Bỏng và những kỹ năng cần biết


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Bỏng là một bệnh dễ gặp, dễ xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, bạn cần phải đề phòng tai nạn, và khi nó có xảy ra thì cũng có những kỹ năng cần thiết để giúp giảm nhẹ hư tổn do vết bỏng gây ra. Tổng hợp các câu dưới đây sẽ giúp bạn có thêm những kiến thức bổ ích về bệnh.

Bỏng xe


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ e bị bỏng ống bô xe máy vậy cho e hỏi mức độ và điều trị ạ e cảm ơn ạ

Bác sĩ Hà Văn Chấn


Chào em:
Với hình ảnh em gửi thì em bị bỏng nhiệt cấp độ 3:

Y khoa chia bỏng làm 3 cấp độ khác nhau:

Cấp độ 1 (first-degree): Bỏng nhẹ, cụ thể như đi phơi nắng ngoài bãi biển, da bị đỏ lên và hơi rát.

Cấp độ 2 (second-degree): Bỏng vừa, như trường hợp sơ ý chạm phải một vật nóng đỏ, da bị phồng lên, có nước.

Cấp độ 3 (third-degree): Bỏng nặng, thường xảy ra trong trường hợp tiếp xúc với hơi nóng quá lâu (Như em chẳng hạn tiếp súc với bô xe máy quá lâu.

Khi bị bỏng ở cấp độ 1 hoặc 2, hầu hết các trường hợp đều có thể tự chữa lấy. Các trường hợp sau đều cần đến sự chăm sóc của bác sĩ chuyên khoa: bỏng cấp độ 3, trường hợp bỏng phức tạp mà bạn không biết thuộc cấp độ nào, bỏng bị nhiễm trùng hoặc chưa lành trong vòng 10 ngày…

Vậy em phải đến bác sỹ chuyên khoa bỏng để khám và điều trị nhé.

Chúc em mạnh khỏe.

Chữa sẹo lồi do bỏng


Câu hỏi bởi: Lê Thị Long

Thưa bác sĩ. Con em năm nay 4 tuổi. Bị bỏng cách đây 2 năm. Giờ bị sẹo lồi. bác sĩ tư vấn giùm em .

Bác sĩ Hà Văn Chấn


Chào em

Sẹo lồi (chính xác hơn trong y học là sẹo phì đại) hình thành ngay sau khi vết bỏng hoặc vết thương lành. Sẹo này phát triển lồi lên, cao hơn bề mặt của những vùng da xung quanh. Sẹo thường khô, cứng và ít di động

Sau khi lành vết bỏng, sẹo này tiếp tục co kéo lại làm cho sẹo lồi lên khỏi mặt da gây co rút, biến dạng các khớp. Sự co rút này diễn ra nhanh nhất vào 6 tháng đầu và kéo dài cho đến 2 năm sau khi bị bỏng đối với trẻ con.

Khi sẹo lồi đã hình thành thì việc điều trị rất khó khăn và tốn kém. Có nhiều phương pháp để giải quyết sẹo như chích corticoid cho sẹo teo nhỏ, chấm nitơ lỏng dạng khí lạnh làm teo sẹo. Những phương pháp này ít nhiều có những tai biến khi áp dụng như tác dụng phụ của thuốc corticoid hoặc nếu thực hiện không đúng kỹ thuật thì sẹo sẽ lồi thêm. Ngoài ra còn có phương pháp phẫu thuật cắt bỏ sẹo cũ. Đối với phương pháp này, sau khi cắt bỏ sẹo cũ thì đồng thời lại tạo ra một vết sẹo mới khác. Vết sẹo mới này nếu không được áp dụng các biện pháp ngăn ngừa sẹo lồi thì cũng sẽ phát triển lồi lên như các vết sẹo cũ trên cơ điạ của bệnh nhân.

Như vậy các phương pháp điều trị sẹo lồi chỉ làm giảm chứ không hết sẹo, nếu điều trị sai có thể làm sẹo nặng thêm. Để làm giảm và ngăn chặn sẹo lồi thì phải thực hiện ngay biện pháp ngăn ngừa sẹo lồi khi vết thương vừa lành.

Biện pháp ngăn ngừa sẹo lồi:

Biện pháp hữu hiệu để chăm sóc bệnh để ngăn ngừa sẹo lồi là băng ép liên tục lên vùng sẹo. Băng ép ngay sau khi vết thương lành và được thực hiện với băng thun giãn hoặc với các bộ quần áo tạo áp suất (pressure garments), mặt nạ áp suất, găng tay áp suất… tùy theo từng vùng bị phỏng.

Đối với những vùng bỏng sau 3 tuần mới lành đều có nguy cơ cao phát triển thành sẹo phì đại. Do đó những vùng bỏng này cần được phải được băng ép.

Băng ép suốt 24/24 trong thời gian từ 18 đến 24 tháng sau khi bị bỏng, có nghiã là cho đến khi sẹo không còn khả năng phì đại và co rút nữa.

Trường hợp của cháu đã được 2 năm biện pháp ngăn ngừa ít có hiệu quả
Vậy em hãy đưa cháu đến viện da liễu để khám và điều trị.

Bị bỏng thì nên làm gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Cô cháu bị túi nước canh nóng đổ vào người nên bị bỏng từ thắt lưng đến chân rất đau và rát. Vậy giờ cô cháu nên làm gì ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn!

Bỏng là một cấp cứu khẩn trương. Khi bị bỏng việc trước mắt đầu tiên là cách ly nạn nhân khỏi nguyên nhân gây bỏng và ngâm hoặc cho vùng bị bỏng với nước lạnh khoảng 25 độ C. Việc không nên làm là tự ý bóc chọc các nốt phồng ở trên da, đắp tẩm các sản phẩm nào đó theo dân gian. Việc nên làm là đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để chữa trị nếu mức độ bỏng bị nặng nề, diện tích lớn.

Chúc cô bạn mạnh khỏe!

Làm gì khi bị bỏng nắng?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Thưa bác sĩ! Sau khi phơi nắng ngoài trời liên tục 5 tiếng thì da cháu bị bỏng rát và rất đau, vậy cháu có thể làm gì để giảm bớt tình trạng này?

Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào cháu!

Sau khi cháu phơi nắng ngoài trời liên tục 5 tiếng thì tổn thương da xuất hiện. Da của cháu đã bị cháy nắng, nó không gây nguy hiểm, nó chỉ làm xỉn màu da và sẽ biến mất sau một thời gian (tùy cơ địa mỗi người). Nhưng bỏng nắng thì khác, nó thường gây tổn thương da trên diện rộng, có thể kèm theo đau đầu, sốt và mệt mỏi.

Sau khi phơi nắng về cháu thấy da các vùng hở như mặt, tam giác cổ áo, mu tay, cẳng tay có cảm giác bị rát, nóng hoặc châm trích, đôi khi có thể hơi ngứa. Sau đó da của các vùng này bị đỏ lên, lúc đầu đỏ nhạt sau mức độ đỏ cứ tăng đần. Có thể sưng nề và có cảm giác bị căng cứng vùng da đó. Độ vài giờ đồng hồ da bớt đỏ, bớt căng, rát. Sau 1-3 ngày da đỡ đở rồi trở nên thẫm màu và bong vảy nhẹ. Vảy nhở như phấn, cám và có thể bong vài lần mới dừng. Nền da phía dưới vẫn còn hồng nhạt hoặc có thể có màu nâu nhạt kiểu như rám nắng.

Điều trị bỏng nắng cần phải bôi kem chống nắng ban ngày, bôi trước khi ra nắng 15 phút và bôi nhắc lại cứ mỗi 2 giờ/1 lần nếu vẫn tiếp tục phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Thời gian bắt buộc phải bôi là từ 9 – 14 giờ. Nếu da đỏ nhẹ thì có thể bôi thêm hồ nước buổi tối. Da đỏ nhiều thì bôi một trong các chế phẩm có chứa Corticoide hoạt phổ nhẹ như: Eumovate, Elomet…Bôi ngày 2 lần trong 5-7 ngày. Nếu có ngứa hoặc rát kèm theo thì uống một trong các thuốc kháng Histamin như: Chlorpheniramin, Phenergan…Uống sau khi ăn tối trong 5 ngày. Nếu tình trạng bong vảy phấn, vảy cám kéo dài thì bôi các thuốc tái tạo da như kem vitamin E. Nếu da bị thâm nhiều thì bôi các chế phẩm làm nhạt màu các vết thâm chó chứa Hydroquinon từ 2-4%.

Chúc cháu mau lành da và khỏe mạnh!

Sơ cấp cứu vết bỏng thế nào để nhanh khỏi?


Câu hỏi bởi: quanpcc4

Thưa bác sĩ!

Tôi bị bỏng, vết bỏng hiện nay phồng rộp lên rất to và rất đau. Tôi không biết phải xử trí như thế nào. Xin bác sĩ giải đáp giúp tôi.

Tôi xin cảm ơn!

Bác sĩ Đặng Phương Liên


Chào bạn!

Bỏng là một tai nạn thường gặp trong lao động và sinh hoạt hằng ngày. Tác nhân gây bỏng có nhiều loại:

Bỏng nhiệt thường gặp nhất, chia thành 2 nhóm: do nhiệt khô (lửa, tia lửa điện, kim loại nóng chảy…) và do nhiệt ướt (nước sôi, thức ăn nóng sôi, dầu mỡ sôi, hơi nước nóng…)

Bỏng điện: do luồng điện có hiệu điện thế thông dụng (<1000V) và do luồng điện có hiệu điện thế cao (>1000V). Sét đánh cũng gây bỏng do luồng điện có hiệu điện thế cao.

Bỏng hóa chất, hay gặp bỏng do vôi tôi nóng là loại bỏng vừa do sức nhiệt vừa do chất kiềm.

Bỏng do các bức xạ: tia hồng ngoại, tia tử ngoại, tia Rơnghen, tia laser…

Cách sơ cứu khi bị bỏng:

Khẩn trương tìm mọi cách để sớm loại trừ tác nhân gây bỏng như ngắt cầu dao điện, dùng nước hoặc cát để dập tắt lửa, hoặc có thể dùng áo khoác, chǎn, vải bọc kín chỗ đang cháy để dập lửa (không dùng vải nhựa, ni lông để dập lửa).

Cắt bỏ phần quần áo đang cháy âm ỉ hoặc bị thấm đẫm nước nóng, dầu nóng hay các dung dịch hóa chất. Chú ý trong quá trình này tránh làm tổn thương thêm vết bỏng.

Bọc vùng bỏng chắc chắn rồi đổ nước lạnh lên. Với những vết bỏng ở tay, chân có thể để dưới vòi nước máy chảy trực tiếp lên vùng bỏng trong 20-30 phút hoặc ngâm phần chi bị bỏng trong nước lạnh nhưng phải thay nước rất hay 3-4 phút một lần cho đến khi nạn nhân thấy đỡ đau rát.

Tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, ủng, vòng, nhẫn… trước khi vết bỏng sưng nề.

Che phủ vùng bỏng bằng gạc, vải vô khuẩn (nếu có) hoặc bằng gạc hoặc vải sạch.

Bạn bị bỏng rộp (bỏng độ 2), lớp biểu bì và một phần của lớp trung bì bị tổn thương, các túi phỏng nước được hình thành, nếu các túi phỏng nước vỡ ra sẽ để lộ bề mặt màu hồng và cũng rất đau. Khi được sơ cứu đúng cách, giữ sạch vết bỏng để tránh nhiễm khuẩn thì bỏng độ 2 sẽ tự khỏi sau vài ba tuần.

Hiện tại bạn cần giữ sạch vết bỏng, tránh để nhiễm bẩn, vỡ nốt phồng rất dễ nhiễm khuẩn. Vết phồng nhỏ sẽ xẹp dần sau vài ngày. Nếu vết bỏng phồng rộp quá to, gây đau rát và dễ vỡ, bạn có thể đến các cơ sở y tế để chích vết phồng làm thoát bớt dịch, tránh làm nhiễm khuẩn vết bỏng. Nếu được giữ sạch, hầu hết các vết bỏng sẽ lành tự nhiên. Việc bôi bất kỳ loại thuốc nào lên vết bỏng cho chóng lành cần do bác sĩ chỉ định dựa trên tổn thương cụ thể. Bạn không nên tự ý bôi, đắp các loại kem, thuốc… để tránh gây nhiễm trùng, để lại sẹo xấu.

Chúc bạn mau khỏi!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl