Câu hỏi hay về chứng giảm tiểu cầu ở người vị thành niên


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Nhóm tuổi vị thành niên là một trong số các đối tượng có thể mắc chứng giảm tiểu cầu. Tuyển tập câu hỏi sau đây sẽ giải đáp những thắc mắc của bạn liên quan đến vấn đề này.

Chảy máu cam liên tục có phải do viêm xoang vẹo vách ngăn tiến triển?


Câu hỏi bởi: Trân Trân

Chào bác sĩ!

Thưa bác sĩ! Con năm nay được 14 tuổi. Dạo gần đây con hay bị chảy máu cam 4 ngày liền. Con có bị viêm xoang vẹo vách ngăn, không biết chảy máu cam có phải do viêm xoang tiến triển không?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Vẹo vách ngăn là dị tật vách ngăn mũi của bạn, là một trong các yếu tố thuận lợi cho các viêm nhiễm của mũi xoang phát triển. Còn chảy máu cam là do tổn thương lớp mao mạch của vách mũi gây nên. Các mao mạch này dễ bị tổn thương và chảy máu khi thời thiết khô, độ ẩm không khí thấp hoặc có thể do thói quen ngoáy mũi làm xây sát niêm mạc vách mũi. Ngoài ra, chảy máu cam có thể do các lí do bệnh lý như: trong bệnh sốt xuất huyết (ngoài biểu hiện chảy máu cam, có thể có chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da,…), bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, bệnh lý tủy xương (suy tủy), các bệnh lý ác tính về máu,… Nếu chảy máu cam không tự cầm được thì bạn nên đi khám để bác sĩ khám và chữa trị cho bạn.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Thường xuyên chảy máu cam bên phải là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Em năm nay 17 tuổi, thường bị chảy máu cam nhưng chỉ chảy bên phải. Bác sĩ cho em hỏi là em bị bệnh gì? Có nghiêm trọng không và phải chữa làm sao ạ?

Xin cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Chảy máu cam do nhiều lí do gây nên:

Viêm mũi, viêm xoang.

Polyp mũi.

Giảm tiểu cầu.

Giảm sức bền thành mạch.

Rối loạn quá trình đông cầm máu.

Em hay chảy máu cam ở mũi bên phải do đó nhiều khả năng em có viêm nhiễm ở mũi. Em nên khám bác sĩ Tai – Mũi – Họng để chẩn đoán và chữa trị, khi chữa trị khỏi thì biểu hiện chảy máu cam sẽ hết.

Chúc em mạnh khỏe!

Hỏi về bệnh xuất huyết giảm tiểu cẩu ở trẻ 11 tuổi?


Câu hỏi bởi:

Xin chào bác sĩ.

Con trai tôi năm nay 11 tuổi cháu bị xuất huyết giảm tiểu cầu đang chữa trị tại bệnh viện Nhi Hải Phòng. Cháu nhập viện ngày 6/5 xét nghiệm tiểu cầu còn 3,8 các bác sĩ cho truyền 250 tiểu cầu và tiêm thuốc Solumendol hôm sau truyền tiếp 250 nữa. Xét nghiệm lại tiểu cầu của cháu lên 23. Vẫn tiếp tục tiêm solu và xét nghiệm lại lên được 65 và đến ngày 12 thì lên được 87 bác sĩ cho giảm liều. Đến ngày 16 xét nghiệm lên được 96. Bác sĩ cho tôi hỏi bệnh của con tôi như thế có tiến triển không vì tôi thấy đã chữa trị 10 ngày rồi mà tiểu cầu cẫn chưa lên cao được. Tôi muốn chuyển viện cho cháu lên tuyến Trung ương. Xin bác sĩ giải đáp giúp nên chữa trị ở bệnh viện nào?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn!

Xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát (còn gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch hay vô căn) là một rối loạn đông máu – cầm máu do hệ miễn dịch của người bệnh tự phá hủy tiểu cầu của chính bản thân. Tiểu cầu là một trong ba loại tế bào chính trong máu, sau hồng cầu và bạch cầu. Nó có chức năng trong việc đông cầm máu tại vị trí chảy máu của cơ thể. Vì thế, nếu cơ thể thiếu hay giảm nhiều lượng tiểu cầu sẽ dẫn đến việc quá trình đông cầm máu không hiệu quả và người bệnh bị mất máu ồ ạt và có thể nguy hiểm đe dọa tính mạng.

Xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát là bệnh gặp khá phổ biến ở trẻ em. Xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em thường có diễn biến cấp tính. Khoảng 70- 80% các tình huống tiểu cầu trở lại bình thường một vài tuần đến 3 tháng sau khi được chữa trị. Chỉ 20% trở thành mạn tính, số lượng tiểu cầu thấp kéo dài hoặc tái diễn, mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp chữa trị. Khi số lượng tiểu cầu giảm nặng cần có các biện pháp đề phòng chảy máu, đặc biệt là chảy máu ở phổi, não dễ gây tử vong cho bệnh nhi.

Nguyên tắc của chữa trị xuất huyết giảm tiểu cầu là dựa vào cơ chế miễn dịch của bệnh. Thuốc kinh điển để chữa trị là Corticosteroid. Trong các tình huống có tiểu cầu giảm nặng, nguy cơ xuất huyết nội tạng hoặc não cao thì cần truyền khối tiểu cầu. Con bạn đã được các bác sĩ ở bệnh viện Nhi Hải Phòng chữa trị đúng phác đồ. Số lượng tiểu cầu của cháu đang tăng dần, đó là dấu hiệu khả quan. Bạn không nên sốt ruột, nóng vội mà cần bình tĩnh, phối hợp tốt với các nhân viên y tế chăm sóc cháu chu đáo, tránh để các biến chứng xảy ra. Cần phải để cơ thể cháu có thời gian hồi phục. Trong lúc tình trạng sức khỏe của cháu chưa thật ổn định, cần để cháu nghỉ ngơi tại giường, hạn chế vận động, tránh va chạm; giữ vệ sinh răng miệng; đảm bảo chế độ dinh dưỡng, tránh ăn những thức ăn gây xước niêm mạc miệng, lưỡi…; theo dõi tình trạng xuất huyết, mức độ mất máu. Việc chuyển viện cho cháu lúc này phải theo chỉ định của bác sĩ, để tránh di chuyển làm tác động đến sức khỏe của cháu.

Chúc cháu mau khỏe!

Có nên cắt lách khi mắc giảm tiểu cầu vô căn không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Năm nay cháu 19 tuổi, cháu bị giảm tiểu cầu vô căn được 4 năm, truyền huyết tương 2 lần còn từ đó đến nay chỉ dùng thuốc để tăng tiểu cầu. Lúc đầu uống Prednisolone 5mg, 12 viên/ngày, sau đó cháu uống giảm liều dần và bây giờ cháu uống Medrol 4mg/ngày. Cháu muốn hỏi là cháu có nên cắt lách không và nếu bác sĩ không chỉ định cắt lá lách thì cháu xin cắt có được không?

Cháu cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Chỉ định cắt lách ở bệnh nhân xuất huyết giảm tiểu cầu chỉ được đưa ra trong các tình huống sau:

Bệnh nhân có nguy cơ chảy máu nặng, đe dọa tình mạng, không đáp ứng với chữa trị Nội khoa.

Thể mãn tính, có xuất huyết trên lâm sàng và số lượng tiểu cầu luôn < 30G/l, không đáp ứng với chữa trị Nội khoa.

Vì vậy nếu bạn vẫn đáp ứng tốt với thuốc chữa trị thì không nên cắt lách, vì đây là một cuộc phẫu thuật nên cũng không thể tránh khỏi các tai biến, bạn nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ nhé.

Chúc bạn sống khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.