Thắc mắc về bệnh viêm khớp ở người trưởng thành


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Viêm khớp là một căn bệnh có nhiều nguyên nhân và không phân biệt nhiều về đối tượng mắc phải. Bài viết sau sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức hay nhất về vấn đề này ở người trưởng thành.

Bệnh viêm khớp dạng thấp


Câu hỏi bởi: Phạm Thị Bé

Thưa bác sĩ, năm nay tôi 48 tuổi, là giáo viên, bị khớp đã 12 năm, đi lại rất khó khăn. Hiện đang dùng thuốc medrol, nhưng dạo gần đây bị tái phát sưng cổ chân và gối không đi lại được.
Nhờ bác sĩ tư vấn dùm cách điều trị tốt nhất, để sớm đi lại được bình thường.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Bệnh viêm khớp hoặc thấp khớp là bệnh mãn tính, đòi hỏi phải sử dụng thuốc thường xuyên dài ngày. Bạn đang sử dụng thuốc Medrol là một loại thuốc kháng viêm dạng corticoide mạnh, nếu dùng nhiều có nhiều tác dụng phụ, đồng thời có hiện tượng tác dụng của thuốc giảm dần (nhờn thuốc).

Vì vậy bạn phải định kỳ khám bệnh bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để bác sĩ điều chỉnh liều và phối hợp nhiều loại thuốc để tăng hiệu quả thuốc, giảm liều một loại thuốc và tránh hiện tượng nhờn thuốc, trong điều trị bệnh khớp không nên uống một loại thuốc đơn độc.

Đối với những người bị bệnh đã nhiều năm đã điều trị tích cực nhiều mà bệnh không khỏi thì càng cần phối hợp nhiều loại thuốc và cần tránh sử dụng thuốc kháng viêm dạng corticoide để tránh hiện tượng suy tuyến thượng thận, rối loạn chuyển hóa muối nước (phù, nặng mặt, tăng giữ nước…). Thuốc khả dụng thay thế là PH8 (aspirin) , thuốc được bọc trong lớp bao phim chỉ tan trong ruột, tức là uống nguyên cả viên, thuốc xuống ruột non mới tan để tránh hiện tượng kích ứng niêm mạc dạ dày.

Như vậy bạn đang ở giai đoạn viêm cấp thì vẫn phải dùng corticoide đường tiêm, tiêm trực tiếp vào gần vùng viêm, với thời gian ngắn ngày (2-3 ngày), nên dùng Bethamethazon tiêm hoặc Solu medrol. Sau đợt kịch phát thay thế dần bằng các thuốc kháng viêm dạng phi steroid như Ph 8, Indomethacin, Diclophenac,….
(xem thêm: http://ehospital.vn/nguyen-nhan-trieu-chung-cua-benh-thap-khop-1822.html )
Chúc bạn mau lành bệnh.

Viêm khớp hai bờ vai


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Dạ, chào bác sĩ! Má cháu năm nay đã 46 tuổi, rất hay làm những công việc nặng nhọc liên quan đến cử động đến hai bờ vai quá nhiều, rất hay tê hai cánh tay. Đi lên bệnh viện khám bác sĩ cứ bảo qua Đông Y khám mà không chụp phim, dùng thuốc Đông Y thì không hết bệnh. Đi khám ngoài, họ chụp phim thì bảo là viêm khớp hai bờ vai, dây chằng bị chèn nên tê tay, cho thuốc rồi uống thì má cháu bảo là đỡ đỡ, hết thuốc đau lại, nhiều lúc nặng quá dẫn đến sưng khớp, sưng từ bờ vai đến cánh tay. Bác sĩ ngoài tiêm dịch nhờn để cánh tay dễ hoạt động không bị đau. Nhiều lúc bác sĩ trên bệnh viện bảo là nên tập vật lý trị liệu thì má cháu nói là không thấy thời giờ để làm việc. Bác sĩ ơi! Liệu có cách nào có thể trị bệnh này dứt điểm không ạ? Có thuốc nào có thể trị được không ạ? Nó có tác động gì đến bại liệt cánh tay hay là tuổi thọ không bác sĩ? Mong bác sĩ giúp đỡ!

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào cháu.

Những biểu hiện của mẹ mà cháu kể trong thư nghĩ nhiều đến lí do là do bệnh viêm quanh khớp vai. Viêm quanh khớp vai là bệnh tương đối phổ biến ở người trên 40 tuổi, gây đau ở vùng vai và hạn chế vận động của khớp vai.

Biểu hiện:

Đau nhức vai, cử động khớp vai thấy đau nhiều và không thoải mái như trước. Có thể tự kiểm tra khớp vai bằng các động tác:

Đưa tay thẳng ra trước mặt. Giơ cao cả hai tay lên bằng nhau. Đưa tay ra phía sau giống như động tác móc ví ra từ túi sau. Cánh tay để sát người và co gấp khủy tay, rồi xoay tay ra, sao cho bàn tay nằm phía ngoài và hai bên ở vị trí giống hệt nhau.

Nếu thấy khớp bị đau hoặc cứng khi làm những động tác này thì có thể nghĩ đến bệnh viêm quanh khớp vai.

Tiến triển:

Thông thường, bệnh sẽ tiến triển trong một – ba năm theo ba giai đoạn như sau:

Giai đoạn đau nhiều: đau vùng vai, cử động gây đau tăng lên. Nhiều người hoàn toàn không thể nằm ngủ nghiêng người về bên vai bị đau. Giai đoạn đau này kéo dài ba – tám tháng. Giai đoạn dính khớp: đau không còn nhiều nữa, nhưng cử động khớp vai theo các hướng như trên bị hạn chế. Tùy từng người bệnh, có thể dính cứng hoàn toàn theo mọi hướng hoặc chỉ bị hạn chế nhiều ở một hướng (ví dụ khi đưa tay ra sau), trong khi các hướng còn lại (lên trên, ra trước, xoay ngoài) không bị tác động nhiều. Giai đoạn này kéo dài bốn – sáu tháng. Giai đoạn phục hồi: có thể sẽ không trở về như bình thường, nhưng nếu cố gắng tập thì dần dần cũng hồi phục. Giai đoạn này kéo dài ít nhất vài tháng.

Điều trị:

Có hai loại viêm quanh khớp vai là nguyên phát và thứ phát. Nguyên phát tức là không tìm được lí do rõ ràng. Nhiều tài liệu cho rằng đây là bệnh tự miễn dịch, tức là cơ thể sinh ra các chất (gọi là kháng thể) để tấn công vào bao của khớp vai. Thứ phát tức là có lí do, ví dụ chấn thương khớp vai nhiều lần, vận động khớp quá mức, hoặc bị lạnh.

Bệnh việm quanh khớp vai không làm giảm tuổi thọ và không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng tác động nhiều đến chất lượng sống và khả năng vận động của cánh tay. Bệnh không thấy thuốc đặc trị, do đó việc chữa trị cần kết hợp nhiều biện pháp và cần sự kiên trì. Cần phải kết hợp chữa trị bằng thuốc với vật lý trị liệu và tập vận động. Bệnh nhân thường được uống thuốc nhóm corticoid và thuốc nhóm kháng viêm.

Dùng các corticoid bằng đường toàn thân, ví dụ như uống prednison, hoặc tiêm bắp thịt dexamethason, hay tiêm tĩnh mạch solu-medrol. Khi đau nhiều, cũng có thể tiêm chích trực tiếp vào vùng xung quanh khớp vai. Dùng các thuốc kháng viêm, ví dụ diclofenac, piroxicam, meloxicam… Thường là uống, hoặc tiêm bắp thịt. Một số tình huống cần phải phẫu thuật để cắt bỏ sẹo xơ dính hoặc bị vôi hóa.

Đây đều là những thuốc có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm. Do đó việc sử dụng thuốc phải tuyệt đối tuân theo chỉ định của Bác sĩ chuyên khoa. Do đó mẹ cháu không nên tự chữa bệnh, cũng không nên bó cứng vai bằng các loại thuốc Nam, vì sẽ làm tăng nguy cơ bị dính cứng khớp. Tốt nhất nên đi khám các bác sĩ chuyên khoa xương khớp, hoặc chuyên khoa vật lý trị liệu, các bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh để có hướng dẫn chữa trị cụ thể.

Chúc mẹ cháu chóng khỏe!

Viêm khớp dạng thấp hay bệnh gút?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Cảm ơn bác sĩ!

Em năm nay 25 tuổi, nam giới. Cách đây 3 năm bị đau cổ chân trái và đi khám, thử máu thì nồng độ axit uric cao. Bác sĩ chuẩn đoán là gout nhưng năm nay không chỉ đau mình cổ chân mà còn xuất hiện đau thêm ở khuỷu tay phải. Đi khám thì bác sĩ lại bảo em bị đau viêm khớp dạng thấp. Vậy em hỏi bác sĩ em bị bệnh gì?

Cảm ơn bác sĩ

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào em!

Khi xét nghiệm máu có nồng độ axit uric máu > 70mg/l, kết hợp với sưng đau các khớp riêng lẻ là chẩn đoán bệnh Gút. Bệnh này chủ yếu gặp ở nam giới tuổi trên 40. Khớp hay bị nhất là khớp ngón chân cái, ngoài ra có thể bị ở khớp cổ chân, gối, khuỷu tay, cổ tay, bàn tay; ít gặp ở các khớp lớn như khớp vai, háng, cột sống. Điều trị trong đợt cấp uống thuốc giảm đau Nsaid, Colchicine; các thuốc tăng đào thải và giảm tổng hợp axit uric.

Bệnh viêm khớp dạng thấp thì lại chủ yếu ở phụ nữ tuổi trung niên, triệu chứng bằng đau các khớp đối xứng và cứng khớp vào buổi sáng, đau chủ yếu là các khớp ngoại vi. Vì vậy bệnh của em nghĩ nhiều hơn tới Gút mặc dù tuổi em còn trẻ. Em nên đi xét nghiệm máu để biết chính xác hơn và chữa trị đúng.

Chúc em mạnh khỏe.

Viêm khớp chậu có khả năng trị dứt điểm không?


Câu hỏi bởi: Thanh

Chào bác sĩ.

Cháu là nữ, 24 tuổi, chưa lập gia đình và cũng chưa từng quan hệ tình dục. Khoảng hơn một năm trước cháu xuất hiện biểu hiện đau dọc 2 đùi (thỉnh thoảng mới bị đau và thường bị đau lúc chuyển tư thế từ nằm sang ngồi, đi lại). Cháu đã đi khám bác sĩ Thần kinh nội và bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm khớp chậu cấp, dẫn đến ức chế và gây đau dây thần kinh. Bác sĩ chữa trị cho cháu bằng thuốc uống và tiêm, kết hợp ít vận động mạnh, uống thực phẩm chức năng UCII, cháu không còn bị đau dọc 2 chân nữa. Tuy nhiên bệnh không khỏi dứt điểm, thỉnh thoảng khi chuyển tư thế cháu vẫn bị đau quanh vùng hông, sau mông, xương cụt. Nhưng đến thời gian gần đây cháu bị đau dữ dội hơn. Cháu tìm hiểu thì được biết bệnh viêm khớp chậu hay gặp phải ở những người đã có gia đình, viêm nhiễm, nạo hút thai… Vậy cháu muốn hỏi bệnh của cháu có nguy hiểm không? Có khả năng trị dứt điểm, và đối với người chưa quan hệ tình dục như cháu thì có khả năng bị viêm nhiễm phụ khoa dẫn tới viêm khớp chậu không ạ? Và nếu chữa trị bệnh về xương khớp thì nên tới cơ sở y tế nào ạ? Cháu rất mong sớm nhận được câu trả lời của bác sĩ.

Cháu cảm ơn bác sĩ nhiều!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Bệnh viêm khớp cùng chậu có thể gặp ở cả nam và nữ, ở cả người đã quan hệ tình dục hoặc chưa quan hệ.

Nguyên nhân gây viêm có thể do yếu tố nhiễm khuẩn hoặc không do nhiễm khuẩn. Các yếu tố nhiễm khuẩn có thể gây viêm khớp cùng chậu ở nữ giới như: các viêm đường tiết niệu, các viêm nhiễm phụ khoa (viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, viêm niêm mạc tử cung, viêm phần phụ,…), hay vùng kín không được vệ sinh sạch sẽ nhất là trong những ngày hành kinh,… Hoặc khớp cùng chậu có thể bị viêm do các bệnh lý tự miễn tức là cơ thể tự sinh ra các kháng thể để chống lại chính mình do đó gây phản ứng viêm.

Bạn nên đi khám chuyên khoa Cơ Xương Khớp của các bệnh viện để bác sĩ trực tiếp khám và chữa trị cho bạn.

Chúc bạn mau khỏe!

Cách điều trị bệnh viêm khớp


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Ba tôi năm nay 61 tuổi, ông bị huyết áp. Trước đây ông thường bị tê mấy ngón tay, cách đây 2 tuần tay chân bị phù to, căng cứng, đau nhức. Ông đã đi khám cơ xương khớp, bác sĩ nói viêm khớp, tích nước dưới cơ, hiện nay tay ông bớt sưng nhưng vẫn rất đau nhức. Ông đã đi chụp X-quang, siêu âm, thử máu và nước tiểu nhưng vẫn không khỏi. Xin nhờ bác sĩ giải đáp giúp ba tôi.

Xin cảm ơn!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Bệnh viêm khớp có thời gian chữa lâu, không thể khỏi sau một hai liều chữa trị. Bạn cần kiên trì chữa một thời gian, nếu thấy không chuyển thì có thể đưa bố đi khám bệnh ở tuyến cao hơn hoặc chuyển sang uống thuốc Đông y, thuốc Nam.

Chúc ba của bạn mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl