Thắc mắc về bệnh xương khớp ở người trẻ tuổi


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Không phải chỉ những người trung niên, cao tuổi mới có thể gặp các vấn đề về cơ xương khớp. Những người trẻ từ 20 – 25 tuổi dù có tỉ lệ mắc bệnh thấp hơn những cũng không nên chủ quan với vấn đề xương khớp.

Nữ 22 tuổi xương khớp bị yếu


Câu hỏi bởi: be

Em chào bác sĩ ạ.

Thưa bác sĩ! Em là nữ 22 tuổi, hiện em có đang dùng thuốc Canxi Hasan mỗi ngày viên theo đơn bác sĩ và uống trong tháng. Em thấy xương khớp mình rất yếu, nếu đang ngồi trên ghế em nhấc chân lên đôi khi phần hông bên trái như bị trẹo và đau lắm. Em phải ngồi yên chút mới hết, hoặc đôi khi những ngón tay hoặc chân nếu em co bóp hơi quá do cố tình thử thì đau. em cảm giác như nếu không cẩn thận khi bị trật thì sẽ bị trật luôn và không trở lại bình thường được. Thưa bác sĩ vậy là em bị gì vậy ạ? Em rất lo em cũng nói thêm là em đang chữa trị bướu ác tuyến giáp bằng Iot 131 với liều 30. Em mong bác sĩ giải đáp giúp em.

Em xin chân thành cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào em!

Em năm nay mới 22 tuổi, ở độ tuổi còn rất trẻ, ít gặp các bệnh lý về xương khớp, nếu có đau mỏi xương khớp chủ yếu là do làm việc nặng, làm việc sai tư thế hoặc do làm việc lâu ở một tư thế nhất định và tình trạng đau mỏi xương khớp thường tự khỏi khi điều chỉnh chế độ sinh hoạt và làm việc cho phù hợp.

Khi các khớp được hoạt động sẽ kích thích bao hoạt dịch tiết ra nhiều dịch khớp có tác dụng bôi trơn, giúp cho khớp cử động được trơn tru. Tình trạng khô khớp thường gặp ở người già do các quá trình lão hóa và thoái hóa. Tuy nhiên, ở người trẻ nếu ngồi nhiều, làm việc lâu ở một tư thế làm cho các khớp ít vận động nên có thể có hiện tượng giảm tiết dịch khớp tạm thời nên khi thay đổi tư thế, có cảm giác các khớp hoạt động không được trơn tru, có thể có tiếng kêu, có thể có đau nhưng khi vận động một lúc sẽ hết đau và khớp hoạt động bình thường. Dó đó,biểu hiện đau xương khớp như em mô tả nghĩ nhiều tới lí do là do sự giảm vận động tạm thời của các khớp.

Ngoài ra, có đau hay không đau, đau nhiều hay đau ít còn phụ thuộc vào ngưỡng cảm giác đau của từng người. Những người có ngưỡng cảm giác đau thấp sẽ nhậy cảm với các kích thích đau hơn nên một kích thích đau có thể với người khác là bình thường nhưng với họ có thể gây đau và thậm chí đau nhiều. Do vậy, có người có thể “bẻ bão” các khớp ngón tay ngón chân rất dễ dàng, không bị đau nhưng có những người không thể bẻ được vì đau. Triệu chứng đau của em cũng vậy, một ảnh hưởng nhỏ như bóp các ngón tay, ngón chân cũng đủ gây đau có thể còn do ngưỡng nhận cảm giác đau của em thấp hơn.

Để hạn chế các bệnh về xương khớp, giảm đau nhức xương khớp thì em nên tập luyện thể dục thể thao hàng ngày, không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe mà còn củng cố hệ thống xương khớp giúp xương chắc khỏe hơn. Nếu ít vận động sẽ xuất hiện loãng xương sớm. Em cũng có thể uống bổ sung thêm canxi và vitamin D như em đang uống nhưng không nên dùng kéo dài liên tục, uống vào buổi sáng, uống nhiều nước để tránh bị sỏi thận. Chỉ uống thuốc khi thật cần thiết còn chủ yếu em điều chỉnh chế độ ăn sao cho giàu canxi hơn, có thể ăn nhiều xương hầm nhừ, cá nhỏ kho nhừ ăn cả xương,… sẽ tốt hơn.

Nhìn chung bệnh lý về xương khớp của em không đáng ngại nhiều, xử lý chủ yếu bằng việc điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt và làm việc. Còn bệnh chính của em là bệnh bướu giáp ác tính. Em cần uống thuốc đầy đủ theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và tái khám thường xuyên để đánh giá mức độ tiến triển của bệnh và các biến chứng nếu có.

Chúc em mau khỏe!

Nữ 22 tuổi bị sái xương đầu gối chữa trị thế nào?


Câu hỏi bởi: lien

Chào bác sĩ!

Tôi năm nay 22 tuổi, là nữ giới, đã có 1 con. Tôi bị sái xương đầu gồi. Vậy đây là bệnh gì và cách chữa thế nào?

Xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Văn Hoạt


Chào bạn!

Nếu bạn bị: “Sái xương đầu gối” từ nhỏ thì rất có thể đó là trật khớp xương bánh chè bẩm sinh. Còn nếu bạn mới bị thì thường là do lí do chấn thương. Đây là bệnh do dây chằng của một bên khớp gối bị yếu nên khi gấp gối xương bánh chè bị trật ra ngoài. Nếu đúng là bệnh này thì có thể chữa được bằng phương pháp phẫu thuật chỉnh hình lại các dây chằng và gân, cơ vùng gối. Tuy nhiên để xác định chính xác bạn có bị bệnh trật khớp xương bánh chè hay không bạn nên khám bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình. Bác sĩ sẽ khám xác định bệnh và cho bạn lời khuyên phù hợp.

Chúc bạn khỏe!

Đau nhức ở đầu các ngón chân và đau liên tục có phải bệnh xương khớp không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Tôi năm nay 25 tuổi. Tôi bị đau nhức ở đầu các ngón chân, đau liên tục. Xin bác sĩ cho tôi biết có phải tôi bị bệnh xương khớp không ạ? Và nó có nguy hiểm không?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Đau nhức ở đầu các ngón chân và đau liên tục không phải dấu hiệu của bệnh xương khớp mà là bệnh viêm dây thần kinh ngoại biên hoặc viêm tắc tĩnh mạch. Hai bệnh này thường khó chữa và chữa rất lâu dài.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Rát họng, ho, thỉnh thoảng đau nhức xương khớp tay chân có phải ung thư?


Câu hỏi bởi: tanpopo

Chào bác sĩ!

Em năm nay 25 tuổi. Nửa tháng gần đây em cảm thấy hơi rát họng, ho húng hắng vài tiếng, thỉnh thoảng đau nhức xương khớp tay chân, lúc đánh răng thường xuyên bị chảy máu chân răng. Cách đây 4 tháng em có đi kiểm tra sức khỏe và kết quả xét nghiệm máu bình thường. Liệu bây giờ em có bị ung thư máu không ạ?

Em cảm ơn nhiều!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Nguyên nhân gây chảy máu chân răng thường gặp nhất là do viêm lợi, viêm quanh răng . Đó là tình trạng tổn thương mô nha chu khiến lợi bị viêm, sưng đỏ, sung huyết nên dễ chảy máu khi có ảnh hưởng như đánh răng. Những thói quen như vệ sinh răng miệng kém, không đánh răng, không lấy cao răng định kì, ăn uống thiếu chất dẫn đến viêm lợi và dễ chảy máu khi đánh răng. Ngoài ra một lí do có thể ít gặp hơn nhưng lại nguy hiểm nếu không phát hiện kịp thời đó là chảy máu khi đánh răng do xuất huyết giảm tiểu cầu. Nếu là do lí do này ngoài chảy máu khi đánh răng thường đi kèm với sốt và xuất hiện những mụn nhỏ li ti dưới da mà không biến mất khi làm căng da.

Đối với tình huống của bạn đã làm xét nghiệm máu cho thấy kết quả bình thường, như vậy bạn không nên quá lo lắng. Nếu chảy máu do lí do răng miệng đơn thuần do viêm lợi hoặc viêm quanh răng thì vấn đề không quá nguy hiểm có thể điều trị và phòng ngừa được. Để chữa trị chảy máu khi đánh răng lí do do viêm lợi cần đến các phòng khám Nha khoa lấy cao răng và làm sạch thân chân răng; sử dụng các thuốc chữa trị viêm lợi nếu cần; loại bỏ các thói quen xấu như đánh răng bằng bàn chải cứng, chải răng quá mạnh, dùng tăm xỉa răng…

Để dự phòng chảy máu chân răng cần thực hiện đầy đủ các bước vệ sinh răng miệng; khám răng định kì 6 tháng một lần; đánh răng đúng cách 2 lần một ngày: sáng và tối trước khi đi ngủ; súc miệng sau khi ăn bằng nước súc miệng; nếu có điều kiện nên sử dụng chỉ tơ nha khoa. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là các vitamin nhóm C.

Chúc bạn sống khỏe!

Đau khớp gối từ nhỏ có phải bệnh về xương?


Câu hỏi bởi: hợp

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 20 tuổi. Cháu bị đau khớp gối khi đi lại nhiều, cảm giác rất nhức mỏi, có khi còn đau và lan xuống cả bàn chân. Trước đây cháu bị 2 chân, từ khi chân trái bị gãy thì không còn bị đau nhức nữa, chỉ mỏi, còn chân phải vẫn bị đau nhức. Cháu bị như vậy từ hồi nhỏ, cảm giác đau có thể kéo dài hơn một ngày nếu phải đi lại. Cháu bị bệnh về xương không thưa bác sĩ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Với những triệu chứng mô tả thì có thể cháu bị viêm khớp tự phát tuổi thiếu niên. Đây là nhóm bệnh tự miễn dịch, lí do chưa rõ ở trẻ em, là tình trạng viêm khớp mãn tính kéo dài ít nhất 6 tuần, phát bệnh trước 16 tuổi.

Nguyên nhân gây bệnh chưa được rõ ràng, tuy nhiên người ta thống nhất cho rằng bệnh có tính chất tự miễn với tình trạng nhiễm khuẩn, làm khởi động một loạt các quá trình trong hệ thống miễn dịch. Bệnh thường khởi phát sau khi nhiễm virút Chlamydia Mycoplasma, Streptococus, Salmonella, Shigella…

Bệnh có nhiều thể:

Thể bệnh hệ thống Viêm một khớp hay vài khớp (Oligoarthritis) Viêm nhiều khớp yếu tố dạng thấp âm tính (Polyarthritis, RF negative) Viêm nhiều khớp yếu tố dạng thấp dương tính Viêm khớp thể viêm nhiều điểm bám tận Viêm khớp vảy nến

Cháu cần đi khám để xác định chính xác bệnh và chữa trị sớm. Bệnh cần được kiểm soát càng sớm càng tốt nhằm hạn chế đến mức tối đa những thương tổn gây phá hủy và biến dạng khớp, tối ưu hóa các vận động khớp nhằm đạt tới chức năng khớp bình thường. Điều trị bao gồm các biện pháp không uống thuốc, uống thuốc và chữa trị ngoại khoa. Các bác sĩ sẽ xác định mức độ bệnh và chỉ định phương pháp chữa trị phù hợp cho cháu.

Chúc cháu mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl