Thắc mắc về hiện tượng ngứa lòng bàn tay


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Ngứa lòng bàn tay được xem là một trong những hiện tượng khá dễ gặp. Tuyển chọn câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Ngứa lòng bàn tay và chân, nổi sảy để lại sẹo là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Bác sĩ cho em hỏi em thấy ngứa 2 lòng bàn chân và tay thấy nổi những vùng như bị sảy và để lại sẹo. Cho em hỏi là em bị làm sao vậy ạ?

Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đặng Phương Liên


Chào bạn!

Qua thông tin trong thư, bạn có thể mắc bệnh tổ đỉa. Đây là một thể đặc biệt của bệnh chàm. Biểu hiện bệnh là mụn nước màu trắng trong, kích thước nhỏ khoảng 1mm, nằm sâu, chắc, khó vỡ, thường tập trung thành từng chùm hơi gồ trên mặt da, hầu hết ở vị trí lòng bàn tay, rìa ngón tay. Tổn thương rất ngứa, nếu gãi hoặc chà xát thì ngứa càng tăng và mụn nước xuất hiện càng nhiều. Bệnh diễn biến trong vài tuần. Có thể mụn nước tự xẹp thành màu vàng rơm và bong vảy, để lại nền da non màu hồng hoặc bị nhiễm khuẩn thành mụn mủ, gây đau nhức. Bệnh tổ đỉa thường xảy ra từng đợt, có khi không chữa trị gì cũng tự khỏi rồi một thời gian lại xuất hiện, bệnh cũng không lây truyền cho người khác.

Nguyên nhân gây bệnh này vẫn chưa rõ, song bệnh thường gặp ở những nơi bị ô nhiễm hóa chất như nước thải công nghiệp, thuốc trừ sâu, công nhân vệ sinh, công nhân cơ khí (tiếp xúc với dầu mỡ). Những yếu tố này ảnh hưởng lên người có cơ địa dị ứng khiến bệnh phát sinh. Ngoài ra, bệnh tổ đỉa đôi khi gặp ở những người có rối loạn thần kinh giao cảm, da bị nhiễm khuẩn như mắc bệnh do nấm kẽ… Bạn nên đi khám chuyên khoa Da liễu, để được bác sĩ đánh giá tổn thương, xác định nguyên nhân và kê đơn thuốc chữa trị.

Thông thường, bệnh nhân có thể dùng thuốc chống dị ứng thông thường, chữa trị nguyên nhân vi sinh vật gây tổ đỉa (dùng kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn, uống thuốc kháng nấm nếu bị nhiễm nấm), bổ sung vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C. Nếu mụn nước bị vỡ, có thể bôi thuốc sát khuẩn tránh và uống thêm kháng sinh phòng bội nhiễm. Bên cạnh đó, bạn cần tránh tiếp xúc xăng dầu, mỡ, xà phòng, hóa chất, các chất tẩy rửa. Khi cần phải đeo găng bảo vệ; cắt ngắn móng tay và giữ khô, sạch da lòng bàn tay, lòng bàn chân. Không nên gãi, chà xát làm xây xước da, vỡ mụn nước dễ gây bội nhiễm khiến chữa trị lâu khỏi. Tránh ăn các loại thực phẩm gây dị ứng.

Chúc bạn mau khỏi!

Ngứa lòng bàn tay, lòng bàn chân phải chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: nhutran96

Cháu chào bác sĩ.

Năm nay cháu 19 tuổi. Cháu bị ngứa ở giữa lòng bàn tay và lòng bàn chân, nó xuất hiện từ hồi tháng 6 năm ngoái và chỉ bị đến tháng 7 (thời gian đấy cháu ôn thi nên thức khuya và ngủ không đủ giấc, ăn uống cũng không ổn định) và thời gian gần đây cháu lại ngứa tiếp, chủ yếu là vào ban đêm chừng 12h – 3h sáng. Cho cháu hỏi là cháu bị gì và cần điều trị như thế nào ạ?

Cháu cảm ơn.

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào cháu!

Theo thông tin cháu cung cấp có thể cháu bị dị cảm lòng bàn tay bàn chân. Đây là bệnh do yếu tố thần kinh không có tổn thương ở da. Cháu nên ngâm chân tay hàng ngày và nước ấm có pha tí muối và massa xoa bóp, xoa dầu gió bàn tay chân. Trong một thời gian không đỡ phải đi bác sĩ chuyên khoa khám và chữa trị.

Chào cháu!

Nổi mẩn ngứa lòng bàn tay và gan bàn chân khi sống ở Hà Nội, sống ở nơi khác thì không bị


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Một năm trở lại đây. Em bị nổi mẩn ngứa lòng bàn tay và gan bàn chân. Trước kia thì chỉ bị ở tay và chân thôi, gần đây bắt đầu ngứa ra khắp người. Cơn ngứa chỉ kéo dài 1 lúc rồi các nốt mẩn ngứa lại lặn mất. Một ngày bị vài lần. Đặc biệt em chỉ bị ngứa khi sống vùng Hà Đông – Hà Nội, cơn ngứa và các nốt ngứa không suất hiện khi em đi xa khỏi Hà Nội. Đi cả tháng cũng không bị tái phát bệnh ngứa này. Nhưng cứ về nhà thì chỉ hôm sau là lại bị ngứa. Có người khuyên em mua thuốc bổ gan loại tốt để uống nhưng em chưa thử. Xin bác sĩ giải đáp giúp em cách trị bệnh.

Xin cảm ơn bác sĩ ạ!

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào em!

Qua thông tin em mô tả, em bị nổi mẩn ngứa ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Nguyên nhân gây ngứa như vậy rất đa đạng, tuy nhiên, do tình trạng ngứa chỉ xuất hiện khi sống ở vùng này mà hết ngứa khi em rời đi nơi khác. Như vậy, có thể nghĩ nhiều tới tình trạng dị ứng tiếp xúc, có thể một dị nguyên nào đó khu vực nhà em sinh sống. Tình trạng ngứa do tiếp xúc với dị nguyên phụ thuộc vào cơ địa bản thân, có thể mọi người trong gia đình không bị dị ứng nhưng em lại bị.

Do vậy, trước hết em nên lưu ý tới các yếu tố nghi ngờ là dị nguyên ở nhà và vùng quanh nhà, dị nguyên có thể là bất kỳ thứ gì và việc xác định dị nguyên đôi khi khá khó khăn, cần loại trừ dần. Dị nguyên có thể là bụi, khói, hơi, chất lỏng, chất rắn,… và ngay cả những vật dụng, đồ dùng sinh hoạt thông thường cũng có thể là tác nhân gây dị ứng (nước hoa, mỹ phẩm, kem chống nắng, dầu gội,…). Với việc dị ứng ở vùng da hở và vùng da có tiếp xúc, cọ sát như bàn tay, bàn chân thì cần tìm các lí do hay gặp như nguồn nước, xà phòng giặt, đồ dùng sinh hoạt cầm tay,… Chỉ khi xác định được chính xác dị nguyên gây dị ứng thì mới phòng ngừa dị ứng hiệu quả.

Chúc em mạnh khỏe.

Sưng ngón tay, bị đỏ và ngứa lòng bàn tay, nắm tay bị tê, ngứa toàn thân gãi sưng lên như bị kiến cắn.


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Dạ thưa bác sĩ, em mới sinh được 2 tháng tay em bị sưng ngón tay kèm theo ngón tay bị đỏ và ngứa lòng bàn tay. Khi em nắm bàn tay lại thì bị tê em cũng ngứa toàn thân khi em gãi thì sưng lên như bị kiến cắn. Vậy cho em hỏi bác sĩ em có làm sao không? Mong bác sĩ cho em biết.

Em xin chân thành cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Theo mô tả có thể bạn bị mề đay. Mề đay là bệnh ngoài da khá phổ biến có thể do rất nhiều lí do gây ra như thời tiết, thực phẩm, thuốc, hoá chất, vi khuẩn, ký sinh trùng, các bệnh hệ thống, bệnh nội tiết, do di truyền… Trong đó với tình huống mề đay do thời tiết thì thời tiết lạnh, thời tiết nóng, thời tiết ẩm ướt như vào mùa mưa cũng đều có thể gây ra mề đay tuỳ theo cơ địa từng người.

Phương pháp để chữa trị mề đay thường không đặc hiệu và chủ yếu là phòng ngừa khởi phát bệnh. Việc cho máu cũng không giúp khỏi bệnh. Ngoài việc tránh các yếu tố nguy cơ gây khởi phát bệnh, chữa trị các biểu hiện khi bệnh bùng phát (bôi và dùng thuốc chống ngứa), có thể sử dụng biện pháp giải mẫn cảm… tại các cơ sở y tế chuyên khoa Da liễu Dị ứng hoặc Dị ứng miễn dịch lâm sàng. Bạn nên đi khám Da liễu để chẩn đoán và chữa trị bệnh sớm.

Chúc bạn sức khỏe!

Ngứa lòng bàn tay và chân


Câu hỏi bởi: quân

thưa bác sĩ.tôi năm nay 29 tuổi.từ trước đến giờ tôi ăn nhiều thực phẩm và k bị dị ứng hay ngứa gì cả.ăn từ ong rồi cào cào..đều k sao hết.nhưng từ khi tôi lên nhà mới cách đây 2 tháng.tôi có dùng nước tẩy rửa okay để tẩy nền nhà và có lau chùi nhà cửa k dùng găng tay.thế là tôi cứ bị ngứa chủ yếu ở lòng bàn tay và chân nổi nốt màu đỏ.càng gãi càng ngứa bôi thuốc k được.chỉ có tiêm thuốc dimedrol là khỏi ngứa ( tôi có nhờ bác sĩ hàng xóm và bác ấy tiêm ) .tôi tiêm 1 tuần rồi thôi.từ đó đến nay tôi cứ bị ngứa đi ngứa lại mãi k khỏi.nhất là ăn tanh như cá và da gà vào thì càng ngứa nổi đỏ ở lòng bàn tay bàn chân.ở người thì bị ít thôi k đáng kể.mong bác sĩ xem ảnh rồi giúp tôi xem tôi bị bệnh gì hay là dị ứng gì và chữa trị dứt điểm giúp tôi.tôi xin chân thành cảm ơn.

Bác sĩ Hà Văn Chấn


Chào bạn!
Qua hình ảnh bạn gửi, triệu chứng mà bạn mô tả. Thì đây bạn bị bệnh tổ đỉa.
Tổ đỉa có tên khoa học là Dysidrose, là một thể đặc biệt của bệnh chàm, khu trú ở lòng bàn tay, bàn chân và rìa các ngón, Bệnh thường gặp ở tuổi từ 20 đến 40, nam nữ có tỷ lệ bằng nhau

Triệu chứng bệnh tổ đỉa

– Mụn nước màu trắng trong là triệu chứng chính, kích thước nhỏ khoảng 1mm, nằm sâu, chắc, khó vỡ, thường tập trung thành từng chùm hơi gồ trên mặt da. Đôi khi nhiều mụn nước kết tụ thành bóng nước lớn.

– Vị trí: 90% là gặp ở lòng bàn tay và các rìa ngón tay hoặc là chỉ gặp một trong hai chỗ đã nói trên, còn ở lòng bàn chân và rìa ngón chân thì ít gặp hơn. Tổn thương thường đối xứng và bệnh thường không bao giờ vượt quá cổ tay, cổ chân.

– Bệnh thường xảy ra từng đợt, trước khi nổi mụn nước thường có cảm giác ngứa, rát, một số trường hợp kèm tăng tiết mồ hôi. Mụn nước của bệnh tổ đỉa thường có xu hướng khô ít khi tự vỡ, rồi để lại một điểm dày sừng màu vàng đục, tróc da.

– Khi bị nhiễm khuẩn thì mụn nước hoặc bóng nước sẽ đục, sưng đỏ kèm theo sưng hạch bạch huyết ở vùng kế cận và người bệnh nóng sốt.

Cũng như eczema, tổ đỉa gây ngứa nhiều, bệnh nhân gãi, chà xát làm vỡ mụn nước, dễ thành nhiễm khuẩn phụ, sưng tấy, nổi hạch, có khi phát sốt. Bệnh tiến triển dai dẳng, hay tái phát theo chu kỳ (dân gian gọi là theo tuần trăng) thành mạn tính, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, trở ngại nhiều cho sinh hoạt, lao động nếu không được điều trị đúng đắn.
Nguyên nhân gây bệnh:

Nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa rất phức tạp. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:

– Dị ứng với hóa chất trong sinh hoạt, trong nghề nghiệp như xăng, dầu mỡ, thuốc kháng sinh, xà bông thơm, xà phòng giặt, chất tẩy rửa, dầu thơm, xi măng, vôi v.v…
– Do nhiễm khuẩn trong khi làm việc, tiếp xúc với đất, nước bẩn.
– Dị ứng với nấm kẽ chân.
– Do tăng tiết mồ hôi tay chân liên quan đến rối loạn thần kinh giao cảm, làm việc trong môi trường nóng ẩm.

Những yếu tố sau đây có thể thúc đẩy tình trạng bệnh khởi phát hoặc nặng hơn:
• Yếu tố tại chỗ: chất tẩy rửa, xà phòng, dung môi, giày dép chật, chất liệu da, đổ mồ hôi nhiều…
• Yếu tố trong không khí: khói thuốc, lông chó mèo, đất bùn, mạt bụi nhà…
• Nhiễm trùng (tụ cầu vàng)
• Thức ăn: hải sản, trứng, thịt gà, bò, đậu phộng, đậu nành, đồ lên men, tinh bột…
Điều trị

Điều trị bệnh tổ đỉa là nhằm làm cho da lành như bình thường, nhưng bệnh có thể tái phát lại nếu hiện diện các yếu tố thúc đẩy bệnh như đã kể ở trên.

Cũng như đối với eczema, điều trị tổ đỉa thường khó khăn. Hai yếu tố nhiễm khuẩn, dị ứng thường kết hợp. Tùy từng trường hợp, thầy thuốc sẽ phải dùng đến các thuốc chống nhiễm khuẩn, chống nấm, chống dị ứng toàn thân hoặc tại chỗ. Phải điều tra các chất gây dị ứng để loại trừ. Nếu do rối loạn hấp thụ vitamin, cần bổ sung vitamin thích hợp ( vitamin PP, C, B6 ).

– Tránh bóc vảy, chọc lễ mụn. Nên rửa tay chân nhẹ, không cào gãi,làm xây xước các mụn nước đề phòng nhiễm khuẩn phụ. Không nên ngâm tay nhiều làm ẩm ướt lớp sừng, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển mạnh hơn.
– Tránh tiếp xúc xăng dầu, mỡ, xà phòng, hóa chất, thuốc tẩy rửa. Khi cần phải đeo găng bảo vệ.
– Cắt ngắn móng tay và giữ khô, sạch da lòng bàn tay, lòng bàn chân

Điều trị tại chỗ
– Ngâm rửa tay chân với thuốc tím pha loãng 1/10.000có màu hồng.
– Chấm thuốc BSI 1% – 3% khi chỉ có mụn nước đơn thuần.
– Khi tổ đỉa đã nhiễm khuẩn có mủ hoặc bóng nước to thì chích cho vỡ ra, sau đó bôi thuốc chống nhiễm khuẩn như Milian, Eosine.
– Chiếu tia tử ngoại (Ultra violet) tại chỗ.

Điều trị toàn thân
– Uống thuốc chống dị ứng thông thường như: Chlopheniramine , Cetirizine, Loratadine…
– Dùng kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn.
– Dùng thuốc kháng nấm nếu bị nhiễm nấm.

Bạn hãy tránh loại xà phòng, và các chất nghi gây dị ứng mà bạn đã nêu.Bạn hãy đến viện da liễu để khám và điều trị sớm nhé,không nên chỉ dùng một loại tiêm Dimedron đơn thuần điều trị bệnh sẽ không được dứt điểm.
Chúc bạn mau lành bệnh.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.