Chấn thương vai và những câu hỏi hay nên biết


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Vận động quá sức hoặc tập luyện sai tư thế đều dễ dẫn đến hiện tượng chấn thương vai. Những thắc mắc được bác sĩ giải đáp sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này!

Chấn thương vai do tập thể hình do dây chằng


Câu hỏi bởi: Jackie Yu

Chào bác sĩ.

Cháu là nam 28 tuổi, cách đây 4 năm cháu có đi tập thể hình và khi tập cơ vai, thì tay cháu bị nhói đau. Cháu đi khám, đi chụp X-quang, cũng như các thủ thuật khác trên bệnh viện Bạch Mai nhưng bác sĩ đều nói không thấy việc gì, xương cháu không thấy vấn đề, bác sĩ nói có khả năng do cháu tập quá đà nên phần dây chằng bị tổn thương, nên nghỉ ngơi. Cháu nghỉ hơn 2 năm rưỡi nhưng khi đi tập thể hình lại thì phần bị chấn thương sẽ lại nhói lại, và càng tập thì sẽ càng đau đớn, cảm giác tay không thể nhấc lên được nữa. Xin bác sĩ giải đáp giúp cháu. Cháu bị làm sao, và cháu phải làm gì để không còn bị đau cũng như tác động việc đi tập thể hình của cháu (cháu chỉ đau khi tập cơ vai, còn các cơ khác đều không thấy tác động gì).

Cháu xin chân thành cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào em!

Có thể em bị tổn thương dây chằng vùng vai do khi tập tạ lực ảnh hưởng mạnh và đột ngột vào vùng đó. Bình thường nếu bị giãn dây chằng nhẹ thì sau khi nghỉ ngơi vài tháng có thể phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên nếu như em bị nặng hơn thì khi tập nặng có thể bị tái lại, càng tập nhiều sẽ càng đau.

Hiện giờ em nên ngừng tập thể hình, dùng thuốc giảm đau Mofen 400mg ngày 4 viên chia 2 lần; dùng đá chườm vùng vai cho đỡ đau. Sau đó em đi chụp cộng hưởng từ vùng vai xem cụ thể vùng cơ và dây chằng tổn thương như thế nào, tốt nhất là em nên đi khám chuyên khoa Cơ xương khớp. Nếu như em vẫn còn bị đau thì có thể về sau em không nên tập thể hình vùng vai nữa.

Chúc em mạnh khỏe.



Đau nhức vùng vai không rõ nguyên nhân


Câu hỏi bởi: An An

Chào bác sĩ.

Má của tôi năm nay 53 tuổi, làm việc văn phòng. Thời gian gần đây má tôi hay bị đau nhức vùng khớp vai, không giơ tay cao qua khỏi đầu được. Ngoài ra má tôi không bị đau đầu, chóng mặt gì cả. Huyết áp cũng bình thường. Má có xoa bóp vùng vai bằng dầu nóng , dán salonpas nhưng không khỏi. Vậy cho hỏi má tôi bị bệnh gì và điều trị ra sao?

Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào bạn.

Tình trạng đau vùng khớp vai của mẹ bạn có thể là do thoái hóa khớp vai hoặc thoái hóa đốt sống cổ khiến các dây thần kinh bị chèn ép, dẫn đến đau vai. Mẹ bạn nên đi khám chuyên khoa xương khớp, các bác sĩ sẽ cho mẹ bạn chụp X-quang khớp vai, cột sống cổ và làm một số xét nghiệm khác để chẩn đoán chính xác lí do cũng như mức độ nặng của bệnh, từ đó mới có hướng chữa trị cụ thể.

Thân mến!

Đau khớp vai do chấn thương khi tập thể hình phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Thiện Bình

Chào bác sĩ!

Cháu là nam, năm nay 19 tuổi, có tập thể hình được khoảng 3 tháng. Hôm nọ cháu tập bài ngực nằm với tạ đơn khi đưa tạ lên cao tay trái mất thăng bằng nên trật nhẹ, cháu nghe có tiếng rạo nhỏ bên trong khớp vai. Hôm sau thì cháu bị đau và nghỉ ngơi 1 thời gian. Cháu chỉ đau khi dang vai ngang hoặc ép vai vào ngực còn xoay thì không đau nhưng nó tác động đến việc tập luyện thể hình của cháu. Vì không hết đau nên cháu đến gặp bác sĩ nhưng bác sĩ chỉ cho thuốc chứ không chụp xquang hay IRM. Cháu dùng thuốc đã 3 tuần nay nhưng không hết. Xin bác sĩ tư vấn cháu bị gì và nên điều trị ra sao ạ?

Cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Trường hợp của cháu là một chấn thương do tập thể thao, cháu vẫn có thể cử động xoay khớp vai một cách bình thường, điều đó cho thấy cháu không gãy xương hay sai khớp. Tổn thương gây đau cho cháu trong tình huống này nhiều khả năng la do bong điểm bám dây chằng, mà khả năng là điểm bám dây chằng của cơ Delta với xương bả vai, cơ Delta là cơ chịu trách nhiệm chính trong động tác giang cánh tay. Khi điểm bám cơ Delta với xương vai bị bong (bong một phần điểm bám chứ không phải là bong hoàn toàn), khi đó cháu giang cánh tay lên cao sẽ bị đau.

Thông thường các tổn thương dây chằng là khó liền hơn so với tổn thương ở cơ, do dây chằng dinh dưỡng chủ yếu bằng thẩm thấu và nghèo mạch máu nuôi dưỡng. Để tổn thương liền được cần phải bất động tốt, bất động để tổn thương được “nghỉ ngơi”, tránh bị ảnh hưởng và tạo điều kiện cho tổn thương nhanh được phục hồi. Trong thời gian cháu bị đau, phải kiêng luyện tập thể dục thể thao, khi đó cháu dùng thuốc mới làm tăng hiệu quả chữa trị. Trong tình huống bất động không tốt, sẽ dẫn tổn thương dây chằng không hồi phục, bởi những vi chấn thương dễ kéo đến tình trạng đau mãn tính.

Phương hướng chữa trị: cháu không nên nặn bóp vùng đau, cần hạn chế vận động khớp vai khoảng 3-4 tuần, sau đó nếu hết đau cháu có thể tập lại, cường độ tập từ nhẹ tới nặng. Có thể uống thuốc chống viêm giảm đau, có thể kết hợp thêm với biện pháp chiếu đèn hồng ngoại. Điều trị cụ thể cháu cần phải được bác sĩ khám bệnh và kê đơn.

Chúc cháu mau phục hồi!

Đau vai khi tập thể hình có phải do dây thần kinh ngoại?


Câu hỏi bởi: Lê Nhựt

Chào bác sĩ!

Tôi năm nay 24 tuổi, vừa qua trong quá trình tập thể hình, vai tôi bị đau. Đến gần 3 tuần nhưng vẫn đau. Khi đi khám bác sĩ cho hay cơ xương không bị gì cả, do đau dây thần kinh ngoại. Bác sĩ cho thuốc uống không có giảm. Đêm đến nhức như cắt, mỏi cơ, đau buốt khủng khiếp lắm. Xin hỏi vậy tôi nên làm sao và chữa trị ở đâu là chính xác nhất?

Xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Chấn thương vai có thể xảy ra sau khi chấn thương té ngã, va chạm, tập luyện thể thao không đúng cách, vận động quá tải trong thời gian dài. Với những chấn thương vai dạng này nếu không chữa trị đúng và kịp thời, đau vai sẽ ngày càng nặng, đau tăng khi vận động, và đau cả khi ngủ. Về sau, có lúc đau dữ dội làm không thể cử động được vai. Khi đau vai kéo dài sẽ dẫn đến biến chứng cứng khớp, teo cơ, mất chức năng vận động, gây xáo trộn cuộc sống, suy sụp tòan thân, mất ngủ mạn tính. Trường hợp của bạn bị đau vai trong quá trình tập thể hình.

Bạn đã đi khám được chẩn đoán là đau dây thần kinh ngoại cho dùng thuốc nhưng không có giảm. Không biết là bác sĩ đã cho bạn chụp X- quang chưa. Nếu chưa thì bạn nên đi chụp càng sớm càng tốt để loại trừ những lí do như rách cơ vai vì tình trạng đau theo như bạn tả rất nghiêm trọng.

Hiện tại, để giảm đau bạn nên thực hiện những biện pháp sau:

– Ngừng chơi.

– Chườm đá vùng vai đau 2-3 lần trong ngày, mỗi lần 15 phút.

– Tắm nước nóng toàn thân.

– Có thể dùng các gel kháng viêm giảm đau nhanh như Ketoprofen… thoa tại chỗ 2 – 3 lần ngày, giúp giảm sưng, đau, tan máu bầm tại chỗ viêm.

– Treo tay lên nếu đau nhiều.

– Tập các bài tập kéo giãn các nhóm cơ vùng khuỷu.

– Uống thuốc kháng viêm giảm đau.

Vì tình trạng của bạn đã kéo dài 2 tuần nên tốt nhất là bạn nên nên đến khám bác sĩ chuyên khoa khớp chấn thương thể thao để chẩn đoán sớm và có kế hoạch điều trị đúng cách, nhằm phục hồi lại vận động của khớp vai.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Đau vai có phải do thoái hóa đốt sống cổ không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Mẹ cháu năm nay 68 tuổi. Mẹ cháu bị đau nhức phần lưng dưới vai phải và đau phần vai và trên tay phải mà không nhấc tay lên nổi. Cháu không rõ nguyên nhân nhưng khi cháu xoa bóp cho mẹ thì mẹ nói đỡ đau hoặc xoa dầu thái dương cũng có đỡ. Nhưng cháu sợ nhất là việc mẹ cháu uống kháng sinh để giảm đau vì mẹ cháu bảo đau quá phải uống mới thấy đỡ. Thực sự cháu không biết phải làm thế nào để mẹ cháu khỏi đau. Mong bác sĩ giúp cháu nên mua thuốc gì hoặc nên chữa trị như thế nào với. Cháu lo cho mẹ cháu lắm. Trước kia mẹ cháu đi khám thì người ta có nói là mẹ cháu bị thoái hoá đốt sống cổ nên dẫn đến chứng đau đầu bác sĩ ạ. Không biết có liên quan gì không ạ? Mong bác sĩ giải đáp.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Những người ở độ tuổi của mẹ bạn thường có nhiều vấn đề về sức khỏe vì ở giai đoạn này các cơ quan bộ phận đã và đang bị lão hóa, hoạt động chức năng giảm sút; các bệnh lý thoái hóa ngày càng nhiều và nặng lên theo tuổi. Triệu chứng đau nhức của mẹ bạn có thể do một số nguyên nhân như: Do các bệnh lý cột sống cổ, do bệnh loãng xương, do bệnh lý tuần hoàn mạch máu tới chi. Khi phụ nữ từ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh và mạn kinh, hoóc-môn sinh dục nữ giảm sút sẽ làm cho bệnh loãng xương phát triển do đó gây đau nhức.

Các bệnh lý cột sống cổ như: Thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống,… tổn thương trong các bệnh lý này gây chèn ép vào tủy sống và các rễ thần kinh của đám rối thần kinh cánh tay do đó gây đau vùng vai hay cánh tay, tùy theo vùng mà thần kinh đó chi phối. Ngoài ra, ở độ tuổi này, các mạch máu cũng bị xơ vữa làm giảm tưới máu tới các chi do đó cũng có sẽ gây đau và tê.

Nhìn chung, đây là các bệnh lý của tuổi già, chữa trị bằng các biện pháp không uống thuốc là chính như: Vật lý trị liệu để đỡ đau; tăng cường tập luyện thể dục thể thao hàng ngày để giúp cho xương khớp chắc khỏe và làm chậm quá trình thoái hóa, cũng sẽ đỡ đau; điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý. Chỉ uống thuốc khi thật cần thiết vì hầu hết các thuốc giảm đau đều gây tổn thương niêm mạc dạ dày.

Chúc bạn khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl