Chân bị bầm tím bất thường và những điều cần biết


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Chân bị bầm tím bất thường là hiện tượng mà rất nhiều người gặp phải. Tuyển chọn câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Chân bị bầm tím


Câu hỏi bởi: Tâm

Thưa bác sỹ, con gái em 9 tuổi, gần đây cháu bị nhiều vết bầm tím ở chân (trước đấy cháu không bị sốt)
Xin hỏi bác sỹ hiện tượng này có nguy hiểm không? có phải đi xét nghiệm máu không? nếu xét nghiệm máu cháu có phải nhịn ăn không ạ?

Bác sĩ Nguyễn Trần Chung


Chào em,

Em cần đưa cháu bé đi khám chuyên khoa huyết học để loại trừ bệnh lý rối loạn đông máu. Các bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm nếu cần và giải thích cho em nguyên nhân hiện tượng này. Trước khi xét nghiệm máu một vài tiếng thì không nên ăn, nên chị có thể cho cháu đi khám buổi sáng. Nếu thực sự là rối loạn đông máu thì các bác sĩ sẽ đưa hướng điều trị phù hợp.

Chúc bé khoẻ mạnh.

Bầm tím chân


Câu hỏi bởi: hainam

Chào bác sĩ ạ.

Bác sĩ cho cháu hỏi cháu đá bóng và bị đối phương đá mạnh vào bắp chân phải, tính đến giờ đã được 4 ngày. Giờ cháu thấy chân có vùng tím đường kính khoảng 4cm, phía dưới mắt cá chân phía trong. 1 vùng tím dài khoảng 8cm ở mặt trước đoạn giữa chân. 1 đám tia tím ở phía trong cổ chân. 1 vùng đỏ ở bắp chân gần tiếp giáp giữa cẳng chân và đùi. Cháu sờ vào bắp chân thấy cũng còn đau, đi lại thấy đỡ hơn trước và đỡ đau nhức. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi chân cháu có bị tác động gì không ạ? Có tác động việc đi lại về sau không? Theo bác sĩ phải làm gì ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào cháu!

Là cầu thủ bóng đá phải xác định là sẽ hay bị chấn thương phần mềm cũng như trật khớp, gãy xương cháu ạ. Các cầu thủ có thể bị tổn thương ở tất cả những thành phần gân, cơ, xương, khớp của bộ máy vận động. Các chấn thương cơ bắp có thể gặp như căng giãn cơ, cứng cơ, rách cơ, bong gân và gãy xương. Rách cơ có thể gây chảy máu trong cơ và phản ứng viêm khiến cầu thủ đau đớn phải tạm dừng thi đấu. Người ta chia chấn thương cơ bắp ra làm 3 mức độ:

1. Giãn cơ: đây là tổn thương cơ dạng nhẹ do dây chằng, gân, cơ bị kéo giãn. Số lượng bó sợi cơ bị đứt là dưới 25%. Cầu thủ sẽ có đau nhói ở vùng gân cơ ngay lúc bị chấn thương. Sau ít phút, cảm giác đau giảm và vùng bị tổn thương sẽ sưng nhẹ. Khi đó dây chằng bị tổn thương và buộc cầu thủ phải ngừng hoạt động. Nếu vẫn tiếp tục vận động thì máu sẽ tụ lại nhiều và không có lợi cho việc chữa trị sau đó.

2. Rách cơ: khi số cơ bị rách chiếm từ 25-75% bó sợi. Xuất hiện vết bầm do các sợi cơ bị đứt nhiều hơn. Cầu thủ có thể nghe tiếng “bựt” hay “rắc” tại chỗ bị thương, có cảm giác đau dữ dội và phải ngưng hoạt động hoàn toàn. Khớp có thể bị mất độ vững.

3. Đứt cơ: khi số cơ bị rách chiếm trên 75% bó sợi, có khi đứt hoàn toàn làm cho máu bầm tụ nhiều ngày sau đó, khớp sưng nhiều và trở nên lỏng lẻo. Cầu thủ có thể bị trật khớp và hoàn toàn không hoạt động được. Nếu chấn thương nặng như gãy xương, trật khớp thì ngay sau đó cầu thủ sẽ không thể vận động được nữa.

Với chấn thương phần mềm, việc khắc phục ban đầu đúng cách là rất cần thiết, giúp cho tổn thương ổn định và mau lành. Việc sơ cứu gồm 4 bước

: – Nghỉ ngơi: ngay sau khi bị chấn thương, cần ngưng tập luyện hoặc thi đấu. Có thể giữ vùng bị thương bằng nẹp cố định trong 1-3 ngày đầu.

– Chườm lạnh: để phòng ngừa biến chứng, không gây tụ máu hay chảy máu. Dùng túi đá ướp chườm lạnh ngay tại chỗ 10-15 phút, mỗi lần cách nhau khoảng 1 giờ, lặp lại nhiều lần trong ngày. Có thể chườm lạnh trong 1-3 ngày đầu sau khi bị thương. Không nên chườm một lần quá lâu hoặc chườm lạnh trực tiếp vì da sẽ bị bỏng lạnh.

– Băng ép: làm giảm chảy máu, sưng bầm và đau nhức. Dùng băng thun quấn ép dưới vùng tổn thương, những vòng đầu phải quấn chặt, sau đó nới lỏng dần ra.

– Kê cao vùng bị thương: có tác dụng giúp cho máu trở về tim tốt hơn; làm giảm sưng, đau và viêm. Đặc biệt có thể kê cao chân 10-15 cm trong 1-3 ngày đầu. Tuy nhiên, không nên kê cao quá so với tim. Khi bị chấn thương, có thể uống thuốc giảm đau, nhưng tuyệt đối không nên xoa các loại dầu nóng.

Như vậy, theo cháu kể thì cháu đã bị chấn thương vùng cẳng chân 3 ngày rồi. Hiện tại, cẳng chân cũng như việc đi lại của cháu đã đỡ đau nhức hơn trước. Vì vậy, có thể nói cháu chỉ bị chấn thương phần cơ bắp thôi chứ chưa bị tổn thương tới xương và khớp đâu. Nếu vùng bầm tím của cháu nhạt dần và mất đi cũng như việc đi lại bình thường thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu nó vẫn còn sưng, đau nhiều thì cháu nên đi khám bác sĩ để hướng dẫn cách chữa trị hiệu quả.

Chúc cháu mau khỏi!

Bé 7 tuổi bị bầm tím không rõ nguyên nhân


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Cháu nhà tôi được 8 tuổi, chân bé thường xuyên có những vết bầm tím không rõ lí do. Vậy bé có bị bệnh gì không?

Xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào bạn!

Bình thường, trong cơ thể máu tuần hoàn trong lòng các mạch máu. Khi máu (chủ yếu là hồng cầu) thoát ra khỏi lòng thành mạch, do mạch máu bị tổn thương sẽ gây hiện tượng xuất huyết dưới da, triệu chứng trên da là những vết bầm tím. Nốt bầm tím trên da đôi khi chỉ đơn thuần là tổn thương thành mạch sau va chạm nhẹ, có thể con bạn còn bé không để ý đến, thường có kèm theo đau. Ngoài ra, còn có lí do do bệnh Scobut (bệnh thiếu vitamin C)… khiến cơ thể không sản xuất đủ tiểu huyết cầu hoặc tiểu huyết cầu không đảm bảo vai trò dẫn đến xuất huyết dưới da.

Trong tình huống vết bầm tím không đau, không ngứa, cũng có thể là biểu hiện triệu chứng bệnh lý về máu như: giảm số lượng hoặc chất lượng tiểu cầu; rối loạn các yếu tố đông máu, bệnh đa hồng cầu hoặc tổn thương thành mạch mắc phải. Do các bệnh nhiễm khuẩn, do mắc phải bệnh miễn dịch…

Khi thấy con mình xuất huyết dưới da nhiều, thường xuyên nhưng không rõ lí do, không nên coi thường, tự mua thuốc uống hoặc bỏ qua. Bạn nên đưa bé đi khám các bệnh viện chuyên khoa Huyết học để chẩn đoán lí do và có phương pháp chữa trị kịp thời.

Chúc gia đình bạn sức khỏe!

Đau cơ đùi, bị bầm tím chỗ cơ bị nhức, chữa trị thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Em năm nay 20 tuổi, là nam. Cách đây 3 tuần, trong 1 lần tập võ đối kháng, em bị căng cơ đùi về nhà em chỉ dán Salonpas chứ không chườm đá, hôm sau em thấy nhức nên chườm đá thì bị bầm tím chỗ cơ bị nhức. Sau 3 tuần, hiện giờ đã hết bầm tím, không còn đau nhức nữa, nhưng khi em đá chân lên cao thì phần cơ đùi lại nhức lên. Xin hỏi bác sĩ em bị gì ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Chấn thương căng cứng cơ tứ đầu đùi sau 2 tuần chưa thể bình phục được, bạn cần vận động nhẹ nhàng hạn chế vận động mạnh, tránh đau làm tổn thương nhắc lại và lâu khỏi hơn.

Chúc bạn mạnh khỏe.

Tay, chân hay có vết bầm là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Lê Thị Hoa

Chào bác sĩ.

Chân, tay tôi thường có vết bầm, sau vài ngày thì hết nhưng vài ngày sau lại tái phát và lại đau.

Xin bác sĩ cho biết tôi mắc bệnh gì?

Xin cám ơn!

Chào bạn.

Bạn bị vết bầm đó là xuất huyết dưới da. Nguyên nhân của xuất huyết dưới da có thể do rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu hoặc ký sinh trùng. Do đó bạn nên khám chuyên khoa Huyết học để bác sĩ cho làm xét nghiệm mới biết chính xác nguyên nhân.

Thân ái!

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl