Tuyển tập giải đáp thắc mắc về bệnh lao


4,226
1
1
Xu
53
Bệnh lao là một bệnh cực kì nguy hiểm và rất dễ mắc phải. Hãy tự trang bị kiến thức bảo vệ mình từ tuyển tập những câu hỏi đã được giải đáp về về bệnh lao sau đây.

Nghi ngờ bị bệnh lao


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 23 tuổi, là nam giới. Mới đây cháu nghe có gì mắc mắc ở cổ và cháu có khạc nhẹ thì có một ít máu ra theo nước bọt. Cháu không ho và cũng không thấy đờm. Mấy ngày trước cháu có đi chụp phim phổi thì kết quả bác sĩ ghi là ‘hạ đòn T phổi mờ’. Cháu rất lo liệu cháu có bị lao phổi không? Mà theo cháu được biết thì lao phổi phải ho và có đờm nhưng cháu lại không thấy biểu hiện đó. Vậy cháu mong bác sĩ giải đáp và tư vấn giúp cháu với ạ.

Cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào cháu!

Các biểu hiện quan trọng nhất của bệnh lao phổi là:

Ho Khạc đờm Ho máu

Các biểu hiện khác gồm:

Đau ngực Khó thở Có tiếng rên khu trú ở một vùng của phổi…

Ho là biểu hiện của mọi bệnh phổi cấp và mãn tính. Ho có thể do nhiều lí do: viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, lao, ung thư phổi… Mọi bệnh nhân ho trên 3 tuần không phải do viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, ung thư phổi, uống thuốc kháng sinh không giảm thì phải nghĩ đến do lao phổi.

Khạc đờm là triệu chứng tăng xuất tiết do phổi phế quản bị kích thích hoặc do có tổn thương tại phổi phế quản. Khạc đờm cũng như ho cũng có thể do rất nhiều lí do gây ra mà các lí do thông thường nhất là viêm nhiễm. Do vậy nghĩ đến lao phổi khi biểu hiện ho khạc trên ba tuần, uống thuốc kháng sinh không giảm.

Ho khạc đờm là những dấu hiệu hay gặp nhất trong các dấu hiệu quan trọng gợi tới chẩn đoán lao phổi. Ho ra máu là biểu hiện có thể gặp ở 60% nững người lao phổi thể hiện có tổn thương, chảy máu trong đường hô hấp. Nguyên nhân gây ra ho máu rất nhiều từ các bệnh phổi – phế quản (viêm phổi, viêm phế quản, áp xe phổi, ung thư phổi, phế quản…) đến các bệnh ngoài đường hô hấp như bệnh tim mạch (suy tim, tăng huyết áp…), bệnh toàn thân (rối loạn đông máu, chảy máu, thiếu hụt vitamin C…). Tuy nhiên do có thể gặp với tỷ lệ cao trong lao phổi nên những người ho ra máu phải kiểm tra có lao phổi không.

Triệu chứng toàn thân: Các biểu hiện toàn thân quan trọng nhất là: gầy, sút cân, sốt, ra mồ hôi. Các biểu hiện toàn thân quan trọng khác là chán ăn, mệt mỏi…

Gầy, sút cân là biểu hiện gặp ở số đông người lao phổi. Những bệnh nhân gầy, sút cân không thấy lí do rõ ràng, kèm theo có các biểu hiện hô hấp như trên đã nêu phải nghĩ tới do lao phổi. Sốt là biểu hiện hay gặp ở người lao phổi. Sốt có thể ở nhiều dạng: sốt cao, sốt thất tường nhưng hay gặp nhất là sốt nhẹ hay gai lạnh về chiều. Những người có biểu hiện sốt như trên, có các biểu hiện về hô hấp: ho, khạc đờm, ho ra máu… phải nghĩ tới do lao phổi. Ra mồ hôi là biểu hiện có thể do nhiều lí do gây ra. Trong lao phổi ra mồ hôi là do rối loạn thần kinh thực vật mà người ta thường hay gọi là ra mồ hôi trộm. Đám mờ ở đỉnh phổi trên phim chụp X quang cũng là dấu hiệu hay gặp trong lao phổi, tuy nhiên dấu hiệu này có thể cũng gặp trong những bệnh khác nữa.

Cách chắc chắn nhất để chẩn đoán có bị bệnh lao hay không là xét nghiệm đờm tìm vi khuẩn lao. Như vậy nếu cháu chỉ ho khạc đờm có chút máu một lần, không kèm theo các biểu hiện khác như gầy sút cân, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm, chán ăn, mệt mỏi, không tiếp xúc với người bị bệnh lao phổi thì không nghĩ đến khả năng lao phổi. Nếu có thể được thì tốt nhất cháu nên đi khám chuyên khoa hô hấp để có chần đoán chính xác.

Chúc cháu luôn khỏe!

Những dấu hiệu mắc bệnh lao phổi?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Bệnh lao phổi có những dấu hiệu gì ạ? Em đang rất lo mình mắc bệnh lao phổi. Em rất mong nhận được câu trả lời từ bác sĩ.

Em chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào bạn!

Một số biểu hiện lâm sàng của lao phổi thường gặp là: ho khạc đờm kéo dài, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm, gầy sút cân, trên phim chụp X-quang thấy có hình ảnh của tổn thương lao, xét nghiệm đờm dương tính. Nếu bạn có biểu hiện ho kéo dài, khuyên bạn khám bác sĩ chuyên khoa Hô hấp.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Triệu chứng của bệnh lao là gì?


Câu hỏi bởi: Cuocsongtuoidep

Chào bác sĩ!

Cả tháng nay em bị đau sau lưng, ngay phổi, khó thở và lâu lâu phải ho, phải thở mạnh. Như vậy có phải biểu hiện của bệnh lao phổi không ạ? Do em hay thức đêm, ăn chay từ nhỏ. Em cũng thường xuyên bị choáng, buổi chiều thường bị lạnh, lười tắm.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Những biểu hiện em mô tả không phải là biểu hiện điển hình của bệnh lao phổi. Với một người có biểu hiện ho khạc đờm kéo dài, sốt nhẹ về chiều kéo dài, có gầy sút cân, ra mồ hôi trộm… là những biểu hiện lâm sàng khiến thầy thuốc nghi ngờ và người bệnh có bệnh lý lao phổi, cần được kiểm tra và xác định chẩn đoán. Em có biểu hiện đau sau lưng, khó thở và đôi lúc em cần ho, thở mạnh. Em cần khám bác sĩ để được chẩn đoán lí do và chữa trị.

Chúc em khỏe!

Phương pháp điều trị bệnh lao phổi?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Cháu bị lây bệnh lao từ người khác và cháu đã chữa được 10 ngày. Từ lúc ho ra máu tươi đến lúc ho ra đờm dính máu thì có thể khẳng định là bệnh đã giảm không thưa bác sĩ? Trong quá trình chữa trị cháu phải chú ý những gì để mau chóng khỏi ạ?

Cảm ơn bác sĩ

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu.

Ho ra máu trong lao thường số lượng giảm dần, từ lúc ho ra máu tươi, sau đó ho ra máu ít dần, rồi ho có lẫn đờm dính máu, được mô tả là đuôi khái huyết. Khi ho ra máu số lượng ít dần tức là dấu hiệu đã ngưng chảy máu, có thể nhận định là có đáp ứng với chữa trị. Trong quá trình chữa trị cháu cần lưu ý:

Dùng thuốc đúng liều, đúng phác đồ, đủ thời gian

Ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ, ngủ đủ giấc.

Không được sử dụng rượu, bia, các hóa chất độc hại cho gan.

Không khạc nhổ bừa bãi, sử dụng khấu trang khi tiếp xúc với mọi người để tránh lây nhiễm bệnh cho người khác

Tái khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ.

Chúc cháu sớm khỏi bệnh.

Biểu hiện của bệnh lao tái phát?


Câu hỏi bởi: die

Chào bác sĩ.

Biểu hiện của bệnh lao tái phát là gì ạ? Làm sao để nhận biết tiếng rên trong phổi ạ? Cháu đã từng bị bệnh lao và đã chữa trị trong 9 tháng. Gần đây cháu có cảm giác hơi khó thở và lâu lâu cũng có một tiếng ho nhưng lại không có đờm. Cho cháu hỏi cháu có nguy cơ bị lao tái phát không ạ? Xin chỉ giúp cháu ạ. Giờ cháu rất lo sợ ạ. Cho cháu hỏi tỉ lệ chữa trị đúng 9 tháng rồi thì tỉ lệ bị tái phát là bao nhiêu phần trăm ạ?

Cháu cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Bệnh lao phổi trước kia được coi là một trong tứ chứng nan y nhưng với sự phát triển của y học hiện đại, ngày nay bệnh lao phổi là bệnh chữa được và chữa khỏi, tuy nhiên bệnh lao cũng có khả năng tái phát thậm chí trở thành lao mạn tính. Trả lời câu hỏi của cháu trước hết cần hiểu thế nào là lao tái phát. Lao tái phát là lao đã được chữa khỏi sau khi hoàn thành phác đồ chữa trị, xét nghiệm kiểm tra không còn vi khuẩn lao trong đờm, đến nay xuất hiện trở lại các biểu hiện của lao như sốt, ho, đau ngực, khó thở…

Xét nghiệm đờm tìm thấy vi khuẩn lao như vậy gọi là lao tái phát. Như vậy triệu chứng của lao tái phát là cháu xuất hiện các biểu hiện của bệnh lao như sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm, ho kéo dài, tức ngực, khó thở, nặng hơn có thể ho ra máu… Để nhận biết tiếng rên trong phổi phải sử dụng ống nghe để nghe phổi trực tiếp và phải là những người có chuyên môn mới nhận biết được.

Hiện tại thì cháu có cảm giác hơi khó thở và lâu lâu có một tiếng ho không đờm, cháu lo lắng có bị lao tái phát hay không? Xin trả lời cháu là ở một số người sau chữa trị khỏi bệnh lao, vi khuẩn lao đã hết, tổn thương lao đã khỏi nhưng để lại sẹo trên nhu mô phổi vì vậy gây nên hiện tượng đôi lúc vẫn có biểu hiện ho khan và tức ngực, đây là di chứng sơ hóa phổi, sẹo trên nhu mô phổi do lao cũ.

Nếu cháu lo lắng hoặc có các biểu hiện của lao tái phát như đã nói trên, cháu nên đi khám để được kiểm tra lại, các bác sĩ sẽ đánh giá xem cháu ho và khó thở là di chứng của lao cũ, hay là biểu hiện của một bênh phổi, phế quản khác (không phải do lao) hay là do lao tái phát. Cháu vẫn có nguy cơ bị lao tái phát nếu trong vẫn tiếp xúc với nguồn lây nhiễm và sức đề kháng của cháu suy giảm. Cháu cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi và di dưỡng đầy đủ, tránh tiếp xúc với nguồn lây để hạn chế nguy cơ tái phát. Tỷ lệ lao tái phát sau khi điều rị khỏi ở các quốc gia khác nhau cũng khác nhau, theo số liệu của chương trình chống lao quốc gia Việt Nam, tỷ lệ lao tái phát sau chữa trị khỏi bệnh là 7%.

Chúc cháu mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl