Tuyển chọn câu hỏi hay về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thận ứ nước


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Bệnh thận ứ nước có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy chúng là gì – hãy cũng tìm hiểu qua các câu hỏi sau đây nhé!

Nguyên nhân và cách điều trị bệnh thận bị ứ nước?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Vào cuối năm 2011, em được đi khám thận tại bệnh viện Bình Dân thành phố Hồ Chí Minh, kết quả thận phải của em bị ứ nước. Em có hỏi bác sĩ nguyên nhân và cách điều trị bệnh, bác sĩ tại bệnh viện trả lời: Bệnh này chưa tìm được nguyên nhân, chờ lớn sẽ mổ.

Năm nay, cơ quan em cho đi khám bệnh định kỳ tại bệnh viện Hoàn Hảo, kết quả cũng như năm rồi, nhưng phần ứ nước có lớn hơn một chút (56mm). Xin bác sĩ tư vấn cho em, em phải uống thuốc gì hay có cách nào điều trị khi bệnh này không?

Xin cám ơn bác sĩ!

Chào bạn.

Thận ứ nước là do có tình trạng tắc nghẽn ở phía dưới làm giảm lưu lượng nước tiểu đi xuống gây ứ đọng lâu ngày gây giãn các thành phần trên như niệu quản, đài bể thận.

Nguyên nhân thông thường là do sỏi thận – niệu quản hay bàng quang có thể không thấy trên siêu âm vì sỏi có thể được thải ra ngoài (nhưng di chứng vẫn còn). Ngoài ra còn rất nhiều nguyên nhân khác như dị dạng bẩm sinh gây hẹp niệu quản, trào ngược bàng quang niệu quản, các nguyên nhân gây viêm nhiễm đường niệu gây sơ sẹo chít hẹp niệu quản, chèn từ bên ngoài như các u vùng bụng chậu, u tiền liệt tuyến…

Biến chứng: Thận ứ nước lâu dài nếu không giải quyết phần tắc nghẽn có nguy cơ bị suy thận mãn.

Điều trị: chủ yếu là giải quyết phần tắc nghẽn tùy nguyên nhân và có thể cần phải phẫu thuật. Một số có thể chỉ theo dõi như sỏi đã được tiểu ra ngoài và không còn tắc nghẽn nữa. Bên cạnh đó giải quyết các biến chứng như nhiễm trùng, suy thận nếu có.

Bạn cần tái khám 3- 6 tháng 1 lần ở chuyên khoa Tiết niệu để có hướng xử trí triệt để bạn nhé!

Thân mến chào bạn!

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Thận ứ nước do sỏi kẹt niệu quản có nguy hiểm?


Câu hỏi bởi: trân trân

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 26 tuổi, sau một cơn đau quặn vùng bụng dưới cháu có đi khám và siêu âm. Thì kết quả là thận trái ứ nước độ 1 do sỏi kẹt niệu quản đoạn thành bàng quang, vậy bác sĩ cho cháu hỏi tình trạng trên có nguy hiểm không?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Trần Thị Bích Lan


Chào cháu!

Thận ứ nước hay còn gọi là đài bể thận giãn do bị tắc ở đường dẫn nước tiểu (niệu quản), nước tiểu không chảy được vào bàng quang và tích đọng lại ở thận làm cho thận ngày một giãn to tạo nên cơn đau quặn thận ở vùng hông lưng lan xuống vùng bụng dưới. Thận ứ nước được phân làm 4 độ: từ độ 1 đến độ 4 tuỳ theo mức độ giãn của đài bể thận. Khi thận bị ứ nước rất dễ bị nhiễm khuẩn gây viêm thận bể thận, làm giảm chức năng của thận, có tình huống gây suy thận cấp làm tác động rất nhiều đến sức khoẻ toàn thân.

Nguyên nhân gây giãn đài bể thận:

Do sỏi: đây là lí do chính hay gặp, tuỳ theo kích thước của sỏi to hay nhỏ, nằm ở vị trí nào của thận và niệu quản mà nó gây tắc hoàn toàn hoặc chỉ là bán tắc.

Do viêm đường tiết niệu gây phù nề đường dẫn nước tiểu nên gây bán tắc làm thận ứ nước.

Trường hợp của cháu thận bị ứ nước độ 1 do sỏi kẹt ở đoạn niệu quản sát thành bàng quang, nếu kích thước của sỏi nhỏ dưới 10mm, cháu có thể dùng thuốc dãn niệu quản, uống nhiều nước, tập thể dục và dặn mạnh lúc đi tiểu thì sỏi có khả năng bật vào bàng quang, lúc đó thận được giải phóng sẽ hết ứ nước. Nếu sỏi to từ 10mm trở lên thì cháu phải đến bệnh viện để các bác sĩ can thiệp lấy sỏi cho cháu theo phương pháp nội soi. Cháu nên đi khám để được chữa trị sớm tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Chúc cháu mau khỏi bệnh.

Thận ứ nước do hẹp khúc nối bể thận bẩm sinh chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em năm nay 25 tuổi, bị bệnh thận ứ nước do hẹp khúc nối bể thận bẩm sinh. Em đã phẫu thuật 2 lần 1 lần lúc 10 tuổi và 1 lần cách đây 2 tháng ngày 14/7/2015, đến nay em đi kiểm tra lại thì vẫn còn ứ nước độ 2. Xin hỏi là có phương pháp nào tốt nhất để chữa trị dứt điểm bệnh của em mà không cần phải phẫu thuật lại không? Hay có thể chữa trị bằng Đông y hay thuốc Nam được không ạ? Xin bác sĩ giúp em. Em rất lo lắng sợ để lâu ngày sẽ biến chứng qua suy thận.

Em cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Có 2 phương pháp chủ yếu chữa trị hẹp bể thận niệu quản:

1. Bảo tồn chức năng thận: đặc biệt ở những bệnh nhân bị hai bên hoặc bệnh nhân có chức năng thận còn lại kém hoặc mất chức năng: Mở thận ra da/hoặc đặt Stent JJ niệu quản

Giải quyết các biểu hiện nặng:

Dẫn lưu thận ra da tạm thời/ Đặt thông JJ trước khi quyết định chữa trị.

Điều trị thận mủ (nếu có)

Điều trị bảo tồn: Người lớn không biểu hiện trên thận đối bên, không dấu hiệu đe dọa sinh mạng. Hay thận ứ nước ở trẻ sơ sinh: Tắc nghẽn thường kèm với thận ứ nước một bên ở trẻ khoảng 15% và hầu hết không cần chữa trị.

2. Điều trị phẫu thuật:

Mổ hở: Là phương pháp được chọn đối với lứa tuổi nhi đồng bằng cách đi đường bụng và lưng.

Cắt tạo hình bể thận ( Anderson – Hynes): Hầu hết các ca mổ mở tỷ lệ thành công > 90%, thích hợp cho các tình huống chỗ xuất phát cao, các mạch máu phụ, hay bể thận dãn do một khối chèn ép, hoặc niệu quản dài. Loại bỏ vùng bất thường về giải phẫu và chức năng.

Phẫu thuật Y foley: Thích hợp nhất cho các hẹp khúc nối bể thận xuất phát cao.

Xẻ dọc hay chéo thích hợp cho các hẹp khúc nối bể thận – niệu quản có kèm bể thận dãn ngoài thận và hẹp niệu quản đoạn gần một khoảng dài.

Mở thông niệu quản và đài thận trong tình huống có gắn bảo tồn hoặc thất bại trong tạo hình bể thận hoặc trong tình huống hẹp khúc nối bể thận – niệu quản kèm thận xoay và thường việc cắt bỏ phần cực dưới thận là cần thiết.

Cắt thận: Có thể thực hiện khi thận bệnh mất chức năng và thận còn lại chức năng còn tốt. Chỉ định cắt thận khi chức năng thận giảm dưới 10 – 15%, bệnh lý sỏi lan rộng và/hoặc mãn tính, đã phẫu thuật nhiều lần thất bại và chức năng thận có dấu hiệu mất chức năng.

Nội soi chữa trị: Là phương pháp được chọn ở người lớn cho dù hẹp khúc nối bể thận – niệu quản nguyên phát hay thứ phát.

Mở thận qua nội soi: Cắt lạnh xuôi dòng bằng dao. Tỷ lệ thành công khoảng 80% cho cả hẹp khúc nối bể thận – niệu quản nguyên phát và thứ phát.

Nong chỗ hẹp khúc nối bể thận – niệu quản bằng bóng

Tạo hình bể thận qua nội soi ổ bụng: Đòi hỏi phải có phương tiện và kỹ thuật chuyên biệt.

Như vậy phẫu thuật vẫn là phương pháp cơ bản chữa trị tình trạng của bạn. Bạn cần theo dõi và khám bệnh định kỳ để có hướng can thiệp kịp thời và phù hợp.

Chúc bạn sống khỏe!

Bị thận ứ nước do sỏi và hẹp khúc nối, đã mổ và tạo hình nhưng vẫn bị ứ nước độ 2


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Cháo bác sĩ.

Em bị thận ứ nước do sỏi và hẹp khúc nối cách đây 3 năm, đã mổ và tạo hình nhưng sau khi tạo hình đến giờ thận em vẫn bị ứ nước độ 2. Em phải chữa như thế nào? Em chỉ còn 1 thận nên rất lo. Mong bác sĩ giải đáp cho em!

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn.

Hẹp khúc nối bể thận – niệu quản là sự cản trở dòng nước tiểu từ bể thận xuống niệu quản đoạn gần. Hẹp khúc nối niệu quản có thể nguyên phát hoặc thứ phát. Bạn bị thận ứ nước do sỏi và hẹp khúc nối cách đây 3 năm, đã mổ và tạo hình rồi nhưng sau khi tạo hình vẫn bị ứ nước độ 2. Như vậy, bạn đã bị hẹp miệng nối thứ phát.

Bạn có thể đến khám tại khoa Thận Bệnh viện Việt Đức để được giải đáp và chữa trị kịp thời vì bạn chỉ có một thận. Có nhiều phương pháp chữa trị hẹp khúc nối bể thận – niệu quản. Các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp chữa trị thích hợp trong tình huống của bạn.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Thận ứ nước nhẹ không rõ là do thai chèn ép hay do bệnh lý?


Câu hỏi bởi: Thảo Nguyên

Thưa bác sĩ.

Em hiện đang mang thai 24 tuần. Hàng tháng em đi khám sức khỏe sinh sản định kỳ ở bệnh viện Hùng Vương. Em có đôi điều nhờ bác sĩ tư vấn giúp em.

Em thường xuyên đi tiểu nhiều lần trong ngày lẫn đêm có khi tiểu ít có khi tiểu nhiều, làm em rất khó chịu. Em đi khám ở bệnh viện thì bác sĩ bảo bình thường đó là triệu chứng của người mang thai.

Nhưng khi em khám sức khỏe định kỳ ở bệnh viện Hoà Hảo thì được bác sĩ siêu âm chẩn đoán em bị thận ứ nước nhẹ nhưng không nói cấp độ nào. Bác sĩ có nói là chờ em sinh xong nếu đi khám lại mà không còn tình trạng trên thì là bình thường do thai lớn chèn ép làm thận ứ nước. Nhưng nếu không hết thì do em bị bệnh. Em rất lo không biết có sao không? Vì hiện giờ em đang mang thai.

Còn đến hơn 3 tháng nữa em mới sinh em bé. Không biết kéo dài như vậy bệnh có nặng hơn không? Mong bác sĩ hãy tư vấn giúp em với.

Em chưa uống thuốc gì hết, chỉ uống thuốc sắt.

Cảm ơn bác sĩ.

Chào em Thảo Nguyên.

Vấn đề tiểu ít của em có thể là do thai lớn kích thích vào bàng quang hoặc do nhiễm trùng tiểu, em cần làm tổng phân tích nước tiểu để loại trừ.

Còn vấn đề thận ứ nước nhẹ là thận ứ nước độ 1, cũng có thể là do thai lớn chèn ép nhưng cũng có thể là do bệnh lý, do đó, em nên đợi đến khi sinh con xong rồi khám và siêu âm lại, nếu thật sự có bệnh lý cũng không thể can thiệp gì trong lúc này em à, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.

Tuy nhiên, em cũng cần loại trừ thận ứ nước giải là do bàng quang nhiều nước tiểu, khi siêu âm thận em cần chú ý phải đi tiểu sạch mới đánh giá thận ứ nước chính xác.

Bác sĩ chúc em và bé luôn khỏe.

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl