Tuyển tập thắc mắc hữu ích liên quan đến các vấn đề sức khỏe về bướu


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Bạn mắc các vấn đề về bướu những không biết phải làm thế nào? Những giải đáp từ bác sĩ chuyên khoa dưới đây có thể sẽ giúp ích nhiều cho bạn đấy!

Phân biệt bướu cổ và Basedow


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Xin hỏi bác sĩ biểu hiện của bệnh bướu cổ đơn thuần và bệnh Basedow khác nhau thế nào? Và cách chữa trị bệnh ra sao?

Xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn!

Giữa 2 bệnh Basedow và bướu cổ đơn thuần có sự khác nhau cơ bản về triệu chứng của cường giáp tuyến giáp hoạt động quá mức để phân biệt.

Bệnh Basedow (hay còn gọi là bệnh Graves) là một bệnh tự miễn thường tác động đến tuyến giáp, làm phì đại tuyến giáp lên gấp 2 lần hoặc nhiều hơn (bướu cổ), gây cường giáp (tăng năng tuyến giáp; tuyến giáp hoạt động quá mức). Trong thực tế, bệnh Basedow thường có triệu chứng của hội chứng cường giáp: Bệnh nhân ăn nhiều, tinh thần bất ổn, mất ngủ hoặc khó ngủ, sụt cân rất nhiều, run tay,… và kèm theo bướu giáp lan tỏa.

Bướu cổ đơn thuần gọi tắt là bướu tuyến giáp có chức năng bình thường hay bướu tuyến giáp lành tính, đôi khi quen gọi một cách ngắn gọn là bướu cổ. Đối với bướu giáp đơn thuần, bệnh nhân thường không có tình trạng cường giáp. Chỉ tình cờ thấy bướu lớn hơn bình thường, hoặc do người khác phát hiện hoặc đi khám sức khỏe bác sĩ phát hiện ra có một khối u ở giữa cổ, sờ có ranh giới rõ, không dính vào da, không đau, mềm hay chắc, di động theo nhịp nuốt lên xuống, khi bướu to có thể gây chèn; không có tiếng thổi tại đỉnh bướu.

Điều trị bệnh cũng khác nhau:

Đối với bệnh Basedow: Mặc dù đến nay, những hiểu biết về cơ chế bệnh sinh của Basedow đã tương đối rõ ràng, nhưng vẫn chưa có một loại thuốc hay phương pháp chữa trị nào giải quyết được nguyên nhân sinh bệnh. Chủ yếu vẫn là chữa trị cường năng tuyến giáp bằng một trong ba phương pháp căn bản: Điều trị nội khoa với thuốc kháng giáp tổng hợp, chữa trị bằng phẫu thuật và chữa trị bằng I-ốt đồng vị phóng xạ. Mỗi phương pháp chữa trị đều có ưu và nhược điểm khác nhau. Việc lựa chọn phương pháp nào, cần có sự giải đáp của bác sĩ chuyên khoa dựa và tùy thuộc vào tình hình bệnh tật, điều kiện xã hội, hoàn cảnh cụ thể của mỗi bệnh nhân.

Đối với bướu cổ đơn thuần: Ăn muối I-ốt, và một số thức ăn có nhiều I-ốt như hải sản, trứng, sữa,… Không dùng kéo dài các thuốc, thức ăn ức chế hấp thu I-ốt, sản xuất hormon đã nêu trên. Khi bướu to chữa trị bằng thuốc hormone giáp: L.Thyroxin theo sự chỉ dẫn cửa bác sĩ.

Chúc bạn sức khỏe.

Bướu giáp


Câu hỏi bởi: Bùi dương

Thưa bác sĩ,năm nay cháu 25 tuổi.là nữ ạ.đầu tháng 10 cháu có đi khám định kỳ sức khỏe của công ty.bác sĩ ở đó nói rằng cháu bị bướu giáp độ 2 cộng với tim đập nhanh phải đi khám lại.
Cháu chưa có thời gian đi khám,vì vậy cháu hỏi bác sĩ là bệnh của cháu có nguy hiểm như thế nào ạ
Cháu cảm ơn nhiều ạ!

Bác sĩ Hà Văn Chấn


Chào cháu:

Với bướu giáp to độ 2 cộng với tim đập nhanh cần theo dõi bệnh cường giáp.Nếu không đi khám và điều trị sớm bệnh cường giáp gây biến chứng nguy hiểm như sau:

Cường giáp là bệnh nội tiết khá phổ biến ở Việt Nam, trong đó Basedow là bệnh cường giáp thường gặp nhất. Bệnh có đặc trưng là gầy sút nhiều, tim đập nhanh, run tay, cổ to và một số bệnh nhân (BN) có mắt lồi. Tuy có nhiều triệu chứng nhưng do diễn biến tăng dần nên nhiều trường hợp được chẩn đoán muộn. Nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm, BN cường giáp có thể bị nhiều biến chứng mà phổ biến và nguy hiểm nhất là các biến chứng về tim mạch.
Các rối loạn nhịp tim:

Tăng hormon giáp làm nhịp tim nhanh thường xuyên kể cả lúc nghỉ, có thể lên tới 110-120 lần/phút. Nhịp tim nhanh được coi là dấu hiệu trung thành nhất của bệnh cường giáp nhưng trong phần lớn các trường hợp, nhịp tim vẫn đều (gọi là nhịp nhanh xoang). Có khoảng 10-15% BN cường giáp có biến chứng loạn nhịp, thường gặp nhất là rung nhĩ (tâm nhĩ không đập theo nhịp bình thường nữa mà đập rất nhanh và không đều, từ 300-600 lần/phút). Khi đó các BN thường có biểu hiện hồi hộp, đánh trống ngực nhiều, một số bị đau ngực, thậm chí có BN bị ngất. Nghe tim thấy tâm thất đập không đều nhưng ở tần số rất nhanh, có thể lên tới 170-180 lần/phút.

Khi bị loạn nhịp, tim bóp lúc mạnh lúc yếu, hậu quả là máu trong buồng tim không được tống hết ra ngoài sẽ dần tạo thành cục máu đông. Cục máu đông này rất dễ bị trôi lên não gây ra tai biến mạch não. Theo nhiều nghiên cứu, các BN bị rung nhĩ kéo dài có nguy cơ bị tai biến mạch não cao gấp 5-7 lần so với người bình thường và cứ 6 BN bị tai biến mạch não thì có 1 BN có nguyên nhân là do loạn nhịp tim.

Tăng huyết áp: Các BN cường giáp thường có tăng huyết áp, chủ yếu là huyết áp tối đa còn huyết áp tối thiểu vẫn bình thường, khoảng cách huyết áp tăng lên. Tuy mức tăng huyết áp không nhiều và hiếm khi cần phải điều trị nhưng nếu kéo dài thì nó cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tim, góp phần gây suy tim.

Hội chứng suy tim: Tăng hormon giáp làm tim co bóp mạnh và nhanh, hoạt động này cần các tế bào cơ tim khỏe mạnh và được nuôi dưỡng cung cấp đủ oxy. Nếu tình trạng này kéo dài hoặc khi dự trữ cơ tim không đảm bảo cho tim đáp ứng được nhu cầu tăng cung lượng tim xảy ra trong cường giáp thì sẽ dẫn đến suy tim, lúc đầu là suy tim trái nhưng về sau thường là suy tim toàn bộ. Suy tim do cường giáp có đặc điểm khác biệt với phần lớn các trường hợp suy tim khác là lượng máu do tim bơm ra lại cao hơn bình thường (gọi là suy tim tăng cung lượng), tuy nhiên sự khác biệt này chỉ ở giai đoạn đầu, còn nếu kéo dài thì cuối cùng cung lượng tim cũng giảm và biểu hiện lâm sàng của suy tim giai đoạn muộn trong cường giáp không khác với suy tim do các nguyên nhân khác, đó là khó thở, phù, gan to, đái ít, tím môi…

Hội chứng suy vành: Tim đập nhanh và mạnh kéo dài sẽ làm các tế bào cơ tim phì đại, nhất là thất trái, khi đó nhu cầu oxy của cơ tim sẽ tăng lên. Tuy nhiên do máu đi vào mạch vành (là các mạch máu nuôi dưỡng cơ tim) trong thời kỳ tâm trương nên khi nhịp tim nhanh do cường giáp sẽ làm rút ngắn thời gian tâm trương, máu vào mạch vành bị giảm đi, hậu quả là BN bị thiếu máu cơ tim. Biểu hiện của thiếu máu cơ tim là đau ngực sau xương ức từ các mức độ nhẹ đến đau dữ dội, đau cả khi nghỉ ngơi cũng như khi gắng sức. Điều đặc biệt là các cơn đau ngực ở BN cường giáp rất hiếm khi chuyển thành nhồi máu cơ tim và khi điều trị khỏi cường giáp thì cũng hết các cơn đau ngực.

Vậy cháu nên bố trí thời gian càng sớm càng tốt đến viện nội tiết khám và xác định để điều trị sớm.

Chúc cháu mạnh khỏe.

bướu giáp lan tỏa


Câu hỏi bởi: Trang

Thưa bác sĩ!!!
Cháu năm nay 23 tuổi! Đã lập gia đình và sinh con! Cuối năm ngoái cháu đi khám ở phòng khám tư. Người ta bảo cháu bị bướu giáp nhân 2 thùy mỗi bên 2 cm. Cháu sờ không thấy gì cả
Cháu không yên tâm nên đã về gần nhà siêu âm bác sĩ bảo cháu là bị bướu giáp lan tỏa!
Mới tháng 8 công ty cháu có đợt khám sức khỏe định kỳ người ta cũng bảo cháu bị bướu giáp lan tỏa
Gần 1 tháng nay cháu bị khàn giọng.khó nói!! Cháu vẫn ăn uống được bình thường
Mong bác sĩ tư vấn giúp cháu!!!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết của cơ thể nằm ở vùng trước cổ. Tuyến giáp có vai trò quan trọng trong việc điều hoà năng lượng của cơ thể, ảnh hưởng đến các hoạt động của các cơ quan như tim mạch, thần kinh, nội tiết, trí óc, chuyển hoá thức ăn…
Bướu giáp có ba dạng:
+ Bướu giáp lan tỏa,
+ Bướu giáp đa nhân và
+ Bướu giáp đơn nhân.
Khi siêu âm kết luận bạn bị: Bướu giáp lan tỏa thi bạn cần biết đây là bệnh lành tính. Nguyên nhân thường gặp: Viêm mạn (chronic lymphocytic thyroiditis), Bướu giáp lan tỏa dạng keo: thường gặp ở vùng thiếu iode

Bướu giáp lan tỏa nhỏ thường không có triệu chứng nên chưa cần điều trị, khi bướu giáp lớn hơn gây chèn ép, nuốt khó, khó thở, hoặc bướu to nặng nề ở cổ có thể điều trị bằng Levothyroxin
Hiện tượng khàn giọng khó nói không có mối liên quan đến bướu giáp lan tỏa vì hiện tại bạn chưa sờ hoặc nhìn thấy bướu ở cổ, nhưng bạn vẫn cần phải đi khám ở trung tâm bướu cổ hoặc viện nội tiết tuyến tỉnh nơi bạn ở để được thăm khám lâm sàng và thử chức năng tuyến giáp phát hiện suy giáp, cường giáp để có phương hướng điều trị tránh trở thành bướu giáp lan tỏa nhiễm độc (bệnh Basedow)

( Xem thêm: http://benhbuouco.vn/bai-viet/thong-tin-benh/buou-giap-lan-toa-nhiem-doc-co-the-gay-tu-vong-.html )
Chúc bạn mạnh khỏe

bướu sợi tuyến


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào Bác sĩ,
Em đi siêu âm bác sĩ siêu âm chuẩn đoán em bị bướu sợi tuyến, có nói là u lành tính, nhưng nên đi kiểm tra chọc lấy sinh thiết để kiểm tra chính xác hơn.
Em ở Gia Lai điều kiện ở đây không có làm sinh thiết mà phải đi TP HCM nhưng vì tính chất công việc em chưa có thời gian đi kiểm tra.
Xin hỏi bác sĩ là trường hợp của em có nguy hiểm không ? và phải điều trị như thế nào ạ?

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Bệnh bướu sợi tuyến, hay u xơ tuyến vú là thường gặp ở nữ giới, chỉ rất ít trường hợp tiến triển thành ung thư vú, chính vì vậy nên cần có xét nghiệm tế bào học để kiểm tra chắc chắn có phải là ung thư hay không?
Bạn nên thu xếp công việc để thực hiện việc thăm khám này để nếu bị ung thư thì phát hiện sớm khả năng chữa trị sẽ đạt kết quả cao, còn không phải là ung thư thì an tâm tư tưởng vui vẻ công tác.

Bướu sợi tuyến vú, u xơ tuyến vú hiện nay được gọi là: Thay đổi sợi bọc tuyến vú
(xem: https://sites.google.com/site/tienmed/home/benh-ly-tuyen-vu/thay-doi-soi-boc-tuyen-vu )
Về mặt điều trị với phương châm là: phát hiện sớm nguy cơ ung thư vú thì cắt bỏ, các thuốc điều trị nội khoa chỉ là giảm các triệu chứng, hạn chế sự phát triển của u xơ, hoặc teo đi nhưng đa phần tổ chức u xơ lại phát triển trở lại sau khi ngừng thuốc.

Vì vậy ở bạn việc cần làm là: trước hết đi khám tầm soát loại trừ ung thư vú, sau đó định kỳ khám siêu âm theo dõi sự tiến triển của bệnh để có hướng chữa trị kịp thời, không nên điều trị bất cứ thuốc nội khoa nào (kể cả nội tiết tố sinh dục)

Chúc bạn mạnh khỏe

Bệnh bướu mỡ


Câu hỏi bởi: linh

Thưa bác sĩ . Tôi bị sưng ở vai. Khi đi siêu âm mềm được chẩn đoán là bướu mỡ. Và phải làm tiểu phẫu để cắt bỏ. Tôi muốn hỏi bác sĩ là có nhất thiết phải cắt bỏ hay không ạ. Và có thuốc uống để tiêu bướu không ạ

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

U mỡ ở sau lưng hoặc ở vai nếu khối u không lớn không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe hoặc thẩm mỹ thì có thể không mổ vẫn được

Hiện tại không có thuốc để làm tiêu đi khối u mỡ này, chỉ có giải pháp duy nhất là mổ bóc tách lấy gọn khối u, đây là phẫu thuật đơn giản.

Chúc bạn mạnh khỏe


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl