé mút thìa có nhúng nước canh, nước thịt, hoặc nhấm mút ngọn rau, miếng thịt chín nhừ… rồi dần dần cho bé ăn dặm từng tí một. Không nên đột nhiên cho bé ăn ngay các loại bột ăn dặm khi 6 tháng tuổi.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe!

Bé đi ngoài phải rặn nhiều, phân hơi lỏng, có nhầy là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Con em 7 tháng tuổi, nặng hơn 8kg, cao khoảng 77cm. Cháu đi ngoài phải rặn nhiều, phân hơi lỏng, có nhầy. Em đã cho đi soi phân, không có nhiễm Rota. Cháu đi một ngày khoảng 2,3 lần. Cháu vẫn ăn ngủ, chơi bình thường nhưng vùng quanh hậu môn cháu đỏ ửng. Cháu bị gần tháng rồi chưa khỏi. Mong bác sĩ giải đáp giúp em.

Em cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Theo các biểu hiện bạn mô tả, con bạn có thể bị bệnh lỵ.

Bệnh lỵ có 2 loại:

1. Lỵ do vi khuẩn:

Phổ biến hơn, là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính ở ruột do vi khuẩn lỵ gây ra, đây là một bệnh tiêu chảy khá nguy hiểm và là một bệnh phổ biến ở các nước nhiệt đới đang phát triển như nước ta. Biểu hiện bệnh lý thay đổi từ thể tiêu chảy nhẹ đến các thể bệnh nặng với hội chứng lỵ và hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc. Bệnh lây qua đường miệng, trẻ bị sốt, đau bụng, mót rặn, tiêu chảy nhiều lần, phân có nhầy có khi lẫn máu kéo dài làm dẫn đến suy kiệt. Trong giai đoạn này cần chữa trị kháng sinh, tăng cường dinh dưỡng, bù đủ nước và ion, cấm dùng các thuốc cầm tiêu chảy. Thường thì sau 1-2 tuần bệnh sẽ cải thiện. Ở một số trẻ suy dinh dưỡng hoặc vi khuẩn kháng thuốc, bệnh trở nên kéo dài, trẻ suy kiệt nặng. Trường hợp này trẻ cần phải cần dùng thuốc kháng sinh nhạy với vi trùng, cấm uống thuốc cầm tiêu chảy, kèm theo bạn phải có chế độ dinh dưỡng tốt, (không ăn kiêng) và bồi hoàn đủ nước.

2. Lỵ do amip:

Các biểu hiện tương tự như trên nhưng nhẹ hơn, không sốt, số lần đi cầu ít hơn và thường ít gây suy kiệt, chữa trị bằng thuốc diệt amip. Ngoài ra còn một số tác nhân có thể gây hội chứng lỵ tương tự như trên, để chẩn đoán xác định cần xét nghiệm máu, xét nghiệm phân…

Trường hợp của con bạn có thể là lỵ do amip. Bạn cần đưa cháu đi khám bác sĩ và làm xét nghiệm thêm để chẩn đoán xác định và chữa trị phù hợp. Bạn nên cho cháu dùng thuốc đúng liều, đủ thời gian và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để bệnh chóng khỏi.

Chúc bạn và cháu mạnh khỏe!

Hiện tượng rặn ở trẻ sơ sinh


Câu hỏi bởi: Nguyễn Hải Ninh

Thưa bác sĩ.Con e đã được 2 tháng tuối,be đi ngoài phân vẫn bình thường ko táo bón nhưng mỗi lần đi bé rặn đỏ hết mặt và khó chíu,co khi rặn nhiều lần nhưng ko đi ngoài đươc.Bac si cho e hỏi bé có bị sao ko và làm sao để bé đi ngoài dễ dàng ko ạ.

Bác sĩ Trần Quang Thuyên


Chào bạn,
Nếu cháu vẫn bú mẹ hoàn toàn thì mẹ cần phải ăn bổ sung các loại rau giúp nhuận tràng như rau lang, đu đủ,..
Nếu cháu có uống thêm sữa ngoài thì bạn nên chọn loại sữa giàu chất xơ hoặc pha loãng sữa hơn cho bé uống.
Chúc bạn sức khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl