Thắc mắc về mổ dây chằng chéo ở người trẻ tuổi


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Mổ dây chằng chéo là một phẫu thuật khá phức tạp. Cùng theo dõi những câu hỏi sau để biết xem người trẻ tuổi có thắc mắc gì về nó nhé!

Bị sốt nhẹ liên tục mấy ngày sau khi mổ dây chằng chéo trước 2 tuần phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Trần Nam

Chào bác sĩ!

Em năm nay 22 tuổi, vừa mới mổ dây chằng chéo trước gối trái được gần 2 tuần. 10 ngày đầu tiên em thấy cơ thể rất khỏe nhưng sau đó em bị sốt nhẹ liên tục mấy ngày, cứ đến 1h sáng là gối đau nhức không ngủ được. Em không biết tại sao, ban ngày chân em khỏe không đau nhức nhưng đau đầu và sốt nhẹ, đến tối thì đau nhức không ngủ được. Hỏi bác sĩ chữa trị của em thì bảo là dịch khớp gối của em ra ít nhưng sao lại đau và sốt vậy. Em đang uống Panadol cho hạ sốt nhưng 4 ngày qua đêm nào cũng rất đau và không hạ sốt. Xin bác sĩ giải đáp giúp em.

Em xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Có một số biến chứng sau phẫu thuật dây chằng chéo trước:

Đau: Đau thường trong một vài ngày nhất là sau khi làm thủ thuật KJ, còn trong làm thủ thuật DIDT thì hầu hết là không đau. Thông thường cơ thể sẽ tự điều chỉnh và giảm đau dần. Cải tiến các kỹ thuật mổ (sử dụng nội soi, không bất động sau mổ, cho đi sớm với nạng,…) sẽ có hiệu quả giảm đau nhiều với các thủ thuật ít sang chấn. Nếu khi quá đau cần phải khám lại có hệ thống để tìm các biến chứng (là lí do của đau) ví dụ như tụ máu trong gối,….

Máu tụ trong gối: Mọi can thiệp đều có thể gây chảy máu, đặc biệt thuận lợi ở người bệnh uống thuốc chống đông. Máu tụ thường triệu chứng bằng vết bầm tím (ecchymoses), sau đó chuyển sang xanh lá cây, vàng,… mất đi sau một vài tuần. Đôi khi lượng máu tích tụ lại trong khớp tăng lên tạo thành máu tụ (hémarthrose) làm cho khớp gối sưng to, đau. Cần phải mổ lại để rửa sạch và lấy hết máu tụ.

Nhiễm trùng: Nhiễm trùng là nguy cơ chung của phẫu thuật. Nhưng với phẫu thuật khớp gối lại hiếm gặp, tuy nhiên nếu có thì rất nặng. Theo dõi trong những tuần đầu sau phẫu thuật, xuất hiện dấu hiệu: đau, sốt, gối sưng to, chảy dịch ở vết mổ…. Cần phải cấy vi khuẩn và làm kháng sinh đồ để biết rõ là loại vi khuẩn gì, và chữa trị kháng sinh cho phù hợp. Mở lại gối để rửa sạch là rất cần thiết. Với cách này thông thường có thể chữa khỏi nhiễm trùng khớp gối.

Tắc mạch: Là hình thành các cục máu đông ở trong tĩnh mạch, nó có thể giải quyết được bằng chữa trị chống đông dự phòng. Biến chứng này có thể đưa lại những nguy cơ rất nặng: nhồi máu phổi.

Loạn dưỡng thần kinh: Là hội chứng có tính chất cứng gối sớm, phối hợp với đau và phù nề. Nguyên nhân của biến chứng này vẫn còn chưa biết. Người ta quan sát thấy hay xuất hiện ở những bệnh nhân lo lắng. Tiến triển theo hướng khỏi dần nhưng rất lâu (nhiều tháng hoặc nhiều năm). Hội chứng này đôi khi có thể để lại những di chứng như cứng khớp, hay đau. Để hiểu hơn về bệnh hãy tham khảo thêm bài témoignage trong tạp chí Le Monde.

Cứng gối: Đây là nguy cơ của tất cả các can thiệp vào khớp gối. Nó hay gây dính ở trong khớp. Cần phải cho khớp gối vận động cưỡng bức dưới gây mê toàn thân, nếu muộn hơn thì phải mổ để giải phóng các dây chằng. Hội chứng “hòn bi” (cyclope) gây nên hạn chế duỗi gối , đây cũng là biến chứng đặc biệt của phẫu thuật tạo hình dây chằng.

Biến chứng trên da. Sẹo mổ có thể có những vùng mất cảm giác, ngược lại có những vùng tăng cảm giác đau do còn đầu thần kinh tạo thành những u thần kinh nhỏ (névrome).

Trên đây là những biến chứng nhỏ của phẫu thuật tạo hình dây chằng chéo trước. Những biến chứng của nó không phải là không nặng, đặc biệt có cả những tình huống thoái hoá khớp, kẹt khớp, hay có khi phải cắt cụt,.. Nhưng phần lớn nó sẽ khỏi và không có một di chứng gì, không có bất cứ một bất tiện nào trong cuộc sống hằng ngày. Trường hợp của bạn cần quay lại bệnh viện tái khám để tìm lí do xem có nhiễm trùng hay tụ máu không và can thiệp sớm.

Chúc bạn sớm lành bệnh!

Đứt dây chằng chéo, tổn thương dây chằng mổ quan hệ có bị cưa chân không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em năm nay 34 tuổi, nữ. Vừa qua bị tai nạn và bị đứt dây chằng chéo trước và tổn thương dây chằng bên trong gối phải. Đã mổ gần 7 tuần. Đã đi lại được nhưng còn đau. Tôi nghe nói quan hệ là bị cưa chân. Có chuyện đó không? Vì tôi đã quan hệ rồi mới biết tin này. Giờ tôi hơi hoang mang. Xin bác sĩ giải đáp.

Xin chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Thông tin quan hệ sau phẫu thuật đứt dây chằng chéo khớp gối thì bị cưa chân là không chính xác bạn nhé. Đối với việc phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước gối sau khi mổ thì luôn luôn có một chương trình tập luyện phục hồi chức năng. Bình thường, thời gian hồi phục sau mổ dây chằng chéo sau cũng khá lâu. Ít nhất là sau 4-5 tháng bạn mới có thể đi xe gắn máy được và bạn chỉ được chơi thể thao từ giai đoạn sau 9 tháng.

Bạn đã mổ được 7 tuần, việc quan hệ tình dục thực ra không tác động đến tốc độ lành của dây chằng và vết mổ. Tuy nhiên, vì chân bạn đang trong quá trình hồi phục nên khi quan hệ tình dục ở một số tư thế làm tăng áp lực lên khớp gối có thể gây tác động đến khớp gối và vết mổ. Vì vậy trong khi quan hệ, bạn nên chọn tư thế nào phù hợp cho mình, không làm tác động đến vết mổ và khớp gối. Bạn cũng nên thực hiện chương trình phục hồi chức năng sau mổ theo chỉ định của bác sĩ để giúp khớp gối sớm hồi phục.

Chúc bạn sức khỏe!

Phẫu thuật mổ tái tạo dây chằng chéo trước được 4 tháng


Câu hỏi bởi: hùng

Chào bác sĩ.

Em rất mong bác sĩ tư vấn cho trường hợp của em, em không biết phải làm sao nữa. Em năm nay 21 tuổi, đã mổ tái tạo dây chằng chéo trước được 4 tháng. Ca mổ của em là mổ mở, sử dụng vít sắt, dùng gân bánh chè để tạo dây chằng mới. Nhưng sau mổ em không được bác sĩ hướng dẫn tập vật lý trị liệu. Em hầu như nằm bất động 3 tuần. Sau đó em mới tìm hiểu và tự tập theo các bài tập được hướng dẫn trên mạng. Nhưng có lẽ vì tập không hiệu quả nên sau 4 tháng em chỉ gập gối được khoảng 110 độ, chưa duỗi gối chủ động được, cơ đùi teo nhiều. Em còn mới biết được thông tin là sau mổ dây chằng nếu tập phục hồi chức năng không tốt thì còn có thể làm dây chằng không được nuôi dưỡng tốt, có thể bị xơ hóa và gối lỏng trở lại. Em tự kiểm tra (dùng tay ấn xương từ phía sau thấy xương chày nhô ra trước). Bác sĩ cho em hỏi là:

Với tình hình của em thì nếu bây giờ tiếp tục tập phục hồi chức năng thì có khả năng khớp gối gập được hết cỡ không?

Nếu không thể gập được thì việc mổ nội soi giải phóng khớp có giải quyết được vấn đề không? Em có bị cắt gân khi mổ giải phóng không? Em có bị mổ tách cơ đùi không?

2 tháng không tập phục hồi chứng năng có khả năng làm dây chằng mới của em bị xơ hóa không? Nếu mà phải mổ lại lần 2 để tạo hình dây chằng thì sẽ như thế nào ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Duyên


Chào em.

Em đã phẫu thuật được 4 tháng và hiện tại gối đã gấp được 110 độ. Bình thường biên độ gấp duỗi của khớp gối là 150 độ, như vậy tình huống của em có thể nói là em đã vận động được tương đối. Vì vậy, hiện nay em chỉ cần tập vật lý trị liệu tích cực thì khớp gối sẽ co duỗi được bình thường và cơ đùi teo sẽ trở về bình thường. Em không nên tự luyện tập mà cần đến các trung tâm vật lý trị liệu để luyện tập thì mới đạt hiệu quả. Trường hợp của em không cần phải mổ giải phóng khớp. Dây chằng mới tái tạo rất ít khả năng bị xơ hóa, vì chủ yếu xơ hóa là ở các dây chằng bên, hơn nữa em đã luyện tập từ tuần thứ 3 sau mổ cho nên khả năng bị xơ hóa là gần như không có.

Chúc em mạnh khỏe!

Bị đứt dây chằng chéo trước có cần mổ không?


Câu hỏi bởi: Thien

Chào bác sĩ

Em năm nay 27 tuổi, là nam. Trong 1 buổi đá bóng em bị chấn thương và chụp MRI và có kết quả:

Đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước.

Đứt bán phần 1/3 dưới dây chằng chéo sau.

Rách sừng sau sụn chêm ngoài.

Dập xương lồi cầu đùi ngoài và mâm chày ngoài.

Tụ dịch + có plica khới gối.

Kính nhờ bác sĩ giải đáp giùm em phải điều trị như thế nào? Em bị chấn thương vào ngày 8-1-2015. Nếu phải mổ thì em chờ tới cuối tháng 3 này được không ạ? Và có tác động gì nếu để thời gian quá lâu như vậy không bác sĩ?

Em cám ơn bác sĩ nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Chấn thương khớp gối có đứt các dây chằng chéo trước và chéo sau sẽ cần phải mổ để tái tạo lại dây chằng, nếu không khớp gối sẽ bị mất vững, đi lại và vận động sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, đây là phẫu thuật có thể trì hoãn, cần phải chữa trị ổn định tình trạng tụ dịch khớp gối và các tổn thương phối hợp sau đó mới tiến hành phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo. Do vậy, bạn có thể trì hoãn mổ tới cuối tháng 3.

Còn đối với hiện tượng tràn dịch khớp gối, nếu lượng dịch nhiều thì cần phải được chọc hút dịch và sau đó cần nẹp bất động để tránh tràn dịch tái phát. Phẫu thuật tái tạo các dây chằng chéo được thực hiện bằng phương pháp mổ nội soi khớp gối. Phẫu thuật này là kĩ thuật tương đối phức tạp nên chỉ một số các cơ sở y tế lớn, chuyên khoa sâu mới có thể triển khai được.

Chúc bạn khỏe!

Bị đứt 2 dây chằng chéo trước, đã mổ tái tạo có khả năng phục hồi như ban đầu không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ ạ.

Em là vận động viên là nam năm nay 25 tuổi, do bị tai nạn nên bị đứt 2 dây chằng chéo trước và đã phẫu thuật được một tháng. Vừa rồi em có mổ do một bác sĩ không thấy kinh nghiệm mổ tái tạo. Em có đi khám bác sĩ chuyên y học thể thao thì bác ấy bảo là bác sĩ kia mổ kỹ thuật cũ và vết gắn óc thấp hơn so với kỹ thuật nội soi hiện nay dẫn đến dây chằng hơi lỏng. Và khó có thể chơi thể thao lại được, thật sự em rất lo lắng vì lý do chuyên môn nên em mới mổ bác sĩ mổ em do huấn luyện viên chỉ định. Bây giờ em đã bỏ nẹp và đi thẳng chân với băng thun quấn và đi chậm. Đang tập vật lý trị liệu do bác sĩ ở y học thể thao dạy tập. Bác sĩ cho em hỏi nếu như vậy em có khả năng phục hồi đi đứng chạy nhảy bình thường được không ạ hay phải chụp hình kiểm tra và phẫu thuật lại? Vì bác sĩ mổ cho em hoàn toàn chỉ muốn mổ xong rồi không hề giải đáp em gì thêm ngoài tập co cơ và đá tạ. Gối em hiện giờ vẫn sưng hơn so với chân lành co vào đã được 130 độ. Nhưng mỗi sáng thức dậy em đều bị cứng gối phải ép thẳng ra lại, như vậy có sao không?

Em xin cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Như vậy là bạn vẫn trong giới hạn bình thường của quy trình mổ tái tạo dây chằng chéo trước. Việc tập luyện bạn không được bỏ tắt giai đoạn, tuân thủ đúng những quy định của nhân viên vật lý trị liệu, thường phải sau 3 tháng mới tập các vận động bình thường, và sau 8-9 tháng các chức năng khớp gối mới hoàn toàn bình phục.

Chúc bạn mạnh khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl