Thắc mắc về chứng suy giảm trí nhớ ở nam giới


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Càng lớn tuổi, các bộ phận trên cơ thể chúng ta càng dễ suy giảm chức năng đặc biệt hiện tượng phổ biết đó là suy giảm trí nhớ. Tuyển chọn câu hỏi sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Suy giảm trí nhớ ,rất khó tập trung


Câu hỏi bởi: Nguyễn Văn Nam

Thưa bác sĩ cháu là Nam nă nay 19 tuổi đang học đại học.cách đây tầm hơn 4 năm và cho đến bây giờ cháu thấy trí nhớ của mình rất kém.Khi ngồi học thì rất khó tập trung và rất khó nhớ khi ngồi học lâu thì gây ra hiện tượng đau đầu choáng váng,hay quên có cái người khác vừa nói xong đã quên và khó nắm bắt được công việc.
-Cháu đang lo không biết nguyên nhân có phải cháu thủ dâm hay không vì tuần cháu thủ dâm 2-3 lần kèm theo xem phim xxx,cháu rất lo lắng về việc này và rất muốn từ bỏ thói quen xấu này.Rất mong bác sĩ cho cháu lời khuyên .Cháu xin chân thành cảm ơn

Bác sĩ Dương Quang Huy


Chào em,

Việc thủ dâm không hẳn là xấu và hầu hết nam giới đều có thủ dâm ít nhiều trong đời. Vấn đề là không để ảnh hưởng đến cuộc sống, học tập và lao đông. Việc xem phim XXX sẽ gây mất thời gian, bộ não lưu giữ những hình ảnh kích thích khiến em không còn tập trung cho các việc khác. Em nên điều tiết lại cho phù hợp. Cách hay nhất là chọn lựa một môn thể thao hay niềm đam mê khác mà theo đuổi để dần cân bằng lại cuộc sống.

Chúc em mau khỏe.

Đau đầu, suy giảm trí nhớ, rối loạn giấc ngủ lí do do đâu?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Cháu chào bác sĩ.

Cháu là nam giới 25 tuổi. 8 tháng trước cháu có hiện tượng đau đầu, suy giảm trí nhớ, rối loạn giấc ngủ. Cháu đi khám ở bệnh viện Tâm thần Hải Phòng, bác sĩ kết luận cháu bị thiểu năng tuần hoàn máu não, rối loạn vận mạch, bác sĩ kê thuốc cháu uống 3 tháng, cháu khám lại thì rối loạn vận mạch đã hết, còn thiểu năng tuần hoàn não vẫn chưa hết cho đến tận bây giờ (cháu đã chụp Xquang đốt sống cổ & Dopper xuyên sọ không bị làm sao). Bác sĩ có thể tư vấn giúp cháu, cháu bị thiểu năng tuần hoàn não như vậy lí do là do đâu ạ?

Cháu cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới – thiểu năng tuần hoàn não hay thiếu máu não là trạng thái nhất thời, xảy ra đột ngột do các thiếu sót về chức năng thần kinh, thường hồi phục hoàn toàn sau 24 giờ và có xu hướng lặp lại nhiều lần. Não bộ thường được nuôi bởi 2 hệ động mạch cảnh và 2 động mạch cột sống (động mạch thân nền) ở hai bên cổ. Giữa chúng còn có một hệ thống kết nối, liên kết với nhau trên bề mặt vỏ não và nền sọ để bù trừ khi một nhánh nào đó bị tắc hay đột ngột có vấn đề không bảo đảm đủ máu nuôi não. Bình thường não tiếp nhận chừng 15% cung lượng tim (50 ml máu/100 gr não/phút) và sử dụng 25% tổng lượng oxy cung cấp cho cơ thể. Do đó, có rất nhiều lí do gây thiếu máu não:

Xơ mỡ động mạch làm hẹp lòng ống để chứa máu và vận chuyển (lí do chính chiếm 60 – 80%).

Dị dạng bẩm sinh hay u, sùi, bóc tách thành mạch làm hẹp lòng mạch.

Các cục máu đông gây cản trở dòng tuần hoàn máu.

Thoái hóa, vôi hóa đốt sống cổ làm đè ép vào mạch máu vốn đi chui trong lòng chúng.

Các chèn ép từ bên ngoài vào thành động mạch…

Các yếu tố nguy cơ của nó thì rất nhiều nhưng đứng hàng đầu vẫn là cao huyết áp, tiểu đường, tăng Homosystein máu và nhất là các trạng thái tăng mỡ máu. Nghiện rượu, béo phì, hút thuốc lá, uống thuốc tránh thai… là những nguy cơ dẫn đến các rối loạn về mạch máu não. Bệnh có thể được chẩn đoán qua siêu âm Doppler, CT-Scan, chụp động mạch não, lưu huyết não đồ, chụp cộng hưởng từ (MRI)… hay gián tiếp thông qua điện não (EEG), xét nghiệm sinh hóa và đông máu… Bản chất các tổn thương ở não trong thiểu năng tuần hoàn là do thiếu Oxy và Glucose làm tế bào thần kinh bị đói năng lượng – gây rối loạn vận chuyển các ion làm tổn thương tế bào thần kinh.

Việc chữa trị chủ yếu làm sao cho mạch máu không còn bị hẹp và không gây ra các cục đông vón trong lòng mạch làm cản trở dòng chảy của máu như uống thuốc: Aspirin, Ticlcodipin, Dipiridamol, các thuốc chống đông máu… Cố gắng tìm ra các lí do gây nên thiểu năng tuần hoàn não để khắc phục được tận gốc. Nếu phát hiện thấy các dị dạng mạch máu não thì nên phẫu thuật hay tìm các biện pháp giải quyết triệt để khác trước khi để chúng gây ra tai biến.

Khi đã có các tổn thương ở não do thiếu máu gây ra thì việc sử dụng các chất bổ giúp phục hồi hoạt động của các tế bào thần kinh (Cerebrolysin, Gliatilin, Vitamin nhóm B…) là điều nên làm để giảm bớt tỷ lệ các di chứng sau đó. Ngoài ra, tập luyện thể lực thường xuyên, yoga, dưỡng sinh cũng giúp tăng cường khả năng điều hòa, tự bù đắp của cơ thể và góp phần giảm bớt sự hẹp lòng mạch do xơ mỡ hay các cục vón tắc.

Chúc bạn sức khỏe!

Đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, suy giảm trí nhớ sau khi bị chấn thương sọ não phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em là nam, năm nay 18 tuổi. Xin hỏi bác sĩ gần đây em thường có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, mỏi cổ, làm việc gì cũng đờ đẫn, chậm chạp, đặc biệt là hay không nhớ, suy giảm trí nhớ. Hiện nay em cũng thường xuyên ở nhà, ít giao tiếp hơn, ngại đối diện với người xung quanh. Lúc giao tiếp em thường nói không đúng từ, nói 1 câu không được hoàn chỉnh khiến người khác khó nghe. Khoảng 1 năm trước em bị tai nạn và bị chảy máu trong ở não, sau đó em cũng khoẻ lại và đi học bình thường, đến giờ hình như vì thuốc lá, rượu bia nhiều nên bộ não em không được bình thường như em đã trình bày trên. Vậy em mong các bác sĩ giải đáp giúp em đó là bệnh gì? Em nên làm gì? Làm cách nào để điều trị ạ?

Em xin chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của chấn thương sọ não (CTSN) mà các di chứng có thể xuất hiện sau một thời gian tạm ổn định:

– Hội chứng đau đầu sau chấn thương sọ não có hai thể: thể xuất hiện sớm và thể muộn, với diễn biến dai dẳng kéo dài, khó khăn trong chữa trị.

– Động kinh: Thường gặp trong 40-50% tình huống do chấn thương sọ não. Đây là thể động kinh có ổ khu trú. Hình thái lâm sàng rất đa dạng, phức tạp tùy theo ổ khu trú đó ở vùng nào của não. Lại có những vùng có ổ khu trú xuất hiện không chỉ là những cơn động kinh mà còn phối hợp cả những rối loạn tâm thần rất khó chữa trị.

– Bệnh lý cột sống cổ: Thường xuất hiện sớm và nặng do lực chấn động từ sọ não dội xuống cột sống cổ. Chấn thương sọ não còn đẩy mạnh tốc độ tiến triển thoái hóa đĩa đệm – cột sống, gây thoát vị đĩa đệm và nguy hại nhất là thoát vị đĩa đệm chèn ép tủy sống cổ, hẹp ống sống cổ dẫn đến liệt tứ chi.

– Giảm hoặc mất trí nhớ, đau đầu dai dẳng: Giảm sút trí tuệ, tình huống nặng dẫn đến mất ngôn ngữ, đòi hỏi quá trình chữa trị phục hồi chức năng rất phức tạp và lâu dài. Để cải thiện tình hình bạn nên đến các trung tâm phục hồi chức năng để thăm khám và lựa chọn phương pháp chữa trị phù hợp nhé.

Chúc bạn sức khỏe!

Bị suy giảm trí nhớ trầm trọng, phải làm sao?


Câu hỏi bởi: minhduy

Cháu chào bác sĩ.

Cháu là nam giới 25 tuổi, cháu bị suy giảm trí nhớ trầm trọng: sáng làm gì tối cháu quên, cháu không nhớ tên một số người bạn bình thường, khó tiếp nhận thông tin mới. Cháu có đi khám bác sĩ kết luận cháu bị thiểu năng tuần hoàn não (cháu có siêu âm Dopper không bị xơ vữa động mạch, chụp x-quang đốt sống cổ không bị hẹp). Bác sĩ làm ơn cho cháu biết có phải cháu bị suy giảm trí nhớ nặng như vậy là do thiểu năng không ạ? Liệu cháu có bị sa sút trí tuệ không ạ và cách điều trị như nào thưa bác sĩ? Cháu đã uống rất nhiều thuốc bổ não, thuốc đông y và kết hợp châm cứu nhưng bệnh tình cháu vẫn không thuyên giảm.

Cháu cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào em!

Ở người trẻ, giảm trí nhớ thường liên quan đến quá trình ghi nhận. Trong thời đại hiện tại những người trẻ phải đối diện với sức ép vô cùng nặng nề như công việc hàng ngày, những lo toan kinh tế, nhiều điều phải suy nghĩ, chăn chở và phải nhớ do vậy gây ra đau đầu, mỏi vai gáy, kém ngủ, stress… Hậu quả là làm cho độ tập trung kém đi và dẫn đến hay không nhớ những sự việc mà đáng ra mình cần phải nhớ. Việc tập trung chú ý giảm dẫn tới việc ghi nhận thông tin kém và lưu giữ thông tin cũng kém. Đó là con đường đưa tới trí nhớ bị giảm sút ở ngưởi trẻ. Những người trẻ thường giảm trí nhớ gần hay còn gọi là trí nhớ công việc. Rất nhiều bạn trẻ phàn nàn là vừa định làm việc gì đó quay đi quay lại đã không nhớ là mình vừa định làm việc nào đó mà mình không nhớ quên nữa…Đây có thể là bước đầu của stress mà do sức ép công việc và cuộc sống đã tạo lên giảm trí nhớ ở người trẻ.

Để xử lý tình trạng hiện tại:

Trước hết em cần quan tâm chăm sóc sức khoẻ của mình bằng cách luyện tập thể dục đều đặn hàng ngày, ăn ngủ và làm việc điều độ hợp lý, tránh mọi căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày kể cả các trường hợp căng thẳng trên phin ảnh và sách báo.

Tạo cho mình một tâm lý thư giãn và thoải mái bằng cách giao lưu bạn bè, tham gia các hoạt đông xã hội, du lịch…

Nếu suy giảm trí nhớ ở mức trầm trọng thì có thể bổ sung Cholin alfoscerate liều 1.200mg/ngày bằng đường uống hoặc tiêm truyền, để giúp tăng cường độ mềm dẻo của màng tế bào thần kinh, hồi phục khả năng của cơ quan tiếp nhận thông tin và cải thiện khả năng dẫn truyền thần kinh.

Việc sử dụng thuốc nói trên phải có sự khám và chỉ định của bác sĩ.

Chúc em sức khỏe!

Nam 17 tuổi bị suy giảm trí nhớ, kém tập trung, hay đau đầu


Câu hỏi bởi: Tmc

Chào bác sĩ!

Năm nay cháu 17 tuổi, là nam giới. Cháu hay bị đau đầu, nhất là khi suy nghĩ về việc gì đó. Trí nhớ thì rất kém, hay quên. Không thể nhớ nổi người khác vừa nói gì với mình vừa lúc nãy mặc dù nó rất ngắn và khi đó nhớ rất rõ. Học bài cũng rất khó khăn, chỉ một đoạn ngắn mà học mãi không thuộc, cứ cảm thấy đau đầu, càng học thì càng đau dữ dội. Nếu uống một ít trà hoặc cafe thì học dễ hơn và không có đau đầu nữa. Xin hỏi bác sĩ như vậy có phải là bệnh không? Xin bác sĩ hãy cho lời khuyên. Nhân tiện hỏi luôn bác sĩ là cháu nếu nằm lâu ngồi dậy thì thấy đầu óc choáng váng quay vòng. Cái này bên họ ngoại đều bị kể cả mẹ cháu. Không biết nó có phải là di truyền không? Mong bác sĩ giải đáp giúp.

Cảm ơn Bác sĩ!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Hiện tượng cháu kể là cháu bị đau đầu, càng học càng đau đầu dữ dội. Trí nhớ rất kém, hay quên, học một đoạn ngắn cũng không thuộc. Nếu nằm lâu ngồi dậy thì đầu óc choáng váng, chóng mặt. Khi uống cà phê hoặc trà thì hết đau đầu và học tập trung hơn. Bác trao đổi với cháu như sau: Chứng bệnh huyết áp thấp ngày càng triệu chứng nhiều ở cộng đồng. Chứng bệnh này không phân biệt lứa tuổi, tuy nhiên gặp ở con gái nhiều hơn con trai. Người mắc chứng huyết áp thấp triệu chứng biểu hiện như sau:

Mệt mỏi và rất muốn nghỉ ngơi.

Hoa mắt chóng mặt.

Đôi khi đau đầu.

Khó tập trung và dễ nổi cáu.

Cảm giác buồn nôn.

Suy giảm khả năng tình dục.

Da nhăn và khô kèm theo rụng tóc.

Vã mồ hôi nhưng vẫn cảm thấy lạnh.

Thở dốc khi leo cầu thang hay làm việc nặng.

Bác nghĩ nhiều là cháu mắc chứng huyết áp thấp, các biểu hiện cháu kể ở cháu thì trong huyết áp thấp đều có các biểu hiện đó. Đặc biệt là khi cháu uống trà hoặc cà phê thì hết đau đầu và cảm thấy dễ chịu học tập trung hơn, có thể trong cà phê có chất Cafeine khi cháu uống vào làm huyết áp đã nâng lên và làm cảm giác dễ chịu hơn, đỡ đau đầu, tập trung hơn khi học bài. Theo bác cháu nên đi kiểm tra huyết áp xem có gì bất thường không? Nếu huyết áp tối đa dưới 90mmHg và huyết áp tối thiểu dưới 60mmHg là huyết áp thấp. Còn nếu huyết áp bình thường thì có thể là do cháu bị thiểu năng tuần hoàn não. Chứng thiểu năng tuần hoàn não cũng có đau đầu, chóng mặt hoa mắt khi thay đổi tư thế đột ngột như đang nằm ngồi dậy.

Cả hai chứng bệnh bác nói trên đều mang tính chất gia đình tức là bố mẹ, anh chị em trong nhà mắc hai chứng bệnh trên thì các thành viên khác trong gia đình cũng dễ bị mắc hai chứng bệnh đó. Hai bệnh này không di truyền mà mang tính chất gia đình mà thôi. Cháu nên tới khoa Thần kinh để khám xác định bệnh cho rõ ràng có hướng chữa trị kịp thời để lâu không có lợi cho sức khoẻ.

Chúc cháu mau lành bệnh!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl