Tuyển chọn câu hỏi hay về cách chữa trị chứng thận ứ nước


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Chứng thận ứ nước không chỉ nguy hiểm với sức khỏe mà còn ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt. Tuyển chọn câu hỏi sau đây sẽ cung cấp cho bạn kiến thức hữu ích về cách chữa trị căn bệnh này.

Cách chữa thận ứ nước cấp độ I?


Câu hỏi bởi: Bá Huy

Chào bác sĩ!

Em là nam, năm nay 22 tuổi. Cách đây 2 hôm em có bị đau bên mạn sườn trái và có đi bệnh viện khám. Em được chuẩn đoán là thận ứ nước cấp độ I, nhưng em không được cho thuốc uống, chỉ bảo là uống nước nhiều và vận động. Bác sĩ có thể cho em biết bệnh tình của em và hướng chữa trị được không?

Em xin chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Thận ứ nước là hậu quả của tình trạng tắc đường dẫn niệu trong hoặc ngoài thận; nước tiểu sản xuất ra sẽ ứ lại trong thận, khiến cơ quan này to lên. Bệnh thường gây tăng huyết áp, suy thận cấp và mạn tính. Thận ứ nước là tổn thương làm cho thận bị giãn và sưng to. Ứ nước có thể chỉ ở 1 bên hoặc ở cả 2 bên thận.

Bệnh có thể gây suy giảm chức năng thận, gây tổn thương cấu trúc tế bào thận. Các tổn thương này có thể hồi phục nếu giải quyết nhanh, thận hết ứ nước. Trái lại, nếu thận ứ nước kéo dài nhiều tuần, tổn thương là vĩnh viễn.

Bạn bị thận ứ nước cấp độ I, là cấp độ nhẹ nhất của bệnh lý này. Đối với thận ứ nước độ I, hiện nay y khoa thống nhất không can thiệp phẫu thuật hay dùng thuốc gì, chỉ cần theo dõi diễn tiến, và đặc biệt là kịp thời phát hiện khi có nhiễm trùng tiểu xảy ra. Theo dõi qua siêu âm 3 tháng/lần, đánh giá chức năng thận, tổng phân tích nước tiểu, xạ hình thận. Trường hợp của bạn nếu xác định được lí do gây thận ứ nước thì việc chữa trị sẽ có hiệu quả hơn.

Có nhiều bệnh là lí do gây ứ nước ở thận như sỏi thận gây tắc nghẽn niệu quản; niệu quản bị hẹp do vết sẹo mổ lấy sỏi thận trước đó cũng gây tắc nghẽn làm thận ứ nước, sỏi bàng quang, cổ bàng quang co bất thường, niệu đạo hẹp do bị viêm nhiễm…

Chúc bạn chóng lành bệnh!

Thận ứ nước độ 3, uống thuốc không khỏi phải làm như thế nào?


Câu hỏi bởi: Minh Anh

Chào bác sĩ.

Em 21 tuổi. Lúc 12 tuổi em đi siêu âm và phát hiện bệnh thận ứ nước độ 3 do ống dẫn nước tiểu nhỏ bẩm sinh, được mổ trong năm đó.

Khoảng vài năm sau mổ vẫn không có triệu chứng gì. Nhưng năm 19 tuổi thì bắt đầu đau nhức thận (triệu chứng giống với lúc chưa mổ), đau đến phát sốt, người nhà mua thuốc efferalgan viên sủi hạ sốt, tầm 15 phút sau hết sốt, hết đau thận luôn. Tình trạng đó lặp lại 2-3 tuần 1 lần.

Em siêu âm lại vẫn bị thận ứ nước độ 3, uống thuốc theo toa của bác sĩ nhưng tình trạng đó vẫn còn, không sốt nên em không uống thuốc nữa, cứ ngủ qua đêm là hết. Em rất sợ mình bị suy thận. Thưa bác sĩ, tình trạng của em nên điều trị thế nào ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Chào em Minh Anh.

Qua thông tin em cung cấp thì tình trạng của em hiện nay chỉ có cách khám bác sĩ chuyên khoa Nội thận, làm thêm một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân của những đợt sốt kỳ này. Nếu là do hẹp niệu quản tái phát thì cần xem xét chỉ định mổ lại.

Khi có chẩn đoán chính xác, biết rõ nguyên nhân thì sẽ có hướng điều trị và chế độ ăn phù hợp, em nhé.

Chúc em sớm khỏi bệnh.

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Thận bị ứ nước độ 1 và không có sỏi chữa trị như thế nào?


Câu hỏi bởi: Cẩm Tiên

Chào Bác sĩ.

Sau khi làm các xét nghiệm máu, nước tiểu và chụp X-quang KUB, bác sĩ bệnh viện HM kết luận em bị thận ứ nước cấp độ 1 và không có sỏi.

Cách đây 4 năm, em đã có bệnh này và đã điều trị hết nhưng gần đây bị tái đi tái lại nhiều lần và mỗi lần đều có những cơn đau quặn thận, đổ mồ hôi, đi tiểu gắt.

Bác sĩ cho em hỏi, với kết luận thận ứ nước độ 1 thế này, em có cần chụp thêm MSCT thuốc cản quang để xác định là có sỏi hay không hay chỉ là có một chế độ ăn uống hợp lý và uống thuốc thôi. Ngoài ra, nếu em muốn dùng thêm dược phẩm Kim Tiền Thảo có được không ạ?

Siêu âm: Thận trái ứ nước độ 1.

Chụp KUB: không có sỏi cản quang hệ niệu trên film KUB.

Xét nghiệm Sinh hóa – Miễn dịch:

Bilirubin Total: Trị số bình thường (0.1 – 1.1), kết quả: 1.17mg/dL

Bilirubin Direct: Trị số bình thường (0 – 0.3), kết quả: 0.36mg/dL

Xét nghiệm nước tiểu: Leukocytes: Trị số bình thường (Negative:<20), kết quả: 25

Thuốc đang dùng: Domitazol, Noflux, Floxacin, No -spa (sanofi aventis)

Em xin chân thành cảm ơn bác sĩ!

Chào bạn.

Bạn đã được bác sĩ cho làm khá là đầy đủ xét nghiệm rồi. Kết luận thận ứ nước độ 1, 2, 3 hay 4 là thuật ngữ của siêu âm, còn chẩn đoán của bác sĩ sẽ khác.

Các thuốc bác sĩ kê toa cho bạn là kháng sinh, kháng viêm, giảm co thắt… để điều trị nhiễm trùng đường tiểu, điều này hoàn toàn đúng, nhưng bạn không nói rõ bạn uống trong bao lâu?

Bởi vì một trường hợp nhiễm trùng đường tiểu điều trị không đơn giản là uống thuốc vài ngày thấy giảm rồi ngưng thuốc. Bệnh nhiễm trùng đường tiểu rất hay tái phát, đôi khi triệu chứng không rõ, âm thầm, hay kháng thuốc nếu điều trị không đúng và đủ. Có những trường hợp tái đi tái lại phải cấy nước tiểu và làm kháng sinh đồ để điều trị thuốc theo kháng sinh đồ thì bệnh mới khỏi triệt để được.

Ngoài ra, còn một điều bác sĩ cần nhắc bạn, đó là nhiễm trùng đường tiểu thường hay tái phát có thể do bệnh lý phụ khoa nữa. Có nghĩa là bệnh viêm nhiễm âm hộ, âm đạo. cổ tử cung có thể lây sang đường tiểu. Biểu hiện của các bệnh lý này là ra huyết trắng (hay khí hư) nhiều, màu vàng hay trắng như bột, hôi, có thể kèm ngứa, nặng bụng dưới…

Kim Tiền Thảo không làm tiêu sỏi nếu kích thước sỏi lớn, không có tác dụng gì nhiều trong trường hợp của bạn đâu.

Tóm lại, bạn nên tái khám khi uống hết toa thuốc, đồng thời khám thêm Phụ khoa nếu có các biểu hiện nêu trên.

Chào bạn và chúc bạn mau hết bệnh.

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Bệnh thận ứ nước tái phát chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: Đoàn Phi

Chào bác sĩ!

Em năm nay 22 tuổi, là nam. Em có tiền sử bệnh thận ứ nước cách đây 10 năm nhưng đã khỏi, không còn dùng thuốc nữa. Gần đây do tính chất công việc nên uống rượu bia hơi nhiều, em có dấu hiệu bị đau thận trở lại tiểu nhiều. Bác sĩ cho em hỏi em bệnh gì và chữa trị ra sao?

Cám ơn bác sĩ nhiều!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Thận ứ nước là hậu quả của tình trạng tắc đường dẫn niệu trong hoặc ngoài thận; nước tiểu sản xuất ra sẽ ứ lại trong thận, khiến cơ quan này to lên. Bệnh thường gây tăng huyết áp, suy thận cấp và mạn tính. Thận ứ nước là tổn thương làm cho thận bị giãn và sưng to. Ứ nước có thể chỉ ở 1 bên hoặc ở cả 2 bên thận.

Bệnh có thể gây suy giảm chức năng thận, gây tổn thương cấu trúc tế bào thận. Các tổn thương này có thể hồi phục nếu giải quyết nhanh, thận hết ứ nước. Trái lại, nếu thận ứ nước kéo dài nhiều tuần, tổn thương là vĩnh viễn.

Bạn có tiền sử bệnh thận ứ nước cách đây 10 năm nhưng đã khỏi không còn dùng thuốc nữa. Gần đây bạn có dấu hiệu đau thận trở lại, tiểu nhiều. Những thông tin bạn đưa ra rất ít, bạn không nói rõ dấu hiệu đau, tình trạng tiểu nhiều có kèm theo triệu chứng gì khác nữa như tiểu buốt, tiểu đau… nên khó có thể giải đáp cho bạn. Bạn có tiền sử bệnh thận nên cũng không loại trừ khả năng tái phát trở lại bệnh này. Tuy nhiên để biết lí do chính xác và chữa trị thì bạn nên đi khám chuyên khoa Thận Tiết niệu ở các bệnh viện.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Nhiễm trùng tiểu và thận ứ nước phải chữa thế nào?


Câu hỏi bởi:

Chào Bác sĩ! Em năm nay 25 tuổi là nữ giới. Em vừa đi khám về được Bác sĩ cho biết là em bị thận ứ nước độ 1 và nhiễm trùng tiểu. Bác sĩ cho em hỏi là 2 bệnh này có liên quan gì nhau không và làm sao chữa hết bệnh? Bác sĩ không cho em thuốc uống thận ứ nước mà chỉ cho em dùng thuốc nhiễm trùng tiểu thôi. Xin Bác sĩ giải đáp giúp em cách chữa trị 2 bệnh này ạ. Em xin chân thành cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào em.

Thận ứ nước là tình trạng nước tiểu bị ứ lại ở thận, thường do đường niệu bị bít tắc do viêm, sỏi hoặc khối u. Trong tình huống của em lí do có thể là do đường tiết niệu bị viêm khiến nước tiểu không thoát đi được, ứ lại ở thận. Do đó chữa trị viêm đường tiết niệu chính là cách để giải quyết căn nguyên tình trạng thận ứ nước. Vì thế em nên tuân thủ hướng dẫn chữa trị của bác sĩ và đi tái khám đúng hẹn để bệnh chóng khỏi.

Chúc em mau khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.